Một Đời Sống Đẹp

Đức Dalai Lama thường nói: “Nếu bạn trở nên ích kỷ, thì hãy ích kỷ một cách khôn ngoan.” Nói như vậy có nghĩa là nếu các vị muốn hạnh phúc, các vị phải giúp đỡ người khác, phục vụ chúng sanh và không được làm tổn hại loài nào. Đó mới là khéo ích kỷ. Vì chỉ có như thế mới bảo đảm hạnh phúc cho mình và đưa mình đến thành công.

Chúng sanh vạn nẻo càn khôn
Nguyện quy Tam Bảo cùng con một lòng.
Thường hành Tôn Pháp tinh trong,
Phổ Hiền cảnh giới đồng mong nhập vào.

Luân hồi vạn kiếp, đến tận phút này, con và tất cả chúng sanh mãi bị tam độc bức bách. Do tam độc đun đẩy, nên nghiệp tội chất chồng. Bởi vậy mà từ cực thượng thiên đình xuống tận A-tỳ tối hạ, chúng con đã phải mang trả trả mang vô vàn thân tướng, không ngớt cam chịu khổ nạn luân hồi, đoạ đày trôi lăn ba đường ác hoạn. Ai là người có đủ quyền năng cứu độ chúng con và tất cả ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp thoát khỏi luân hồi ác khổ ấy? Chỉ có Tam Bảo hiện tiền là Thầy đưa đường dẫn lối cho con. Giờ đây, kính lạy Tam Bảo, cầu xin cứu độ chúng con cùng tất cả ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp được thoát khỏi nổi khổ trầm thống của luân hồi, ác đạo. Từ giờ phút này cho đến khi được diện kiến đức Phổ Hiền, dù cho đời con hoặc nhiễm hoặc tịnh, hoặc xấu hoặc tốt, hoặc khổ hoặc vui, con nguyền mãi mãi quay về nương tựa Tam Bảo, tinh tiến tu hành.

******

Thuật ngữ Tây Tạng zang-ngan trong phần lược giải này có thể được hiểu nhiều cách khác nhau. Đại khái, zang nghĩa là tốt hoặc thiện, ngan nghĩa là xấu hoặc ác. Cặp từ này cũng có nghĩa là thanh tịnh và ô nhiễm hay hạnh phúc và khổ đau. Nói một cách bao quát, tốt đẹp chỉ cho một cuộc sống an bình, mọi sự mọi việc đều diễn ra êm thắm; hư xấu chỉ cho một cuộc sống gian nan với bao khó khăn trở ngại trăm bề. Tuy nhiên, tốt hay không tốt còn tuỳ thuộc vào nhận thức của từng người nữa.Theo quan điểm của Phật Giáo, nếu ta sống một đời mà phần nhân đức vượt trội hơn phần phi nhân đức thì đó là một đời tốt đẹp. Nếu năm qua ta làm nhiều điều lành hơn là điều dư,õ thì đó là một năm lành. Nếu ngày hôm qua ta làm nhiều điều phước hơn là điều tội, thì đó là một ngày phúc. Thậm chí, nếp sống của ta mới chỉ được nữa tốt nữa xấu thôi, thế cũng đã là quí lắm rồi.

Thực ra tốt đẹp hay hư xấu tuỳ thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Nếu ta đem mình sánh với người suốt ngày chỉ làm việc ác, thì mỗi ngày vài giờ làm lành của ta cũng được xem là tốt rồi. Rõ ràng, mỗi ngày ta nghĩ tốt làm thiện dăm ba tiếng đồng hồ cũng quí hơn là chẳng làm thiện được phút nào cả.

Đó là khái niệm chung về tốt và xấu ở đời, là sự chênh lệch tương đối giữa hành động thiện và hành động ác. Nếu trọn một ngày, ta cố gắng tu tập để làm được nhiều việc thiện hơn là việc ác, thì dù ta có cảm thấy sức cùng lực kiệt đi nữa, ngày đó cũng là một ngày tốt đẹp.

Đại Hành giả Tây Tạng : Ngài  Milarepa

Ta thử xem gương của ngài Naropa. Tuân theo lời sư phụ là Tilopa, Naropa phải trải qua cả thảy hai mươi bốn ách nạn lớn nhỏ. Dù vậy, có cuộc đời nào tốt đẹp sánh bằng cuộc đời của Naropa đâu ! Milarepa cũng thế, phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Vâng lời thầy Marpa, Milarepa phải vất vả một mình xây dựng một ngôi tháp chín tầng, rồi lại phải đập đổ đi để xây sửa lại, đến ba lần như vậy. Ngài không hề được phép tham dự các lễ khai đạo hoặc các pháp hội cùng với các đồng môn. Không những thế, Milarepa lại luôn bị la mắng và ngược đãi chứ chẳng bao giờ nghe được một lời khích lệ, như là “con đã hành trì tốt đấy” hay “con quả là một môn đồ mẫu mực”v.v… Mặc dù Milarepa luôn hoàn tất bất cứ công viêïc nào thầy giao, những gì Milarepa nhận được chỉ là những pha đạo nộ của thầy mà thôi. Tuy nhiên, nhờ tuyệt đối vâng theo lời thầy và không hề để cho một niệm sân giận nào dấy khởi, nên Milarepa đã tu tập chứng quả giác ngộ ngay trong hiện kiếp. Cuộc đời của ngài thật là một tấm gương sáng về nhân lành quả tốt, thật là một đời khéo tu.Phân biệt rõ ràng thế nào là một đời tốt đẹp hay thiện và thế nào là một đời hư xấu hay ác có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu ta lý giải sai lệch hoặc có những ý tưởng không xác thực về thiện – ác, thì ta sẽ lầm lạc. Một khi đã lầm đường lạc lối rồi, thì tâm thức sẽ chẳng bao giờ chứng được, đắc được một quả gì cả, mà kể như hoàn toàn vô bổ.

Thiện và ác có thể được hiểu dưới ánh sáng của Chánh pháp, hoặc theo chánh kiến về nghiệp, về giáo lý lam-rim, mà cũng có thể bị cắt nghĩa theo cái nhìn chứa đầy tham ái và chấp thủ. Hẳn nhiên, hai cách hiểu này hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, sự suy diễn của tâm tham ái về thiện – xấu thì hoàn toàn trái ngược với sự minh giải trí tuệ. Lầm lạc hay không là từ chỗ khác biệt này. Nếu niềm tin và sự hiểu biết của ta về chánh pháp còn quá non yếu, thì ta rất dễ tin vào sự dắt dẫn của tham ái. Ngược lại, nếu niềm tin kiên cố và sự hiểu biết sâu sắc, thì rõ ràng ta sẽ thuận theo sự minh giải của trí tuệ.Nói chung, đa phần người đời đều chạy theo tham ái. Với họ, một cuộc sống tốt là cuộc sống mà thành công của nó được định giá bởi sự phát triển của thế giới bên ngoài. Nào là tích luỹ nhiều của cải, tài sản, xe cộ; nào là con cháu đầy đàn, giao lưu rộng rãi v.v… Đó là sự phồn thịnh trước mắt của thế giới vật chất. Theo tâm tham ái, chính cuộc sống thịnh vượng ấy là cuộc sống tốt đẹp nhất.Nhưng đằng sau nó còn điều gì nữa chứ ?

Thực ra, điều mà người ta mong cầu chính là an lạc và hạnh phúc. Nhưng vấn đề rắc rối là phần lớn người đời không biết làm thế nào để được an lạc và hạnh phúc. Họ chỉ có một giải pháp là thúc đẩy sự phát triển của thế giới bên ngoài. Phải nói rằng họ chỉ biết như vậy thôi, bởi vì họ thiếu hiểu biết về sự thật ở đời (Pháp/Dharma). Mặc dù con người luôn mong muốn được thoả mãn và an lạc, song, họ không có phương pháp nào khác hơn là cải tiến thế giới bên ngoài. Dù họ nỗ lực thế nào đi nữa, kết cuộc họ cũng chỉ than như lời băng nhạc Hòn Đá Lăn đã từng hát: “Bình an ơi, sao tôi không có được?”.

Để sống một đời thanh tịnh cao cả, chúng ta cần phải chuyên tu nhiều năm, hoặc phải trọn đời khép mình trong tu viện, nghiêm trì giới luật, chấp nhận từ bỏ hầu hết mọi thú vui và tiện nghi ở đời. Thế nhưng, nếu chúng ta không đoạn trừ được tham ái, chúng ta cũng đau khổ lắm. Bởi vì, nếu tâm còn vướng víu với trần tục, chưa tách mình ra khỏi thế sự ưu phiền, tâm trí còn não hoạn, thì chúng ta sẽ khó bề an vui tu tập và nghiêm trì giới luật được. Nếu chúng ta kết mình với tham ái và tám pháp thế gian, thì tâm chúng ta khó mà an lạc mặc dù thân đang ở chốn đạo tràng. Chừng nào chúng ta còn gắn chặt với tham ái, còn lăn lộn với tám pháp thế gian, thì chúng ta còn tìm cầu tiện nghi và lạc thú của đời thường, và như thế ta sẽ không tu tập và phụng sự đạo pháp được. Thật khó mà phụng sự chúng sanh nếu tâm mình còn nhiều tham ái và xa rời chánh pháp.Tuy nhiên, mặc dù tâm chưa an, chưa tìm thấy hạnh phúc, nếu các vị cố gắng tu tập, lấy giới dẫn đạo, tránh đi những điều không hay, thì, theo quan điểm của tôi, đó vẫn là một đời tốt đẹp. Tương tự như vậy, các vị thấy khó khăn trong công phu tu tập, thấy khó trong việc phục vụ bạn đạo, thấy khó trong việc phụng sự chúng sanh, nếu các vị cứ kiên tâm trì chí, thì chắc chắn rằng đó vẫn là một đời tốt. Vì sao? Vì các công đức mà các vị trì chí tạo dựng đó chắc chắn sẽ mang lại quả tốt.

Khi giữ giới tu tập, vì lòng tham chấp còn mạnh nên có thể các vị không cảm thấy an lạc. Song, các vị vẫn đang sống một đời tốt đó, bởi vì những gì các vị đang làm hôm nay sẽ đưa đến nghiệp quả lành ở đời sau. Thậm chí, giả như các vị không hoàn toàn trong sạch, không hoàn toàn viễn ly, không hoàn toàn giải thoát khỏi tám pháp thế gian, vẫn còn dính chặt với tham ái, cứ cố gắng tu tập thì kết quả vẫn tốt.

Tất nhiên, để đạt được tâm xả ly hoàn toàn, ta phải trải qua thời gian tu tập lâu dài. Phải công phu thiền quán liên tục và sâu sắc về vô thường, về sinh tử luân hồi, về khổ nạn trong ba đường ác. Đồng thời cũng phải quán chiếu về nhân duyên hy hữu của kiếp người để thấy rằng thọ được thân người là khó, giữ được thân người là quý, mà một khi mất rồi thì không dễ gì tìm lại được. Chỉ có con người mới có được tám điều tự do và mười điều quý báu (…).

Càng rời xa tám pháp thế gian, càng từ bỏ tham ái ở đời để sống xả ly bao nhiêu thì ta càng thấy an vui, hạnh phúc bấy nhiêu. Ngược lại, hễ ta càng chạy theo tham ái bao nhiêu thì ta càng bị tám pháp thế gian chi phối bấy nhiêu. Ví dụ, nếu ta càng thích được người ta mến, người ta yêu, thì ta càng khổ đau khi bị người ta chê, người ta ghét. Hay càng thích được tiện nghi đầy đủ thì càng khổ khi không có tiện nghi. Và khi sự việc diễn ra không tương ứng với tâm tham chấp, hễ ta càng bực bội thì ta càng khổ và vấn đề càng trở nên rắc rối.

Nhưng, dù cho các vị chưa hoàn toàn lìa bỏ tham chấp, chưa cắt đứt sự vướng víu vào tám pháp thế gian, không thấy vui trong đời sống tu tập, không còn thích ở trong cửa đạo nữa, miễn là các vị cố gắng tiếp tục công phu, thì các vị vẫn đang sống một đời sống tốt. Bởi những nỗ lực của các vị hôm nay sẽ mang lại kết quả tốt cho đời sau.Tôi gọi một đời sống đẹp là vậy.

Nếu ta không hiểu rõ vấn đề ấy, thì rất có thể (trong nghịch cảnh) ta sẽ quyết định buông xuôi. Nghĩ rằng: “Tu tập có hạnh phúc gì đâu. Mấy năm liền, nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng, thọ giáo với các vị Lama đức độ, khép mình trong tu viện để hành trì giới luật, rốt cuộc rồi tâm cũng chẳng an lạc gì. Thôi thì, tìm đến một thánh đường Hồi giáo, thử học đạo này xem sao.” Thế là ta bỏ ngang những gì đang làm, chẳng còn giới luật gì nữa và trở thành một gã lang thang lêu lổng. Từ chỗ nổ lực để giải thoát khỏi tham ái, ta lại bị si mê đun đẩy và trở nên đắm chìm trong tham ái.

Tôi chỉ nói chung chung vậy thôi, chứ không có ý ngầm chỉ riêng ai đã hoàn tục. Vả lại, chuyện này cũng thường xảy ra khi người ta muốn thay đổi nếp sống. Nhưng với thế gian, dù vui đến đâu, ta cũng nên tự hỏi mình: niềm vui ấy có phải là niềm vui chân thật không, hay chỉ là sự trá hình của tham ái? Các vị cần nên luôn kiểm nghiệm lại hạnh phúc của mình như vậy. Nếu đời người bị dẫn dắt bởi tâm không tu, dù cho người ta cảm thấy vui sướng như thể mình được tự do, khoẻ mạnh, giàu sang, có bạn có bè, thì người ta cũng không thể không biết đến nghiệp quả của một đời như thế!

Với người thế gian, nếu không dựa trên quy luật nhân quả để nhìn nhận cuộc sống, mà chỉ nhìn cách hời hợt những gì diễn ra xung quanh mình, thì người ta thấy tất cả dường như đều ổn thoả và tựa hồ như họ đang vui hưởng cuộc đời. Nhưng dẫu cho họ có vững tin là họ đang vui sướng và hạnh phúc đến mức nào đi nữa, thì niềm tin ấy cũng chỉ là tin hão mà thôi. Bởi ngay cả hạnh phúc kia cũng không thực.

Đừng xét gì đến nhân quả thì cuộc sống của người ta trông như hạnh phúc lắm. Nhưng thực ra, cuộc sống hạnh phúc phải là cuộc sống mà trong đó nhân quả đều thiện lành. Như Naropa và Milarepa, các vị vâng lời Tôn sư nên phải trải qua biết bao gian khó [nhân lành] và nhờ đó các ngài đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp nhất, mỹ mãn nhất về sau [quả lành]. Theo quan điểm của tôi, mà cũng chính là quan điểm của Phật giáo, đó mới thực là cuộc sống hạnh phúc.

[Nhưng nói gì thì nói,] các vị không thể trong một sớm một chiều mà có thể làm cho tâm mình hoàn toàn trong sạch được. Không phải chỉ đơn giản xuất gia làm tăng, làm ni là các vị có thể làm cho mọi tham chấp rơi rụng ngay được. Mà việc tịnh hoá tâm mình đòi hỏi rất nhiều thời gian và có khi còn phải trải qua rất nhiều gian khổ. Để hoàn toàn rũ sạch tham chấp, các vị phải miên mật thiền quán cho sâu sắc về vô thường, về sinh tử, về sự hy hữu của thân người và về pháp tu tiệm tiến. Đồng thời, các vị cũng phải y theo giới luật mà vui sống đời phạm hạnh. Có như thế mới an được tâm mình và có thể giúp người được an.

Giới luật được chế ra cũng không ngoài mục đích ấy. Ở các tu viện lớn như tu viện Sera, tu viện Ganden, tu viện Drepung, học viện Mật giáo… các bậc Tôn đức thông tuệ lập ra những điều luật là nhằm giúp cho người hành trì trưởng dưỡng tâm mình trên con đường hướng đến giác ngộ. Bên cạnh lợi ích cho người hành trì, giới luật này còn mang lại lợi ích cho nhiều chúng sanh khác. Bởi vì người trì giới thì đâu có làm tổn thương đến chúng sanh nào.

Vậy thì trong khi các vị sống trong những điều kiện như thế, cho dù lắm lúc vọng tưởng làm cho các vị không được an lạc, nỗ lực tu tập của các vị vẫn mang lại kết quả tốt. Rõ ràng nhờ không sát sanh, không trộm cắp… các vị sẽ thọ nhận quả báo tốt đẹp, hưởng được an lạc sau này. Cho nên, dù ngay bây giờ các vị chẳng thấy hạnh phúc chút nào, nhưng chắc chắn mai sau các vị sẽ được hạnh phúc. Đó chính là điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây.

Thế nhưng con người ngày nay dường như chỉ biết làm sao cho mình được hạnh phúc ngay bây giờ mà thôi. Đặc biêït là người phương Tây. Mục đích của típ người này là: tôi, hạnh phúc, bây giờ. Vấn đề là ngay bây giờ, tại phút này, ngày hôm nay. Đây chính là hệ quả của lối tư duy chấp ngã, luôn luôn cho mình là quan trọng và thổi phồng mình lên. Dẫu vậy, cách chăm sóc mình tốt nhất, cách thương yêu mình nhất, là phải thực hành pháp. Thực hành pháp là thể hiện sự quan tâm lo lắng cho chính mình chu đáo nhất mà không mang theo sự mâu thuẫn nào ở tự thân.

Như thực hành pháp xả ly là ta tự thấy mình giải thoát. Giải thoát đó chính là điều ta cần. Vì không có giải thoát là ta vẫn cứ đau khổ dài dài, chẳng bao giờ dứt. Hoặc như thực hành pháp quán không, cũng là cách chăm sóc mình khéo nhất. Vì có quán không là có chánh kiến. Mà có chánh kiến là bứng được gốc luân hồi. Thực hành pháp phát bồ đề tâm cũng vậy. Vì pháp này đưa ta đến hạnh phúc tối hậu của giải thoát giác ngộ. Ngoài ba điều ấy ra, các vị cần gì nữa đâu ? Còn gì đáng làm hơn? Còn gì cao hơn nữa để các vị vươn tới? Còn gì quý hơn là được giải thoát khỏi luân hồi và giác ngộ hoàn toàn? Đó không phải là cách chăm sóc cho mình tốt nhất sao?Vậy nên, bất cứ khi nào ta thực hành pháp là ta đang quan tâm lo lắng cho mình tận tuỵ nhất.Như đức Dalai Lama thường nói: “Nếu bạn trở nên ích kỷ, thì hãy ích kỷ một cách khôn ngoan.” Nói như vậy có nghĩa là nếu các vị muốn hạnh phúc, các vị phải giúp đỡ người khác, phục vụ chúng sanh và không được làm tổn hại loài nào. Đó mới là khéo ích kỷ. Vì chỉ có như thế mới bảo đảm hạnh phúc cho mình và đưa mình đến thành công. Sự ích kỷ khôn ngoan mà đức Dalai Lama nói đến có nghĩa là vậy. Và đấy cũng là điều mà tôi muốn nói với các vị.Hễ pháp không hành thì hạnh phúc không có. Người không thực hành pháp thì không bao giờ có an lạc. Vì vậy cách quan tâm lo lắng cho mình khéo nhất, cách thể hiện tình thương với chính mình sâu sắc nhất, con đường tìm cầu hạnh phúc đúng đắn nhất là thực hành pháp. Thực hành pháp, các vị tích luỹ được công đức. Mà kết quả không thể sai khác của công đức ấy chính là hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ ở đời này mà cả ở nhiều đời sau. Nhân thiện lành đưa đến quả hạnh phúc đã là quy luật, thì ngoài thực hành pháp ra chẳng còn con đường nào khác đáng tin cậy. Nói đúng hơn, ngoài thực hành pháp, hoàn toàn không có con đường nào khác để tìm cầu hạnh phúc cả. Người ta không thể nào đạt được hạnh phúc bằng một phương pháp không đúng với chánh pháp. Nếu hành động phi pháp thì không có công đức gì hết, và kết quả tất yếu của hành động ấy chính là khổ đau.Vậy nên, trong cuộc đời, thực hành pháp chính là thương yêu mình nhất, là suối nguồn hạnh phúc duy nhất. Giả như các vị có tìm cầu hạnh phúc cho riêng mình thôi – cầu một đời tốt đẹp hơn hoặc muốn dứt hẳn luân hồi – như thế cũng đã là khéo biết lo cho mình và dựng xây một cuộc đời tốt đẹp. Và nếu như các vị đang nỗ lực phục vụ cho chúng sanh mà vẫn không thấy an lạc vì tâm còn nhiễm trước, còn chấp ngã, còn đeo níu với luân hồi, thì chỉ việc phục vụ chúng sanh ấy thôi cũng đã quý rồi. Miễn là còn nỗ lực để phục vụ cho chúng sanh là vẫn còn sống một đời tốt đẹp.Lại nữa, như trên đã nói, lắm lúc ta thấy “lòng chẳng an mà đời cũng chẳng vui”, hoặc thấy “lòng trần còn lắm nhiễm ô” rồi từ đó [trở nên chán chường đến nỗi] không còn chí khí để phục vụ tha nhân nữa. Nếu ta thối chí và chuyển sang làm những việc không lợi mình mà cũng chẳng ích người, thế là ta đánh mất luôn chút phước mọn còn lại trong thân, khẩu, ý của mình, và cuộc đời ta trở nên hoàn toàn lãng phí.Một đằng là hoàn toàn lãng phí đời mình, đằng khác là phục vụ cho tha nhân mặc dù tâm còn ô nhiễm. Thử so sánh, giữa hai đằng ấy, đằng nào hơn? Nếu điều mình làm mang lại lợi ích cho người khác, ấy là mình đang sống tốt, vì người khác được hạnh phúc nhờ những điều mình làm. Nếu bỏ làm điều tốt ấy đi, rồi làm chuyện chẳng mang lại lợi ích cho ai cả, thì bao nhiêu nỗ lực của thân, khẩu, ý đều kể như công toai. Bao nhiêu cơm cháo, áo quần, thuốc men, nhà cửa mà mình thọ dụng từ thuở mới chào đời đến nay coi như hoàn toàn vô bổ. Có còn gì nữa đâu?Bỏ cuộc như vậy, không những ta chỉ đánh đổ hết những gì mình có, mà còn huỷ luôn tất cả những gì mà cha mẹ đã lao khổ gầy dựng cho mình. Trải bao năm tháng, từ ngày mang ta trong bào thai cho đến ngày hôm nay, cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi nấng ta. Vì muốn cho ta được an lành hạnh phúc, cha mẹ phải lao nhọc, trăn trở, lo âu mòn mỏi. Nếu bây giờ, ta đem đời mình làm chuyện phi nghĩa thì bao công sức của cha mẹ thử hỏi còn đâu?

Thế nên, chúng ta phải biết vui mừng khi gặp được giáo pháp quý báu của Đức Phật, nhất là giáo pháp lam-rim. Trong giáo pháp lam-rim này, tám vạn bốn ngàn pháp môn Đức Phật dạy được hệ thống hoá thành một phương pháp có thứ lớp rõ ràng, có thể giúp chúng ta tu chứng quả vị giác ngộ giải thoát tối hậu mà không sợ lầm lạc. Cùng với việc tịnh hoá ba nghiệp và tích luỹ công đức bằng pháp trì chú kim cang, niệm danh hiệu Phật, chúng ta thực hành giáo pháp lam-rim, dần dần bỏ được mê hoặc, trưởng dưỡng tâm bồ đề, cho đến khi chứng thành đạo quả, có khả năng hoằng hoá lợi sanh cứu độ muôn loài. Hằng ngày, chúng ta có thể trau tâm bằng cách nghe pháp, học kinh, và thiền quán theo giáo pháp lam-rim. Chỉ cần học giáo pháp lam-rim vài phút hay vài giây thôi chúng ta cũng đã gieo vào tâm hạt giống giác ngộ rồi. Như vậy trong vài phút đó, ta đã làm lợi ích lớn cho chúng sanh. Bên cạnh việc nghe pháp, học kinh và thiền quán, chúng ta còn có thể phục vụ cho chúng sanh bằng nhiều phương cách khác nhau. Vì vậy, không có lý gì mà ta không vui.

Bây giờ, chúng ta trở lại lời văn giải: “dù cho đời con hoặc nhiễm hoặc tịnh, hoặc xấu hoặc tốt, hoặc khổ hoặc vui…”, nghĩa là [bất cứ giá nào] chúng ta cũng phải luôn luôn quay về nương tựa Tam Bảo. Dù cho các vị có bị phạm giới, hoặc phạm vào mười điều thiện (…) và các ác nghiệp khác (nếu là người chưa thọ giới), các vị cũng cần phải luôn quay về nương tựa Tam Bảo. Thực ra, chính những lúc suy sút ấy, các vị cần nên quay về nương tựa và sống gần gũi bên Tam Bảo hơn nữa. Các vị đừng nghĩ mình lỡ gây tạo tội lỗi rồi, thì thôi còn gì hy vọng nữa; và buông xuôi, bỏ tu bỏ pháp. Các vị vẫn cần an lạc và không muốn khổ đau cơ mà! Thế thì chính những lúc thối thất như vậy, các vị phải dõng mãnh hơn bao giờ hết, trở về nương tựa nơi Tam Bảo.

Dù điều gì xảy ra cho đời mình, tốt hay xấu, thiện hay ác, khổ hay vui, ta phải luôn luôn quay về nương tựa Tam Bảo, không phải chỉ bằng miệng bằng lời mà phải từ nơi sâu thẳm của lòng mình. Phải thiết tha khẩn cầu Tam Bảo: “giờ đây, xin soi đường dẫn lối cho con”. Phải tâm tâm niệm niệm như vậy mà đọc tụng:

Chúng sanh vạn nẻo càn khôn
Nguyện quy Tam Bảo cùng con một lòng.

Câu kệ nhắc chúng ta phải luôn dõng mãnh thiết tha quay về nương tựa Tam Bảo. Khi các vị cầu nguyện, ý và lời, tâm và khẩu phải hợp nhứt. Cõi lòng ta và lời cầu nguyện phải là một.

Nói tóm lại, điều xung yếu mà tôi muốn chia sẻ đó là dù cho các vị không tìm được an lạc, hạnh phúc, miễn là các vị còn xuất gia trì giới, sống trong tu viện, thì cuộc đời của các vị vẫn xứng đáng, vẫn có ý nghĩa, vẫn là một đời khéo sống khéo tu. Bởi vì các hành động thiện mà các vị đang gieo trồng hôm nay sẽ mang lại hoa trái hạnh phúc trong tương lai. Không chỉ trong một đời mà nhiều đời sau nữa. Vì vậy, dù các vị có gặp nhiều khó khăn, dù các vị có hy sinh rất nhiều thú vui của riêng mình, sự thực hành pháp của các vị chắc chắn đảm bảo một tương lai tươi sáng cho các vị. Về lâu về dài, các vị sẽ được hạnh phúc, sẽ được sanh lên cõi trên sau khi thác, sẽ được giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Vậy nên, dù có lận đận trong tu tập, xin đừng bao giờ nản chí!

Lama Zopa Richpoche ( Giác Kiến dịch)

Nguồn: http://phuongthaoam.blogspot.com

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.