Nhân Quả , Nghiệp & Luân Hồi – Chương V

Nhưng có một vài trường hợp mà cận tử nghiệp không đồng một tính chất với tích lũy nghiệp và tập quán nghiệp, chẳng hạn như một người trong đời quá khứ và hiện tại phần nhiều đều gieo nhân lành, đều có nhiều hành động thiện, nhưng khi lâm chung, vì một lý do nào đó, có những ý nghĩ, hành động bất thiện, nghĩa là tạo một cận tử nghiệp bất thiện, như tham đắm, giận dữ v.v… thì cận tử nghiệp này sẽ dắt dẫn đến một hoàn cảnh bất thiện, như sanh vào một gia đình tham đắm, hay giận dữ v.v…

Nhưng nghiệp chính của người này là thiện thì trong đời sau này, người ấy sẽ hưởng quả thiện, mặc dù sống trong gia đình ác.

Hay trái lại, tích lũy và tập quán nghiệp của người ấy là ác, nhưng khi lâm chung, người ấy biết ăn năn hối cải, tha thiết nghĩ đến điều thiện và nhờ những người chung quanh hộ niệm chú nguyện cho, nên tạo ra một cận tử nghiệp thiện. Nghiệp này sẽ dắt dẫn đầu thai vào một gia đình thiện. Nhưng nghiệp chính của người này trong quá khứ là ác, cho nên sau ít lâu sống trong gia đình ác ấy, các nghiệp quả ác lại xuất hiện. Do đó mới có những trường hợp cha mẹ ác có con thiện, hay cha mẹ thiện có con ác.

V. Có người hỏi: Nếu có Luân hồi thì khi chết rồi, một người chỉ sanh ra một người thôi, tại sao trên thế giới này, khi mới khai thiên lập địa chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân loại mỗi thêm đông? Vậy do đâu mà có nhiều người thế?

Trả lời: – Trong đoạn Luân hồi, chúng tôi đã nói: chúng sinh luân hồi trong trong sáu cảnh giới là: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỉ, súc sinh, địa ngục. Chúng sinh ở cảnh giới này có thể đầu thai qua cảnh giới khác, đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống, chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú có những tâm trạng giống người có thể đầu thai làm người được, cũng như những người có tâm trạng lang sói sẽ trở thành lang sói.

Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng tôi cũng có nói rằng trong các kinh Phật dạy: thế giới trong vũ trụ này nhiều như cát sông Hằng, chứ đâu phải chỉ một quả đất này là trung tâm điểm của vũ trụ và có người? Các nhà bác học cũng công nhận mỗi ngôi sao là một thế giới. Trong hằng hà sa số thế giới ấy, cũng có biết bao nhiêu là thế giới có hoàn cảnh giống như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây! Thế giới đã nhiều như thế, thì nhân loại đâu phải ít? Tại sao chúng ta không thể tin được rằng thế nào cũng có sự luân chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương diện tinh thần, về cái nghiệp giữa thế giới này với thế giới khác? Mỗi một thế giới sắp hoại thì chúng sinh ở thế giới ấy tản cư, mỗi thế giới đã thành, thì chúng sinh ở các thế giới đồng cảnh chung quanh tựu đến. Trong kinh Địa Tạng có nói:

“Thử giới hoại thời, hoàn ký tha phương …” (thế giới này hoại, thì gởi qua thế giới khác, thế giới khác hoại lại gởi đến thế giới khác nữa …) Như đô thành Ssaigon hiện giờ đây dân số rất đông, là do người ở các tỉnh đến. Khi giặc yên, dân chúng trở về các tỉnh thì dân số Saigon tự nhiên bớt. Dân chúng ở Đô thành nhiều hay ít là do người ở các nơi tụ đến hay tản đi. Trong thế giới hiện này nhân loại nhiều hay ít cũng như vậy.

Đứng về phương diện tổng thể mà nói, thì không có mất còn, sạch nhớp, thêm bớt, đầy vơi (bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm). Chỉ vì chúng ta có quan niệm hẹp hòi, chia cắt, khu biệt, đóng khung trong một cảnh giới nên mới thấy loài này, loài khác, thế giới này, thế giới khác hoàn toàn cách biệt nhau.

IV. Có người hỏi: Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được?

Trả lời: Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người, thú vật có hồn thú vật. Linh hồn người hay hồn thú, tuy người ta chưa hề thấy bao giờ, nhưng người ta tưởng tượng hễ linh hồn người thì có bóng dáng như người, hễ hồn chó, mèo thì có bóng dáng như chó mèo, và bất biến, dù chết hay sống, vì tưởng tượng như thế nên người không thể công nhận rằng: chết rồi linh hồn người lại chui vào thân hình chó, mèo, chẳng hạn, và hồn chó mèo lại nằm lốt thân hình người.

Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn (như đã nói ở đoạn trước) mà là một năng lực có nhuốm tính chất những hành động của mỗi chúng sinh. Vì tính chất riêng biệt ấy mà nghiệp lực nhập vào một hình thức này hay một hình thức khác do cái luật hấp dẫn “đồng sanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

“Thay vì nói người kia trở thành thú hay trái lại, thú kia trở thành người, đúng hơn nói rằng: nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú”. (Narada Maka Thera).

Một hôm có hai người đạo sĩ: một người tên Punna tu khổ hạnh theo lối sống của loài bò, một người tên Seniya tu khổ hạnh theo lối sống của loài chó, hai người này đến hỏi đức Phật về kiếp vị lai của họ. Đức Phật trả lời:

“Trong đời này, một gã kia thực hành trọn vẹn không thối chuyển những thói quen, những tâm trạng những tính cách của chó, gã ấy đã sống theo thói thường của chó, sau khi chết sẽ tái sanh trong loài chó”.

Đức Phật cũng giải thích như trên rằng: kẻ nào tu khổ hạnh theo bò, cũng sẽ tái sanh trong loài bò.

Thí dụ trên chứng minh một cách hùng hồn: nghiệp lực có thể dắt dẫn đi đầu thai bất luận trong loại nào, cảnh giới nào.

Không cần phải đợi đến đời vị lai, phải trải qua kiếp này đến kiếp khác, ngay chính trong tâm niệm, trong từng hoàn cảnh của cuộc đời hiện tại, con người cũng trải qua trạng thái của sáu loài: khi con người sanh lòng giận dữ chém giết, thì cảnh A tu la hiện khởi; khi con người ung dung tự tại sống trong nhung lụa huy hoàng thì cảnh giới thiên đàng hiện khởi; khi con người sống trong cảnh chiến tranh bom đạn, trong cảnh kềm kẹp giam cầm, tra khảo dã man, nào bị treo ngược, nào bị đổ nước sôi v.v… thì đó là cảnh giới địa ngục.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.