Tình Người Trong Cuộc Sống

CHA MẸ LÀ THẦY GIÁO ĐẦU TIÊN

Gia đình là tổ ấm làm nên chất liệu cuộc sống, nếu cha mẹ biết quan tâm lo lắng cho con cái đúng mức. Thường con cái bị hư hỏng là do nó ỷ lại sự nghiệp của cha mẹ và con cưng là con hư. Thật ra chẳng có ai lo lắng cho ta hết cuộc đời này, dù cha mẹ có nuông chiều cách mấy đi, đến một lúc nào đó ta cũng phải đi bằng đôi chân của mình, vì có cha mẹ nào sống đời với ta đâu? Xưa, có hai vợ chồng tiều phu già với đứa con trai duy nhất, nên được mẹ cưng chiều quá đáng. Bà ta vì sợ con mình cực khổ, nên không cho nó làm gì động đến móng tay. Biết mình sẽ không còn sống được bao lâu nữa, nên ông già bí mật cất giấu số tiền dành dụm bấy lâu nay một nơi kín đáo. Và di chúc lại cho con rành rẽ, nếu cậu ta làm được đồng tiền đầu tiên chính bằng mồ hôi sức lực của mình. Chàng thanh niên rất muốn được lấy số tiền đó, nhưng lại không chấp nhận lời đề nghị của cha. Mẹ cậu ta vì thương con, nên đã lén bán đi một số tư trang của bà đem đưa cho con trai. Xưa nay chúng ta thường nghe nói con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, quả thực là khá chính xác. Bà mẹ đó vì cưng chiều con quá đáng, nên cậu ta suốt ngày ngồi không hưởng thụ, để cha mẹ già còng lưng ra mà làm nuôi con. May nhờ có người cha kiên cường, mới giúp được đứa con thay đổi nhận thức và hành động tốt đẹp về sau này.

Xưa nay cậu ta quen thói ăn không ngồi rồi, nên khi cầm số tiền độc nhất của mẹ. Cậu ta cà rê dê ngỗng vui chơi thong thả cho qua ngày tháng, đến khi gần hết số tiền chỉ còn vài đồng lẻ. Cậu ta mới trở về nhà đưa cho cha rồi nói dối rằng, đó là công sức của con làm mấy ngày hôm nay. Ông già tiều phu dửng dưng lạnh lùng, cầm số tiền đó quăng hết xuống ao. Đứa con trai thì vẫn tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, bà mẹ nhìn thấy liền ôm mặt khóc vì tiếc của.

Người cha nhắc lại lời di chúc ban đầu và đuổi đứa con ra khỏi nhà liền lập tức. Cậu con trai tiếp tục ra đi phương xa kiếm miếng ăn, mà trong người không có một đồng. Cơn đói khát bắt đầu hoành hành, chàng đành phải năn nĩ người ta để làm thuê làm mướn miễn sao có chén cơm sống qua ngày. Đồng tiền cậu làm được trong một ngày,ăn uống kham khổ nhín nhúc bớt lắm mới dư được chút ít. Sau một thời gian làm lụng vất vả, dành dụm được ít tiền chàng mới trở về thăm cha mẹ.

Cũng như lần trước, người cha cầm số tiền ít ỏi của con quăng hết xuống ao. Đứa con bây giờ có khác ngày trước, cậu ta xót xa thương tiếc tiền mình làm ra, nên nhảy ùm xuống ao, xít chút nữa là mất mạng vì không biết lội. Trong khi đối diện với cái chết gần kề, người con bây giờ mới kính trọng và hiểu được tấm lòng của cha mình nhiều hơn. Đứa con tỏ ra ăn năn hối hận trong lòng, nên mới quỳ xuống lạy tạ xin cha hãy tha thứ lỗi lầm cho con, con trẻ dại khờ không biết công sinh thành dưỡng dục mang nặng đẻ đau, làm lụng vất vả nhọc nhằn mới nuôi con khôn lớn đến ngày nay. Người cha lúc này mới thật sự yên tâm và từ đó ông trao hết gia tài cho con. Đứa con bây giờ mới có nhận thức chính chắn về trách nhiệm và bổn phận, của một con người đối với gia đình và xã hội.

SAI LẦM ĐÁNG TIẾC

Tôi và cậu con trai trong câu chuyện đồng thói quen ỷ lại vào cha mẹ, vào người khác. Cậu con trai đó, nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của người cha, mà sau này trở thành một nhà doanh nghiệp ăn nên làm ra. Bây giờ người ấy luôn có mặt trên từng cây số, để ủng hộ và giúp đỡ những mãnh đời bất hạnh. Còn tôi bây giờ, tuy được xuất gia tu hành trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Nhưng tôi chẳng khác nào cậu con trai năm xưa, chỉ biết tham cầu lợi dưỡngcung kính, cúng dường. Thậm chí khi gia đình Phật tử có duyên sự cần thiết, nhờ chư Tăng tụng niệm bái sám. Nếu lỡ gia đình nào nghèo không có cúng dường bao thư, thì trong lòng cảm thấy không vui, sau này nghe nói đến Phật tử đó thì tôi tìm cách lánh xa. Còn gia đình nào cúng dường hậu hỷ thì bản thân tôi tìm cách thân cận khen ngợi tâng bốc, để được lòng thí chủ. Và tôi tiếp khách Phật tử cũng lại như thế, ai có tiền bao thư thì tôi tiếp đãi long trọng như nhà riêng của mình, bất kể là làm ảnh hưởng chư Tăng đang sống chung với mình, miễn mình có tiền nhiều là được rồi. Chính vì vậy sau này các Phật tử đó coi thường quý thầy, mới đầu họ đến vì Tam bảo, sau này họ đến vì tình cảm riêng tư làm gây xáo tộn Tăng chúng và cuối cùng dẫn đến tình trạng, thầy đó là thầy của tôi, thầy kia là thầy bá vơ vất vưỡng. Tôi tự cảm thấy xấu hổ và hối hận làm sao, tôi tu vì để được lợi dưỡng cho riêng mình và muốn người khác phải tôn sùng mình, vì ta là thầy thiên hạ mà. Quả thật tôi không xứng đáng làm con nhà thích tử chút nào, ở ngoài đời nhân loại vì không hiểu biết chân lý sống làm người, nên mới đua chen giành giựt giết hại lẫn nhau. Còn tôi được thấm nhuần Phật pháp sau thời gian trượt dài trong đam mê tội lỗi, được Phật pháp cứu vớt. Ấy thế mà vẫn chứng nào tật nấy, tuy bây giờ chứng tật có khác hơn so với lúc trước, nhưng đối với tôi đó là con người tham lam ích kỷ đội lốt con lừa sư tử.

Hôm nay nhân kể câu chuyện cậu con trai chỉ biết sống bám vào cha mẹ, chưa từng làm ra đồng tiền chính bằng mồ hôi nước mắt của mình, nên không biết trân trọng quý kính giá trị của nó. Tôi xưa kia đã hơn nữa đời lầm lỡ vì quan niệm ấy, cho đến lúc được vào Thiền viện tu hành rồi bản ngã càng phình to hơn, vì nghĩ rằng mình là thầy thiên hạ. Cho đến bây giờ tôi chỉ hiểu biết suông, lý giải suông, nên nhiều khi đối diện với cuộc đời, nửa gió bát phong cũng không qua nổi, huống gì là tám gió thổi chẳng động. Tuy nhiên hiểu được, biết được còn hơn, vì mình còn thấy được lỗi lầm, đã thấy được lỗi lầm thì còn có cơ hội ăn năn sám hối, biết mình còn khiếm khuyết nhiều nên cố gắng bền chí sửa sai, nhằm chuyển hóa ba nghiệp tham sân si để vươn lên, vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Nhờ vậy không bị chết chìm trong hang quỷ vô minh.

Nói đến đây, tôi mới nhớ lại một bài kinh mà ngài A Nan thắc mắc hỏi Phật về một điềm chiêm bao kỳ lạ! Điềm ấy như sau: Có một cõi đó, chư Tăng toàn sống và làm việc dưới hầm, còn những người cư sĩ mặc tình ung dung đi lại tự do phía trên, không bị sự giới hạn ngăn cách nào. Thông thường chư Tăng tu học là nhờ sự hộ trì cúng dường của Phật tử, nếu quý thầy thọ dụng của đàn na tín thí mà không chịu học hỏi tu hành làm lợi ích cho tha nhân, thì sẽ chịu nhân nào quả nấy tùy theo mức độ nặng nhẹ. Phật dạy, nhân quả rất công bằng và bình đẳng, không thiên vị một ai. Làm tốt được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nếu ai có duyên thể nghiệm lời nói trên, chắc chắn phải ưu tư trăn trở về sự tu hành của mình có xứng đáng làm bậc mô phạm, để giúp mọi người chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc hay không. Hay là chúng ta nghĩ rằng mình là ông thầy, luôn bắt buộc mọi người phải tôn trọng cung kính ta.

Như ông già tiều phu kia, khéo biết dạy đứa con trên một cách thậttài tình, nếu không phải vậy con người ta dù có sống đến một trăm tuổi, cũng chỉ làm thiệt hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Và may mắn hơn, chúng ta lúc nào cũng có tính biết sáng suốt ngay nơi thân vật chất này. Nếu ai biết đem ra sử dụng thì một đời sẽ sống lợi ích cho tha nhân nhiều hơn là cho chính mình. Đồng tiền của chàng trai ấy tuy làm ra rất ít ỏi, nhưng giá trị của nó quý hơn gấp trăm ngàn lần đồng tiền vô nghĩa, ăn bám vào người khác, dù đó là tiền cúng dường. Người sống ăn bám vào cha mẹ hoặc của người thân, hay thọ nhận của cúng dường quá đáng mà không biết tu hành, giống như cục đá bị mài dao. Đá càng ngày càng mòn và cho đến lúc hết xài được. Dao càng mài thì càng bén, có thể xắc gọt phục vụ đáp ứng nhu cầu đời sống cho con người. Nêú ai biết làm việc phước, thì phước càng tăng trưởng cho nên thong dong tự do đi trên cầu ngắm cảnh xem hoa vui thích đó đây. Thật ra không có gì thiêng liêng và cao quý bằng tình cha mẹ, khi chưa mở mắt chào đời đứa con được nằm trong lòng người mẹ, hưởng trọn vẹn phút giây êm ả ấm áp tình người. Rồi đến khi ra khỏi cung điện được mẹ mớm cho dòng sữa ngọt ngào, cho đến khi khôn lớn trưởng thành, mọi thứ mọi cái đều có cha mẹ lo, con trẻ khỏi phải nhọc nhằn lao khổ. Cho nên Phật dạy ơn cha nghĩa mẹ khó đáp đền và chính ngài cũng thế, sở dĩ ta tu hành thành Phật cũng nhờ công ơn cha mẹ, nếu không có mẹ sinh, cha nuôi dưỡng thì làm sao có thân này để mà tu tập. Do đó hạnh hiếu là hạnh Phật, con hiếu là con Phật và đạo Phật là đạo hiếu thảo nhất trên đời. Nuôi dạy con cái đúng cách là trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, muốn con mình sau này trưởng thành làm việc có ích cho gia đình và xã hội. Nhìn từ góc độ gia đình cha mẹ là vị thầy giáo dục đầu tiên cho con trẻ, nhỏ không dạy dỗ, lớn làm sao chỉ bảo. Cây còn nhỏ không uốn, lớn dễ gãy cành, cho nên bậc làm cha mẹ dạy cho con mình có nhận thức sáng suốt, sống không ỷ lại mà phải tự lập vươn lên. Như con cái lỡ vấp ngã một lần, ta có thể hổ trợ cho nó đứng dậy, nhưng đến những lần khác ta phải chỉ cho chúng biết cách đứng dậy sau khi vấp ngã. Này các bạn trẻ, nếu các em chỉ biết ỷ lại hay phó mặc số phận cho cuộc đời, thì coi chừng rơi vào hố sâu của tội lỗi. Ai muốn hoàn thiện chính mình, ngay khi còn trong mái ấm học đường hãy nên chuyên cần học hỏi, tự cố gắng sống không ỷ lại vào kẻ khác, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Ai làm được như thế từ trong nhận thức cho đến hành động, thì tương lai các em sẽ là người tốt trong xã hội.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.