Có Nên Đưa Ra Nhận Xét Về Điều Mình Thâm Nhập Liễu Nghĩa Từ Kinh?

Thư gửi Thầy Giáo Thọ
Kính bạch Thầy,

Đã từ lâu con vẫn thường tự hỏi ” Có bao nhiêu người đồng ý với điều mình đã thọ nhận ra từ Kinh với những ý nghĩa tuyệt vời “.

Vì sao vậy ? Chắc Thầy cũng đồng ý với con rằng ” căn cơ của mỗi người chẳng ai giống ai “ và còn tuỳ vào phước báu trong quá khứ và hiện tại mà người đó có thể có thể thay đổi mức độ tu tập trong một thời gian nhanh hay lâu nhờ một đại duyên.

Có khi chỉ một câu kệ trong kinh Pháp Cú mà người đó NGỘ …

Riêng cá nhân con hơn hai năm miệt mài với Kinh Ma Ha Bát Nhã Và chăm chỉ nghiêm túc nghe pháp thoại Đại Trí Độ Luận của HT Thích Thiện Trí được ba lần vì tổng cộng 13 MP3 của Ngài phải tốn 400 giờ , thêm vào đó mỗi lần nghe xong một phẩm lại ngồi ghi chép lại điều thọ nhận vậy mà vẫn không hiểu nỗi những tổng luận của một cư sĩ đã biên khảo. Có lẽ con rất độn căn ?

Con chỉ có thể phối hợp với vốn liếng về Duy Thức Học con có được qua nhiều năm và rút ra được những điều sau đây để làm tư lương như sau:

• tâm sinh chủng chủng pháp mà tâm thì vô trụ vì đó chỉ là một danh từ để gọi mà thôi
• Niệm vừa khởi phải làm sao đừng trụ đừng chấp, và đó là mầm vô minh để khởi đầu cho vòng Thập Nhị Nhân Duyên để bước vào sinh tử luân hồi. Phải luôn luôn giữ gìn nó như giữ con ngươi của mắt đừng để bụi ôi nhiễm nào vướng vào
• Thực tại chính là đương niệm, tại đây và bây giờ. Do đó phải luôn luôn Chánh niệm gọi là Chánh Ức Niệm thì sẽ được pháp hỷ ( luôn luôn thành thản thoải mái )
• Quá khứ đã qua, thực tại hằng chuyển và tương lai thì chưa đến và cứ thế thời gian vô cùng
• Tất cả vạn pháp đều là huyễn, hoá và vô sở hữu
• Danh, sắc, ngũ uẩn chỉ là danh từ mà thế tục đặt tên.

Chỉ mới bao nhiêu đó thôi mà con vẫn chưa hoàn thành được điều nào thì lấy đâu mà thu thập thêm từ người khác ?

Kính bạch Thày, đến bây giờ bài thơ mà Cố HT Thích Tâm Thanh thường đọc trong cuối bài Tám thức Tâm Vương con mới thấy dung thông vô ngại với những gì con đã học từ Kinh Bát Nhã.

Con kính ghi lại bài thơ ấy về A Lại Da Thức như sau:

Toàn hư không xuất thân từ Tâm Giác Tánh,
Như bọt nước phát khởi từ đại dương…
Thực thể kia vi diệu khó đo lường,
Nan tư nghì ngoài luận bàn trắc nghiệm !
Đừng tưởng rằng những gì khó tư niệm
Là mơ hồ không thực có trong đời
Ai? Làm sao diễn đạt dù bằng lời,
Muôn hình vật đều từ không mà có
Thế giới trùng trùng hà sa tinh tú
Đều từ không lớp lớp hiện hình ra
Hàng tỷ ngôi sao khắp dãi sơn hà,
Đối hư không chúng tuồng như hạt cát
Hoàn vũ bao la trăng sao bát ngát
Rời hư không không thể có vật gì
Có thành không , không thành có… huyền vi
Sắc như thế mà Không là như thế
Không, Có… không hai viên dung một thể
Nào phân ly nằm ngay hẳn trong nhau
Không giả, không chơn, không trước, không sau,
Vũ trụ ngàn đời bản lai Như Thị

Do đó khi ta chết đi tàng thức chỉ là một điểm tan biến vào hư không và khi gặp một môi trường thích hợp sẽ theo nghiệp mà tái sinh.

Nói tóm lại tất cả đều là trùng trùng duyên khởi và không ai thoát khỏi quy luật nhân quả và tất cả bước đường tu tập đều phải theo tuần tự từ lớp mẫu giáo đến Đại học chứ không thể nhảy ngang…

Do vậy căn bản nhất vẫn là thập thiện rồi đi vào tứ diệu đế để tuần tự theo 37 phẩm trợ đạo rồi mới có được Chánh kiến để từ đó có chút Tuệ khởi phát.

Kính bạch Thầy,

Tâm tư mỗi người học Phật đều khác nhau, con chỉ viết lên những suy tư hàng đêm về điều mình học khi lượng thời gian còn lại của đời người khó đoán.

Hy vọng bức tâm thư này có nhiều bậc cao nhân chỉ dạy giùm con câu hỏi trên.

Kính thư, đệ tử kính chúc Thầy pháp thể khinh an

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.