“Khổ đau chỉ đến khi ta khởi lên ý niệm đó mà thôi ! “
Nếu ai đó đã từng học được điều này thì mời các bạn cùng tôi ngâm vài vần thơ trước khi vào đề tài rất hữu ích cho thời đại công nghệ này bạn nhé ! Nhất là giới trẻ và trung niên ngày nay dù có học Phật Pháp hay đang nghiên cứu vài sách về tâm lý.
Làm thế nào khổ đau được chuyển hoá ?
Không lạm bàn nạn dịch với thiên tai
Thẩm sâu nội tâm… rơi lệ, thở dài
Chuyện uất ức, bất mãn, thành công thất bại !
Suy cho kỹ… Tâm phan duyên, hoang dại !
Khổ đau chỉ đến… ý niệm khởi đó thôi
Tự mình tiêu cực, sao lại phải Tôi!!!
Nào tản mạn… nuôi dưỡng được tâm thái tích cực !!! ( thơ Huệ Hương )
Đức Phật đã từng dạy “ Chúng ta là kết quả của những suy nghĩ và tư duy của chúng ta. Tâm thức là tất cả ! .
Chúng ta nghĩ như thế nào sẽ thành ra thế ấy. Do đó cần nuôi dưỡng một tâm thức tích cực để chuyển hoá dù khi được bác sĩ tuyên bố mắc bịnh khó chữa trị !
Còn Krishnamurti lại cho rằng vì Tâm thức ta luôn luôn biến đổi và bị chi phối bởi một nền tảng giáo dục của gia đình và xã hội hoặc nền văn hoá nào đó, cho nên tư tưởng chúng ta sẽ bị phản ứng với những thách thức và kích thích theo các hoàn cảnh môi trường đó.
Hơn thế nữa, tư tưởng lại là chuỗi phản ứng của ký ức ( bao gồm tri thức và hậu quả của những kinh nghiệm ) cho nên nó sẽ trở nên hoặc có thể rắn rỏi hơn, tinh tế hơn, sắc sảo hơn hay yếu mềm đi, lo lắng hơn và ủy mị hơn vì sợ hãi đi kèm.
Tư tưởng còn là kết quả của thời gian do đó cần phải kiên nhẫn để chuyển hoá những tư tưởng tiêu cực thành tích cực, nếu không thì nó sẽ trở thành như một câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du là “ Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong “.
Đừng bận tâm với thế sự vô thường, Tâm phải luôn luôn mềm mỏng khéo léo như nước để đối mặt với sự biến đổi không ngừng và nên giữ một trái tim lương thiện thì quá trình trưởng thành sẽ là Đường đến Đạo.
Với những bất cập đang nảy sinh và diễn ra trong xã hội hôm nay những suy đồi về đạo đức lối sống, sự bất công những cái xấu cái ác đang phát triển dưới nhiều dạng khác nhau, phải nhủ lòng mình, hãy làm việc thiện lành để hoàn thiện được Đạo Tâm của mình và góp phần chuyển hoá đẩy lùi những bất cập và khổ đau trong xã hội hôm nay.
Ngoại trừ những khổ đau từ thiên tai và bịnh dịch tai ương bài viết này chỉ nói về những khổ đau đến từ những ý tưởng tiêu cực hay nói khác hơn về tinh thần hơn là thể xác, vật chất.
Hãy
Không buồn , không giận, bởi Tâm Không
Không ghét , không thương mở rộng lòng,
Không trông, không ngóng, không cố quận.
Không thuyền, không bến có chi sông ! ( HT Viên Minh )
Còn nhớ khi tổng kết lại những bài tổng luận về Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, cẩm nang tôi đã có đoạn được đóng khung đậm như sau : “ Khi bất cứ một khổ đau phiền não nào vì bất cứ một điều gì , vì bất cứ ai chúng ta cần nhận ngay rằng: CHÍNH NGAY VÀO LÚC NÀY CHÚNG TA ĐANG CẠN KIỆT TÌNH THƯƠNG !”.
Vì khổ đau chỉ có mặt khi thương yêu vắng mặt và rắc rối trắc trở chỉ hình thành khi thương yêu không thể hiện hành và lưu thông!
Trong một bản tiếng Anh về ( moral stories) tôi đã tạm dịch được một điều thú vị như sau : ” Trong cuộc sống có đôi lúc ta cảm nhận được điểm yếu của mình và thương luôn than thở về điều này nhưng mình không biết rằng có một ngày điểm yêu này có thể trở thành một sức mạnh do đó hãy sống đúng với cuộc sống mình và cố gắng hết sức để vượt qua mọi thử thách gian nan “.
Đức Phật đã nói với Ngài Văn Thù Sư Lợi trong kinh Pháp Hoa rằng, muốn được an lạc “ PHẢI Ở NƠI CHÚNG SANH MÀ KHỞI TƯỞNG ĐẠI BI ”.
Chính lòng thương yêu như vậy sẽ kết hợp tất cả, chỉ cần thể hiện một tình yêu thương rộng mở, chỉ cần sống cho được với mọi chúng sanh như tình anh em quyến thuộc thì mọi sự phê phán, sự không bằng lòng, sự co rút phòng thủ, sự bỏ cuộc rút lui ( nói chung tất cả tính tiêu cực – loại trái cây gây khổ đau )….sẽ được hoá giải !
Và tác giả ( xin thứ lỗi không nhớ rõ lắm vì chỉ biết đọc thoáng qua trên Thư viện Hoa Sen khá lâu trong mục Phật Học căn bản ) đã kết luận : Thương yêu là một trong hai pháp căn bản của đạo Phật ( Trí tuệ , Từ bi ) sẽ giải quyết mọi hạt giống và cây trái của khổ đau phiền não.
Đúng thế, rất đồng ý với tác giả và tôi cũng tự sách tấn mình hằng ngày như sau : “ Hãy làm tuôn chảy lòng yêu thương, làm tràn ngập cuộc sống ở bất cứ nơi nào ta đến thì tình thương đó sẽ cuốn trôi mọi hàng rào ngăn cản hay rác rến của mọi thứ tiêu cực ( chán nản, bất hoà, yếu kém ) ! Và ta sẽ từ từ có đầy đủ tất cả lại những điều tốt đẹp kể cả nghiệp quả và những sự khổ đau của cuộc đời “.
Tình yêu thương ấy được nuôi dưỡng bằng một trái tim lương thiện, được vun bối bằng một trái tim bao dung, tha thứ và khiêm tốn.
Cứ vào đời với trái tim rộng mở
Lòng chân thành tỉnh thức giữa tha nhân
Tuy cuộc đời nhiều thăng trầm biến đổi
Tâm sáng ngời vẫn thấy Pháp như chân ( HT Viên Minh )
Cũng cần biết thêm rằng Ngoii chùa linh thiêng nhất là lòng người:
• khi lòng không từ bi thì dù có quỳ dưới chân Phật . trong tiếng chuông mà tâm vẫn ác,
• Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng châu báu vẫn thấy bất hạnh.
• Khi lòng không yên thì dù có sống giữa chùa hoặc đền thì lòng vẫn thấy bất an !
Đi xa hơn trong dân gian thường nói đến Vận và Mệnh mà Mệnh thì theo duy thức học có những điều mà ta cố gắng thay đổi nhưng khó xoay chuyển vì những chủng tử trong a lại da thức đã được huân tập từ bao nhiêu đời đã tạo thành một nghiệp quả hay tập khí nhưng Vận thì có thể thay đổi được nếu ta đã điều phục được tâm mình đi đúng hướng thiện và biết cách kiềm chế dục vọng bằng cách thu thúc lục căn…
Cổ nhân có thí dụ như sau :
– Mệnh được thí dụ như một chiếc xe ( có thể còn tổt hay đã có nhiều bộ phận cũ ) được khởi hành đi đến một điểm đích có thể bằng phẳng hay gồ ghề.
– Vận chính là người lái chiếc xe đó để làm thế nào đến được đích, thế cho nên người lái phải có đủ đức tính như chịu khó cẩn thận chú tâm quan sát ở mỗi khúc quanh hay chỗ nào có ổ gà để tránh và lách tay lái đừng để xảy ra tai nạn.
Trong vài sưu tầm về tản mạn khổ đau khác tôi đã ghi lại từ một thiền sư nguyên thủy :
1- Chính phiền não làm ta đau khổ chứ không phải tâm ta bị đau khổ.
2- Thật ra cuộc sống của chúng ta cũng chẳng khổ gì , mà tất cả sự khổ đau ở đây là KHÔNG THOẢ MÃN . KHÔNG HÀI LÒNG VỀ CUỘC SỐNG.
Nếp sống tâm linh thường hiển bày qua lời nói khả ái, quy kính nhẹ nhàng, củ chỉ dịu dàng qua việc làm yêu thương giúp đỡ.
Đôi khi Chánh niệm thôi không đủ mà cần phải thêm vào nguyên tố kỳ diệu của Tâm Từ Bi, biết tha thứ, bao dung và nhẫn nại được với việc không trả thù , với việc tự nguyện chấp nhận đau khổ ( theo Lạt Ma Geshe Kelsang Gyatso ).
Trong câu kinh pháp cú về tâm điều phục
Khó nắm giữ lấy động
Theo các đại quay cuồng
Lành thay điều phục đến
Tam đâu an lạc ngay !
Hơn thế nữa ” Thế giới là 1 chuỗi cảm thọ , nếu ta không bị cảm thọ lừa phỉnh thì chúng ta không thể bị thế giới lừa phỉnh “.
Tâm ta nếu khi nhận ra được điều này sẽ làm cho nền tảng trí tuệ kiên định vững chắc và với một tâm như thế sẽ không cần làm vấn đề gì nữa cả . Mọi vấn đề đều có thể được giải quyết ổn thoả. Và một khi không còn vấn đề gì làm mình nghi hoặc, sợ hãi và lo lắng thì N Lạc sẽ tràn ngập trong tâm và mọi khổ đau đã được chuyển hoá.
Buông đi cho nhẹ cõi lòng
Cho tâm thanh tịnh cho lòng lạc an
Chấp chi vạn vật vô thường
Như cơn gió thoảng trên đường ta qua
Hoa nở , hoa úa, hoa tàn
Hợp tan, tan hợp nhẹ nhàng đến đi ! ( sưu tầm trên mạng )
Trong các kinh ta thường được nghe “TUỲ XỨ TÁC CHỦ- LẬP XỨ ĐẮC CHÂN “ ( có nghĩa là mình phải làm chủ hoàn cảnh, ở đâu và hoàn cảnh nào ta vẫn có đủ khả năng để sống với con người thật của mình ).
Không phải vì an lạc
Mới tu luyện miệt mài
Khi gặp mặt cuộc sống
Thấy KHỔ, KHÔNG mới tài
Khổ, Lạc đều tự do
Sao muốn thành của ta
Pháp đến đi vô ngã
Tìm kiếm chỉ tâm ma ( H T Viên Minh )
Chỉ cần có được tâm nguyện, có cần mẫn, có sáng suốt có chú tâm thì học gì cũng đúng nguyên lý cũng thành công.
Lời kết :
Do vậy cần phải tu học Phật Pháp để thấy ra các pháp “ TUỲ PHÁP TRỤ PHÁP VỊ “, và phải điều phục Tâm đừng cho chúng đi hoang và phan duyên.
Con đường tu học còn dài, sẽ có nhiều trải nghiệm trở thành kinh nghiệm cho chúng ta bước tới. Hãy cứ bước tới nhẹ nhàng, bình thản tâm an và hồn nhiên như trẻ thơ và lưu giữ tâm thiện lương và một trái tim rộng mở càng lâu càng tốt trên đường ta đi thì sẽ hoán chuyển và thay đổi được những tư tưởng tiêu cực mà trong đó chỉ toàn thấy khổ đau.
Có lẽ ta phải cần có một cái tâm của Bồ Tát Thường bất Khinh và thực hành như Ngài nghĩa là. Biết lắng nghe xã hội, biết lắng nghe đời sống, biết lắng nghe chính mình bằng cách NHÌN đời sống bằng con mắt bình đẳng, trân trọng, khiêm tốn và ưu ái.
Tự ta bảo hộ cho ta
Có ai nương tựa gần xa mà cầu
Tự mình chế ngự làm đầu
Khó khăn điều phục, gắng lâu cũng thành! ( Kinh pháp cú 160 )
Hoặc nếu đã đạt được chút Trí tuệ như Cố Ni sư Thích Trí Hải hãy thong dong ngâm nga những câu thơ này bạn nhé
CÓ, KHÔNG, MÊ, GIÁC !
Có cũng không mà không cũng không
Giác, mê – mê diệt, Giác không không
Thấy danh thực hữu, mê dường có
Xem lợi hư vô, Giác đã lòng
Vướng có khổ đau càng thống thiết
Chấp Không … tội nghiệp cũng mênh mông
Ngộ Tâm ấy Phật lý Trần cấu
Rừng tía không xa chốn bụi hồng !!!
Trân trọng,
Huệ Hương