Những Câu Chuyện Thiền Môn – Làm Vườn

Sau giờ tiểu thực sáng, như thường lệ thầy Huệ Văn đi ra phía sau vườn chùa để làm công tác. Buổi sáng hôm nay, khí trời mát mẻ trong lành thật dễ chịu. Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây. Nắng ban mai rất đẹp. Những hạt sương sớm lấp lánh như pha lê đã tan biến mất, chỉ còn đọng lại những ánh nước long lanh thắm ướt trên những chiếc lá xanh mướt và những ngọn cỏ đang phơi mình để sưởi nắng. Một vài cơn gió nhẹ thoảng qua, gây cho thầy một cảm giác nghe hơi lành lạnh. Tuy vậy, nhưng thầy rất thích những buổi sáng sớm trong lành mát mẻ đẹp trời như thế nầy. Vì rất thích hợp cho việc làm vườn của thầy. Trên cành cây một vài con chim chích chòe kêu lên ríu rít. Chúng nhảy nhót tung tăng như mừng vui reo hò hát ca trong nắng ấm.

Huệ Văn đến nhìn mấy liếp cải xanh tươi và rồi ngồi xuống nhổ một vài cây cỏ mọc xen với những cây cải. Những lá cải bẹ xanh lớn trải xòe mướt rượt. Trong lúc đó, thì chú Huệ Minh cũng vừa ra tới. Chú Huệ Minh thì rất thích giàn mướp hương đầy trái. Có những trái to và dài thòng xuống. Chú rất thích ngắm nhìn những trái mướp đó. Vì đó là cái kết quả mà hơn hai tháng qua chú đã bỏ công sức ra để làm. Chú trồng chỉ có mấy giây mướp thôi mà nó có rất nhiều trái. Mướp hương mà nấu canh với tàu hủ trắng thì ăn rất ngon. Vì nó rất ngọt nước. Bởi vậy chú rất thích. Chú đang đi kiếm thùng để tưới mấy giây mướp, bỗng nghe tiếng sư phụ gọi. Chú nhìn lại phía sau, thì thấy sư phụ đang lui cui sửa lại mấy dây khổ qua.

-Dạ! sư phụ gọi con.

-Con, dọn dẹp lau chùi ở trên điện Phật xong chưa mà ra đây.

-Dạ! bạch sư phụ, con đã làm xong hết rồi.

Vừa nói, nhà sư vừa đi đến mấy liếp cải của thầy Huệ Văn. Huệ Văn đứng lên chào sư phụ. Huệ Minh cũng đi theo phía sau. Ba thầy trò vừa đi vừa đưa mắt nhìn chung quanh khu vườn và vừa trò chuyện với nhau. Thầy Huệ Văn lên tiếng hỏi Sư Phụ:

-Bạch Thầy, hôm qua khi con đang xới đất để trồng thêm mấy luống rau sống, bất chợt con nhớ lại câu chuyện Thiền.

-Câu chuyện gì? Sư phụ hỏi.

-Bạch Thầy, câu chuyện giữa Thầy tri viên và Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm. Đọc qua câu chuyện đó, con cứ mãi suy nghĩ qua lời nói của Ngài Dược Sơn, mà con vẫn chưa hiểu.

Lẽ ra, chính cái chỗ con chưa hiểu đó là tốt. Nhưng, thôi được, con cứ trình bày tiếp cho thầy nghe.

-Dạ, bạch Thầy, Ngài nói với thầy tri viên là: “Ông trồng thì trồng ta không ngăn cản ông, nhưng ông trồng đừng cho nó mọc rễ. Khi đó thầy tri viên mới nói: Bạch Hòa Thượng, nếu trồng mà không cho nó mọc rễ thì đại chúng lấy gì mà ăn? Ngài Dược Sơn hỏi lại: Bộ ông cũng có miệng nữa sao”?

Nhà sư nãy giờ lắng nghe người đệ tử của mình kể sơ lại câu chuyện thiền. Nghe xong, nhà sư khẻ cười nhẹ trên môi và nói:

– Con ạ, hành động cuốc đất trồng rau là một trong tất cả mọi việc làm khác ở trong thiền môn. Con có thể làm tất cả mọi việc: gánh nước, tưới cây, nhổ cỏ, rửa chén, lau nhà, quét dọn v.v… Như hiện giờ con, Huệ Minh và thầy, chúng ta đều phải lao tác trồng mọi thứ rau cải hoa quả mới có tiêu dùng. Tuy nhiên, việc làm ở trong nhà thiền, nó khác hơn ở ngoài đời.

Huệ Minh xen vào hỏi: dạ, bạch Thầy khác như thế nào ạ?

Chính đó là điều mà thầy muốn nói cho các con hiểu. Nầy nhé, ở ngoài đời họ làm đâu là họ bị dính mắc ở đó. Do dính mắc, nên họ mới có tham, sân, si nổi lên. Đó là hiện tướng của lòng tham chấp ngã, chấp pháp quá sâu nặng. Ai cũng thấy việc mình làm là quan trọng hơn tất cả. Từ đó, họ mới khởi ra sự hơn thua tranh chấp đấu đá lẫn nhau. Họ làm là vì danh vì lợi. Nói rõ ra là vì cuộc sống của họ. Ngược lại, chúng ta làm để mà làm. Làm không cần phải bận tâm lo lắng gì với công việc nên hư thành bại của mình. Làm với tâm an nhiên thư thái ung dung. Không để cho tâm dính mắc vào công việc của mình.

Tối hôm qua, trong lúc dạy Duy Thức cho các con học, các con còn nhớ trong mười một món thiện, có một món gọi là “hành xả”. Hành là làm, xả là bỏ. Làm đâu buông bỏ đó. Đó là làm mà không cho nó mọc rễ đó con. Vì hễ còn mọc rễ là còn dính mắc. Mà hễ còn dính mắc là còn đau khổ. Việc cuốc đất trồng rau như thầy trò mình đã làm từ bấy lâu nay, nhưng mình làm với tâm an nhiên tự tại giải thoát. Làm như thế mới xứng hợp với bản tâm. Vì bản tâm mình nó rời lìa tất cả tướng. Vì rời lìa tất cả tướng nên mới được giải thoát. Các con còn nhớ trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật có dạy: “Ly nhứt thiết tướng, tức nhứt thiết pháp đó không?”. Huệ Văn không chờ thầy giải thích thêm liền hỏi:

-Bạch Thầy, câu đó có ý nghĩa như thế nào? Kính xin Thầy giải thích thêm cho tụi con rõ. Nhà sư ngước mắt nhìn lên trời, thấy từng đám mây trắng bay ngang qua, rồi đưa mắt nhìn sâu vào đôi mắt sáng quắc thông minh của thầy Huệ Văn và chậm rãi nói:

-Ly nhứt thiết tướng có nghĩa là rời lìa tất cả mọi hình tướng. Đây là chỉ cho thể tánh chơn như. Vì chơn như vốn lìa tất cả tướng. Luận đến chỗ cứu cánh, thì không thể dùng lời nói để luận bàn hay suy nghĩ đến được. Vì đến đó bặt dứt mọi dấu vết.

-Con có thấy những đám mây trắng bay ngang qua bầu trời đó không?

-Cả hai đều thưa: dạ, thấy.

-Những đám mây bay qua bay lại trong bầu trời, nhưng bầu trời không có liên hệ gì đến những đám mây đó. Bầu trời là dụ cho thể tánh chơn như. Đó là nghĩa “ly nhứt thiết tướng”. Còn những đám mây là dụ cho các hiện tượng, có sanh, có diệt, có qua, có lại v.v…Nhưng bầu trời thì bất sanh bất diệt. Các con thấy những đám mây kia, không ngoài bầu trời mà có, đó là nghĩa “tức nhứt thiết pháp”. Nói gọn cho dễ hiểu: bầu trời lìa tất cả đám mây, nhưng những đám mây kia không ngoài bầu trời mà có. Đó là nghĩa “ly nhứt thiết tướng, tức nhứt thiết pháp”.

Nói đến đây, nhà sư ngừng giây lát, như để các đệ tử của mình có chút thời gian để suy tư về nghĩa lý thâm sâu nầy. Nhà sư nhìn chung quanh cảnh vật, dưới ánh nắng tươi đẹp chan hòa của buổi sáng. Rồi nhà sư nhìn vào đôi mắt trong sáng đầy vẻ ngây thơ của chú Huệ Minh, như ngầm hiểu hai đệ tử của mình chưa hiểu rõ mấy, nên nhà sư nói thêm:

-Nầy con, con có quyền nhìn thấy tất cả mọi cảnh vật chung quanh, nhưng tâm con không bị dính mắc vào một sự vật nào hết. Khác nào như đám mây trắng bay qua lại tự do tự tại trong bầu trời, không bị dính mắc vào đâu cả. Thấy tất cả mà không bị dính mắc. Đó chính là nghĩa “Ly nhứt thiết tướng”. Tuy không bị dính mắc, mà không chỗ nào ngoài tánh thấy của con, đó là nghĩa “Tức nhứt thiết pháp”. Con thử tìm ra chỗ nào là không phải tánh thấy của con, chỉ cho thầy coi. Như vậy, tánh thấy của con nó bao trùm khắp hết. Đó là thầy nói đại khái cho các con hiểu sơ qua về câu nói Phật dạy ở trong Kinh Lăng Nghiêm. Các con có hiểu chút nào không?

-Cả hai đều thưa: dạ, bạch Thầy, chúng con đã hiểu.

Nhà sư nói, như vậy là tốt rồi. Bây giờ thầy nói việc tu hành trong bình diện thông thường cho các con rõ thêm. Vì cái lý đó cao siêu lắm, thầy trò mình vói không tới đâu.

Việc tu hành của mình cũng giống như công việc của chúng ta làm vườn. Con thấy, mấy năm trước đây, khi mình chưa khai thác trồng trọt, thì cả khu vườn nầy cây cối, cỏ dại mọc tràn lan um tùm. Nhưng khi thầy trò mình bắt đầu chịu khó đốn chặt, nhổ cỏ, dọn dẹp, rồi cuốc xới đất phơi nắng cho sốp. Khi miếng đất đã được trống trải hết rồi, thì con thấy nó khác hơn trước kia rất nhiều. Ai trông thấy cũng trầm trồ khen ngợi và trông rất đẹp mắt. Từ đó, thầy trò mình bắt đầu gieo giống. Trải qua thời gian không bao lâu, thì chúng mình đã có một mảnh vườn rất đẹp, vì có nhiều loại rau trái để ăn. Nói tới đây, nhà sư đưa ngón tay trỏ chỉ vào mấy liếp cải và nói:

Đó! Con thấy chưa, hai tháng trước đây, chỗ nầy toàn là cỏ dại, nhờ con ra sức nhổ sạch hết cỏ rồi gieo hạt cải xuống, nay trở thành những cây cải xanh tươi, lá to.

Con ạ, khu vườn tâm của chúng ta cũng thế. Các con còn nhớ trong Duy Thức kể ra trong tâm thức của mình có rất nhiều loại hạt giống phiền não. Các nhà Duy Thức phân ra có hai loại: “Căn bản phiền não và tùy phiền não”. Căn bản phiền não thì gồm có sáu thứ: tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến. Từ ác kiến mà nếu chia ra thì có 5 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, và giới cấm thủ. Còn tùy phiền não thì gồm có 20 thứ. Tùy theo cường độ nặng nhẹ, mạnh yếu của chúng mà người ta chia ra có: “tiểu tùy, trung tùy và đại tùy”. Tiểu tùy gồm có 10 thứ: phẩn, hận, phú, não, tật, xan. cuống, siễm, hại, kiêu. Trung tùy gồm có hai: vô tàm và vô quý. Đại tùy gồm có tám: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Chung lại là có tất cả 30 thứ. Rồi còn có các thứ khác nữa như: mừng, giận, thương, sợ, buồn, ghét, muốn. Bảy thứ nầy, người ta gọi là thất tình. Các con thử ngẫm, suốt ngày, mình chỉ sống làm nô lệ cho những thứ đó sai khiến. Chúng khuấy động tâm mình không lúc nào yên. Phật nói đó là những thứ vọng tưởng.

Kể đến đây nhà sư ngừng lại. Khi đó, Huệ Văn liền hỏi:

-Dạ, bạch Thầy có cách nào trừ khử chúng nó không?

-Dĩ nhiên là có. Đó là chúng ta phải bền chí tu trì. Như tụi con phải bền chí ra công sức mà làm vườn vậy. Các thứ phiền não giống như các loại cỏ hoang dại. Các con cần phải nhổ trừ diệt cho nó tận gốc rễ. Loại tùy phiền não thì dễ trừ dễ đoạn hơn là loại căn bản phiền não. Loại căn bản phiền não vì gốc rễ của nó rất sâu dầy. Vì vậy, nên gọi nó là « căn bản chủng tử » hay còn có tên khác là « câu sanh chủng tử ». Câu sanh là vì có mặt mình là đã có nó rồi. Nó thật khó trừ, giống như khi tụi con nhổ cỏ gặp ba thứ cỏ cú, cỏ chỉ vậy.

Vừa nói tới đây, nhà sư đưa tay chỉ vào mấy cọng cỏ cú nằm xen lẫn trong các bụi cải. Loại cỏ nầy, con phải chịu khó đào sâu xuống đất và phải lấy cho hết gốc rễ của nó, thì nó mới không mọc lên được. Còn nếu như tụi con nhổ không kỹ lưỡng, chỉ còn sót một cọng rễ nhỏ thôi, thì nó cũng vẫn mọc lên. Bây giờ, các con không thấy nó ở đâu, nhưng khi trời mưa xuống hay các con tưới nước ướt đất, thì chúng nó sẽ mọc lên.

Cũng vậy, cái lũ tập khí phiền não căn bản nầy, bình thường nó trú ngụ ở đâu mình không thấy biết. Nhưng khi gặp cảnh xúc duyên thì chúng nó xuất đầu lộ diện. Từ đó mình mới tạo nghiệp và rồi thọ khổ. Nếu như tụi con chịu khó thường quán chiếu sâu vào nội tâm hằng ngày, thì tụi con mới nhận ra từng vọng niệm dấy khởi. Đó là cách nhận diện và chuyển hóa chúng nó. Bởi những thứ tập khí nầy chúng nó không có thật thể. Như các loại cỏ cây, chúng chỉ nương vào đất mà có. Các thứ phiền não trong tâm mình cũng vậy. Chúng nương vào bản tâm mình mà có ra. Cũng như sóng nương nơi nước mà có. Như vậy, chúng nó chỉ là những hiện tượng sanh diệt không thật. Tuy chúng không thật, nhưng khi nó nổi lên mà tụi con theo nó thì sẽ gây tạo ra vô số nghiệp ác. Muốn không tạo nghiệp, thì khi làm việc gì ở đâu các con cần phải gìn giữ chánh niệm cẩn thận ở đó. Nhất là làm việc gì thì nên buông xả việc đó. Phật dạy vô lượng pháp môn tu, mục đích cũng chỉ nhắm thẳng vào tiêu trừ hoặc chuyển hóa lũ phiền não nầy đó thôi.

Vừa nói tới đây, thì chú Huệ Minh hỏi :

-Dạ, bạch thầy, ngoài những thứ phiền não bất thiện nầy ra, trong tâm mình còn có những thứ gì khác không?

Nhà sư mỉm cười nhẹ và khẻ nói :

-Dĩ nhiên là có chớ con. nếu không có những tâm sở thiện, thì làm sao mình nuôi dưỡng nó để làm nhiều điều lợi ích cho chúng sanh? Tuy nhiên, các tâm sở thiện nầy không có nhiều lắm, chúng chỉ có mười một thứ thôi. Đó là: “tín, tinh tấn, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại”. Ở đây, thầy chỉ mới nêu ra tên gọi của chúng nó thôi, để một dịp khác, thầy sẽ giảng cho các con nghe về từng loại một của nó. Các con có nhận hiểu những thứ tâm sở bất thiện và những tâm sở thiện, thì tụi con mới biết để mà tiêu trừ và nuôi dưỡng. Tiêu trừ những loại phiền não xấu ác, nuôi dưỡng phát triển những tâm sở thiện. Trong Kinh thường khuyên bảo mọi người cần phải tu tâm và dưỡng tánh, chính là ý nầy.

Bây giờ thầy trở lại câu chuyện của Ngài Dược Sơn mà Huệ Văn đã hỏi khi nãy.

Đó là Ngài Dược Sơn đã dạy cho thầy tri viên một bài học giải thoát trong hành động. Sống ở thế gian nầy, làm sao các con tách biệt ra khỏi xã hội. Các con phải làm mọi việc để cứu đời giúp người. Song có điều các con nên ghi nhớ, việc làm của người xuất gia phải khác hơn người đời. Chúng ta làm chỉ vì mục đích để tạm sống qua ngày. Hoặc làm là vì đem lại lợi ích cho mọi người. Chớ không phải làm vì mình. Làm chỉ biết vì mình, đó là việc làm ích kỷ trái với tôn chỉ giác ngộ giải thoát của đạo Phật. Làm không vì danh lợi. Làm với tâm hoan hỷ vui vẻ. Khi tiếp xúc với ngoại duyên, các con phải nhớ là đừng để tâm buông lung phóng túng. Vì chính cái tâm phóng dật đó nó sẽ làm hại cả cuộc đời của các con. Tâm con người giống như con khỉ, con vượn. Nó không bao giờ đứng yên một chỗ. Nó chuyền nhảy lung tung. Nên trong Duy Thức gọi nó là thứ tâm viên ý mã. Vì thế, các con phải cẩn thận giữ gín ở nơi hành động và lời nói.

Nhà sư giảng nói đến đó, bỗng nghe tiếng chim kêu vang lên. Nhà sư liền dừng lại trầm ngâm vài phút. Như thức nhắc người đệ tử của mình, không nên để tâm rong ruổi theo ngoại cảnh. Phải luôn nhiếp tâm gìn giữ chánh niệm theo từng hơi thở. Có chánh niệm thì mới có an lạc. Như hiểu ý sư phụ, hai huynh đệ cũng lặng lẽ trở về với hơi thở chánh niệm. Đây là giây phút thật mầu nhiệm. Vì chính giây phút nầy mình mới thực sự có mặt tiếp xúc với sự sống. Chỉ có giây phút nầy, mọi cảnh vật chung quanh mình mới thực sự tươi mát và đẹp đẽ.

Sau một phút chánh niệm, thầy Huệ Văn như đã hiểu ra những gì mà thầy đã suy tư trong mấy ngày qua, giờ đây như bừng sáng hẳn lên. Và thầy đã biết thế nào là an lạc giải thoát ở trong việc làm. Thế là, thầy không cần phải tìm kiếm Niết bàn ở đâu xa xôi, mà Niết bàn an lạc ngay dưới gót chân trong mỗi bước đi và hành động của thầy.

Sau đó ba thầy trò rời khỏi những liếp cải và đi từng bước chậm rải khoan thai thảnh thơi nhẹ nhàng hưóng về giàn mướp hương. Đến nơi, ba thầy trò dừng lại. Nhà sư lấy tay sờ vào trái mướp và nói:

-Các con có biết không, người ta sống ở đời đau khổ nhiều, là chỉ vì họ sống không biết đủ. Họ không bao giờ biết dừng lại hài lòng với cuộc sống đơn giản. Họ tranh giành hơn thua với nhau từng lời nói, từng việc làm. Còn thầy trò chúng ta cũng vì sự sống, nhưng sống trong hạnh phúc an lạc. Vì chúng ta khéo biết dừng lại. Nhà sư vừa nói tới đây, thì bỗng nghe tiếng Huệ Văn khẻ bạch:

-Bạch sư phụ con phải vô chùa để chuẩn bị cho buổi ngọ trai. Xong rồi, sư phụ và sư huynh trở vô thọ trai. Hôm nay, con phụ làm bếp với bà bảy để khoản đãi cho sư phụ và sư huynh một bữa ăn đặc biệt.

Huệ Văn nói: Huynh biết rồi. Đặc biệt của sư đệ là rau luộc với nước tương chớ gì.

Sư huynh nói gì tệ vậy. Ngoài rau luộc nước tương ra, còn có một món đặc biệt khác nữa là cà nướng dầm với nước tương ớt. Ngon hết sẩy luôn.

Nhà sư nói: Thôi được rồi. Con hãy vào trong lo làm bếp với bà bảy Diệu Tâm, thầy và sư huynh của con vào bên trong sửa lại vài cây kiểng mà người ta mới đem tặng hôm qua. Hai thầy trò một già một trẻ lặng lẽ âm thầm đi vào phía vườn kiểng chưng bày ở phía trước sân chùa…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.