Niệm Phật Thập Yếu – Chương IX

4. Thuận Khảo: – Có người không gặp cảnh nghịch mà lại gặp cảnh thuận, như cầu gì được nấy, nhưng sự thành công đều thuộc duyên ràng buộc chớ không phải giải thoát. Có vị khi phát tâm muốn yên tu bỗng cảnh danh lợi sắc thanh chợt đến, hoặc nhiều người thương mến muốn theo phụng sự gần bên. Thí dụ như người xuất gia khi phát tâm tu, bỗng có kẻ đến thỉnh làm tọa chủ một ngôi chùa lớn; hoặc như người tại gia thì có thơ mời làm tổng, bộ trưởng, hay một cuộc làm ăn mau phát tài. Đây là những cảnh thuận theo duyên đời quyến rủ người tu, rồi dẫn lần đến các sự phiền toái khác làm mất đạo niệm. Người ta chết vì lửa thì ít, mà chết vì nước lại nhiều, nên trên đường tu cảnh thuận thật ra đáng sợ hơn cảnh nghịch. Cảnh nghịch đôi khi làm cho hành giả tỉnh ngộ dễ thoát ly niệm tham nhiễm, hoặc phẫn chí lo tu hành. Còn cảnh thuận làm cho người âm thầm thối đạo lúc nào không hay, khi bừng tỉnh mới thấy mình đã lăn xa xuống dốc. Người xưa nói: “Việc thuận tốt được ba. Mê lụy người đến già.” Lời này đáng gọi là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Thế nên duyên thử thách của sự thuận khảo rất vi tế, người tu cần phải lưu ý.

5. Minh Khảo: – Đây là sự thử thách rõ ràng trước mắt mà không tự tỉnh ngộ. Chẳng hạn như một vị tài đức không bao nhiêu, nhưng được người bưng bợ khen là nhiều đức hạnh, tài năng, có phước lớn, rồi sanh ra tự kiêu tự đắc, khinh thường mọi người, làm những điều càn dở, kết cuộc bị thảm bại. Hoặc một vị có đủ khả năng tiến cao trên đường đạo, nhưng bị kẻ khác gàn trở, như bảo ăn chay sẽ bị bịnh, niệm Phật trì chú nhiều sẽ bị đổ nghiệp, gặp nhiều việc không lành, rồi sanh ra e dè lo sợ, thối thất đạo tâm. Hoặc có những cảnh tự mình biết nếu tiến hành dễ rước lấy sự lỗi lầm thất bại, nhưng vì tham vọng hay tự ái, vẫn đeo đuổi theo. Hoặc đối với các duyên bên ngoài, tuy biết đó là giả huyễn nhưng không buông bỏ được, rồi tự chuốc lấy sự buồn khổ vào tâm.

Như có một vị sư đổ ra nhiều công của mướn thợ chẻ đá, thợ mộc, thợ hồ, xây cất một cảnh chùa to trên núi. Khi ngôi tự viện vừa hoàn thành, thì sư cũng vừa kiệt sức mang bịnh nặng. Lúc sắp chết, ông sai đệ tử võng đi quanh chùa rờ từ viên đá buồn khóc tiếc than!

Lại trước đây có một tăng sĩ địa vị trong đạo khá cao, tánh tình chân thật rộng rãi ưa bố thí, nhưng vấp phải một khuyết điểm là hay tự đắc tự kiêu. Vài chánh khách thấy được chỗ đó, đem một nhà tướng sĩ đến giả vờ thăm chơi, rồi thuận tiện nhìn qua khen sư nhiều phước tướng, tất được vô số người ủng hộ, danh vọng càng thành đạt tiến cao. Ông ấy lại nói thêm, nếu sư thích hoạt động, sẽ thành một tay lãnh tụ, và như ở ngoài đời có thể làm đến tổng thống. Sư nghe xong tuy khiêm nhường đôi tiếng, nhưng lộ vẻ cực kỳ hoan hỷ. Nhân đó, các chánh khách than vản thời thế, thương dân chúng khổ não, vận nước suy đồi, rồi dần dà thuyết phục lôi cuốn sư vào một cuộc vận động chánh trị. Và cũng bởi đó, sư bị tai nạn trong một thời gian khá lâu.

Thế nên kẻ dễ dãi nhẹ dạ thường hay bị phỉnh gạt. Khi chưa diệt được tham vọng dễ bị người khác dùng tiền tài, sắc đẹp hoặc danh vị cuốn lôi. Cho đến nếu còn tánh nóng nảy khí khái, tất dễ bị người khích động, gánh vác lấy những việc phiền phức vào thân. Đây là những cạm bẩy của đời mà cũng là của đạo, xin nêu ra để khuyên nhắc cùng nhau, nếu không dè dặt những điểm đó, sẽ vương vào vòng chướng nghiệp. Đối với những duyên thử thách như thế, hành giả phải nhận định cho sáng suốt, và sanh lòng quả quyết tiến theo đường lối hợp đạo mới có thể thắng nó được.

6. Ám Khảo: – Điều này chỉ cho sự thử thách trong âm thầm không lộ liễu, hành giả nếu chẳng khéo lưu tâm, tất khó hay biết. Có người ban sơ tinh tấn niệm Phật, rồi bởi gia kế lần sa sút, làm điều chi thất bại việc ấy, sanh lòng lo lắng chán nản trễ bỏ sự tu. Có vị công việc lại âm thầm tiến triển thuận tiện rồi ham mê đeo đuổi theo lợi lộc mà quên lãng đường lối tu hành. Có kẻ trước tiên siêng năng tụng niệm, nhưng vì thiếu sự kiểm điểm, phiền não ở nội tâm mỗi ngày tăng thêm một ít, lần lượt sanh ra biếng trễ, có khi đôi ba tháng hay một vài năm không niệm Phật được một câu. Có người tuy sự sống vẫn điều hòa đầy đủ, nhưng vì thời cuộc bên ngoài biến chuyển, thân thế nhà cửa nay đổi mai dời, tâm mãi hoang mang hướng ngoại, bất giác quên bỏ sự trì niệm hồi nào không hay.

Trên đây đều là ảnh hưởng diễn biến của nghiệp thiện ác, nhưng nó có sức thầm lôi cuốn hành giả làm cho bê trễ sự tu trì, nên gọi là “khảo”. Khi mới tu, ai cũng có một điểm hảo tâm, nhưng lần lượt bị những duyên nghiệp trong ngoài, một trăm người đã rớt hết chín mươi chín. Lời xưa nói: “Tu hành nhứt niên Phật tại tiền, nhị niên Phật tại tây thiên, tam niên vấn Phật yếu tiền.” Câu này có ý nghĩa: sự tu hành năm đầu Phật như ở trước mặt, năm thứ hai Phật đã về tây, sang năm thứ ba ai muốn hỏi đến Phật hay bảo niệm Phật, phải trả tiền mới chịu nói tới, hoặc niệm quá ít câu. Lời ngụ ngôn này cũng chỉ vào những điểm ở trên, hành giả cần phải lưu tâm chú ý.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.