Dâu Trăm Họ

Từ thời xa xưa lắm rồi, khi nói “dâu trăm họ”, lập tức người ta nghĩ ngay đến những vị thầy trụ trì ở các chùa. (Xin hiểu chữ trụ trì như là danh từ chuyên môn rất phổ thông để chỉ các vị sư, tăng hay ni, viện chủ, chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi công việc đối ngoại lẫn đối nội của một ngôi chùa, chứ không phải trụ trì như một động từ kép mà một số Phật tử hay không Phật tử đã dùng để chỉ cho việc ăn ở, trú ngụ của bất kỳ vị tăng sĩ nào). Các vị sư phụ khi bổ nhiệm đệ tử mình đi trụ trì ở một ngôi chùa nào đó đều dặn dò, huấn thị về việc “làm dâu trăm họ” phải như thế nào. Rồi cứ như vậy, từ ngữ đó truyền đi từ đời trụ trì này đến đời trụ trì khác, đến độ trong nhà chùa, từ ngữ ấy hầu như chỉ được hiểu như là từ chuyên môn để ám chỉ các vị thầy trụ trì, tu viện trưởng, viện chủ v.v…

Ngày nay, từ ngữ dâu trăm họ đã không còn xa lạ gì với mọi người. Thậm chí, nhiều người còn lấy từ ngữ ấy để áp dụng cho một số trường hợp khác ngoài thế tục (chẳng hạn ông chủ nhiệm một tờ báo cũng có thể than thở: “Chao ôi, biết làm sao cho vừa lòng độc giả đây! Thiệt khổ cho cái nghiệp làm dâu trăm họ.” Một ca sĩ hay chủ nhà hàng cũng có thể tự ví mình như vậy). Cho nên, chữ dâu trăm họ bây giờ không còn là của riêng của các thầy trụ trì nữa.

Nói như vậy không phải là tiếc nuối muốn đòi lại cái từ ngữ rất phiền đó về cho nhà chùa. Quí thầy trụ trì có muốn cất riêng từ ngữ ấy đâu. Muốn vất đi thì có. Có điều là vất không được đó thôi. Vì lòng từ bi, vì hạnh nguyện dẫn đạo và sứ mệnh hoằng pháp mà phải gánh lấy, phải chịu làm người dâu cho bá tánh thập phương. Khi vị thầy trụ trì nói đến chữ dâu trăm họ, không phải là để than thở, mà là để nhớ lấy trách vụ của mình, nhớ lấy bổn phận hoằng đạo của mình để mà tiếp tục chịu đựng…

Chịu đựng cái gì? Nói vô phép, có cạy miệng quý vị trụ trì, quý ngài cũng không nói ra. Chuyện đạo, chuyện chùa, tự nguyện dấn thân làm việc, có gì phải than trách, kể lể. Những kẻ xuất trần, lấy trí tuệ giác ngộ làm sự nghiệp, xem ba cõi bốn đại là không, chẳng mấy người chịu đưa vai gánh lấy ngôi chùa để tiếp cận chúng sinh và cuộc đời mà dẫn dắt họ trên đường tu học. Đa phần người xuất gia thích ẩn cư trên núi cao, hoặc du hóa, nay chùa này mai chùa nọ, hoặc ở chúng (tức là chỉ ở chùa thôi, ai làm trụ trì thì làm, phần mình chỉ biết lo tu tập và nhận công tác nào vị trụ trì giao phó, chứ nhất quyết không nhận trách nhiệm trụ trì). Họ muốn cứu độ chúng sinh lắm, nhưng họ không muốn phải gánh cái trách nhiệm trụ trì, tu viện trưởng, viện chủ v.v… Trách nhiệm đó nặng nề, bận rộn và trở ngại việc tu tập lắm. Đã không gánh thì thôi, gánh thì phải gánh cho trọn. Mà làm sao cho trọn được khi mà chúng sinh khó độ, hết người này đến kẻ khác, hết thế hệ này đến thế hệ kia, hằng hà sa số chúng sinh mong đợi được dẫn đạo. Đó là chưa nói đến trăm ngàn Phật sự khác ở chùa, từ miếng cơm manh áo cho tăng chúng cho đến những lễ lượt, hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm nọ, làm thế nào mà ngưng được để gọi là trọn!

Cho nên, khi một tăng sĩ chấp nhận đi trụ trì một ngôi chùa là coi như đã chấp nhận hy sinh cả một đời. Rất hiếm khi vị trụ trì bỏ chùa mà đi (chỉ có những thầy trụ trì ở các chùa hội Phật giáo tại hải ngoại vì thấy không thích hợp với sinh hoạt hội hè nặng chất thế tục mới tự động rời chùa mà đi, hoặc bị các hội viên Phật tử chia phe phái, tranh giành quyền lực, tìm cách mời đi mà thôi). Thường thường đã nhận trụ trì là trụ trì suốt đời. Gánh lấy ngôi chùa là gánh lấy cục nợ, tự dưng phải lo việc trả, trả cho đến khi nào không còn nợ, hoặc đến khi nhắm mắt. Mà nợ ở đây là nợ cái ân của chư Phật chỉ dạy con đường giải thoát sinh tử, và nợ cái ân của chúng sinh đã là những nghịch duyên và thuận duyên cho mình trên bước đường giải thoát đó. Cái ân đó biết bao giờ mới trả hết nếu không chứng ngộ thành Phật. Mà muốn thành Phật, đâu phải suốt ngày tiếp đón Phật tử để nghe hết lời than thở này đến sự trách phận kia, cùng với những đòi hỏi, yêu sách… rồi đùng cái thành Phật! Cũng phải có thời giờ tu tập riêng biệt tại phương trượng, tại phòng riêng; cũng phải có một khoảng không gian và thời gian tối thiểu nào đó trong ngày để quay về với chính mình chứ!

Cho nên, đề cập đến chuyện dâu trăm họ ở đây, thực ra không phải để bàn tán bình phẩm gì về quý thầy trụ trì, mà chính là để nói chuyện với chính hàng Phật tử chúng ta. Quý thầy sẽ không bao giờ nói, mà không nói thì chúng ta không biết. Vậy thì chúng ta phải tự nói, nói để cùng biết.

LÝ TƯỞNG GIẢI THOÁT

 Khi một người từ bỏ gia đình để trở thành kẻ xuất trần học đạo, mục tiêu mà kẻ ấy nhắm đến là giải thoát giác ngộ. Thiền sư Qui Sơn trong Cảnh Sách Văn nói: “Phàm là người xuất gia, khi cất bước đi là hướng đến một phương trời cao rộng. Tâm tính và hình dung khác hẳn với người thế tục, [là vì muốn] nối bước và làm hưng thịnh cho giòng giống Phật đà, làm kinh động và nhiếp hóa những kẻ tà vạy xấu ác (ma quân)…”

Phương trời cao rộng ấy không phải chỉ nói cái lý tưởng xuất gia theo nghĩa đen là rời bỏ gia đình thế tục (cha mẹ, anh chị em và bà con ruột thịt), mà chính yếu là mang cái nghĩa giải thoát giác ngộ, tức là chứng ngộ được trí giác vô thượng như Phật để vĩnh viễn thoát ly sinh tử. Không có trí tuệ ấy thì không thể nào có giải thoát hoàn toàn, rốt ráo. Và ngoài trí tuệ ấy, không có gì đáng gọi là sự nghiệp của tăng sĩ cả (Duy tuệ thị nghiệp—chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp). Vì vậy, khi một tăng sĩ đi trụ trì một ngôi chùa, thì đó là do hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh mà làm, chứ không phải là vì sự nghiệp của vị ấy theo cách hiểu thông thường của nhiều người. Chính vì lấy trí tuệ giác ngộ làm sự nghiệp, các thầy trụ trì đã không xem việc trụ trì ngôi chùa hay chính ngôi chùa vật chất đó là hệ trọng. Một khi phủi tay bước vào khung trời tự tại giải thoát thì ba ngàn đại thiên thế giới cũng vất đi chứ đáng sá gì một ngôi chùa nhỏ! Sở dĩ phải bận tâm lo lắng cho sự tồn vong của chùa là vì muốn giáo hóa chúng sinh, và vì hàng Phật tử chúng ta thực sự muốn có ngôi chùa ấy để nương tựa Tam Bảo mà tu học.

Trong khi đó, chúng ta chỉ muốn điều thuận lợi cho chúng ta, mà quên rằng, rất nhiều vị trụ trì phải khốn đốn khổ nhọc với ngôi chùa mà đáng ra, theo lý tưởng giải thoát, vị ấy không cần phải gánh lấy. Ý tôi muốn nói rằng, không có ngôi chùa ấy, không có việc hướng dẫn Phật tử tu học, vị thầy vẫn có thể giải thoát giác ngộ như thường. Đâu phải có làm Phật sự, có hoằng pháp lợi sanh thì mới được trí tuệ, và được giải thoát! Cũng như không phải xây chùa, đúc tượng, in kinh, thuyết pháp, làm công quả… thì tự nhiên phát sinh trí tuệ. Các vị tăng sĩ không cần đi trụ trì để được trí tuệ, giải thoát. Họ đảm nhận việc ấy là vì hàng Phật tử chúng ta mà thôi.

Để đáp lại sự hy sinh cao quý đó, chúng ta nên cùng góp sức, mỗi người một tay, chia xẻ những Phật sự trong chùa. Có như vậy, các vị trụ trì mới có được thêm thì giờ để tu tập, làm những Phật sự cần thiết và nhất là không phải bận tâm ở những điều không đáng bận tâm. Ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, điều bận tâm của các vị tăng ni trụ trì là tiền thuê, nợ, phải trả hàng tháng cho ngôi chùa. Điều này thật không xứng hợp với vị trí và tâm nguyện của người xuất gia chút nào. Ở Việt Nam, dù là nước nghèo đói, quý thầy cũng đâu phải lo toan, để tâm vào những chuyện tiền bạc, hóa đơn v.v… Chí nguyện xuất trần cao đẹp như vậy mà nay tâm tư phải đặt vào những chuyện tầm thường như tiền nhà với hóa đơn thì uổng phí quá. Để thoát khỏi tình trạng đầy phiền não đó, về mặt nội tại, đòi hỏi các vị trụ trì phải đầy đủ bản lĩnh để an nhiên vượt qua (nhưng đôi khi, chuyện tài chánh có vẻ như không dính nhập gì đến vấn đề bản lĩnh hay nghị lực cả: đúng vào đầu tháng thì phải có tiền để trả nhà băng về khoản nợ mua nhà, không có sự nhân nhượng cho thành phần xã hội nào); về mặt ngoại tại, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ tích cực của hàng Phật tử cư sĩ tại gia chúng ta.

Nhưng điều quan trọng cần nói ở đây, không phải chỉ là lời kêu gọi cúng dường, hỗ trợ vật chất cho quý thầy, cho các chùa (chuyện này mọi người cho rằng đã từng làm nhiều năm nay rồi). Điều đáng nói là hàng Phật tử chúng ta phải làm sao để các thầy trụ trì và những vị xuất gia không bị vướng víu hay bị coi là những nàng dâu cho trăm họ nữa.

Dù cho chuyện làm dâu trăm họ là chuyện mà quý thầy vui lòng chấp nhận, hy sinh mà hứng chịu, chúng ta cũng xót xa, chẳng yên lòng để cho quý thầy phải khổ nhọc gánh lấy. Không thể để cho chuyện trụ trì trở thành một thông lệ, một trách nhiệm tất nhiên mang đầy những ràng buộc, lo âu, toan tính, trái ngược với lý tưởng giải thoát mà người xuất gia hằng đeo đuổi. Quý thầy đã giúp chúng ta có nơi nương tựa lễ bái, tu học thì chúng ta cũng phải giúp quý thầy được thong thả tâm trí để hành đạo. Đừng bắt quý thầy làm dâu trăm họ nữa. Không phải chỉ riêng với các vị trụ trì, mà kể cả đối với những thầy, những sư cô khác ở chùa. Đừng bắt người xuất gia đeo đuổi lý tưởng giải thoát trở thành những nàng dâu.

Điều gì khiến người ta ví các thầy trụ trì (và ngay cả những người xuất gia hiện nay tại hải ngoại) như là những nàng dâu trăm họ? Nhóm chữ dâu trăm họ đó mới đọc qua chẳng thấy gì đáng chú ý lắm. Ừ thì người ta đi lấy chồng, người ta về nhà chồng làm dâu cho họ nhà chồng, rồi người ta được gọi là nàng dâu. Làm nàng dâu sống bên nhà chồng phải thuận theo tục lệ nhà chồng, phục vụ cho nhà chồng tối đa, quên cả bản thân và gia đình ruột thịt của mình (đây là chỉ nói hình ảnh nàng dâu hồi xưa mà thôi). Còn ở đây, vị trụ trì không làm dâu cho một họ, mà cho cả trăm họ (bá tánh). Khác nhau ở số lượng phục vụ, vậy thôi! Người ta nghĩ đơn giản như thế. Mà vì đơn giản, nên thấy rằng các thầy trụ trì, hay các vị xuất gia, phải có bổn phận đối với mình, giống như nàng dâu phải có bổn phận với nhà chồng. Nghĩ như vậy là đánh giá vai trò của các vị trụ trì, các vị xuất gia quá thấp. Đánh giá thấp nên hết đời này đến đời khác, các vị ấy cứ phải làm dâu trăm họ hoài. Đó là điều rất chua xót mà chúng ta cần phải suy nghĩ và thảo luận.

TRỤ TRÌ

 Đúng ra phải đọc là trú trì. Theo định nghĩa thông dụng trong nhà chùa, trú trì là kẻ trú Pháp vương gia, trì Như lai tạng. Tức là kẻ ở trong nhà của Pháp Vương, gìn giữ kho báu của Như Lai. Pháp Vương (vua Pháp) cũng là một danh xưng chỉ đức Phật. An trú trong nhà Pháp Vương theo nghĩa đen là trú trong ngôi chùa thờ Phật, nhưng nghĩa chính yếu là nói Ở Nhà Như Lai như trong kinh Pháp Hoa, (phẩm Pháp Sư, thứ mười), tức là thể hiện tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sinh. Còn giữ gìn kho báu Như Lai nếu hiểu đơn giản thì là bảo vệ và hoằng dương Chánh pháp; nhưng nói cho trọn vẹn hơn thì chính là thấu triệt và thể nghiệm được Như Lai Tạng Tính, tức Chân Như vậy.

Định nghĩa đơn giản, ngắn gọn, nhưng ý nghĩa thâm sâu đến cảm động. Cảm động vì nó nói lên được cái sứ mệnh cao cả, vĩ đại thực sự của các thầy trụ trì, cũng như các vị xuất gia, không giống như cái nghĩa dâu trăm họ rất thường mà người ta từng nghĩ.

Dâu trăm họ! Từ ngữ đó càng lúc càng hiển lộ một thực tế rất đau lòng trong sinh hoạt tự viện của Phật giáo Việt Nam, kể cả trong nước và hải ngoại. Thực tế đó phát xuất từ đâu? Từ nàng dâu lúc nào cũng muốn hết lòng cung kính phục vụ họ chồng do bởi lòng thương yêu của mình, hay từ sự đòi hỏi, yêu sách quá đáng của họ nhà chồng?

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.