Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật

Trong một buổi giảng trước khóa lễ Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm tổ chức tại quận Cam (Orange County, Los Angeles), pháp sư Trang Trí đã giới thiệu cuốn sách Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật. Nói về nhân duyên biên soạn cuốn sách ấy, pháp sư cho biết: Trước kia, Ngài đã thấy rất nhiều người niệm Phật vô cùng tinh tấn nhưng tới phút cuối cùng không buông xuống nổi, vẫn còn lo lắng, chẳng nỡ xa lìa con cái nên không thể vãng sanh, vô cùng đáng tiếc. Vì muốn giúp cho các hành nhân Tịnh nghiệp có đôi chút tư lương hòng khắc phục nan đề này, pháp sư và một vị cư sĩ ẩn danh đã sưu tầm và trích tuyển những lời khai thị trọng yếu nhất của lão hòa thượng Tịnh Không đối với vấn đề Nhìn Thấu và Buông Xuống, soạn thành tập sách mỏng ấy, tạm đặt tên là Nhìn Thấu: Chân Trí Huệ, ấn hành với khổ chữ cỡ lớn để các vị cao tuổi dễ đọc. Chúng tôi hữu duyên, được đọc tác phẩm này, cảm thấy rất hữu ích đối với những người niệm Phật sơ cơ như mình nên chẳng nề hà sức học kém cỏi, gắng gượng chuyển dịch sang Việt ngữ hòng chia sẻ pháp nhũ với các bạn đồng tu.

Sách này gồm hai mươi sáu đoạn, đoạn thứ ba trích nguyên văn từ sách Liễu Phàm Tứ Huấn. Nhận thấy Liễu Phàm Tứ Huấn đã được chuyển ngữ và ấn hành khá nhiều, chúng tôi lược bớt đoạn này, và thay đoạn ấy bằng một đoạn khai thị khác của hòa thượng. Đoạn thứ hai mươi lăm và hai mươi sáu chính là lời khai thị của tổ Ấn Quang.

Ngưỡng mong bản dịch này sẽ góp phần giúp cho các hành nhân sơ cơ Tịnh Độ tín nguyện kiên cố, nhất tâm nhất ý cầu nguyện vãng sanh, ngõ hầu chẳng cô phụ đại nguyện của A Di Đà Phật, đại ân tiếp độ của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, ân đức miệt mài giảng dạy tứ chúng suốt hơn năm mươi năm qua của lão hòa thượng Tịnh Không, cũng như ân đức sưu tập và biên tập của pháp sư Trang Trí và vị cư sĩ ẩn danh.

Minh Trí và Mẫn Đạt hòa-nam cẩn bạch.

1. Điểm thù thắng nhất trong Phật pháp làm cho chúng ta khâm phục đến năm vóc sát đất là Phật pháp chỉ dạy một cá nhân tôi chứ chẳng dạy ai khác, đây là điều tôi hiểu rất rõ ràng. Phần đông các đồng tu học Phật cả đời chẳng đạt được lợi ích, vẫn phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi y như cũ vì họ nghĩ rằng Phật pháp là nhằm dạy người khác. Học Phật pháp rồi mà cứ luôn xét nét người khác, họ quên quay lại nhìn bản thân mình, đó là hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Phật pháp. Tinh thần của Phật pháp là nhằm xét đoán chính mình, chứ không xét đoán người khác, người khác đều là người tốt, đều là Phật, Bồ Tát, những gì người khác làm đều đúng đắn, đều chính xác. Người khác tạo ác nghiệp là tạo cho ta coi; họ đọa địa ngục cũng là đọa để răn nhắc ta, làm cho ta cảnh giác. Bất luận duyên bên ngoài là ác duyên hay thiện duyên, là thuận cảnh hay nghịch cảnh, hết thảy đều là chư Phật, Bồ Tát từ bi thị hiện cho ta thấy, độ chính ta, [nếu hiểu như vậy] ta sẽ thành công!

Do vậy học Phật nhất định phải học Thiện Tài đồng tử, trong năm mươi ba lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử, chỉ có một người [là học trò], chẳng có đồng tham đạo hữu. Nếu có đồng tham đạo hữu thì đó là phàm phu, kẻ ấy chẳng thể thành tựu, vì sao? “Vì quý vị chẳng khác gì tôi!”, ngày ngày đều nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác, chẳng thấy lỗi lầm của chính mình. Trên đường Bồ Đề chỉ có mình tôi là phàm phu, hết thảy người khác đều là chư Phật Như Lai, tánh đức trong Thập Đại Nguyện Vương “lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai” tự nhiên sẽ hiện ra, vì sao? Hết thảy bên ngoài đều là chư Phật Như Lai, chỉ có mình ta là phàm phu. Mười pháp giới đều là Chư Phật Như Lai đại từ đại bi biến hiện ra cho ta xem, để cảnh tỉnh ta, để khuyến cáo ta. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ dạy: “Nếu thật sự là người tu đạo chẳng nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác”, thế gian chẳng có lỗi lầm, chỉ thấy lỗi của mình, như vậy mình mới có thể thành tựu. Sợ nhất là [ý niệm] “chính mình chẳng có lỗi lầm, đều là lỗi của người khác”, người đó là chúng sanh trong địa ngục, đó chẳng phải là người thường. Chúng ta nhất định phải biết “tôi có phải là chúng sanh trong địa ngục hay không?”, học Phật như vậy thì quý vị mới có tiến bộ, mới có tiến triển, mới không đến nỗi đọa lạc, trên đường Bồ Đề quý vị mới có thể thật sự đạt được pháp hỷ, mới đạt được lợi ích chân thật.

2. Cổ nhân Trung Quốc đã nói rất hay: “Ưu phiền khiến con người già nua”, con người trở nên già nua [nhanh hơn bình thường]. Nói thật ra, ưu tư, phiền muộn là nhân tố hàng đầu làm cho con người già nua. Chúng ta phải buông xuống những chuyện phiền bực trong lòng, đó là những chuyện vướng bận, lo được lo mất, tất cả những chuyện phiền bực trong lòng đều buông xuống, phải buông bỏ hết. Chúng ta nhất định phải biết trên thế gian này chẳng có chuyện gì đáng để chúng ta bận lòng hết, vì sao? Người trong thế gian chẳng thoát ra khỏi vận mạng, vận mạng đã định sẵn, chúng ta còn phải bận lòng, lo lắng nỗi gì? Khi học Phật, cả đời này đã được Phật, Bồ Tát an bài rồi, chúng ta cần gì phải lo lắng? Nếu còn lo lắng thì Phật, Bồ Tát sẽ chẳng an bài sẵn, vậy thì chúng ta phải phiền phức lắm, mọi chuyện đều phải tự mình bận tâm lo lắng, mệt chết luôn. Do vậy, hết thảy đều giao cho Phật, Bồ Tát, chúng ta chỉ cần ngoan ngoãn nghe lời dạy, mỗi ngày tụng kinh, mỗi ngày học Phật là được, hãy làm một đứa học trò ngoan. Phật, Bồ Tát là người đến chăm sóc chúng ta, chúng ta muôn vàn đừng vượt ra khỏi quyền hạn, đừng lo tới chuyện của các Ngài, như vậy thì chúng ta sẽ được đại tự tại.

3. Nói theo luật nhân quả, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, nói thật ra, số mạng quý vị đã được định trước, chẳng có cách nào vượt khỏi vận mạng! Vì thế, đại đa số con người khi đi xem tướng, quý vị thấy thầy tướng số đoán mạng rất chuẩn xác, người ta nói rành rọt quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng sai chút nào, có thể thấy là đều đã được định sẵn! Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, sách Liễu Phàm Tứ Huấn vô cùng hay, có thể khiến quý vị khai ngộ, mới hiểu vận mạng suốt đời của mỗi người đã định sẵn, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”. Khổng tiên sinh đoán mạng cho Viên Liễu Phàm, mỗi năm ông Viên thu nhập bao nhiêu tiền, phê đoán Bát Tự(!) rành rẽ, kết toán [chi thu] mỗi năm chẳng sai tí nào, chẳng nhiều hơn, chẳng ít hơn, trong mạng đã định sẵn rồi. Trong mạng đã được định trước là có, sẽ luôn có. Trong mạng đã định sẵn không có, cầu cách nào cũng không được. Vì thế, Viên Liễu Phàm tin vào vận mạng, vọng tưởng gì cũng chẳng cần nghĩ tới, vì sao? Trong mạng đã định sẵn rồi, ta có muốn cũng chẳng được! Trong mạng là có thì ta chẳng muốn cũng không được luôn! Coi như xong, đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa! Tâm ông ta thanh tịnh, đắc Định rồi, mà cũng đắc tam-muội. Ông ta và hòa thượng Vân Cốc hai người ngồi xếp bằng trong Thiền Đường suốt ba ngày ba đêm, trong tâm chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Hòa thượng Vân Cốc thấy vậy bội phục vô cùng: Một người có công phu Thiền Định sâu như thế chẳng dễ có, ba ngày ba đêm ngồi trên bồ đoàn chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Do vậy, hết sức ca ngợi ông ta. Ông ta mới cho biết: “Mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán sẵn rồi, hết thảy đều biết”. Ông ta nói: “Tôi có suy tưởng cũng uổng công; nên đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa”. Nghe xong, thiền sư Vân Cốc cười ha hả: “Tôi ngỡ ông là thánh nhân, [nào ngờ] vốn là phàm phu”. Thánh nhân là công phu thành tựu, còn ông ta là phàm phu, tin tưởng nhân quả, coi như chẳng cần nghĩ tới, có nghĩ tới cũng uổng công, suy tưởng đều là vọng tưởng, cớ gì chính mình phải chịu khổ? Vì thế, chẳng nghĩ tới. Vì thế, ông ta chưa phải là định, mà là hiểu rõ nhân quả.

Chúng ta phải tin sâu nhân quả, “một miếng ăn, miếng uống đều đã định sẵn”, có thể tin sâu chẳng nghi thì tự nhiên có thể buông xuống, sẽ dám buông xuống. Nhiều người chẳng dám buông xuống vì sợ nếu buông xuống hết tất cả thì ngày mai phải làm sao đây? Cứ luôn nghĩ trước, nghĩ sau, chẳng chịu buông xuống triệt để. Ðây là vì chẳng hiểu rõ Sự Lý, chẳng sanh khởi lòng tin. Nhưng sự thật là buông xuống càng nhiều thì thâu hoạch càng nhiều. Giàu sang từ đâu đến? Từ bố thí tài vật mà đến, đây là quả báo. Quả báo của bố thí pháp là thông minh trí huệ, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh, sống lâu, tóm lại càng bố thí thì được càng nhiều.

Nếu chẳng thay đổi từ tâm lý, hành vi thì niệm Phật sẽ chẳng được vãng sanh. Trong kinh nói rất rõ ràng, Tây Phương Cực Lạc thế giới là “nơi những người thiện nhất tụ hội”, nếu tâm hạnh của chúng ta chẳng thiện, làm sao có thể vãng sanh! “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, tâm thanh tịnh là tâm thiện lành nhất. Hết thảy tai họa đều từ phiền não sanh khởi, đều từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sanh khởi; nếu tâm địa thanh tịnh, những tai nạn này sẽ tiêu trừ. Xa lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm mới được thanh tịnh. Trong kinh Kim Cang có dạy: “Chẳng chấp vào tướng, như như bất động”. “Chẳng chấp vào tướng” tức là khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài chẳng bị dụ hoặc, đó gọi là “chẳng chấp tướng”. Ðương lúc tiếp xúc ngoại cảnh, nếu trong tâm chẳng khởi tham, sân, si, mạn, chẳng khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó gọi là “chẳng động tâm”. “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm” là tiêu chuẩn của tâm thanh tịnh. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn đều giảng về việc này, đều hy vọng chúng ta đạt đến mức này.

Nếu thật sự nhìn thấu (thấy thấu suốt), buông bỏ tự tư tự lợi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, trong kinh Di Ðà nói: “Niệm từ một ngày đến bảy ngày” sẽ được thành công. Những người y giáo tu hành xưa nay niệm Phật vãng sanh rất nhiều, phổ biến nhất là từ hai đến ba năm đều vãng sanh. Tại sao có người chẳng nhiều hơn bảy ngày, có người lại phải niệm hai ba năm? Người tin sâu nguyện thiết, thực sự niệm đến khi mất hết những tâm niệm tự tư tự lợi thì tự nhiên cảm ứng hiện tiền, công phu thành tựu.

Chúng ta nhìn thấy có nhiều người ra đi rất tiêu sái(!) tự tại, chẳng có bịnh khổ, [làm cho người khác] vô cùng hâm mộ. Tôi thường nhắc nhở mọi người, chúng ta nhất định phải làm được. Nếu làm chẳng được thì trong lúc bịnh nặng, thân thể chịu sự sắp đặt của người khác, tự mình chẳng thể làm chủ, sẽ chẳng nắm chắc việc vãng sanh, thế nên bây giờ phải dự bị cho tương lai. Phương pháp tốt nhất là chẳng cần người khác chăm sóc, có thể biết trước ngày giờ ra đi, muốn đi lúc nào thì ra đi lúc đó. Nhất định phải hạ quyết tâm làm việc này cho bằng được thì đời này mới chẳng luống uổng. Những việc còn lại toàn là giả, chỉ có việc này là thật mà thôi. Chúng ta nói về “tự lợi”, đây mới thực sự là tự lợi.

Cho dù rất thương mến con cái và người thân của mình, cái tâm phàm phu ấy cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế, chiếm hữu trong đó. Mỗi khi khởi lên một tâm niệm gì đều muốn điều khiển, khống chế [muốn người ta làm theo ý mình], muốn chiếm lấy tất cả người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng ta: “Năng sở giai không, liễu bất khả đắc” (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, ba chữ “bất khả đắc” (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ “bất khả đắc” là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái làm chủ thể để đạt được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si, vô minh.

Nếu hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể đạt được thì quý vị sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì “giải thoát” tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của quý vị được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nguyên nhân khiến cho chúng ta việc gì cũng không buông xuống được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là “có năng đắc, có sở đắc”, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu, cho nên sống rất khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực.

Do vậy đừng nên có tâm riêng tư, dục vọng, tâm niệm muốn chiếm hữu (chiếm đoạt), tâm niệm chiếm hữu này là căn bản của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc của hết thảy tội nghiệp; chúng ta phải nhổ trừ tội căn này. Tại sao chớ nên chiếm hữu? Phật dạy: “Hết thảy pháp đều không”, ngạn ngữ cũng nói: “Sanh chẳng mang đến, chết chẳng mang theo”, vậy thì tại sao có thể chiếm hữu cho được? Ðây là nói theo hiện tượng thô thiển, xét sâu hơn thì như Phật dạy: “Nhất thiết chư pháp, nhân duyên sở sanh, vô hữu tự tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (Hết thảy các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự tánh, đương thể tức không, trọn chẳng thể được). Không chỉ các vật ngoài thân chẳng thể được, mà ngay cả thân thể này cũng chẳng thể được. Chẳng có tâm chiếm lấy, chiếm hữu những vật ngoài thân, đối với thân thể cũng chẳng có ý niệm là thân “của mình”, như vậy thì vấn đề sẽ được giải quyết. Lúc đó “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, quyết định sẽ sanh Tịnh Ðộ. Ðó là giải thoát, ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi mười pháp giới.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.