Tình Người Trong Cuộc Sống

BÍ QUYẾT LÀM NGƯỜI TỐT

Người sống có đạo đức là người thường đem lại niềm an vui chan hòa tình yêu thương đến với tất cả mọi người không phân biệt người thân hay kẻ thù. Nên đạo đức là hoa thơm trái ngọt là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Vì vậy người Phật tử phải là người có nhân cách tốt, muốn thế chúng ta cần phải rèn luyện và gìn giữ năm điều đạo đức. Người hay giết hại có đạo đức không? Dạ không. Người hay trộm cướp lường gạt có đạo đức không? Thưa không. Người hay tà dâm lấy vợ người có đạo đức không? Dạ không. Người hay nói dối hại người có đạo đức không? Thưa không. Người hay uống rượu say sưa hoặc dùng các chất độc hại như xì ke ma túy có đạo đức không? Dạ không. Vậy người con Phật:

Hãy nói không, với các điều xấu ác.
Hãy nói có, với các điều tốt lành.
Hãy giữ tâm, không khởi niệm phiền não.
Hãy vì lợi ích tất cả chúng sinh.
Nghe lời Phật dạy tu trì,
Hạnh lành gieo mãi đến khi quả thành.

Vì sao chúng ta cần phải làm người tốt? Làm người tốt để chúng ta có cơ hội giúp đỡ gia đình sống an vui hạnh phúc và dấn thân phục vụ xã hội, đem tình thương đến với mọi người, sẵn sàng chia vui sớt khổ, để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Đó là chất liệu sống cần thiết giàu lòng nhân ái, để hình thành một nhân cách phẩm chất đạo đức nơi mỗi con người.

Một người sống có đạo đức là người không bao giờ dám làm các việc xấu ác, vì họ biết rõ ràng nhân xấu ác sẽ đem đến quả khổ đau cho nhiều người. Vậy đạo đức là gì? Đạo đức là những gì tốt đẹp trong mỗi con người, từ những ý nghĩ lời nói hành động của họ làm cho mọi người chung quanh cảm mến, ưa thích và có thể đem an vui lợi lạc ngay trong hiện tại. Một con người có nhân cách đạo đức tốt, phải phát xuất tự nội tâm trong sáng thanh tịnh, như vậy đạo đức là cái tốt ở bên trong, được thể hiện hài hòa bởi hành vi giao tiếp đối xử bình đẳng với mọi người không phân biệt thân hay thù. Người hay vị tha để giúp đỡ mọi người tùy theo khả năng, có khi giúp một lời nói để họ vượt qua cơn sợ hãi, một ly nước để giúp người qua cơn khát, hoặc nhiều hơn nữa giúp một số tiền lớn để cứu người qua cơn hoạn nạn. Vậy người sống có đạo đức là người biết đem tình thương chia sẻ đến cho nhiều người, biết kính trên nhường dưới sống vui vẻ bình đẳng với mọi tầng lớp trong xã hội. Đạo đức là hoa thơm trái ngọt luôn bay ngược chiều gió, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại. Con người muốn có nhân cách đạo đức tốt cần phải rèn luyện từ tuổi ấu thơ và hãy nên nói không với các điều xấu ác và hãy nên nói có với các điều tốt lành. Người sống có nhân cách đạo đức tốt là người thường xuyên biết chia vui sớt khổ, sống chân thật rộng lượng biết kính trên nhường dưới, biết bao dung và tha thứ, biết thương yêu và giúp đỡ, biết hy sinh và chịu đựng nhận phần thiệt về mình. Nhân cách đạo đức là hoa thơm trái ngọt, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nhân loại.

Bạch Cư Dị là một ông quan và là nhà thơ nỗi tiếng thời Đường ở Trung Hoa. Đến tuổi trung niên ông phát tâm tu học Phật pháp. Nghe đồn rằng có một thiền sư chuyên ngồi trên chảng ba của một gốc cây cổ thụ đã ngộ đạo, nên mọi người thường gọi là thiền sư Ô Sào (ổ quạ). Tiếng lành vang xa, Bạch Cư Dị muốn tìm đến ngài để cầu thưa hỏi Phật pháp, mong nhận ra lẽ thật để tu hành.

Vừa đến nơi đã thấy thiền sư ngồi trên cây, Bạch Cư Dị liền nói rằng chỗ ở của thiền sư rất là nguy hiểm. Thiền sư bình tỉnh nói rằng, chỗ ở của ông mới thật là nguy hiểm. Ông Bạch cư Dị nói, chỗ con làm sao nguy hiểm bằng chỗ thầy được. Thiền sư nói, ta tuy ngồi trên cao thấy dường như nguy hiểm nhưng là chỗ an toàn, để tu tập chuyển hóa các tham sân phiền não có tính cách hại người hại vật, nên không nguy hiểm mà còn có thể lợi ích cho nhiều người trong hiện tại và mai sau. Chính chỗ ông đang làm việc mới thật là nguy hiểm, bởi ông làm quan có quyền hành thế lực trong tay, nếu không phải là người liêm chính chí công vô tư, thì sẽ làm tổn hại cho nhiều người, bởi vì lòng tham con người như giếng sâu không đáy không cùng tận, không biết bao nhiêu mới gọi là đủ.

Sau khi nghe lời giải thích của thiền sư, ông mới hỏi thế nào là đại ý Phật pháp? Thiền sư trả lời:

Không làm các việc ác
Hay làm các việc lành
Giữ tâm không phiền não
Đó là lời Phật dạy.

Bởi vì ông quan này đã từng tham cứu nhiều ngữ lục, nên nghĩ rằng thiền sư phải dùng thiền ngữ trả lời mới đúng. Ông ta tự hào mình đã thông đạt bí quyết nhà thiền, nên khinh khỉnh nói rằng: “Câu này con nít tám tuổi trả lời cũng được” hòa thượng dạy con nghe tầm thường quá. Thiền sư liền bồi tiếp cho một câu, “nhưng ông già tám mươi tuổi làm cũng chưa xong”. Ngay nơi câu nói này, Bạch cư Dị nhận ra yếu chỉ Phật pháp, sau đó phát tâm dựng một nhà trúc ở dưới gốc cây để thiền sư có chỗ nghỉ ngơi, thuận tiện trong việc tu tập và giáo hóa chúng sinh.

Lời Phật dạy ngàn kinh muôn luận, nhưng cuối cùng chỉ tóm gọn trong bốn bài kệ trên, chẳng qua nhân loại có nhiều phiền não trần lao thì Phật phải đưa ra nhiều vị thuốc. Mục đích của đạo đức giáo dục nhân cách sống không gì khác hơn là giúp cho con người nhận ra thân phận của mình, để làm sao dựng lập đời sống gia đình phù hợp với sự vận hành của vũ trụ. Nghĩa là mọi người hãy luôn có ý thức trong việc chuyển hóa các tâm niệm xấu ác đang lỡ phát sinh, vì sự mê lầm của chính mình. Và chúng ta có thể tìm cách ngăn chặn những tư tưởng xấu có thể phát sinh, bằng sự quán chiếu thường xuyên của tuệ giác từ bi. Không có con đường nào tốt đẹp hơn là con đường trở về nội tâm của chính mình, tâm chính là cội nguồn của hạnh phúc và khổ đau. Ta không cần phải tìm kiếm những gì ở nơi xa xôi, mà ngay nơi con người chúng ta có đủ năng lực để mình nương tựa. Trong ta có đầy đủ tất cả những bình yên và hạnh phúc lâu dài, nếu ta quyết tâm nương tựa chính mình. Ít ai nhận ra điều đó. Ta cứ mãi lang thang làm khách phong trần mãi, chính vì vậy khi làm việc gì ta mang theo cái tôi ích kỷ và như thế sẽ làm cho nhân loại khổ đau. Con người ngày nay tiếp cận nền văn minh vật chất hưởng thụ đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết, nhưng cũng là kẻ chịu khổ đau nhiều nhất vì sự ích kỷ của chính mình. Làm quan tức có phước báo nhiều đời, nhưng nếu sống không vì lợi ích tha nhân thì sẽ làm tổn hại cho nhiều người, cho nên khi có quyền cao chức trọng nếu người đó không có đức hạnh thì vô tình hại nước, hại dân, bởi do thói quen chấp ngã và chiếm hữu. Vì vậy thiền sư nói, chỗ của ông mới thật sự nguy hiểm, nếu ông sống không có đức hạnh. Không làm các việc ác, mà hay làm các việc lành tuy nghe đơn giản, nhưng chỉ có người đức hạnh hay các vị Bồ tát mới kham nỗi, còn chúng ta hạng phàm phu tục tử hành cả đời chưa chắc xong. Nội một cái các tâm niệm xấu ác chúng ta chưa chắc đã chuyển hóa hết được, huống hồ là hay làm các điều tốt đẹp, nên thiền sư nói ông già 80 tuổi làm cũng chưa xong. Đó là một sự thật, khi có quyền cao chức trọng chúng ta dễ dính mắc vào công danh sự nghiệp, nhất là đàn ông càng lớn tuổi càng bám vào quyền lực nhiều hơn, nên rất hiếm người sống vì lợi ích tha nhân. Do đó muốn làm người tốt và có nhân cách đạo đức, phải là người Phật tử thuần thành giữ năm giới và tu thập thiện, khả dĩ mới giúp nhân loại sống bình an và hạnh phúc thật sự.

THAY LỜI KẾT

Sau một thời gian tu học tại Thiền Viện Thường Chiếu có người hỏi tôi: Việc làm hằng ngày của thầy thế nào? Tôi chỉ mĩm cười nói:

Sáng nấu cơm, vui cùng đại chúng.
Trưa đến vườn lan, nhìn cá bơi.
Chiều về, viết sách vui đây đó.
Tối lại, quay về việc chính mình.
Đêm đến, duổi thẳng hai chân ngủ.

Đó là việc làm hằng ngày của tôi, chỉ đơn giản như thế! Cuộc sống của tôi bây giờ là vậy đó, mỗi ngày đều hân hoan vui vẻ nấu cơm để cúng dường đại chúng. Ngày nào không được nấu cơm phục vụ cúng dường đại chúng trọn vẹn là ngày đó, tôi cảm thấy như đang thiếu thốn một cái gì. Con người là một chúng sinh cao cấp hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy tư, quán chiếu, tìm tòi. Thật ra có sống để làm việc, học và tu theo lời Phật dạy, chúng ta mới thấy Ngài là một con người có tấm lòng từ bi bao la rộng lớn và vô ngã vị tha. Ngài sống vì mọi người, vì lợi ích số đông, vì lợi ích tất cả chúng sinh, mà không vì lợi ích cho riêng mình.

Phật dạy cho chúng ta thấy một chân lý sáng ngời ngay nơi thân mỗi người, mà chẳng phải tìm cầu đâu xa, không phải trông chờ sự ban ơn cứu rỗi của một đấng nào, mà chính mình là thượng đế tối cao của chính mình. Mình làm lành làm tốt thì hưởng được nhiều phước báu, mình làm ác làm xấu thì chịu nhiều hệ lụy khổ đau. Một điều kỳ diệu không thể ngờ, từ con người cho đến muôn loài muôn vật trong bầu vũ trụ bao la này, đều phải sống nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn tính mạng. Chúng ta không làm ruộng mà vẫn có cơm ăn, chúng ta không nuôi tầm dệt vải mà vẫn có quần áo để mặc và cứ như thế mọi cái mọi thứ đều đan xen nương tựa chằng chịt lẫn nhau, mà cùng nhau phát triển và tồn tại theo lý duyên sinh. Nếu nhân loại số đông hướng theo chiều tốt đẹp thì mọi người sẽ được an vui hạnh phúc và ngược lại sẽ chịu nhiều đau khổ. Không có cái gì do một nhân mà hình thành, cho nên con người sống với nhau cần phải có tình thương yêu chân thật bằng sự hiểu biết chân chánh, vì tình người, tình nhân loại mà cùng nhau chia vui sớt khổ.

Chúng ta không thể an nhiên vui vẻ để an hưởng hạnh phúc một mình, mà trong khi đó có nhiều người khác đang gặp phải bất hạnh khổ đau. Sự sai biệt của thế gian là do nghiệp báo của mọi người đã gieo tạo không đồng, nên có sự chênh lệch về mọi phương diện, nhưng tất cả đều nương vào nhau mà duy trì sự sống. Người có địa vị quyền lực cao trong xã hội là nhờ nhiều đời biết giúp ích cho nhân loại, nên mới có phước báo lãnh đạo một đất nước, không phải bổng dưng và vô cớ mà có được, hoặc do một đấng tối cao nào có quyền mà định đoạt sắp đặt. Cho đến kẻ bần cùng trong xã hội cũng có sự đóng góp tích cực, để kết thành một nhân duyên tốt đẹp nương tựa vào nhau.

Chính vì nguyên lý duyên khởi trùng trùng điệp điệp mà chúng ta cần phải có trách nhiệm và bổn phận, trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau tùy theo khả năng, tùy theo điều kiện. Ngày xưa, có một vị Tăng đã chứng quả A la hán nhưng vẫn phát tâm chụm lò nấu cơm phục vụ đại chúng. Có người thắc mắc hỏi thầy, vì sao ngài phải làm việc nặng nhọc ấy. Thầy nói, ta đã năm trăm kiếp vì thấy biết sai lầm tạo nghiệp xấu ác nên đã bị đọa vào các loài súc sinh, chỉ có hai kiếp là được no đủ. Còn chúng ta bây giờ thọ dụng của đàn na tín thí quá nhiều, nợ này biết chừng nào mới trả xong. Nhìn gương hạnh của cổ nhân, mỗi người hãy tự kiểm lại chính mình mà tự hổ thẹn để cố gắng làm sao xứng đáng là người Phật tử chân chánh. Tôi bây giờ đủ nhân duyên được xuất gia làm Tăng, nên cũng cố gắng bắt chướclàm theo công việc của Ngài.

Cho nên sáng nấu cơm vui cùng đại chúng, trưa đến vườn lan nhìn cá bơi. Lúc cần làm việc thì cứ làm việc tận tụy hết sức để vuông tròn trách nhiệm của mình. Đến khi việc hết thì, “được việc thảnh thơi cứ thảnh thơi”. Chim bay trên trời, cá lội dưới nước, mọi việc đều như thế có gì là sai khác đâu. Tổ đình Thường Chiếu là thiên đường của hạnh phúc, nơi đây đã dung nạp trên một ngàn Tăng ni nếu ai có dịp đến tham quan và chiêm ngưỡng, thì tạm thời bao nhiêu phiền muộn khổ đau, sẽ đều bị cuốn trôi theo chiều gió. Chúng ta có đôi mắt sáng để thấy rõ muôn sự muôn vật, luôn tạo cho nhau có sức sống để trở thành con người tâm linh. Mà con người tâm linh là con người biết đóng góp dấn thân và phục vụ, đem an vui hạnh phúc đến cho nhiều người và sẳn sàng sẻ chia nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Tôi cùng mọi người cố gắng học hỏi và bắt chước gương hạnh của Bồ tát Quán Thế Âm, hãy cùng nhau lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của con người, hãy cùng nhau kết nối tình yêu thương. Việc làm của Bồ tát là việc làm cao thượng khó thấy hiếm có trên đời, chúng ta có nhân duyên tốt mới diễm phúc được gặp ngài và cùng đi theo con đường có hiểu biết và yêu thương, dấn thân và phục vụ, của Bồ tát Quán Thế Âm.

Tôi có nhân duyên lớn với ngài từ khi mới mở mắt chào đời, cơn bệnh ngặt nghèo tưởng chừng đã cướp đi sinh mạng của tôi trong lúc cận kề với cái chết. Mẹ tôi nằm chiêm bao, thấy Bồ tát Quán Thế Âm hiện về bảo rằng, muốn giúp đứa bé này sống còn, để sau này có thể làm lợi ích cho chúng sinh, thì hãy mau đến núi Bà đen sẽ có vị thầy cứu chữa. Nhờ vậy, tôi được sống còn và lớn lên, tồn tại đến bây giờ. Và một lần nữa tôi được Bồ tát Quan Âm cứu giúp để thay đổi cuộc đời xấu ác của mình, đó chính là người mẹ của tôi. Nhân duyên lớn tôi được xuất gia ở Thường Chiếu và từ đó tôi được thay da đổi thịt, nhờ sự hết lòng chỉ dạy của thầy lành bạn tốt.

Đối với tôi, ơn mẹ chưa đền đáp, lại thêm, ơn sâu của thầy tổ, mẹ đã cho tôi sự sống, thầy đã cho tôi sự hiểu biết và yêu thương. Tôi bây giờ, càng cố gắng thêm hơn nữa, để được sống yêu thương và hiểu biết.

Việc chung đã làm xong, giờ tiếp tục phát huy thêm vai trò cùng chia vui sớt khổ bằng sự trải nghiệm của chính mình, nên chiều đến viết sách vui đây đó, để có dịp chia sẻ cùng vớt tất cả mọi người. Muốn vậy thì, phải tham khảo tìm hiểu lời Phật dạy qua sự quán xét suy tư soi sáng lại chính mình, rồi từ đó tùy theo nhân duyên mà kết tình bạn lữ gần xa, để được đồng hành cùng mọi người trên tinh thần đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Niềm tin và lý tưởng sống rất quan trọng đối với con người, nếu ta không biết mà định hướng sai lầm, thì làm cho mình và người khổ đau. Nhưng, thế gian này biết bao là chủ thuyết học thuyết tôn giáo, ai cũng cho mình là đúng và tốt đẹp. Chính vì muốn bảo vệ chủ thuyết của mình mà con người đành lòng giết hại lẫn nhau. Một hôm, Phật đến một làng nọ thì người dân ở đây mới thưa hỏi rằng, kính bạch Đức thế tôn có nhiều Sa môn đến đây tuyên truyền vận động kêu gọi chúng con theo đạo của họ, ai cũng bảo rằng chỉ đạo của họ là tốt, vậy làm thế nào chúng con biết đạo đó là đúng, là tốt.

Đức Phật không trả lời mà còn hỏi lại các người dân như sau: Này các thiện nam tín nữ tham lam sát sinh hại người, hại vật có tốt không? Si mê nóng giận làm khổ đau thiên hạ có tốt không? Tất cả mọi người đều trả lời không. Này các thiện nam tín nữ khi nghe một điều gì, các vị phải biết quán sát suy tư và thể nghiệm, chớ nên vội tin một điều gì và cho đến khi quí vị thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức hay giúp mọi người hướng thiện, chói sáng được các bậc hiền trí khen ngợi. Nếu sống và thực hành các lời dạy ấy sẽ đưa đến an vui hạnh phúc về lâu về dài, thì quí vị hãy đặt hết niềm tin vào giáo pháp đó và cố gắng bắt chước thực hành theo. Đức Phật chia sẻ tiếp, này các thiện nam tín nữ nếu ai khuyên nhũ chúng ta, không giết hại chúng sinh, không trộm cướp lường gạt của người khác, không quan hệ tình cảm bất chánh ngoài vợ chồng chính thức, không nói láo hại người, không uống rượu say sưa. Như lai tuyên bố và xác quyết rằng, nếu ai giữ được những điều vừa kể trên, thì người ấy sẽ sống hạnh phúc và an lạc lâu dài.

Quả thật chúng ta quá diễm phúc nên mới gặp được Như lai thế tôn, ngài không bắt buộc mọi người tuân theo một cách giáo điều như các nhà truyền đạo khác. Đó là điểm đặc biệt của người tu theo đạo Phật, ngài chỉ hướng dẫn cho chúng ta thấy rõ đây là con đường dẫn đến an vui hạnh phúc, đây là con đường dẫn đến sa đọa khổ đau. Và ngài đã khuyên nhủ chúng ta trước khi tin theo hãy nên quán chiếu sâu sắc, thể nghiệm được sự lợi ích thật sự cho mình, có thể giúp đỡ cho tha nhân được an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Đó mới chính là niềm tin chân chánh, quí vị nên học hỏi và bắt chước noi theo.Tin như vậy mới là niềm tin không thối chuyển, bởi vì chúng ta đã biết rõ được cội nguồn của hạnh phúc và khổ đau.

Cho nên tối đến thích làm tăng vô sự, công việc trong ngày đã làm xong mọi cái đều được sắp xếp đi theo dòng thời gian vô tận, không còn gì đáng phải bận tâm nữa. Ai có duyên lành sẽ nhìn thấy chỗ này, rất ư là vi tế. Chúng ta cứ tưởng mọi cái mọi thứ đều dừng lắng hết, nhưng không phải vậy! Dòng nước cứ trôi mãi, chỉ chậm hay mau mà thôi. Cho đến lúc chúng ta cảm thấy hình như dòng nước đang dừng hẳn, không có dấu hiệu trôi đi, nhưng cũng không hẳn là như vậy. Từ đằng xa của một thác nước đang tuôn chảy, chúng ta chỉ nhìn thấy một vệt trắng không lay động. Chúng ta có thể lầm tưởng như vậy là xong, nhưng không đâu các bạn, vì vô tâm còn cách một lớp rào. Nếu ai tới đây tự mãn coi như là xong, thì suốt đời sống trong hang quỷ, chẳng lợi ích gì cho ai. Tôi cũng muốn làm Tăng vô sự lắm, nhưng tập khí nhiều đời cứ che chướng mãi nên có đôi lúc cũng muốn phát khùng lên vậy. Thôi thì làm Tăng vô sự không được, thì đành cam chịu làm Tăng nhiều việc, cũng tạm có chút cơm cháo sống qua ngày tháng.

Một chút duyên lành có được ngày hôm nay, xin nguyện hồi hướng đến với tất cả muôn loài, mong cùng nhau kết nối tình yêu thương để chúng ta được sống có tình người, tình nhân loại trong cuộc sống. (Phong Trần Trúc Giác)

Thích Đạt Ma Phổ Giác ( Theo thuvienhoasen.org )

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.