Niệm Phật Thập Yếu – Chương IV – V

Chương V: Đệ Ngũ Yếu
Niệm Phật Phải Hành Trì Cho Thiết Thật

Khải Đề:

Lặng ngồi chốn tĩnh lâu
Trăng sáng, gió canh thâu!
Bát nhã hương lòng nhẹ.
Lăng Già niệm ý sâu
Phật, Tâm chung một vẻ
Thiền, Tịnh chẳng hai mầu
Ngưng chuỗi, thầm riêng hỏi
Hoa đêm điểm điểm đầu…

Mục A. Môn Niệm Phật Với Tứ Đoạt Và Tứ Hạnh

Tiết 26 Hạnh Tinh Chuyên Cũng Là Điểm Không Thể Thiếu

Như trên đã nói, điểm thiết yếu của môn Niệm Phật là phải phát nguyện vãng sanh. Nếu nghĩ rằng: “Ta chỉ cầu niệm hồng danh muôn đức của Phật A Di Đà cho thật nhiều, tự nhiên sẽ có vô lượng công đức; dù không vãng sanh, công đức ấy cũng chẳng mất.” Nghĩ như thế là sai lầm nguy hiểm và thiếu trí huệ. Bởi có hạnh mà không nguyện thì công đức ấy sẽ biến thành phước báo ở đời sau. Đời thứ hai đã hưởng si phước tất dễ tạo nghiệp, sang đời thứ ba nhất định phải bị đọa lạc tam đồ, đó là điều sai lầm, nguy hiểm! Vì thế, ở trên mới gọi tín nguyện là “huệ hạnh”.

* Đã có đủ Tín Nguyện mà thiếu phần Hạnh, ví như chiếc thuyền có lái không chèo, cũng không thể vãng sanh. Có kẻ nghe nói: “Chỉ cần tín nguyện chân thiết, khi lâm chung mười niệm hay một niệm cũng quyết được sanh Tây Phương”, thì liền nghĩ rằng: “Nếu như thế cần chi phải vội gấp, để lúc sắp chết niệm Phật cũng được!” Ý niệm này cũng sai lầm, bởi vì quá xem thường hành môn Niệm Phật. Phải biết, điểm quan yếu để vãng sanh, theo trong kinh văn là: “Người ấy khi lâm chung lòng không điên đảo”. (Thị nhơn chung thời tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ – Kinh Phật Thuyết A Di Đà). Như quả lúc lâm chung lòng không điên đảo, thì niệm mười niệm hay một niệm cũng được vãng sanh. Nhưng ai dám bảo rằng: mình khi lâm chung lòng không điên đảo? Nếu lúc bình thời không tinh chuyên dụng công, đến khi mạng chung bốn đại phân ly, sức nghiệp dồn dập, thân tâm bị sự khổ làm cho kinh hoàng mê loạn, sợ e một niệm cũng không thể thật hành huống chi mười niệm? Như muốn cho khi lâm chung có phần bảo đảm, lúc bình thời hành giả phải tinh chuyên niệm Phật cho nhiều, và gắng tu tập trình độ “nhứt tâm bất loạn”. Bằng chỉ đợi khi sắp chết mới niệm, trên đạo lý nói ra thì cố nhiên suốt thông, nhưng lại e trên sự thật chẳng phải là đơn giản. Cho nên các hành giả niệm Phật phải gắng dụng công, đừng lơ là khinh thường sự hành trì, mà rước lấy nỗi thất bại.

Tiết 27 Niệm Phật Với Tứ Đoạt

Môn Niệm Phật vãng sanh là giáo pháp viên đốn Đại Thừa, bởi người tu lấy sự giác ngộ nơi quả địa làm điểm phát tâm ở nhân địa. Từ một phàm phu trong tứ sanh lục đạo, nhờ Phật tiếp dẫn mà lên ngôi Bất Thối, đồng hàng với bậc thượng vị Bồ Tát; nếu chẳng phải chính miệng Phật nói ra, ai có thể tin được? Bởi muốn vào vị Sơ Trụ lên ngôi Tín bất thối người tu các giáo môn khác phải trải qua một muôn kiếp, mà mỗi đời đều phải liên tục tinh tấn tu hành. Nếu nói đến Vị bất thối, Hạnh bất thối, Niệm bất thối lại còn xa nữa! Về môn Tịnh Độ, hành giả đã tin tha lực lại dùng hết tự lực, tất muôn tu muôn người vãng sanh, siêu thoát luân hồi không còn thối chuyển.

Nếu dùng hạnh Niệm Phật để phát minh tâm địa, ngộ tánh bản lai, thì tông Tịnh Độ không khác với các tông kia. Còn dùng Niệm Phật để vãng sanh cõi Phật, thì tông này lại có phần đặc biệt.

Cổ đức bảo:

1. Sanh tất quyết định sanh, về thật không có về: là đoạt cảnh chẳng đoạt người.
2. Về tất quyết định về, sanh không thật có sanh: là đoạt người chẳng đoạt cảnh.
3. Về thật chẳng có về, sanh cũng thật không sanh: là cảnh và người đều đoạt.
4. Về tất quyết định về, sanh cũng quyết định sanh: là cảnh và người đều không đoạt.

Trên đây là bốn câu giản trạch và Tứ Đoạt cuả môn Tịnh Độ. Chữ “đoạt” có nghĩa là: thông suốt lý thể. Bởi toàn thể pháp giới là nhứt tâm, người và cảnh đều như huyễn, nếu thấy có người vãng sanh, có cảnh để sanh về, là còn chấp nhơn chấp pháp, phân biệt kia đây, nên gọi là không đoạt, tức không thông suốt lý thể. Và trái lại, tức là đoạt. Tiên đức nói: “Có niệm đồng không niệm. Không sanh tức là sanh. Chẳng phiền dời nửa bước. Thân đến Giác vương thành”, tức là ý này.

Người và cảnh đều đoạt, là mức cao tuyệt của hành giả niệm Phật. Nhưng y theo ba kinh Tịnh Độ và Thiên Thân Luận (Kinh Phật Thuyết A Di Đà, Vô Lượng Thọ, và Quán Vô Lượng Thọ – Thiên Thân Luận tức Vãng Sanh Luận hay Vô Lượng Thọ Kinh Luận) thì nên lấy “người và cảnh đều không đoạt” làm tông, mới hợp với ý nghĩa hai chữ “vãng sanh”. Bởi đức Như Lai biết hàng phàm phu ở cõi ngũ trược, nhứt là thời mạt pháp này, nghiệp chướng sâu nặng, lập cảnh tướng để cho y theo đó trụ tâm tu hành, còn khó có kết quả nói chi đến việc lìa tướng ư? Phàm phu đời mạt pháp trụ tướng mà tu tất hạnh nguyện dễ khẩn thiết, kết quả vãng sanh cũng dễ đoạt thành. Khi về Tây Phương, chừng ấy lo gì không được chứng vào thể vô sanh vô tướng? Nếu chưa phải là bậc thượng căn lợi trí, vội muốn cầu cao thích lìa tướng tu hành tất tâm không nương vào đâu để sanh niệm khẩn thiết, nguyện đã không thiết làm sao được vãng sanh. Không vãng sanh chi khỏi cảnh luân hồi khổ lụy? „y là muốn mau trở thành chậm, muốn cao trái lại thấp, muốn khéo hóa ra vụng đó! Nhiều kẻ ưa nói huyền lý, thường bác rằng: “Niệm Phật cầu sanh là chấp tướng ngoài tâm tìm pháp, chẳng rõ các pháp đều duy tâm.” Những người này ý muốn diệu huyền, nhưng kỳ thật lại thành thiển cận! Bởi họ không rõ Ta Bà đã duy tâm thì Cực Lạc cũng duy tâm, tất cả đâu ngoài chân tâm mà có? Vậy thì niệm Phật A Di Đà là niệm đức Phật trong tâm tánh mình, về Cực Lạc tức về nơi cảnh giới của tự tâm, chớ đâu phải ở ngoài? Ta Bà và Cực Lạc đều không ngoài tâm, thì ở Ta Bà để chịu sự điên đảo luân hồi, bị ngọn lửa ngũ trược đốt thiêu, sao bằng về Cực Lạc an vui, hưởng cảnh thanh lương tự tại? Nên biết, đúng tư cảnh để tôn sùng, duy tâm Tịnh Độ, phải là bậc đã chứng pháp tánh thân, mới có thể tự tại trong mọi hoàn cảnh. Chừng đó dù trụ Ta Bà hay Cực Lạc cũng đều là Tịnh Độ, là duy tâm, là giải thoát cả. Bằng chẳng thế thì dù có nói huyền nói diệu vẫn không khỏi sự hôn mê khi cách ấm, rồi tùy nghiệp luân hồi chịu khổ mà thôi!

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.