Tam Đồ Cữu Nạn!

Có nên thêm đại dịch toàn cầu hiện nay vào Tam Đồ Bát Nạn để thành câu nói Tam Đồ Cữu Nạn cho thế hệ mai sau rõ tường?

Hiện nay thế giới đang bước sang tháng thứ bẩy của mùa đại dịch Covid 19 hoành hành mà xem ra chưa có dấu hiệu gì sẽ kết thúc lúc nào.

Nhân nghe lại một bài pháp thoại về Tam Đồ Bát Nạn, thật buồn khi phải nghĩ tới điều mình chẳng muốn nghĩ tới bao giờ. Đó là : ” Có nên thêm đại dịch toàn cầu hiện nay vào Tam Đồ Bát Nạn để thành câu nói Tam Đồ Cữu Nạn cho thế hệ mai sau rõ tường ? “

Trước hết xin mạn phép được trích dịch nghĩa trong từ điển Phật Học.

TAM ĐỒ

Tam đồ cũng còn gọi là tam ác đạo nghĩa là ba đường dữ, ba đường ác lụy, chúng sinh do tạo ác nghiệp.

Nên chiêu cảm quả báo rơi vào ba chốn này :

1. Hỏa đồ : Hồn bị đọa địa ngục thấy mình bị lửa cháy nung đốt một cách mãnh liệt.

2. Huyết đồ : Hồn đầu thai làm súc sinh, bị người ta đâm họng để ăn thịt, hoặc chúng nó bị cấu xé ăn thịt lẫn nhau, máu chảy lai láng.

3. Đạo đồ : Hồn ở trong cảnh ngạ quỷ ( ma đói ) luôn bị sử đối khát lại còn bị đao, kiếm… chém giết liên miên khốn khổ vô cùng.

Kinh vô lượng thọ viết : những ai ở trong cảnh Tam đồ, bị các khổ bức bách, nhưng nếu nhìn thấy ánh sáng quang minh của Đức Phật A Di Đà thì liền được nghỉ ngơi, không bị khổ não nữa. Tới chừng qua đời thì được giải thoát khỏi Tam đồ ấy.

Và Bát Nạn cũng được định nghĩa như sau :

– Pháp Thí Hội

● Astāvaksanāh. Chữ “ nạn ” ở đây có nghĩa là chướng ngại, ngăn trở chúng sinh không đến được với Phật pháp, do đó mà không có cách nào tu tập để cầu thoát li ba cõi. Không thể gặp được Phật pháp là điều bất hạnh to lớn của chúng sinh, cho nên được coi là tai nạn, chướng nạn, hay gọi tắt là “ nạn ”. Trong kinh điển thường ghi có tám nơi chướng nạn như vậy:

1) Cõi Địa-ngục (Địa-ngục nạn): Đó là nơi hết sức tối tăm, những chúng sinh ác nghiệp nặng nề mới phải đọa vào đó, phải chịu khổ đau triền miên, cho nên không thể thấy Phật nghe pháp được.

2) Cõi Ngạ-quỉ (Ngạ-quỉ nạn): Ở đây chỉ cho cảnh giới của loài ngạ quỉ ác nghiệp nặng nề nhất, suốt kiếp đói khát khổ sở, cả đến tiếng “ nước uống” cũng không được nghe, huống hồ là được thấy Phật nghe pháp “!

3) Cõi Súc-sinh (Súc-sinh nạn): Những loài cầm thú, côn trùng, nói chung là động vật, tâm ý mê muội, chỉ biết sống theo thú tính tự nhiên, chịu muôn điều khổ sở do con người hành hạ, giết hại, hoặc do chúng nó tự xâu xé, ăn thịt nhau, đâu có điều kiện thấy Phật nghe pháp!

4) Giới người đui điếc câm ngọng (manh lung ám á nạn): Những loại người này vì nghiệp chướng nặng nề mà phải mang những chứng tật suốt đời đau khổ, khó tiếp nhận Phật pháp.

5) Giới người thông minh thế tục (thế trí biện thông nạn): Những người thông minh tài giỏi ở thế gian, dù có trí tuệ hơn người, nhưng chỉ biết phục vụ cho những tham vọng và quyền vị cá nhân, hoặc cho những chủ nghĩa tội ác, những âm mưu tranh đoạt, giết chóc, gây đau khổ, tang tóc cho người đời, hoặc tin tưởng mù quáng theo những tà thuyết mê tín, dị đoan, thì không bao giờ thấy được chánh đạo.

6) Những thế hệ người sinh ra trước và sau thời Phật ra đời (Phật tiền Phật hậu nạn): Do vì không duyên lành, cho nên những hạng người này sinh ra vào những thời kì không có Phật xuất thế, cho đến cả giáo pháp của Phật cũng không còn tồn tại ở thế gian, cho nên không có cách gì thấy Phật nghe pháp.

7) Châu Bắc Câu-lô (Bắc Câu-lô châu nạn): Người ở châu này sống lâu ngàn tuổi, không chết yểu, suốt đời sung sướng, đắm mê hưởng thụ dục lạc, không có ý niệm tu hành, cho nên không có duyên lành thấy Phật nghe pháp.

8) Cõi trời Vô-tưởng (Vô-tưởng thiên nạn): Cõi trời này thuộc trong phạm vi cõi trời Tứ-thiền của Sắc giới. Người ở cõi trời này sống lâu năm trăm đại kiếp, hoàn toàn không có bất cứ niệm tưởng nào nảy sinh, như người đông lạnh, cho nên không thể thấy Phật nghe pháp.

Thật ra, tám nạn ấy chẳng phải ở đâu xa, mà lúc nào cũng có đầy đủ trong thế giới loài người; và cũng chẳng phải chỉ có ở thời đại chúng ta, mà cả ở thời đại Phật tại thế vẫn có đầy đủ. Những người được thấy Phật, hoặc được biết có Phật, nhưng không tin Phật, tính tình kiêu ngạo, phỉ báng Tam Bảo, thì làm sao được gặp Phật, được nghe Phật Pháp! Chúng ta cứ chiêm nghiệm thì tất thấy rõ.

Định nghĩa còn chú thích thêm phần dặc biệt này cho giới Tăng Sĩ.

● Nếu hiểu đặc biệt theo nghĩa thọ giới của Tăng sĩ ( như trong Tứ Phần Luật đã quy định ) thì tám nạn là tám thứ chướng nạn khiến tăng chúng không thể thọ giới, tụng giới hay Tự Tứ được tức là nạn vua, nạn giặc cướp, lụt lội, hỏa tai, bệnh tật, bị kẻ xấu quấy nhiễu, bị phi nhân ngăn trở, bị độc trùng ngăn trở.

Nhưng hiện nay từ thường dân cho đến người trưởng giả ai ai cũng phải bị ảnh hưởng của tác động đại dịch này khiến cho tất cả ngành nghề trong xã hội đều tê liệt và chuẩn bị phá sản và nhiều vấn đề khác nữa như con xa cha mẹ , lễ tang không được về bên cạnh linh cữu trong giờ phút biệt ly ngàn đời ( dù chỉ là cách tiểu bang thì nói chi đến Hải ngoại phương xa hay quê nhà dấu yêu ).

Đến lúc này chiêm nghiệm thêm cữu nạn !
Cách tiểu bang hay muôn dặm… nỗi nhớ nhung
Ai đoán cho… dường… đã cách nghìn trùng
Ân Thầy Tổ, ơn sinh thành bao giờ đền đáp !

Qua livestream
ẩn che nội tâm trấn an cho tương hạp
Đối diện đừng bi lụy hoặc khóc than
Cười vẫn cười … lòng đau cắt miên man
Chưa Thánh nhân kiểm soát gì … cảm xúc ?

Dù đạt chân đế không nên lìa thế tục
Cổ Đức há chẳng dạy phải tuỳ duyên ?
Còn nghe pháp thoại mỗi ngày nguyện tinh chuyên
Làm tư lương cho ngày sao phải đến ! ( thơ HH )

Dù cho tôi mỗi ngày nghe bài kinh hạnh phúc ( Rattana Sutta ), có ai trong giây phút này thật sự là người bất động trước những số tử vong mỗi ngày và trước tin tức sẽ kéo dài phong tỏa cho đến qua năm sau và năm nữa trong khi vắc xin chỉ còn đang trên đường thử nghiệm.

Thôi thì tự an ủi bằng hai bài thơ của Sư Phụ ngày nào trong pháp thoại.

Mùa Xuân nào có đến
Mùa Xuân nào có đi
Lòng ta hoa nở rộ
Chỉ thấy nụ huyền chi VIÊN MÌNH

Tâm KHÔNG làm muôn việc
Công Đức trả về Không
Sống nhờ ơn Không Tạng
Chết như thuở lọt làng VIÊN MÌNH

Lại nghe được pháp thoại về Đại đệ tử của Phật, Bậc Trí Tuệ đệ nhất Ngài Xá Lợi Phất, tôi tự hỏi thầm biết đến khi nào chúng ta ngộ được câu :

“ Chư pháp tùng duyên sinh
Chư pháp tùng duyên diệt ”…

Để rồi có thể an tâm mà hướng nhìn về tương lai hay phải gọi nạn dịch Covid – 19 này là cữu nạn mà chiêm nghiệm sống sao cho hoà hợp với thiên nhiên vạn vật và đừng tạo ra mọi mầm giống ác nào trong chủng tử.

Hãy sống trọn vẹn với hiện tại, đừng nghĩ đến ngày mai, việc gì cần làm, hãy làm với sự thanh than như là phận sự cuối cùng mình phải hoàn thành, vì người khác.

Ước mong cuộc đời đang xoay hướng để mang đến cho chúng ta một con đường tốt đẹp… bình yên.

Dù hiện nay chúng ta vẫn đầy đau khổ và đang gọi đại dịch này là cữu nạn bất khả tư nghì của thế giới hiện đại 21 này.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.