Những Câu Chuyện Thiền Môn – Bên dòng suối

Suốt một tuần nay, người ta không thấy bà bảy xuống phố mua đồ. Mỗi lần ra chợ, bà thường hay đi vào những cái sạp bán rau cải và trái cây. Những người bán biết bà ở chùa nên họ thường ủng hộ rau trái cho chùa. Đó là những Phật tử thuần thành hiểu đạo. Họ nghĩ nếu mình thành tâm cúng dường thì mình sẽ được hưởng phước báo. Họ cũng hiểu được chút ít về lý nhân quả. Và họ cũng thường xuyên áp dụng lý nhân quả vào cuộc sống. Cho nên, mỗi khi họ thấy bà bảy, thì họ rất vui vẻ hỏi han và phát tâm cúng dường.

Bà bảy cũng muốn cho họ gieo duyên lành với Tam bảo, nên khi họ cúng dường thì bà đều nhận. Họ còn nói với bà là tụi con bận việc nên ít khi đến chùa. Thật ra, thì tụi con cũng muốn tới chùa tu học và làm công quả lắm. Lúc nào trong tâm của tụi con cũng nhớ đến chùa. Mỗi lần lên chùa lòng tụi con cảm thấy rất vui, như trút đi những gánh nặng ưu phiền. Nhất là gặp lại các bạn đạo tay bắt mặt mừng hỏi han chuyện trò vui vẻ. Những lúc ấy tụi con rất thích.

Do chỗ quen biết thân tình, nên tuần nay không thấy bóng dáng bà bảy ra chợ, lòng họ cũng cảm thấy hơi buồn. Nhưng họ cũng không biết lý do tại sao. Hỏi ra, mới biết là bà đã bị bệnh nặng hiện đang nằm điều trị ở bệnh viện. Từ chùa đến bệnh viện cũng khá xa. Vì chùa nằm trên vùng đồi núi cách xa làng mạc nên ít có người lui tới. Từ khi bà ngã bệnh nặng, thầy Huệ Văn và chú Huệ Minh cứ thay phiên nhau đến thăm viếng và chăm sóc cho bà. Vì bà không có con cháu thân nhân ruột thịt chi cả. Bà mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Như có lần bà đã kể hết tình cảnh trái ngang cay đắng của bà cho chú Huệ Minh nghe. Và chú Huệ Minh cũng đã kể lại đầu đuôi câu chuyện cho vị sư huynh của mình nghe. Do vậy, nên hai người đều rất cảm thông và rất yêu thương kính mến bà. Nhất là chú Huệ Minh. Chú luôn coi bà như là người thân nhân ruột thịt của chú. Có lần chú gọi bà là bà ngoại. Nghe kêu hai tiếng đó, lòng bà vô cùng sung sướng và ngậm ngùi cảm động đến rơi lệ. Là người từ nhỏ đã mất hết tình thương, bà luôn thèm khát một chút tình thương yêu ruột thịt. Nhưng cả đời bà nào có được đâu! Nay không ngờ bà lại nghe được tiếng kêu đó. Một tiếng gọi tuy ngắn gọn chỉ có hai chữ thôi, mà nó như chứa đựng cả một bầu trời trống vắng. Bà vừa mừng vừa tủi, tủi cho số phận hẩm hiu cô độc lẻ loi của mình.

Bởi do hai người có cùng cảnh ngộ nên họ rất yêu thương quý mến nhau. Ngoài tình đồng đạo ra, họ còn coi nhau như tình ruột thịt. Những lúc chú Huệ Minh ngã bệnh, bà bảy cũng hết lòng lo lắng chăm sóc. Bà lo cho chú từng miếng ăn giấc ngủ. Lúc nào bà cũng quan tâm theo dõi. Do đó, nên hôm nay khi bà ngã bệnh chú cũng tận tâm lo lắng chăm sóc cho bà. Thỉnh thoảng, nhà sư trụ trì cũng có đến thăm. Khi nhìn thấy nhà sư bà mừng lắm. Bà mừng và cảm động đến chảy nước mắt. Bà cố đè nén cơn xúc động nhưng không cách nào dằn được. Bà mừng và xúc động đến nổi không thốt ra lời. Nhà sư thấy thế cũng cảm thương và rồi dùng lời khuyên lơn an ủi bà. Nhà sư nhắc nhở bà cố gắng nhiếp tâm niệm Phật. Những lúc bệnh hoạn như thế nầy, là thời gian quý báu để mình hết lòng niệm Phật. Bà tỏ ra rất biết ơn và quý kính vị Thầy của mình.

Nhờ sự quan tâm chăm sóc và tận tình điều trị của bác sĩ, nên bệnh tình của bà ngày thuyên giảm dần. Hôm nay trông bà khỏe nhiều. Bác sĩ cho biết là bà có thể xuất viện được. Thầy Huệ Văn lo làm thủ tục giấy tờ để cho bà xuất viện. Mới vắng xa chùa chỉ có hơn một tuần lễ thôi, mà bà cảm thấy như rất lâu xa. Nghe nói được xuất viện bà mừng lắm. Bà lúc nào cũng mong được về chùa, vì bà rất nhớ chùa.  Nguyện ước của bà là mong được chết ở chùa. Lúc khỏe mạnh bà niệm Phật rất tinh tấn. Ngoài những lúc nấu nướng và làm những công việc lặt vặt ra, người ta thấy trên tay của bà lúc nào cũng lần chuỗi niệm Phật. Khi thì bà niệm thầm, lúc thì bà niệm ra tiếng. Bà đã được thầy trụ trì chỉ cách niệm Phật cho bà rất kỹ lưỡng. Do đó, nên bà chuyên cần bền tâm niệm Phật một cách rất tha thiết.

Do hằng ngày huân tập hành trì niệm Phật như thế, nên khi ngã bệnh lúc nào bà cũng nhớ niệm Phật. Bà quyết tâm niệm Phật để mong được vãng sanh về Cực Lạc,tận mặt thấy Phật A Di Đà. Thầy trụ trì có dành cho bà một căn phòng riêng. Một căn phòng tuy nhỏ hẹp, nhưng bà rất thích. Vốn là người tỉ mỉ kỹ lưỡng, nên bà sắp xếp căn phòng của bà rất trang hoàng ngăn nắp. Thỉnh thoảng chú Huệ Minh cũng hay đến phòng bà. Chú rất thích trò chuyện với bà. Chú cũng hay khuyên bà niệm Phật.

Những lúc rảnh rỗi bà cũng thường hay ra vườn để chăm sóc nhổ cỏ, tưới nước mấy liếp rau cải. Bà thích nhất là mấy dây khổ qua. Bà thường hay cắt những trái khổ qua để nấu canh. Có lần trong lúc làm vườn, chú Huệ Minh cắt cớ hỏi bà:

–         Tại sao bà lại thích làm vườn?

Không cần suy nghĩ bà trả lời ngay: Vì làm vườn mình có dịp tiếp xúc chăm sóc với những thứ mà do chính mình đã gieo trồng tạo ra nó. Vừa được hít thở không khí tươi mát trong lành của thiên nhiên đất trời, tâm hồn mình lại còn cảm thấy rất vui tươi thoải mái nữa. Khi nhổ một cây cỏ, hay sửa lại một cành cây, thì lòng mình cảm thấy rất an thoát nhẹ nhàng. Vì những thứ nầy không có làm phiền mình. Hơn thế nữa, mình còn có hoa lợi để dùng. Như vậy không thích sao được hả chú?

Nói đến đây, bà ngừng lại và rồi đưa mắt nhìn vào mấy cây cải bẹ xanh trải lá xanh tươi trước mặt. Khi đó, chú Huệ Minh lấy tay nhổ vài cọng cỏ và nói:

–         Bà nói đúng lắm, nhưng bà quên một điều mà hôm trước sư phụ đã dạy cho bà.

–         Điều gì, tôi quên rồi, chú nói thử.

Tôi nhắc lại cho bà nhớ: “Sư phụ nói, khi mình làm vườn nhổ những cây cỏ dại, giống như là mình đang dẹp trừ những thứ phiền não trong tâm. Vì những thứ đó nó vô ích giống như những loài cỏ hoang dại vậy. Mình cần phải loại trừ chúng nó không nên để chúng nó mọc đầy trong vườn tâm của mình. Có nhổ sạch như thế, thì khu vườn tâm của mình mới sạch sẻ tươi mát. Như vậy, tu là mình phải siêng năng để lo tảo thanh dẹp trừ những thứ phiền não dây mơ rễ má đó. Có dẹp trừ chúng nó, thì lòng mình mới an thoát nhẹ nhàng. Như vậy, nhổ cỏ cũng là cách mà mình vừa làm đẹp khu vườn vật lý, mà cũng vừa làm đẹp khu vườn tâm lý của mình nữa. Tu hành là vậy đó. Đồng thời mình cũng phải chăm sóc thường xuyên thân tâm mình giống như mình chăm sóc khu vườn vậy.

Nhiều lúc mình cứ nghĩ, niệm Phật, tụng kinh, trì chú như thế là tu rồi. Nhưng xét kỹ, cũng chưa hẳn là tu đâu. Coi chừng mình làm theo thói quen cho có lệ đó. Bởi tu là sửa đổi là chuyển hóa. Sửa đổi hay chuyển hóa những thứ xấu ác trở thành tốt lành, chuyển tà thành chánh, chuyển dở thành hay v.v…Khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng, mà tâm mình không có nổi tham, sân, si, như thế mới gọi là tu. Chớ không phải mình chỉ biết tụng kinh, trì chú, niệm Phật cho nhiều mà gọi là tu đâu. Sư phụ còn nói, có người họ chỉ biết tụng niệm bên ngoài thôi, nghĩa là họ chỉ biết sử dụng cái miệng tụng niệm phát ra âm thanh thành tiếng, nhưng kỳ thật thì trong lòng của họ chứa đầy phiền não tham, sân, si v.v… Nghĩa là trong tâm của họ vẫn còn nguyên vẹn phiền não, không có giảm bớt đi chút nào. Coi chừng không khéo mình tu mà trở thành giống như cái máy phát thanh tụng kinh, niệm Phật hồi nào mà mình không hay biết”. Người tu là phải thường xuyên nhìn kỹ lại mình. Có nhìn kỹ lại mình thì mới thấy được lỗi lầm của mình. Thấy lỗi để mà sửa đổi, đó mới gọi là tu. Có thế, thì sự tu hành của các con mới có tiến bộ. Đó là những lời mà sư phụ thường thức nhắc cho mình khi làm vườn đó bà quên rồi sao?

Nãy giờ bà bảy lắng nghe rồi nói: nhờ chú nhắc tôi mới nhớ. Người già thì hay quên lắm chú ơi! Nhiều khi tôi nghĩ cũng buồn. Hồi còn trẻ thì mình không chịu lo học hỏi, đến khi già cả, thì dù cho có muốn học hỏi đi nữa thì nó cũng không còn nhớ được gì. Học trước quên sau, nói điều nầy, sang qua điều khác, thật không đâu vào đâu cả. Đó là cái bệnh hay quên đảng trí của người già. Bây giờ chú còn trẻ, thì chú ráng lo cần mẫn siêng năng học hành, chớ đừng có ham chơi để đến già lú lẫn giống như tôi thì khổ lắm đó nhe!

Bà nói tiếp, dù sao tôi cũng cám ơn chú đã nhắc cho tôi nhớ lại lời sư phụ dạy. Lời dạy của sư phụ rất là thực tế trong việc tu hành.

Có hôm, sau khi làm vườn, hai người đến ngồi bên bờ suối để hóng mát. Nhìn thấy dòng suối nghe tiếng nước chảy róc rách, bất giác bà bảy rơi lệ. Những giọt lệ đau thương chảy dài xuống đôi má của bà. Chú Huệ Minh như thầm hiểu được tâm cảm của bà. Sau một giây phút trầm lắng, chú liền hỏi:

–         Hôm nay nhìn thấy bà hơi khác lạ, có phải bà đang có tâm sự gì phải không? Nếu có, thì bà đừng ngần ngại cứ nói cho tôi biết. Tôi có thể chia sẻ cùng bà.

Qua câu hỏi của chú Huệ Minh, như khơi dậy đúng tâm tư của bà. Do đó, nên bà không chút ngần ngại mà tỏ bày cho chú Huệ Minh nghe. Bởi chú Huệ Minh cũng có ẩn chứa một tâm tư giống như bà. Vì vậy mà hai người họ dễ dàng thông cảm chia sẻ với nhau.

Bà nói: như chú biết, cứ mỗi lần nghe Vu Lan đến, lòng tôi cảm thấy rất đau buồn. Hai chữ Vu Lan gợi cho tôi bao nỗi nhớ nhung về quá khứ. Nhớ đến cuộc đời và thân phận của tôi. Nhất là nhớ đến ông bà cha mẹ, những người thân ruột thịt của mình không còn ai cả. Mình bất hạnh, từ lúc mới mở mắt chào đời cho đến khi lớn lên luôn sống trong cảnh mồ côi chứa chan đầy nước mắt. Biết bao cảnh khổ dồn dập đến với mình. Sống lẻ loi cô độc nên thường bị người ta khinh khi hiếp đáp. Thấy những đứa trẻ cùng trang bạn lứa tuổi với mình, sao chúng nó được diễm phúc hơn mình nhiều quá. Chúng nó có cha mẹ, có ông bà bên nội, bên ngoại đầy đủ. Chúng nó có quá nhiều tình thương. Còn nhìn lại mình là kẻ mang thân phận của một đứa trẻ tứ cố vô thân, lại thêm bị người đời hất hủi ruồng bỏ. Sống lang thang không cửa không nhà, cứ rày đây mai đó. Ăn thì có bữa đói bữa no. Hôm nào gặp được những người có lòng nhân ái thương người thì họ cho mình chút ít tiền bạc hoặc là chút đồ ăn dư thừa. Còn có những người không có lương tâm tình người thì họ nhìn mình bằng đôi mắt khinh bỉ. Thân phận của kẻ mồ côi sống lang thang bụi đời sương gió là như thế đó.

Nãy giờ, chú Huệ Minh lắng nghe bà bảy tâm tình thổ lộ. Chú không cầm được nước mắt. Chú khóc cho bà mà cũng khóc lại cho thân phận của chú. Khóc vì nghĩ đến mình cũng mang thân phận của một đứa trẻ mồ côi. Nhưng chú không đến nổi bất hạnh quá đau khổ như bà. Chú mất mẹ lúc lên mười tuổi. Sau đó chú lại được vào viện mồ côi. Cho đến khi chú gặp được nhà sư trụ trì và nhà sư cho chú xuất gia. Tuy vậy, nhưng hôm nay nghe bà bảy tâm sự với chú như thế, lòng chú cũng dâng lên tràn đầy bao nỗi nhớ niềm thương. Nhớ mẹ và nhớ lại tất cả những gì thân thương quen thuộc. Nhứt là nhớ lại khoảng đời thơ ấu bất hạnh đau khổ của mình. Cứ mỗi mùa Vu Lan đến, chú hồi tưởng về mẹ. Hôm nay, như có dịp để chú phơi bày tâm sự nỗi nhớ thương về mẹ của mình.

Chú nói: Bà ơi! người ta thường nói, mẹ là nguồn suối yêu thương luôn tuôn chảy bất tuyệt. Mẹ là cả một bầu trời yêu thương dịu ngọt. Mẹ là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau. Tình mẹ bao la rộng lớn như biển thái bình phải không thưa bà? Thử ngẫm lại cuộc đời của bà và tôi có được tận hưởng tình mẹ đó không? Bà và tôi đã mất đi tình thương của mẹ lâu rồi! Một thứ tình thương dù mình có khao khát đến đâu cũng không thể có. Nguồn suối yêu thương vẫn luôn tuôn chảy bất tận. Nhưng bà và tôi thật là bất hạnh có bao giờ được tắm mình trong dòng suối yêu thương tuôn chảy tươi mát đó đâu. Suối thì lúc nào cũng ngọt dịu tươi mát, nhưng cuộc đời của mình thì lại quá đắng cay! Bà và tôi đã mất đi tình thương từ lúc còn ngây thơ nhỏ dại. Nhưng bà ơi! Tuy cuộc đời mình sanh ra đã bất hạnh xấu số như thế, nhưng bù lại hôm nay mình cũng còn có chút phước thừa, là được sống trong cảnh thiền môn thanh tịnh. Bà và tôi lại được sưởi ấm trong tình yêu thương của thầy của bạn. Đó có phải là một diễm phúc lớn của mình không hả thưa bà?

Chú nói tiếp, bà ơi! cuộc đời nầy còn có nhiều người khổ hơn gấp trăm ngàn lần mình nữa đó. Tuy mình mồ côi không cha không mẹ, không cửa không nhà, không có một người thân ruột thịt sớm hôm gần gũi, nhưng thân thể của mình vẫn còn lành lặn. Bà không thấy, có nhiều người đã mồ côi mà lại còn mang bệnh tật suốt cả cuộc đời. Có người từ nhỏ tới lớn họ chưa từng thấy cảnh sắc xinh đẹp phơi bày trước mắt. Mặc dù trước mắt họ là cả một thiên đường màu sắc thơ mộng. Nhưng họ nào có được nhìn thấy đâu. Vừa lọt lòng mẹ, là họ đã bị mù lòa đôi mắt rồi. Họ là những người lại còn bất hạnh hơn mình nhiều nữa đó. Có người cả đời chưa từng nghe được một thứ âm thanh nào cả. Bởi thính giác của họ đã không còn tiếp nhận được âm thanh. Họ đã bị điếc từ lúc vừa mới lọt lòng mẹ. Còn và còn nhiều người đã bị tàn tật hay khuyết tật nữa đó bà ơi! Họ là những người thật bất hạnh hơn mình nhiều lắm. Bà nghĩ coi có đúng không? Như vậy, nghĩ ra, mình cũng còn có phước hơn những người đó nhiều. Hơn nữa, hôm nay mình còn được vui sống hít thở không khí an lành tươi mát ở trong chùa. Sớm kinh, chiều kệ, không bận tâm nghĩ đến việc đời, như vậy còn gì bằng phải không thưa bà? Bà ơi! Phật dạy, khổ hay vui, thiên đường hay địa ngục, tất cả đều do chính mình định đoạt tạo lấy. Đã thế, thì khi gặp cảnh khổ mình cũng đừng than thân trách phận, vì tất cả do mình tạo ra. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du có nói:

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Trách ai đây. Đừng trách ai cả mà hãy trách lại mình. Tại vì trong quá khứ mình vụng tu, nên hôm nay mình phải chịu trả cái quả báo bất hạnh như thế. Hiểu thế, thì bà và tôi cũng đừng có buồn phiền than thân trách phận nữa.

Tự nãy giờ bà bảy lắng hết tâm tư nghe chú nói. Thật đây là lần đầu tiên, bà bảy rất đổi ngạc nhiên. Ngạc nhiên, vì bà không ngờ chú Huệ Minh đã sớm trưởng thành nhanh chóng như thế. Những lời nói của chú hôm nay, y như là những lời khuyên của một người đã trải nhiều kinh nghiệm già dặn với cuộc sống ở đời. Đồng thời cũng hấp thụ nhiều ảnh hưởng đối với đạo pháp. Quả thật, những lời lẽ của chú có tác năng an ủi xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của bà rất lớn. Nghe qua những lời đầy chân tình mộc mạc đó, bà bảy cảm thấy như trút đi những gánh nặng ưu phiền. Bà từ tốn nói:

–         Tôi thật lòng cám ơn chú. Tôi mừng cho chú.

Chú Huệ Minh ngắt lời như không muốn để cho bà nói tiếp. Chú liền hỏi lại:

–         Thưa bà, bà nói mừng cho tôi, nhưng mà mừng cái gì mới được?

–         Tôi mừng cho chú là chú đã trưởng thành rồi.

–         Nhưng trưởng thành vấn đề gì chớ?

–         Thì trưởng thành về sự nhận thức sâu sắc qua sự tu học của chú.

Hai người vừa nói tới đây, thì thầy Huệ Văn xuất hiện. Thầy từ trong chùa đi ra và rồi đến ngồi bên cạnh chú Huệ Minh.

Thầy Huệ Văn nói: Nãy giờ hai người luận bàn chuyện gì? Mà trông thấy trên gương mặt của hai người có vẻ đăm chiêu như đang tư lự có vấn đề gì phải không? Có tâm sự gì hai người có thể bật mí cho tôi biết chút được không?

Như không chờ bà bảy nói trước, chú Huệ Minh vội trả lời:

–         Thú thật với sư huynh, nãy giờ đệ và bà bảy tâm sự với nhau về những chuyện quá khứ.

–         Chuyện quá khứ là chuyện gì? Có phải là chuyện tình cảnh đau thương của hai người không?

–         Đúng vậy. Sư huynh đã đoán đúng rồi. Mà nè sư huynh, nghe sư phụ nói, mùa Vu Lan năm nay, sư huynh đi giảng ở một ngôi chùa nào đó phải không?

–         Đúng vậy. Sư phụ dạy bảo, thì mình phải vâng lời thôi.

–         Mà sư huynh định giảng về đề tài gì vậy? Hấp dẫn lắm không? Có thể bật mí một chút cho đệ và bà bảy nghe được không?

–         Dĩ nhiên là được. Nè! huynh hỏi đệ,  mùa nầy là mùa gì?

–         Là mùa Vu Lan Báo Hiếu.

–         Vu Lan thì mình phải nói về báo hiếu, nó mới phù hợp chớ, có đúng không?

–         Vậy sư huynh có thể nói sơ về tình mẹ một chút được không? Tại vì sư huynh được diễm phúc thừa hưởng được tình yêu thương của mẹ nhiều hơn đệ và bà bảy.

Huynh cũng như đệ vậy. Huynh cũng mất mẹ từ năm huynh lên mười tám tuổi. Song có điều huynh mất mẹ tuổi lớn hơn đệ. Thật ra tình yêu thương của mẹ mình thừa hưởng không biết bao giờ cùng và cũng không có hạn cuộc vào thời gian hay tuổi tác chi cả. Huynh thiết nghĩ, ở trang tuổi nào mình cũng cảm thấy ấm êm khi còn có mẹ bên cạnh. Vì mẹ là người đã hy sinh cho mình quá nhiều. Có thể nói mẹ đã hy sinh tận tụy cả cuộc đời cho con. Tình mẹ thương con thì bao la cao cả. Thật không có lời lẽ hay bút mực nào mà có thể diễn tả nói hết được. Đệ thấy, có những kinh điển mà đức Phật luôn đề cao ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ. Đọc kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân, đệ thấy rất rõ điều đó.

Đệ à! Có nhiều lúc huynh cảm thấy hối hận khi nghĩ về mẹ quá.

–         Tại sao phải hối hận hả sư huynh?

–         Vì lúc mẹ còn sống, sao mình lại khờ dại làm cho mẹ phải đau buồn vì mình. Mẹ thương lo cho mình nhiều quá. Lẽ ra mình phải làm cho mẹ vui mới phải. Chữ “phải” mà huynh nói ở đây không có nghĩa là bổn phận đâu nhe đệ.

–         Tại sao mà không phải là bổn phận hả sư huynh?

–         Vì mẹ thương con chỉ biết thương con thôi và con thương mẹ cũng chỉ biết thương mẹ thôi. Thế là đủ rồi. Không cần phải dùng đến “bổn phận” chi cả. Bởi tình mẹ con là thứ tình yêu thiêng liêng cao cả và hết sức tự nhiên. Như khát thì mình uống nước. Đói thì mình cứ ăn. Không cần phải nghĩ đến uống ăn như thế nào. Còn có bổn phận thì còn bị ràng buộc vào đạo đức luân lý. Chính đó cũng là cái hàng rào làm mất đi cái tự nhiên yêu thương của mẹ con.

Đối với huynh, huynh thương mẹ thì huynh chỉ biết là yêu thương mẹ thôi. Song có điều cho đến bây giờ huynh mới thực sự cảm nhận ra được điều đó. Chớ ngày xưa lúc mẹ còn sống, làm sao mình có đủ kiến thức nhận ra được điều đó chớ phải không? Chỉ làm cho mẹ khổ, mẹ buồn lo là có. Rất tiếc là chúng mình đã mất mẹ. Nếu như còn mẹ, thì đâu cần đợi đến mùa Vu Lan mình mới lo báo hiếu. Mà giây phút nào mình cũng làm cho mẹ vui cả. Mình chỉ cần biểu lộ tấm lòng yêu thương của mình cho mẹ biết là mình đã thực sự yêu thương mẹ.

Nói đến đây, chú Huệ Minh như không để cho sư huynh của mình nói tiếp, liền cắt ngang và hỏi:

–         Biểu lộ bằng cách nào hả sư huynh?

–         Có nhiều cách lắm đệ à.

–         Cách nào đâu sư huynh nói cho đệ và bà bảy nghe thử.

–         Chẳng hạn như mẹ đang ngồi may vá hay đang làm công việc gì đó, mình lại gần bên mẹ và ôm chằm lấy mẹ vào lòng cho thật chặt rồi khẻ nói với mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ có biết là con thương mẹ lắm không”. Hoặc khi mình đi học về chạy đến hôn vào mặt mẹ một cái cho thật nồng nàn, rồi nói nhỏ với mẹ: “Mẹ có biết mẹ là tất cả của đời con không”. Con còn có mẹ là còn tất cả đó mẹ à! Mẹ đã cho con quá nhiều tình thương mà con ngu quá không chịu tận hưởng cho hết. Mẹ ơi! Mẹ là món quà lớn nhứt của đời con đó. Còn và còn nhiều cách để mình biểu lộ với mẹ lắm đó. Mình biểu lộ một cách tự nhiên và ngây thơ, không cần “phải” hay “bổn phận” cái gì cả. Còn “phải” là còn có khách sáo và xa cách.

Như đệ thấy, dòng suối trong xanh trước mắt mình, ngày đêm nó vẫn cứ tuôn chảy róc rách đều đều. Một dòng suối tươi mát và ngọt dịu. Dòng suối trong thật êm ả. Khi nhìn dòng suối, chúng ta đừng bao giờ có khái niệm phân tích dòng suối như thế nầy hay như thế kia. Vì còn có khái niệm phân tích là mất đi tính chất tự nhiên của dòng suối rồi. Mình chỉ cảm nhận có dòng suối hiện hữu là đủ rồi. Như mình cảm nhận tình yêu thương của mẹ hiện hữu với mình là đủ rồi. Mình không cần phải tìm hiểu phân tích như thế nầy hay như thế kia. Cứ tận hưởng những gì tươi mát và ngọt dịu mà dòng suối đã ban cho mình. Thế là quá đủ rồi. Tình mẹ thương con đâu có đòi hỏi gì ở con. Vì còn đòi hỏi là còn có dụng ý và như thế là sẽ mất đi tính chất của tình thương. Đệ nhìn dòng suối đệ sẽ thấy rõ bóng mình in trong dòng nước. Như đệ nhìn cha mẹ mình là mình sẽ thấy rõ mình trong thân thể của cha mẹ. Vì mình là sự tiếp nối của cha mẹ mình. Nói rộng ra là cả dòng huyết thống tổ tiên của mình. Như vậy, mình yêu thương cha mẹ ông bà cũng chính là mình yêu thương mình. Vì những tế bào của mình là do tổ tiên ông bà cha mẹ của mình trao tặng cho mình. Vì thế, nếu mình tu học và sống cho đàng hoàng thì cha mẹ ông bà mình cùng hưởng chung với mình.

Thầy Huệ Văn vừa nói đến đây, mọi người đưa mắt nhìn về phía khu vườn, thấy bóng dáng của nhà sư trụ trì, mọi người đều đứng lên và đi đến chào hỏi sư phụ và rồi cả ba người đều lặng lẽ trở vô chùa. Chú Huệ Minh thì lo chuẩn bị giờ công phu thí thực chiều, còn thầy Huệ Văn thì tưới những cây kiểng ở trước sân chùa. Bà bảy thì lo chuẩn bị cho buổi cơm chiều. Mỗi người một phận sự việc ai nấy làm. Họ làm trong tinh thần yêu thương hòa ái vui vẻ và tương trợ lẫn nhau…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.