Làm Chủ Bản Thân


LÀM CHỦ CĂN THÂN

Đến phần thân, nếu ta không biết tu theo lời Phật dạy, thân có thể sát sinh, hại vật, trộm cướp, lường gạt và tà dâm, phá hoại hạnh phúc của người khác. Thân thì lúc nào cũng thích cảm giác khoái lạc, ghét bỏ cảm giác đau nhức, hoặc nóng lạnh, bức bách. Vì ai cũng chấp thân này là ta, là của ta, nên từ đó tham lam, muốn chiếm hữu, làm cái gì cũng muốn vơ vét về cho riêng mình thật nhiều, bất chấp mọi hậu quả, nên dễ gây tạo tội ác tày trời.

Từ lâu, chúng ta mê lầm, đắm say, đam mê người vật, được thì ta sinh tâm mừng vui, phấn khởi, mất thì ta lo lắng, phiền muộn, khổ đau. Song, người đời ít có ai trọn vẹn, đa số là mất nhiều hơn được. Nhất là quí Phật tử lớn tuổi nhìn lại sẽ thấy rõ điều này, nào mất ông bà, cha mẹ, anh em, người thân, bạn bè, mất đủ thứ; rồi đây, cái chết đang từng ngày rình rập mạng sống của mình nữa. Mọi sự lo lắng, đau khổ cứ như thế mà dồn dập mãi, người thân mất, ai mà không buồn, không rơi nước mắt nhất là cha mẹ.

Người Phật tử chân chính đã thấm nhuần đạo đức theo lời Phật dạy, lúc nào cũng được bình an, hạnh phúc, không còn bị buồn thương, giận ghét chi phối với những duyên thuận nghịch nữa. Chúng ta thấy rõ thân này vô thường, là thấy đúng theo tinh thần giác ngộ. Nếu cứ thấy như vậy luôn từ ngày này đến tháng kia, năm này sang năm nọ, thì không là bậc xuất trần thượng sĩ Phật, Bồ Tát, cũng là bậc hiền Thánh trong hiện tại và mai sau. Chúng ta học mà không hành, tu mà không quán xét, đến khi việc buồn khổ xảy đến rồi thì mới cầu Phật cứu, thì Phật làm sao cứu kịp.

Học Phật là học đạo giác ngộ, chúng ta đem lời Phật dạy áp dụng ngay vào đời sống hằng ngày, để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc, đó là chúng ta tu để được giác ngộ, giải thoát như Phật. Chỉ khi nào chúng ta thấu đạt được lý vô thường là một lẽ thật, chừng đó ta mới hết lo lắng hay buồn khổ. Người thâm nhập được lý vô thường của Phật dạy, gặp thuận duyên hay nghịch cảnh, biết việc gì đến là phải đến, nên luôn bình tĩnh, thản nhiên đón nhận mà không lo lắng, sợ hãi.

Kiếp người khốn khổ với bao sóng gió cuộc đời, vì thân này vô thường nên không ngoài những cái khổ mà Phật đã nêu là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương yêu xa lìa khổ, thù oán gặp gỡ khổ, mong cầu không được khổ, thân này thịnh suy khổ. Khi ta đã giác ngộ thân này là vô thường thì khi già đến, mình không thấy khổ dù đi đứng, sinh hoạt có khó khăn đôi chút; khi bệnh mình không thấy khổ vì biết thân này đau nhức, chớ tâm thanh tịnh, sáng suốt, thường biết rõ ràng, không có đau nhức bệnh hoạn.

Như vậy, già đến là một quy luật tất nhiên, không ai cưỡng lại được, khi bệnh đến biết có thân ắt có bệnh, nó đến mặc nó, ta không còn lo buồn hay sợ sệt nữa. Nhờ có tỉnh giác trong từng phút giây mà chúng ta tự cứu mình thoát khỏi bao nhiêu cái khổ của cuộc sống hiện tại. Tu như vậy thì ngay trong hiện đời sẽ bớt khổ, hết khổ, chớ không phải chờ về Cực Lạc rồi mới hết khổ. Những người tu theo pháp môn niệm Phật thường hay nguyện về cõi Cực Lạc cho hết khổ, mà không lo buông xả tham-sân-si, đó chỉ là nguyện suông vô ích mà thôi.

Người Phật tử đi chùa cúng Phật, Bồ Tát, rồi cứ xin gia hộ mà không chịu buông xả thói quen xấu, khi gặp việc trái ý nghịch lòng thì vẫn buồn khổ, khóc than, trách Phật, Bồ Tát sao không từ bi cứu khổ, mà để cho con khổ hoài. Người đi chùa học Phật như thế ngày càng mê tín, dị đoan, chắc chắn không bao giờ được Phật cứu khổ. Phật biết chúng sanh vì si mê, tối tăm, mờ mịt, chưa đủ lòng tin sâu nhân quả, nên không thấy đúng lẽ thật, do đó Ngài mới chỉ dạy cho ta thấy thân này là vô thường, bại hoại, để mình cố gắng tu hành.

Khi ta đã thấy biết đúng sự thật của kiếp người, là mình giác ngộ, giải thoát mọi ràng buộc khổ đau. Đó là Phật đã cứu khổ chúng ta, cứu bằng cách dạy cho ta thấy đúng lẽ thật, đúng chân lý. Vậy mà chúng ta không chịu hiểu, không chịu tu, mà cứ đòi Phật cứu bằng cách này hay cách nọ, chúng ta đòi hỏi những chuyện thật vô lý làm sao.

Từ xưa nay, đa số chúng ta mê lầm, thấy thân này lúc nào cũng bền chắc, lâu dài, mọi hoàn cảnh, sự vật, và sự sinh hoạt hằng ngày đều là thật có, rồi đinh ninh một kiếp người là trăm năm, nên ta cứ mải mê lo làm ăn, lo dành dụm tài sản, tiền bạc, để được giàu có và thủ hậu cho con cháu mai sau.

Lâu nay, chúng ta ai cũng cho thân người là thật, cái suy tư, nghĩ tưởng cũng là thật. Do thấy biết sai lầm và chấp chặt như vậy, nên ta cứ lo gom góp của cải, vật chất, để mình và con cháu mai sau thụ hưởng. Người thế gian ai cũng chấp chặt như thế vì cho cái gì cũng là thật hết, nên tham lam, vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại cho nhau.

Phật dạy thân người do bốn chất đất-nước-gió-lửa nhân duyên giả hợp mà có. Người Phật tử muốn được kết quả bình yên, hạnh phúc, thì ngay giờ phút này phải biết đem lời Phật dạy ứng dụng vào thực tế cuộc sống, bằng cách quán chiếu, nghiệm xét và hành trì. Nhờ vậy lâu ngày, ta phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật, đối trước nghịch cảnh hay chướng duyên mình vẫn bình thản, an nhiên, không bị sự chi phối của khổ đau.

Song, bốn chất này thường xung khắc nhau, đất ngăn ngại nước, nước xoi mòn đất, nước làm tắt lửa. Do chúng xung khắc nên thân phải điều hòa hoài, nếu không phù hợp thì sinh bệnh hoạn, đau nhức, cho đến khi chúng không còn dung hợp với nhau được nữa thì thân tan rã. Vì vậy, có thân là có khổ nhiều hay ít, tùy theo sự huân tập thói quen tốt xấu của mỗi người.

Người thế gian cho rằng, khi đói bụng mà không được ăn uống no đủ là khổ, hoặc khi bị lạnh rét mà không có áo da, mền nỉ, lò sưởi làm cho ấm là khổ, nhưng khi đủ tiện nghi sưởi ấm thì hết khổ, hay nghèo hèn thiếu thốn, khó khăn là khổ. Chúng ta thường thấy khổ khi đói, cảm thấy vui vẻ khi đầy đủ, thấy lạnh lẽo khi bị rét buốt, và được vui khi được ấm áp. Những cái khổ này là những cái khổ thông thường, còn nỗi khổ lớn mà chúng ta không thấy, không biết, là cái khổ vô thường, đang hằng ngày bức hại thân tâm mỗi người chúng ta.

Lại nơi thân này, những chất cứng như da, thịt, gân, xương, tóc, răng… thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, mủ, mồ hôi, nước mắt… thuộc về nước. Sự hoạt động cho máu huyết lưu thông như hơi thở vô, ra thuộc về gió, nhiệt độ như hơi ấm trong thân thuộc về lửa. Hiện tại, khoa học phân tích, thân người có vô số tế bào, song không ngoài bốn chất đất-nước-gió-lửa kết hợp lại mà thành. Vì khổ nên ta khi mới sinh ra liền khóc oa oa, lọt khỏi lòng mẹ bị khí trời bức xúc, gây cảm giác khó chịu, rát buốt, nên con khóc mà mẹ cũng đau đớn khi banh da xẻ thịt sanh ra đứa con, nên Phật nói, “sanh là khổ”.

Qua bao tháng năm, đứa bé được cha mẹ nuôi dưỡng lớn khôn. Khi trưởng thành rồi thì dần dần già yếu, mắt mờ, tai điếc, tóc bạc, răng long, chân mỏi, gối dùn, ăn uống không ngon, đi lại khó khăn… Đến tuổi già thường đau yếu, bệnh hoạn, nay bệnh này, mai bệnh kia, thân thể nhọc nhằn, đau nhức, khó chịu, khi đau chạy chữa thuốc thang, mà bệnh không giảm, cứ tăng hoài thì sẽ chết. Song, trước khi chết thì tâm thần rối loạn, lo sợ, hãi kinh, không biết mình sẽ đi về đâu. Môi miệng lệch méo, tay chân co giựt…, vô cùng khổ sở.

Từ xưa nay chúng ta thường hay lầm tưởng thân này là ta, là tôi, là thật có, nên ta cứ chấp chặt như thế, hễ ai động đến là phản ứng ngay, hoặc tìm đủ mọi cách để bảo vệ, vun bồi cho nó được thỏa mãn. Nhưng đối với Phật, nhờ tu chứng dưới cội Bồ Đề, nên thấy rõ thân do đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại mà thành, nếu thiếu một trong bốn chất ấy thì thân này tan rã, bại hoại.

Khi bốn chất còn chung hợp, nương nhờ vào nhau thì mạng sống còn. Song, cần phải ăn cơm, uống nước, hít thở không khí, vay mượn đất-nước-gió-lửa bên ngoài, để bồi bổ liên tục cho đất-nước-gió-lửa bên trong. Cả một đời, chúng ta sống chỉ bằng sự vay mượn, đưa vô rồi xả ra. Giờ phút nào còn vay mượn thì giờ phút đó còn mạng sống, hết vay mượn thì mạng sống dừng; hơi thở trả về với gió; hơi ấm trả về với lửa; máu, nước miếng, nước mắt… trả về với nước; da, thịt, gân xương trả về với đất.

Tất cả đều thay hình, đổi dạng, rã tan, chẳng còn thứ gì gọi là thân mạng con người, là ta, là tôi nữa, nên không còn biết gì nữa. Cũng vậy, lâu nay chúng ta huân tập việc gieo giống nòi nhân loại, tạo ra gia đình, người thân. Cho nên, từ cha mẹ, anh em, gia tộc… dạy ta cuộc đời là thường, rồi từ đó ai cũng muốn tranh danh đoạt lợi, lo cho ta, cho gia đình ta, cho bà con, quyến thuộc của ta và đất nước của ta. Chính vì vậy, ai cũng tính kế lâu dài, ham làm giàu, ham ăn sung mặc sướng, để rồi ta đấu tranh, giành giựt, giết hại lẫn nhau không thương tiếc.

Người Phật tử chân chính biết “thế gian là vô thường”, nhờ thường xuyên nghiệm xét, suy tư, buông xả phiền não tham-sân-si. Tuy biết thân này là vô thường, nhưng nếu nghe qua rồi bỏ, thì chúng ta chỉ hiểu biết trên ngôn ngữ mà thôi, do đó dễ dàng làm cho người khác đau khổ. Nếu chúng ta thường quán xét lời Phật dạy, thấy rõ thế gian là vô thường, từ thân tâm con người cho tới hoàn cảnh đều là vô thường. Lúc bấy giờ, đối với thân tâm cũng như cảnh vật bên ngoài, ta không còn lầm chấp nữa, nên sống không làm tổn hại cho ai, mà còn hay giúp người, cứu vật.

Còn nếu chúng ta tu học theo Phật, Phật dạy vô thường mà Phật tử vẫn thấy là thường, khi đối diện với sinh ly, tử biệt ta cứ buồn khổ, khóc than, tiếc nuối; chính vì vậy mà ta vui vẻ khi gặp cảnh thuận, và đau khổ khi gặp chướng duyên, vì thấy mọi vật đều thường. Gặp danh, gặp lợi, gặp sắc, gặp tài, gặp ăn, gặp uống, Phật vẫn dửng dưng, không bị dính mắc, nhiễm ô, nên Ngài an nhiên, tự tại, vì biết nó là vô thường.

Chúng ta thường nghe nói, chúng sanh thì mê lầm nên đau khổ, Phật thì giác ngộ nên sống đời bình yên, hạnh phúc, mà mình không hiểu rõ thế nào là mê là giác. Nếu chúng ta tu mà không biết thế nào là mê, là giác, thì dù tu suốt kiếp cũng chẳng được gì. Nếu hiểu được thế nào là mê thì mình sẽ biết thế nào là giác, vì nó đối lập lại với nhau.

Nói mê, nói giác là nói theo danh từ nhà Phật, nói theo thế gian thì gọi là mê lầm. Chúng ta tuy có học Phật nhưng chỉ hiểu suông mà không biết áp dụng vào đời sống hằng ngày. Ta cứ mải mê lo tính chuyện làm ăn sao cho có lợi nhiều, làm sao cho mau giàu, ham muốn đủ thứ để được hãnh diện với mọi người. Sở dĩ chúng ta vẫn còn mê lầm hoài là do mình thiếu tu tập. Nếu ta thường xuyên quán chiếu, nghiệm xét lời Phật dạy thì làm gì có mê, có dính, có nhiễm, và cuối cùng phải chịu khổ đau?

Thế cho nên, người Phật tử chân chính khi nghe lời Phật dạy, liền ghi nhận và áp dụng vào trong đời sống hằng ngày không một phút giây lơ là. Còn người học Phật mà không biết tu, dù cho có nghe hết ba tạng kinh điển, ghi nhớ không xót một chữ, mà không chịu thực hành, cuối cùng vẫn cứ mê lầm hoài. Nếu ta nghe hiểu, nhớ và cố gắng thực hành, thì sẽ được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Phật dạy thế gian vô thường, thân này do nhân duyên hòa hợp nên cũng giả có, để chúng ta thấy rõ lẽ thật, không còn cố chấp thân tứ đại này là thật, không còn cố chấp cõi đời này là bền chắc, lâu dài. Quí Phật tử có ai không bị vô thường chi phối không? Nếu chúng ta lúc nào cũng thấy biết rõ ràng như vậy, thì dù cho thân này có ra sao đi nữa, ta cũng không lo lắng, sợ hãi, bất an. Vì biết nó không chết trẻ thì cũng chết già, và nó không chừa bất cứ một ai, nên ta bình tĩnh, thản nhiên đón nhận cái chết.

Trong kinh A-hàm, Phật dạy người chấp thân tứ đại là ta còn dễ phá trừ hơn người chấp linh hồn là ta. Chấp trong thân này có cái linh hồn còn hoài, vĩnh viễn, nên người chết sinh người, thú vật chết sinh thú vật, là quan niệm thần ngã, là chủ của thân này không bao giờ thay đổi. Đó là chấp thường theo một số người xa xưa. Mê lầm chấp trước như vậy rất có hại, nên người ta không chịu tu, mặc tình ăn chơi, tạo các nghiệp ác, sát sinh hại vật, để rồi cuối cùng sẽ chịu quả báo khổ đau vô cùng tận.

Nơi thân con người chúng ta gồm có năm phần hòa hợp, gắn kết với nhau mới bảo tồn mạng sống, đó là:

1- Sắc ấm: là phần thể xác con người do bốn chất đất-nước-gió-lửa hợp thành.

2- Thọ ấm: là phần cảm giác khổ vui, gặp cảnh vừa lòng, thích ý thì thân tâm cảm thấy thoải mái, sảng khoái, mà đam mê, dính mắc vào đó, gặp chuyện đau thương, mất mát thì thân tâm cảm thấy khó chịu, phiền muộn, khổ đau. Có khi chúng ta vui vẻ, phấn khởi, hả hê, có khi chúng ta mệt mỏi, chán chường, thất vọng trong cô đơn, buồn tủi, rồi chúng ta chấp cái vui, cái buồn đó là tâm mình.

3- Tưởng ấm: là nhớ tưởng, hối tiếc về chuyện quá khứ tốt đẹp hay xấu xa, rồi mơ ước tương lai sẽ giàu có, hạnh phúc, rồi chấp chặt cái nhớ tưởng đó là tâm ta.

4- Hành ấm: là sự nghĩ suy nghĩ, tính toán, phát sinh hành động, rồi chấp chặt vào cái nghĩ, suy tư, nghĩ tưởng, tính toán đó là tâm mình.

5- Thức ấm: là sự phân biệt cái này tốt, cái kia xấu, cái này hay, cái kia dở, cái này đúng, cái kia sai, rồi chấp vào cái phân biệt đó là tâm ta.

Cuối cùng, đã làm người, ai cũng chấp sắc thân này là ta, là của ta, chấp vào cảm xúc khổ vui là tâm ta, chấp vào sự nhớ tưởng là tâm ta, chấp vào sự suy nghĩ là tâm ta, chấp vào cái ý thức phân biệt là tâm ta. Chấp như vậy thì vô tình mỗi người có đến năm cái ta. Sắc thân này rồi cũng sẽ hoại diệt, tan rã theo thời gian hoặc sớm hay muộn mà thôi. Thọ-tưởng-hành-thức cũng lại như vậy, chợt hiện, chợt mất, chợt có, chợt không, ta lại mê lầm, chấp trước vào đó, cho là thật, là ta, là của ta. Vì vậy mà ta cứ mãi luân hồi trong vòng sanh tử khổ đau.

Chúng ta thấy rõ sắc-thọ-tưởng-hành-thức không phải là ta, là của ta, nó là tạm bợ, chợt có rồi mất, đó là chúng ta đã thấu suốt được lý vô ngã đức Phật đã dạy.

Thân xúc chạm biết nóng, lạnh, hay trạng thái khó chịu do đau nhức, cảm xúc dễ chịu, cảm giác khoái lạc do sự xúc chạm hai thân thể. Chúng ta ý thức được khổ đau do sự giết hại gây ra, nên mọi người hãy cố gắng mở rộng tấm lòng từ bi, thương xót muôn loài vật. Giết hại thì quả báo bị giết hại trở lại, bị chết yểu, chết bị tai nạn bất đắc kỳ tử. Nhân giết hại gây ra ân oán, hận thù không có ngày thôi dứt, người giết vật, vật giết ngườ,i nhân quả trả vay vô cùng tận. Con người ta vì chấp ngã nên thấy mình là trung tâm của vũ trụ, do đó lợi dụng quyền cao chức trọng mà bắt mọi người phải phục vụ cho mình.

Thứ năm là thân xúc chạm. Xúc chạm những gì êm ái, nhẹ nhàng, thì ta có cảm giác thích thú, xúc chạm những gì thô nhám, khó chịu thì mình muốn ghét bỏ. Những xúc chạm đó làm chúng ta đắm say, mê muội, hoặc làm mình khó chịu, chán ghét, nên nó là đứa giặc thứ năm phá hoại công đức lành.

Phật dạy, cõi đời chúng ta đang sống là vô thường, tạm bợ. Ngay thân tứ đại giả hợp tạm có này, chúng ta phải biết nó là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Phải biết thân và tâm tưởng có đó rồi mất đó, luôn luôn sanh diệt, dời đổi, không có thật ngã. Cái suy tư, nghĩ ngợi, mà lâu nay mình lầm chấp là tâm mình, chính là nguồn gốc của ác nghiệp.

Khi chúng ta bị bệnh, đau đớn, khổ sở, khó chịu, thì mình nói, “tôi đau quá”. Nói như vậy là ta cho rằng, cái đau đó là tôi, nhưng khi hết đau thì tôi ở đâu? Đau là do thân vật chất này đau, nó chỉ đau ở một bộ phận trong cơ thể, hoặc chân tay, hay lưng đau, chớ cái tôi đâu có đau.

Người biết tu, khi thân đau, ta biết mình có cái không đau, nên thấy thảnh thơi, không bị phiền muộn, khổ đau chi phối. Người không biết tu và người tu khác nhau là ở chỗ đó, thân đau mà tâm không đau.

Ta có cái thấy chân thật ấy biết được cái đau, biết được chân đau, biết được bụng đau, biết được tay đau. Hiểu được như vậy thì trong cuộc sống, chúng ta đã phần nào làm chủ được cái thân này.

Ngược lại, chúng ta khi buồn ai thì cứ đồng hóa sự giận dữ của mình là tôi giận, đau là tôi đau, ta cứ mãi chấp trước vào cái tôi này thì làm sao làm chủ thân này. Cho nên, người tu phải sáng suốt nhận cho thật kỹ, khi gặp bệnh hoạn mới có thể làm chủ thân này. Chân đau thì ta thấy chân đau, còn cái biết đau này mới là không đau, đó mới là thấy chân thật.

Ngày xưa, khi các vị Thiền sư bị bệnh, có người hỏi, “hòa thượng bệnh, có cái chẳng bệnh chăng?”

Các ngài đáp, “có”.

Hỏi, “cái gì không bệnh?”

Ngài nói, “Ui da! Ui da!

Cái biết rên đó, cái ấy không bệnh, chúng ta nghe như ngược đời chưa, biết thân này có bệnh nhưng tâm ta đâu bệnh. Như vậy, để thấy rằng các ngài không đồng hóa như chúng ta lầm lẫn, thấy chân đau, còn tôi không đau mới là thấy chân thật. Cái thấy chân thật ấy biết được cái đau, biết được chân đau, biết được bụng đau. Hiểu như vậy thì chúng ta đã làm chủ được phần nào trong cuộc sống này.

Ngược lại, chúng ta cứ đồng hóa giận thì tôi giận, đau thì tôi đau, cứ đồng hóa như thế thì mình không làm sao điều khiển được chúng, không làm sao chuyển hóa chúng được. Thế cho nên, người tu phải sáng suốt nhận cho thật kỹ, khi gặp bệnh hoạn mới có thể làm chủ được sự đau đớn của thân này.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.