Tình Người Trong Cuộc Sống

CẢM XÚC TRONG TÌNH NGƯỜI

Sống ở đời ai cũng cần có tình cảm hay nói cho đúng là tình người trong cuộc sống. Tình cảm là khả năng nhận biết các cảm giác qua sự tiếp xúc của sáu giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Con người là một chúng hữu tình, vì có tình nên phát sinh ra hai vấn đềưa và ghét. Khi gặp cảm thọ dễ chịu thì sinh ra ưa thích luyến ái muốn được lâu dài nên bám giữ nuối tiếc, khi gặp cảm thọ khó chịu thì tỏ thái độ không hài lòng, bực tức rồi phát sinh phiền muộn khổ đau. Tình cảm con người được biểu hiện qua tâm lý cảm xúc ưa thì thương yêu thích thú, lo lắng phiền muộn và ganh tỵ, ghét thì sinh ra giận hờn, tức tối, khinh bỉ coi thường và tìm cách trả thù. Có một loại tình cảm mà từ xưa cho đến nay nhân loại bao giờ cũng ca ngợi, đó là tình yêu nam nữ. Khi yêu nhau ta hay thầm thương trộm nhớ ấp ủ tâm tư, muốn chiếm hữu cho riêng mình nên từ đó sinh ra ích kỷ, nhỏ mọn hẹp hòi. Cảm xúc là một trạng thái phản ứng tinh thần do bị kích động bởi hai trạng thái yêu thương và ghét bỏ, cho nên chúng mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Thường những cảm xúc tích cực đem đến cho người ta vui vẻ hạnh phúc. Cảm xúc tiêu cực làm cho người ta đau khổ, buồn rầu, tức giận, ghét bỏ, sợ hãi bất an, thất vọng và đau đớn. Nếu chúng ta một bề cứ chấp trước bám víu, ôm mãi vào lòng cảm xúc xấu quá nhiều, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn cảm xúc có thể gây ra nhiều chứng bệnh hiểm nghèo trong cơ thể. Như bệnh thần kinh, huyết áp cao, viêm khớp và ung thư bao tử. Chúng tôi có duyên lành hàng tháng đến Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa tỉnh Bình Dương để cùng tâm tình và chia sẻ với bà con niềm tin sống có hiểu biết và thương yêu. Và cứ ba tháng một lần chúng tôi đến Trung tâm tâm thần Tân Định Huyện Tân Uyên Tỉnh Bình Dương nơi đây gần 1200 người bệnh tâm thần từ nhẹ cho tới nặng. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh hoạn như thế từ nghiệp nhân si mê đưa vào cơ thể các chất kích thích, hoặc mua bán các chất đó cho mọi người. Ngoài những yếu tố trên, còn có các yếu tố phụ là chất chứa cảm xúc xấu quá nhiều trong lòng nên gây rối loạn dẫn đến bệnh hoạn. Muốn hóa giải những cảm xúc xấu đó chúng ta cần có tình yêu thương chân chánh, cần có tình người với nhau, là chất liệu sống để giúp cho con người vượt qua cạm bẫy cuộc đời, mà cảm thông tha thứ và sẵn sàng san sẻ cho nhau. Cuộc sống nếu không có yêu thương thì sống để làm gì, nhưng yêu thương không đúng cách, đúng chỗ, đúng thời, dễ trở nên sầu bi khổ não. Trong mối quan hệ mật thiết với nhau ai cũng muốn được yêu thương, đó là chất liệu sống cần thiết cho con người, nhưng khi thương ai, chúng ta chỉ muốn chiếm hữu cho riêng mình. Đã làm người ai cũng cần có tình yêu thương chân chánh, nhưng đa số chúng ta yêu thương trong sự ích kỷ hẹp hòi, nên dễ dẫn đến si mê chấp ngã mà sinh ra ghét bỏ giận hờn. Khi tham muốn thích thú một cái gì mà không được thỏa mãn, thì sinh ra thèm khát. Như chúng ta ham muốn khoái lạc với người khác phái, nhưng không có đủ điều kiện để tác thành, ta ôm ấp thèm khát mãi cho đến khi không làm chủ bản thân được nữa, ta dễ dàng cuồng si hành động trong mê muội. Cái gì bị cấm đoán lâu ngày, nhưng nó lại là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống dễ hấp dẫn con người ta thèm khát lạ thường và nếu chúng ta không biết cách hóa giải, cuối cùng phá rào làm bậy.

Thế giới loài người chúng ta cứ loanh quanh lẫn quẩn trong tình cảm thương yêu và ghét bỏ, tạo ra cảm xúc vui buồn tốt xấu lẫn lộn. Nhất là các em trai tuổi từ 15 đến 18 trong giai đoạn chuyển biến tâm sinh lý, để trở thành một người lớn. Lúc này các em dễ dẫn đến tình trạng thủ dâm bởi cảm thọ khoái lạc, nếu không biết điều hòa chừng mực sẽ tạo ra cảm xúc ghiền, do đó dễ dẫn đến làm bậy bạ. Nhiều em vì không đè nén được cảm xúc nên thủ dâm quá độ, đến khi lập gia đình bị giới hạn trong sinh hoạt tình dục, làm cho người bạn đời dễ bị hụt hẳn chới với trong quan hệ chăn gối ái ân. Trong tình cảm thường phát sinh ra hai trạng trái, cảm thọ và cảm xúc. Vậy cảm thọ và cảm xúc khác nhau ra sao? Khi nghe một vị pháp sư nói chuyện về cách thức chuyển hóa và làm mới lại chính mình, ta cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái như trúc gánh nặng trên vai, đó là một cảm thọ. Nhưng khi hiểu được như vậy, ta bổng dưng dâng trào nước mắt hai hàng lệ rơi bởi sự xúc động mạnh mẽ. Cảm xúc là trạng thái biến dạng rung động mãnh liệt của cảm thọ, được phát ra từ tình cảm của một con người. Và trong cảm xúc cũng có hai loại tốt và xấu. Xấu thì bi quan chán nản, mặc cảm tội lỗi, hờn giận bất mãn, lo lắng sợ hãi, ganh tị tật đố, thèm khát, kiêu ngạo và phá bỏ. Tốt thì mừng vui, thương mến yêu thích, nhiệt tình cởi mở, vui vẻ hoan hỷ. Những loại cảm xúc xấu làm cho ta bực bội khó chịu trong người và bộc phát ra bên ngoài, như khi giận ai thì mặt đỏ bừng lên trong rất dữ tợn, khi ta lo sợ hay bất an một điều gì đó thì mặt mày tái mét và khi ta phiền muộn khổ đau thì dáng điệu ủ rủ tiều tụy như người khóc đưa ma mẹ. Mặc cảm tội lỗi về quá khứ năm xưa, ta lỡ làm điều sai quấy rồi ăn năn hối hận hoài mà không tháo gỡ được, lâu ngày trở thành nội kết để ta ôm mãi mối tơ lòng. Khi ta tức giận hay ghét bỏ một người nào mà không có cơ hội trả thù được, cái giận nó cứ âm ỉ sôi sục mãi trong lòng ta lâu ngày, để rồi biến thành nội kết làm cho ta đau khổ tột cùng. Khi đã trở thành nội kết rồi, thì dù có trải qua mười năm hoặc hai mươi năm đi nữa, ta vẫn luôn bị nó dằn dặt mãi nên ôm vào nỗi khổ niềm đau, cho đến khi gần tắt thở lìa đời mà tâm niệm chấp trước vẫn cứ sôi sục mãi trong lòng.

ÔM LUÔN NỘI KẾT VÀO LÒNG

Chúng tôi đã từng biết và mắt thấy tai nghe về một gia đình nọ, người cha này có một đứa con gái vì si mê tình ái nên bỏ nhà theo trai. Giận quá, nên ông ta cứ ôm ấp mãi nội kết vào lòng mà không tha thứ cho đứa con gái ấy, vì sĩ diện làm cha, ông cấm tuyệt không cho cô ta về nhà. Đến khi ông lên cơn bệnh nặng sắp chết, vậy mà ông ta còn dặn kỹ bà vợ nếu tôi có chết cũng không cho con Thắm về để tang, nói xong ông tắt thở. Nhưng mẹ cô ta thương con nên gọi về để tang cha, đứa con gái có mặt trước linh cửu của cha mình đốt nén tâm hương mong cha tha thứ cảm thông cho lỗi lầm năm xưa, vì con trẻ còn quá dại khờ. Người cha đó mặc dù đã chết, nhưng thần thức vẫn tức tối bảo thủ nỗi oán giận đứa con mình cho nên ôm luôn nội kết phiền muộn khổ đau, mà ra đi không được. Đương lúc con cái trong gia đình khóc thương cha, thì bổng dưng một mùi xú uế hôi thúi xông lên nực nồng khó chịu làm cho cả nhà thiếu điều sống dở, chết dở vì cái mùi ấy. Mặc dù được các nhà họ đạo đến để tìm cách bít lấp chỗ xì đó, nhưng không hiệu quả khiến không khí tang chế trong gia đình trở nên ảm đạm hơn. Không ai dám tới để phúng điếu, cùng chia sẻ với gia đình vì cái mùi xú uế ấy. Đây là một câu chuyện có thật trong cuộc đời, chính bản thân chúng tôi khi xưa đã từng ăn nhậu chung với ông ta. Ông ta thường trách móc về đứa con gái của mình trong lúc đang nhậu với chúng tôi, chính vì ông không cảm thông và tha thứ cho đứa con, nên ôm luôn cảm xúc phiền muộn vào lòng mãi mãi. Từ cảm xúc giận dỗi ông chấp trước bám vào đó lâu ngày trở thành nội kết, nó cứ sôi sục âm ỉ bên trong tạo ra vết thương lòng khó phai, cho nên đến khi chết rồi mà ông vẫn cứ ôm giữ mãi, do đó không siêu được. Lúc còn sống ông ta thường nói với bà vợ rằng, nếu sau này tôi có chết bà đừng cho con Thắm về để tang tôi, vì nó không phải là con của tôi, nếu bà không nghe lời, tôi sẽ xì cho cả nhà hôi thối mà coi. Con người ta do bám víu chấp trước vào cái thấy nghe của mình, nếu ai làm khác đi thì không được, đứa con gái vì chút si mê tình ái do tuổi trẻ bồng bột, mà bị người cha không nhìn nhận là con của mình. Ai trong cuộc đời không một lần lầm lỗi hay vấp ngã, có ai muốn thế bao giờ đâu, bậc làm cha mẹ hãy nên sáng suốt bao dung, biết thương tưởng con cái còn nhỏ dại. Người cha đó vì sĩ diện với mọi người, nên ôm hận vào lòng đến khi chết vẫn mang theo, quả thật ý thức con người thật là ghê gớm. Một ý niệm phiền muộn khởi lên nếu ta cứ ôm ấp mãi để rồi lâu ngày trở thành nội kết, thì tâm niệm đó cứ theo ta suốt đời suốt kiếp, nên thế giới này sở dĩ chiến tranh binh đao tàn sát giết hại lẫn nhau không có ngày thôi dứt, cũng chỉ vì ôm nội kết oan khiên vào lòng mà không buông xả được. Chúng ta tu là để chuyển hóa những cảm xúc xấu, không cho chúng biến thành nội kết, nếu ta cứ để những tâm niệm ích kỷ thù hằn trong lòng này, thử hỏi làm sao không có án mạng xảy ra. Con người luôn sống trong cái vòng lẫn quẩn từ sự chấp ngã dẫn đến muốn chiếm hữu cho riêng mình, từ đó sinh ra bao điều tội lỗi do tâm chấp trước bám víu vào cái ta ích kỷ này. Mỗi một con người đều có thói quen và quan niệm khác nhau tùy theo sự huân tập trong quá khứ hoặc hiện tại, nên không ai giống ai. Nếu ta cứ chấp trước bám vào đó bắt buộc mọi người phải giống mình, thì thật là một tai hại, nếu ai làm khác đi thì ta không bằng lòng và ôm vào một khối phiền muộn khổ đau, để mỗi ngày chúng hành hạ dằn dặt ta mãi. Nói tóm lại, khi ưa thích thì sinh luyến ái muốn bảo vệ cho riêng mình nên tư tưởng chiếm hữu phát sinh và ta muốn nó mãi là của mình, ai chạm đến thì không được. Khi ghét thì bao nhiêu oan khiên hận thù ôm mãi vào lòng, để rồi chúng ta tự tạo cho mình gánh lấy khổ đau, nó giết chết ta theo thời gian. Khi giận ai thì ta muốn trả thù, khi ghét ai thì ta muốn phá bỏ hai tâm niệm này làm cho ta sống trong hiềm hận khổ đau. Ai khéo tu thì tìm cách chuyển hóa chúng, đừng để nó âm ỉ sôi sục mãi trong lòng, nếu ta thường xuyên quán chiếu từng tâm niệm trong tỉnh giác, ta sẽ cảm nhận được sự bình an hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.