Mây Là Nước

Cuối năm, đất trời vào đông, lạnh lẽo. Ngoài đường ai cũng mặc áo len dày, nhiều lớp; trong nhà, người ta mở máy sưởi. Trời lạnh, nhưng lòng người ấm áp, vì mùa lễ sắp đến, các trường nghỉ học, các công sở, tư sở, hàng quán, chợ búa, thương xá, nô nức bán buôn; ai ai cũng sắp xếp, chuẩn bị những ngày đoàn tụ với gia đình, chia vui với bạn bè, lối xóm. Người người mua sắm, trang trí cây thông trong nhà, ngoài ngõ; đèn giăng ngũ sắc, sáng rực từ lúc mặt trời chưa lặn cho đến bình minh hôm sau, suốt trong nhiều đêm, kể từ Thanksgiving cuối tháng mười một, và sẽ kéo dài đến qua Tết dương lịch. Nhạc giáng sinh reo vui, cảm động, đi đâu cũng nghe.

Đó là ở các nước tây phương theo đạo Thiên Chúa. Nghe nói trong nước Việt Nam, đất nước mà đạo này là thiểu số, cũng tổ chức Giáng sinh tưng bừng, rầm rộ như thế.

Vui, chia sẻ với những người khác đạo trong dịp lễ cuối năm này. Thế nhưng, lòng vẫn nặng trĩu một nỗi buồn. Là vì chúng tôi, những người đồng đạo ở nơi này nơi khác, nhất là ở Việt Nam, đã không thể có được những ngày an bình suốt nhiều năm tháng qua.

Khi tôi viết những dòng này, câu chuyện của những người đồng đạo chúng tôi đã trở thành dĩ vãng, là việc đã rồi, đã an bài. Có nghĩa là giòng sông ấy bị chia cắt thành từng nhánh nhỏ, tản thành mây, thành những giọt nước.

Chúng ta đã từng vững vàng như núi. Chúng ta đã từng đi như một giòng sông. Nhưng nhiều người khác, thế lực khác, đã lay đổ những tảng núi, đã chia chẻ và ngăn cách những giòng sông bằng nhiều cách. Các thế hệ tổ tiên của chúng ta cũng từng trải qua những kinh nghiệm đau thương ấy. Hợp rồi tan. Tan rồi hợp. Rồi lại tan. Rồi lại hợp. Có khi trước bạo lực, một trong những bậc thầy của chúng ta đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi nguyện đem xương máu trang trải cho Phật pháp, nếu chết thì như cái chết của chân lý trước bạo lực chứ không phải chết vì bạo lực nầy kém bạo lực khác!”

Sẵn sàng đón nhận cái chết để bảo vệ lý tưởng của mình. Đó là thái độ của núi. Nhưng trong một số trường hợp, nhất là trước những hỏa diệm sơn hừng hực vô minh, bạo động, cái chết không phải là chọn lựa thích đáng. Lửa có thể làm tan chảy những tảng băng, nhưng không hoàn toàn tiêu hủy được nước; có thể cách ngăn được nước để đun cho nước bốc hơi, nhưng không thể cản trở được đường bay của mây trời.

Đã nhiều lần trong quá khứ, cha anh chúng ta phải phân tán, không thể tụ lại nơi một trú xứ, không thể nối kết với nhau như một giòng sông. Bạo lực đã xô đẩy cha anh chúng ta vào tình trạng phân hóa ấy. Nhưng, như những giọt nước bị tán mỏng, cha anh chúng ta đã hóa thân, ứng thân khắp các nơi chốn, từ trong nước ra đến hải ngoại. Tiêu cực mà nói, chúng ta bị chia cách; tích cực mà nói, chúng ta dấn thân hành đạo, đem lý tưởng phổ hiện vào từng nơi chốn khác nhau.

Nếu không cùng đi như một giòng sông, hãy lên đường như mây trắng trên bầu trời vô tận. Người ta có thể ngăn sông, cách núi; nhưng không thể giam nhốt, hủy hoại được mây.

Tôi thật là thất vọng khi bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức, trong và ngoài nước, đã hết lòng lên tiếng can thiệp, ký tên, thỉnh nguyện… nhưng cuối cùng, cũng đành chịu thua trước bạo lực. Nghĩa là phải đành câm lặng để cho núi không thể là núi, sông không thể là sông. Nhưng có thể nào mượn câu nói của Thiền sư Duy Tín để nói với nhau hôm nay không:

“Trước khi học đạo, thấy núi là núi, sông là sông. Đang lúc học đạo, thấy núi không là núi, sông không là sông. Sau khi ngộ đạo, thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông.”

Khi chúng ta biết chúng ta là núi, chúng ta là núi. Khi chúng ta biết chúng ta là sông, chúng ta là sông. Ý thức thường trực về sự hiện hữu của mình trong tương quan vô tận với thế giới, chúng ta không ngại gì là núi hay không là núi, là sông hay không là sông. Chúng ta từng ngồi được như núi, từng trôi được như sông, thì cũng có thể bay được như mây. Mây có thể tụ, có thể tan, có thể biến dạng, nhưng không mất, vì mây chính là nước. Không có bạo lực nào có thể triệt hủy được thể tính của nước.

Còn lại vài ngày cuối năm, từ nơi xa xôi, tôi viết những dòng này kính gửi đến những anh chị em trẻ tuổi, thế hệ đi sau tôi, nhưng đối với tôi, là những vị thầy, vì quý vị đã làm được những điều tôi không làm được.

Không biết quý vị đã chuẩn bị lên đường xong cả chưa. Có thể nay mai, tôi không còn nghe thấy tên gọi của tảng núi hay giòng sông. Nhưng tôi có thể nhìn thấy quý vị hàng ngày trên vòm trời bao la xanh thẳm.

Vĩnh Hảo

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.