Nhà Sư Dắt Con

Ba má tôi có căn nhà nhỏ đất rộng bên bờ sông Glomma, con sông hùng vĩ nhất Na-uy. Trong vòng 10 năm nhà đất khu này tăng gấp 20 lần. Thấy nhà bỏ không, thỉnh thoảng có người hỏi mua. Nhưng ông bà định sau này về đó dưỡng già. Tạm thời phải kiếm người cho thuê. Cần chọn một người đàng hoàng để vừa thuê vừa giữ nhà.

Mấy căn nhà khác ở Oslo, ba má giao cho công ty trung gian; nhà này ông bà giao cho tôi đăng trên nét, phỏng vấn và tìm hiểu các ứng viên. Gần năm chục người viết email, SMS và điện thoại. Tôi chọn 10 người cho coi nhà, còn bao nhiêu tôi nói ra để họ tự ý rút lui.

Những người tới coi nhà, ai cũng trầm trồ khung cảnh thiên nhiên tráng lệ, nhưng đa số chê quá hẻo lánh, phải đi bộ hai cây số mới ra đường cái có xe buýt, muốn đón xe lửa phải đi thêm 500 mét nữa mới tới trạm Sørumsand. Ba ứng viên đầu tiên đều muốn thuê. Nhưng cứ để đó. Tôi hồi hộp với người thứ tư, một người Việt.

Người Việt đa số thích ở nơi thị tứ. Người dự tính ở nơi này không là ẩn sĩ cao nhân cũng là thất tình.

*

Ông tên Thật, dắt theo đứa con trai. Hai cha con đều trọc đầu. Tôi hỏi thằng nhỏ mấy tuổi, nó nói bảy, bằng tiếng Việt rất sõi và lễ phép. Trong lúc tôi hướng dẫn ông đi coi nhà, thằng nhỏ leo lên cái chòi trên cây, ngồi nhìn xuống sông Glomma.

Tôi nói với khách:

“Cái chòi tôi mới cất mùa hè cho mấy đứa cháu. Tôi đóng chắc lắm. Chú đừng lo.”

“Cám ơn cậu, thằng đó leo trèo như khỉ con, cậu cũng đừng lo.”

Ông Thật khoảng 50 mà thân thể như thanh niên, thần sắc khoan thai như ông già. Ông tỏ vẻ thích nơi này ngay khi bước vào vườn. Nhưng tôi vẫn nêu trở ngại:

“Em bé đi học hơi bất tiện?”

“Không sao đâu. Chúng tôi xoay xở được. Cùng lắm kommune sẽ cho taxi đưa đón.”

Tôi quên không nghĩ đến trường học nào cũng có dịch vụ này. Tôi nêu trở ngại khác:

“Chú có xe hơi không?”

“Không. Nhưng tôi đi bộ quen rồi. Hai cây số đối với tôi không thấm thía gì.”

“Chú làm việc ở đâu?”

“Tôi làm tại hãng gạch fibro ở Lillestrøm. Tôi sẽ trả tiền nhà đúng hạn.” Như đã quen với việc phỏng vấn thuê nhà, ông tự trình bày thêm, “Chắc cậu cần người tham khảo. Thú thật, tôi quen nhiều người Việt, nhưng không ai thật thân để có thể cho cậu biết về tôi. Chỉ có ông bà chủ đó biết rõ tôi thôi.”

“Tôi nghĩ tôi chỉ cần nói chuyện với chủ hãng gạch.”

Lúc chia tay, tôi lấy một bịch táo đưa cho thằng nhỏ nói:

“Em đưa về cho mẹ làm bánh. Táo anh mới hái trước khi em tới.”

Nó lắc đầu không nhận táo, nói:

“Em không có mẹ”.

Ông Thật gật đầu xác nhận, bảo con nhận táo, ông sẽ làm bánh táo cho nó ăn. Nhân tiện tôi hỏi thêm:

“Chú ở Na-uy bao lâu rồi?”

“Mười bảy năm.”

“Khá lâu chớ. Vậy mà cháu không biết chú.”

Ông cười hiền. Tôi nghĩ trong đầu nếu cho người Việt thuê, tôi sẽ chọn cha con ông này. Chắc họ sẽ không làm phiền hàng xóm Na-uy, ba má tôi sẽ không bị mắng vốn.

Ông chủ hãng gạch fibro nói tốt về ông Thật, chăm chỉ, lương thiện, đáng tin cậy, nhân viên chính ngạch. Ông kết luận đùa, “Ông ta như ông thầy tu.”

Ba má tôi bảo dù sao cũng nên thăm dò thêm trong giới người Việt, cho chắc ăn. Lỡ ra ông Thật cho mấy ông Việt Nam ở lậu thuê lại trồng ‘cỏ’ thì phiền phức lắm. Đang phong trào. Ba má tôi, lúc mới sang Na-uy, có tham gia hội hè khá tích cực, nhưng từ ngày kinh doanh phát triến lớn, không còn thời giờ. Vì thế trong vòng quen biết của chúng tôi, không ai biết ông Thật. May mà bà vợ ông chủ hãng gạch lại biết rõ – bà theo đạo Phật.

Ông Thật trước đây là nhà sư. Ông bị loại thanh lọc ở Hồng Kông. Hội Cư sĩ Phật giáo can thiệp cho ông sang Na-uy để coi một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô Oslo. Sáu năm ở trại tị nạn, ông chuyên cần học tiếng Anh, nên bây giờ nói năng lưu loát, rất thích hợp cho một ngôi chùa quốc tế, có nhiều Phật tử Thái, Việt, Na-uy, Sri Lanka, Malaysia. Ông thuyết pháp hay, sống đạo hạnh. Phật sự đang vượng thì thấy ông bồng về một đứa bé sơ sinh. Lúc đầu tưởng ông làm phước cứu nhân độ thế, Hội Cư sĩ để yên cho ông nuôi đứa trẻ. Thay tã, pha sữa, tắm rửa, tập đi, cõng đi rừng, một tay ông. Sau có nhiều thư tố giác đứa bé là con ông, kết quả của một vụ phá giới. Đọc thư, dù nặc danh, nhiều người đặt dấu hỏi – À há, chớ sao ông cưng thằng bé dữ vậy?

Ban Trị sự chùa gồm 11 thành viên, trong đó các thành viên Thái, Na-uy đề nghị phải điều tra cho rõ ràng, nhưng 7 thành viên Việt Nam đòi giải nhiệm ông thầy ngay, để lâu sợ mang tiếng chung. Bà hội trưởng, một người Na-uy, khăng khăng cho rằng căn cứ trên mớ thư nặc danh mà kết án một vị trụ trì, là việc làm thiếu từ bi, nếu không muốn nói là thiếu khôn ngoan. Nhưng bà phải chiều theo quyết định của 7 thành viên Việt Nam là những người đóng góp tài chánh nhiều nhất. Ông thầy một mực im lặng. Ông im lặng dắt con – lúc đó 3 tuổi – ra đi.

*

Ứng viên cuối cùng là một người có tên Erikson, chắc Thụy-điển. Người Thụy-điển sang Na-uy làm việc là chuyện quá thường, từ bác sĩ, y tá, tới thợ tay chân, đứng quầy rượu, chẳng việc gì họ từ (Ba má tôi có hai nhân viên người Thụy-điển). Nhưng anh Thụy này khai làm thợ mộc, nên tôi chú ý – anh có thể giúp sửa chữa cái nhà khi cần. Cũng sắp cần. Tới khi gặp mặt, tôi mới biết anh ta người Estonia, nói tiếng Thụy-điển, tên Thụy điển.

Anh Estonia cho tôi số cá nhân rất lạ, 5 con số sau cùng, khi cộng trừ theo công thức của Phòng Hộ tịch, ra số của đàn bà. Tôi ra cảnh sát khu vực hỏi thì cảnh sát nói số cá nhân ngụy tạo. Họ phanh phui ra đương sự có liên lụy trong một vụ đốt nhà. Tôi hỏi thêm chi tiết, cảnh sát bảo họ không có quyền nói thêm. Họ mách tôi có thể đọc Báo Người Lao động địa phương. Tôi vào internet tìm kiếm. Thuê người đốt nhà mình là chuyện không lạ gì trong phim trinh thám và trong hồ sơ công ty bảo hiểm. Cách nay không lâu, ông chủ một ngôi nhà gần cầu Strømmen thuê anh Estonia đốt nhà mình. Lý do vì chủ nhà được một công ty xây cất đề nghị mua ngôi nhà tồi tàn với giá rất bở. Công ty chỉ nhắm miếng đất rộng 4 mẫu. Nếu bán đất xong chủ nhà muốn bưng cái nhà đi đâu thì bưng, không thì họ cũng giỡ. Nhưng chủ nhà vướng một người thuê dài hạn, hợp đồng 3 năm. Người thuê nhà là một nhà sư. Khi anh Estonia vừa tưới xăng quanh nhà, tính châm lửa thì nhà sư bắt gặp. Ông bảo kẻ đốt nhà ngưng tay, vì con ông đang ngủ, không được làm rộn nó. Rồi ông nói: “Anh về nhắn với người sai anh là cuối tháng tôi trả nhà, không cần đốt.”

*

Tôi nghĩ nhà sư Việt Nam có con thì không ai khác hơn ông Thật. Hèn chi cha con đầu trọc lóc. Một nhà sư phá giới bị săn đuổi có nỗi khổ tâm, tôi sẽ nói với ba má cho ông ấy giữ nhà. Tôi đang bấm điện thoại cho ba má thì chuông điện thoại tôi reo. Một người Việt Nam khác đòi coi nhà. Tôi nói có người thuê rồi, bà ấy cãi quảng cáo chưa xóa, rồi năn nỉ coi nhà, “Không cho thuê cũng được, xin cho tôi coi!” Giọng nữ trong trẻo và lý luận kỳ cục buộc tôi nhượng bộ cho xong. Quá hẹn nửa giờ bà ấy chưa tới, tôi đã mừng, tôi sẽ bẻ mấy trái táo cuối cùng theo như má tôi dặn, rồi khóa cửa về thăm bồ. Tôi ăn thử một trái – rất giòn, ngọt dôn dốt. Táo Na-uy đây. Lát nữa tôi sẽ ghé cho cô bồ một bịch để tạ lỗi suốt tuần không đưa cô đi chơi. Người đàn bà tới đột ngột – một cô gái thì đúng hơn. Trẻ và đẹp không thua gì bồ của tôi. Cô xin lỗi vì không dự trù đi bộ từ nhà ga tới đây hết nửa giờ.

“Tôi đã nói rồi, ở đây bất tiện đi lại lắm.”

“Mặc kệ, anh cứ cho em thuê đi!”

“Ít nhất cô cũng phải coi nhà đã chớ!”

“Em không cần coi. Coi ngoài đủ rồi.”

Nói vậy, nhưng khi tôi vào nhà, cô vào theo. Vào bếp, cô ngồi xuống, than mỏi chân. Và bắt đầu kể về mình. Ý là tả oán để tôi cho thuê nhà. Đồng hương phải đối xử khác – nhưng tôi làm biếng pha cà phê, lát về phải dọn dep, tôi xẻ táo mời cô ăn đỡ. Cô không ăn, cứ ngồi kể về nhu cầu cần nhà, nhắc đi nhắc lại mười lần cùng câu “Nó nghịch lắm, cần chỗ chạy nhảy như nhà này là hợp không đâu bằng.”

“Thế hiện giờ mẹ con cô ở đâu?”

“Nó chưa về với em. Còn gửi nhà người ta. Tự không có nhà mà.”

“Còn cô?”

“Em ở nhờ nhà con bạn.”

Có cái gì không thật trong lời nói và ánh mắt người đàn bà trẻ này. Tôi nghĩ không nên dây dưa.

“Thưa cô, như tôi đã nói, có người thuê rồi. Cô nài nỉ đòi coi nhà thì tôi chiều ý. Nhưng tôi không thay đổi
được.”

Cô òa lên khóc. Tôi hơi sợ cô có mưu đồ gì đây. ‘Cô nam quả nữ’ – như lời ba má tôi thường nói – trong ngôi nhà thanh vắng, cộng với tiếng khóc đàn bà, sẽ có thể mở màn cho một bi kịch khôn lường. Tôi đứng lên, từ từ, nhưng cương quyết.

“Thú thật với cô, nhà này của ba má tôi. Ba má tôi đã quyết định rồi! Xin lỗi cô. Bây giờ tôi phải về. Cô cần ra ga xe lửa, tôi sẽ đưa cô đi.”

Cô vẫn ngồi, gục mặt xuống bàn khóc. Tôi đứng chờ. Ngớt khóc, cô ngồi ngay người, nhìn vào mặt tôi
hỏi:

“Em phải làm gì để anh giúp em?”

Cau mày một lúc tôi mới trả lời được đúng ý mình:

“Cô phải nói thật!”

Lúc đó cô mới bắt đầu kể cô đã bỏ đứa con ruột bảy năm trời. Bây giờ cô đã làm xong hết thủ tục để đòi con. Cơ quan Bảo nhi chỉ còn điều kiện một nơi ở tử tế. Tôi chợt nghĩ tới cha con ông Thật. Biết đâu một tình cờ đã đưa cả ba người tới căn nhà bên sông Glomma. Tôi thả bong bóng thăm dò:

“Bây giờ con cô đang ở với cha nó, phải không?”

Dạ không. Nó ở với một ân nhân. Ba ruột nó là một người không xứng đáng nhắc tới. Một con quỷ dâm dục. Còn nó đang ở với một vị Bồ Tát.”

*

Hôm giao chìa khóa nhà cũng là buổi từ biệt giữa cha con, thầy trò. Thằng bé khóc nức nở. Bảy năm bồng bế, thay tã, cho ăn uống, dạy dỗ, thương yêu, nay bỗng chia cắt, nó không khóc sao được. Ông thuyết phục con, từ sáu giờ chiều tới khi trăng lên, mà nó cứ nấc cứ lắc đầu. Nhà tu hành cũng không cầm được nước mắt. Nhưng cuối cùng ông ngồi kiết già trên sàn, ôm nó vào lòng. Ông niệm Phật, đọc kệ bên tai nó , xen vào những lời an ủi, dỗ dành. Người mẹ đứng chắp tay cung kính. Tôi cũng bị lôi cuốn, chắp tay.

Cuối cùng nó gục đầu vào ngực ông, gật đầu.

Tâm Thanh
( theo tiengthongreo.blogspot.com )

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.