Để Hiểu Đạo Phật

VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP

Duy lý tâm-lý-học hay là siêu-hình tâm-lý-học (psychologie rationnelle ou psychologie métaphysique) căn-cứ trên những hiện-tượng tâm-lý mà ý-thức và giác quan nhận biết được để xác-định bản-tính của tâm-thức; do sự xác-định ấy, tiến đến sự suy-luận ra nguyên-nhân và cứu-cánh của nó. Dựa trên nguyên tắc thuần-lý, những xác-định, những sưu-tầm ấy không thể dùng thực nghiệm để kiểm-điểm được. Phật-học chủ trương rằng lý-trí và giác-quan không có được một giá-trị hiểu-biết tuyệt-đối, và những suy-luận căn-cứ trên trí-óc còn nặng-nề vô-minh vọng-tưởng rất dễ bị sai-lạc. Khoa-học hiện-thời đã chứng-minh điều đó.

Tâm-lý-học thực-nghiệm cũng nghiên-cứu những hiện-tượng tâm-lý và xác-định những nguyên-do và những định-luật phát sinh, tồn-tại, và tiêu-diệt của các hiện- tượng ấy; tất cả những xác định ấy đều được kiểm-điểm bằng thực-nghiệm tâm-lý-học thực-nghiệm theo phương-pháp khoa-học để tìm-hiểu và giải-thích các sinh-hoạt tâm- lý một cách chắc-chắn và tìm những định-luật tổng-quát nhưng xác-thực về các hiện- tượng ấy, chứ không tìm-hiểu được bản-chất và nguyên-do cứu cánh của tâm-hồn. Những tìm hiêåu quả có giá-trị, song con đường còn xa-xôi, những cái đã tìm-tòi và phát-minh ra được chưa có bao nhiêu; hơn nữa khoa-học chưa phải hoàn-toàn là một khí-cụ để kiểm-điểm được chân-lý và tri-thức của con người vì nặng trĩu dục-vọng và thành-kiến, đang thú nhận một cách rõ-rệt sự non-nớt thiếu-kém của mình.

Phật-học phân-biệt ba khả-năng nhận-thức: hiện-lượng, tỷ-lượng và thánh-giáo-lượng.

Hiện lượng là sự nhận thức bằng trực-giác, cái biết không cần suy-luận. Hiện-lượng có hai thứ: biết bằng trực-giác, mà đúng thì gọi là chân hiện-lượng; biết bằng trực-giác mà sai thì gọi là tợ hiện-lượng.

Tỷ lượng là sự nhận-thức căn-cứ trên suy-luận. Nhưng tỷ lượng cũng có hai thứ: biết đúng do sự suy-luận đúng thì gọi là chân tỷ lượng, biết sai do sự suy-luận sai lầm thì gọi là tợ tỷ-lượng.

Thánh-Giáo-Lượng là nhận thức của các bậc giác-ngộ, những cái biết của trí-tuệ vô-ngại, của trí chân-hiện-lượng. Các bậc giác-ngộ ấy chứng-nhập chân-lý bằng chân hiện-lượng, trực nhận sự thực không cần suy-luận, và thuận theo lối suy-luận tỷ-lượng của chúng sinh mà phương-tiện chỉ-bày chân-lý ấy lại cho chúng sinh. Trí-óc vô-minh của chúng-sinh không nhận thấu được chân-lý ấy, chúng-sinh chỉ có thể nghe lại lời của Thánh-nhân và do những thực-nghiệm của mình để tự dần dần tiến đến trong sự tu-tập chứng-nghiệm chân-lý.

Vì thế Phật-học không giống với duy-lý tâm-lý-học. Phật-học không phải căn cứ trên trí tỷ-lượng suy-đoán ức-đạc của chúng-sinh mà lại căn-cứ trên lời dạy của các bậc giác-ngộ. Người ta nói Phật-giáo có tính-cách tôn giáo là ở điểm ấy.

Song Phật-giáo không bao giờ bắt buộc ai tin-tưởng theo mình một cách mù- quáng, nên trong sự nghiên-cứu, vẫn có đầy đủ tinh-thần thực-nghiệm của khoa-học. Tin hay không tin quyền ở mình. Kẻ học-giả đồng thời phải là hành-giả, (giống hệt nhà khoa-học phải luôn luôn tiến bước trên sự nghiên-cứu và thấu-đạt) để dần dần chứng-nghiệm chân-lý của Thánh-giáo-lượng, thấy rõ những cái mà lâu nay trí-óc mê-mờ của mình không thể thấy.

Muốn hiểu thì phải tự mình chứng-nghiệm lấy. Ai uống nước chỉ một mình kẻ ấy biết nóng nhiều nóng ít, không mô tả cái cảm-giác nóng ấy cho người không uống biết một cách trực tiếp được.

Chân-lý của các bậc giác-ngộ (như Phật) dạy lại, tin hay không tin là tùy ở ta. Nhưng ta cũng đủ trí năng để thấy rằng những lời Thánh-giáo chưa từng sai bao giờ; do trí năng nhận-xét ấy ta có thể tin ngay ở sự Giác-Ngộ của đức Phật. Biết bao nhiêu điều của Phật dạy đã được khoa-học và thực-nghiệm chứng minh, những cái ấy cũng đủ cho chúng ta đặt tin-tưởng trên trí giác-ngộ viên-mãn cuả Ngài. Ta lại phải theo lời Phật dạy để tự chứng-nghiệm lấy chân-lý, tự mình chứng nghiệm lấy chứ không thể nhờ vả ai được.

Phật-học có tính-cách thực-nghiệm, nhưng lại khác với thực-nghiệm tâm-lý-học ở chỗ Phật-học thuyết-minh được chân-lý cứu-cánh mà tâm-lý-học thực-nghiệm thì đang mò-mẫm trên một con đường xa lắc xa lơ. Khổ hơn nữa là những cái mà tâm-lý- học gọi là thực-nghiệm vẫn chưa chắc là đúng, vì lẽ lợi-khí của thực-nghiệm là khoa-học vẫn chưa có thể gọi là có giá trị tuyệt đối.

Đạo Phật chủ-trương rằng đã là chân-lý tuyệt-đối thì không thể dùng ngữ ngôn, văn tự để phô diễn được. Chân-lý là một cái gì vô biên, vô cùng, không có giới hạn; trí óc, văn tự, ngữ ngôn là những gì có biên giới có hạn lượng; đem cái có biên giới mà so với cái vô cùng đem cái hữu hạn mà đựng trong cái vô hạn là một việc không thể nào thực hiện. Chân lý trong sách vở không phải là chân-lý: văn-tự danh-ngôn chỉ là bóng dáng đã đổi hình của chân lý mà thôi. Bóng dáng còn không phải là chân-lý, huống hồ là bóng dáng đã đổi hình! Đức Phật thuyết pháp trong 45 năm và Ngài nói: “Trong 45 năm, ta chưa hề nói được một tiếng”. Câu nói ấy chứng tỏ rằng chân lý không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ, văn tự. Kinh Kim-Cang dạy rằng “chứng ngộ mà nói được rằng chứng ngộ thì đó không phải là chứng ngộ thực”. Phật lại dạy: “Y theo kinh điển giải nghĩa thì oan cho tam thế chư Phật, nhưng lìa kinh ra một chữ thì lại đồng với ma-thuyết”. Kinh điển, lời dạy của bậc Giác ngộ không phải là chân lý mà chỉ là phương-tiện chỉ bày chân-lý, nói đó là chân lý thì oan cho tam thế chư Phật. Nhưng thảm hại thay, nếu bảo đó không phải là chân lý mà bỏ những phương tiện chỉ bày chân lý (tức là kinh điển) đi thì chẳng còn gì nữa, mà chỉ còn là tà-thuyết của Ma-vương. Phật lại dạy: “Chân lý như mặt trăng, giáo lý ta dạy như ngón tay chỉ mặt trăng cho các ngươi thấy. Đừng chấp lầm ngón tay ta là mặt trăng” (Nhất thiết Tu-Đa-La giáo như tiêu nguyệt chỉ). Thâm thúy bao nhiêu mà cũng đầy đủ bao nhiêu, cái ví dụ ấy của đức Phật!

Cái mùi vị của một múi “sầu riêng”, hình dáng của những con vi trùng thấy trong kính hiển vi, những cái không phải là khó hiểu lắm ấy mà chúng ta cũng không thể diễn tả cho người khác nhận biết được một cách trực tiếp, huống hồ là chân lý mà chỉ có trí giác ngộ xa lià được mê lầm mới có thể thân chứng!

Bởi vậy, “nghiên cứu để hiểu được chân-lý” là một cái mộng không thể thực hiện. Nghiên cứu để tự mình thực hành theo, nương vào đấy mà chứng nhập chân lý, ấy mới là công việc của người học Phật. Cho nên mục-đích của Phật-Học không phải chỉ là để thỏa-mãn trí tìm tòi của thế-nhân, mà để làm phương-tiện chỉ bày chân lý, vì tự nó, nó không phải là chân-lý thực thụ; lý do là nó được biểu lộ bằng ngôn ngữ văn tự và căn cứ trên trí tỷ-lượng của chúng-sinh.

Tất cả những gì được biểu lộ bằng lời nói đều là những phương-tiện mà phương-tiện không phải là chân lý, không phải là chân lý tức là sai-lầm. Chân lý là cái gì? Chân-lý ở đâu? Chân-lý là chân-lý, vượt ra ngoài ngữ ngôn và văn tự. Mâu thuẫn bao giờ cũng biểu hiệu cho một sự sai lầm dù ít dù nhiều. Phật-học chủ trương rằng trong tất cả những quan-niệm đều chứa sẵn mâu thuẫn và những chân lý nào có thể diễn giải được đều là những chân lý tương-đối, cũng như Đạo Đức Kinh chủ trương “Đạo khả đạo phi thường Đạo”. Mâu thuẫn dẫn dắt đến sự phủ nhận quan-niệm về chân lý và đem ta đến một từng chân lý cao hơn, song vẫn ở trong vòng tương-đối. Đã là chân lý tương-đối thì vẫn bao hàm mâu thuẫn, để rồi có sự phủ định chân lý ấy, và do dó, đưa sự hiểu biết tiến dần lên. Vì thế Phật-học là một biện-chứng-pháp rất hoàn-toàn. Biện chứng pháp duy-vật còn có khuyết-điểm: người ta có thể cho nó là sai lầm vì tự nó vẫn có chứa đựng mâu thuẫn. Phật học vì vậy lại rất khác với các học thuyết siêu hình viển vông.

Như ta đã biết, lời dạy của đức Giác-ngộ tuy không phải là chân lý nhưng quý giá vô chừng vì nó là phương-tiện chỉ bày chân-lý. Nó không phải là chân lý vì nó được biểu lộ băèng ngữ ngôn văn-tự là mộït phương-tiện thiết lập theo trí suy lượng của chúng-sinh; song lìa nó ra, ta không thể vịn vào đâu để chứng nhập chân lý nữa. Bởi thế học để hiểu, để thấy, để đừng chấp chân lý là cái có thể do ngữ ngôn văn tự biểu lộ được, để nương theo phương tiện mà đi vào cứu cánh. Trong khi tìm học ta có quyền nghi, và nghi, là một lợi khí cho sự giác-ngộ vì có nghi mới có ngộ. Đừng mù quáng chấp theo văn tự, phải dùng trí óc, phải dùng công phu thực hành để quán chiếu chân lý, để được giác-ngộ. Phương pháp của Phật-Học khác với các phương pháp của tâm-lý-học Tây phương ở chỗ ấy. Cốt nhất là đừng cố chấp vì chính sự cố chấp che mất chân lý, mà phá được cố chấp thì đồng thời cũng phá trừ được những tham vọng mê mờ che lấp trí trực giác.

Hai người bạn đứng chơi, một người bạn đứng quay mặt về hướng Nam, một người quay về hướng Bắc. Người quay mặt về hướng Nam thấy con chim Phụng Hoàng bay qua, liền bảo bạn: “Này, anh quay lại xem con chim Phụng-Hoàng”. Nhưng vừa nói xong chim đã bay mất. Thế là người bạn kia cứ một mực đòi biết cho được chim Phụng-Hoàng là chim gì, hình thể như thế nào, lông cánh ra thế nào. Người này không biết làm sao: mô tả thế nào cũng không gợi được trong trí óc bạn một con chim phụng-hoàng, và dù có gïợi được cũng là gợi nên một hình ảnh khác, nhiều khi phản lại cả hình ảnh chính nữa. Cuối cùng anh ta phải vẽ một con chim phụng-hoàng thật giống (thì cứ cho thật giống đi) và tung nó lên trời. Anh bạn kia có thể chấp chặt đó là con chim phụng-hoàng thật và nghĩ: “Phụng-hoàng là con chim giấy ấy, chim giấy ấy là phụng-hoàng, chim giấy và phụng hoàng là một” Chết chưa! Sao lại là một được? Con chim giấy không phải là phụng-hoàng mà chỉ là một phương-tiện để chỉ phụng-hoàng thôi. Nếu nó là phụng-hoàng thực sao nó không bay? Chấp nó là phụng-hoàng, cái kiến chấp ấy nguy hiểm biết bao nhiêu, đời nào để có thể biết được phụng-hoàng thực? Nếu anh bạn bỏ cố chấp đi, và do chim giấy mà biết được rằng: “Con phụng-hoàng vừa bay qua cũng giống thế, nhưng nó là một con khác, một con chim bay được, hót được và đã bay qua mất rồi. Ta đã hiểu, còn con chim này chỉ là con chim giấy, một phương-tiện để chỉ bày cho ta hiểu ấy thôi”. Thấy được như vậy mới thật là không cố chấp. Học Phật cũng giống như thế, có điều là ta sẽ thấy được chính chân lý bằng trực giác chứ không phải chỉ thấy có chân lý bằng trí suy-lượng, như anh chàng kia chẳng được thấy bằng mắt con chim phụng-hoàng, mà chỉ thấy được bằng ý-thức suy-đạc, căn cứ trên “mắt thấy” và trên con “chim giấy”.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.