Trước hết chúng ta phải hiểu Tâm là gì? Trong tiếng Hán, Tâm là trái tim. Từ cái nghĩa tâm là trái tim, rồi sau mới suy diễn ra tâm là tấm lòng, cho rằng tâm là tấm lòng suy nghĩ. Một bài thơ chữ Hán nói về tâm theo nghĩa này như sau:
三 點 如 星 像
橫 鉤 似 月 斜
披 毛 從 此 得
做 佛 也 由 他
Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha.
Bài thơ này ví von cũng rất hay. Chữ 心 trong chữ Hán được mô tả có ba chấm như ba ngôi sao (“Tam điểm như tinh tượng”), còn móc câu nằm ngang như ánh trăng nghiêng (“Hoành câu tợ nguyệt tà”). “Phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha”: Mang lông đội sừng tức làm thân trâu ngựa…là do tâm này, mà Phật cũng từ nó.
Định nghĩa tâm xét theo tiếng Phạn thì có khác. Theo tiếng Phạn, tâm (citta) có nghĩa là tích tập. Định nghĩa này được thấy trong kinh Hoa Nghiêm, bản dịch chữ Hán của Bát Nhã (quyển 6): tích tập danh tâm 積 集 名 心. Nó do gốc động từ là Ci (cinoti): tích chứa, tích lũy, tăng trưởng, và cũng có nghĩa là quán sát, tri nhận, cảm nhận. Đây là định nghĩa đắc biệt trong thuật ngữ Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa. Nghĩa thông thường của nó, được nói là do gốc động từ cit hay cint (cintayati): tư duy, suy tưởng. Tâm là cái tư duy.
Nói tâm là cái tích tập: tích tập gì? Một cách tổng quát, đó là KINH NGHIỆM hay NHẬN THỨC được tích lũy. Vậy tâm là kinh nghiệm đời sống; tất cả những gì đã từng trải, bằng hành động và nhận thức, tích lũy lại thành tâm. Nếu diễn tả ra trong cuộc đời con người, từ khi bắt đầu biết suy nghĩ, biết hành động và có ghi nhớ, cho đến khi chết; tất cả những ghi nhớ trong óc não còn lại đó gọi là tâm. Chính những ghi nhớ đó tác thành một con người hoặc thiện hoặc ác tùy theo kinh nghiệm môi trường, hoàn cảnh. Vì thế ta nói tâm hướng dẫn đời sống con người.
Như vậy, tâm đó chính là NGHIỆP, là hành vi của con người, vì những năng lực tạo ra hành vi của con người không bao giờ mất.
Chúng ta không nói tới luật bảo tồn năng lượng, nhưng phải biết rằng không có cái gì mất đi trong hành động của chúng ta. Kinh nói: “bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm”. Thế giới này không sinh cũng không diệt, không có cái gì xuất hiện hoàn toàn mới mẻ cũng không có cái gì biến mất đi hoàn toàn. Chúng sinh luân hồi vô thủy, chỉ là sự biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, như gạo biến thành cơm, cơm biến thành những dưỡng chất trong dạ dày, tiêu hóa, rồi thải ra, thành da, máu, thịt,… Khi chết da máu thịt này biến thành phân tro, phân tro này đem bón trở thành cây trái, rau cỏ…, trở lại làm thực phẩm cho người và vật, theo một quá trình sinh diệt, sống chết nữa nữa.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, thân này chết nhưng nó không mất mà trở thành những cái khác, biến thành phân tro, đất,… Những cái này cũng không mất mà trở thành máu thịt của con người, tức là không có cái gì sinh và cũng không có cái gì hủy diệt mà chỉ có SỰ BIẾN THÁI.
Tâm cũng vậy, nó tích lũy. Những gì được làm, được nói năng, suy nghĩ, hoặc thiện, hoặc bất thiện, thảy đều không mất; mà tự chúng là sự biến thái của tâm từ một trạng thái này sang trạng thái khác.
Nghiệp là nguồn năng lượng được tích chứa trong kho chứa gọi là tâm, phát hiện ra ngoài thành hành vi của thân, khẩu; hướng thân, khẩu đến mục tiêu, theo hướng được định bởi lực đẩy ban đầu từ tâm. Kho chứa ấy không phải nằm im lìm bất động, vì nguồn năng lượng trong đó, mà Duy Thức gọi là chủng tử (hạt giống, tức hạt năng lượng; cũng gọi là tập khí hay công năng sai biệt, tức một loại công năng hay năng lượng có thế lực đặc biệt tác thành những hiện tượng sai biệt mà ta biết đó là thân, tâm, thế giới). Những hạt giống năng lượng này tồn tại trong trạng thái sinh và diệt trong từng sát-na, tạo thành hình ảnh như một dòng thác chảy liên tục. Kinh nói: “Nhất thiết chủng tử như bộc lưu”.
Những hành vi của thân và khẩu chỉ là những vận động tự nhiên của thân và khẩu, do tác động hỗ tương giữa trong và ngoài, không mang giá trị đạo đức, không xác định thiện hay ác gì. Nhưng khi có NGUỒN LỰC TỪ TÂM điều khiển nó theo hướng thiện hay bất thiện, bấy giờ hành vi của thân hay khẩu bị nhuốm màu hoặc thiện, hoặc bất thiện, ta gọi là nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Hành vi ấy huân tập trở lại tâm, nghĩa là tác động trở lại tâm và biến đổi nó. Đó là sự tích lũy nghiệp.
Theo ý nghĩa này mà ta hiểu câu kinh sau đây: “Tam giới duy tâm”, ba cõi duy chỉ là tâm. Ý nghĩa ấy cũng phù hợp với điều mà Phật nói trong các kinh điển Nguyên thủy: “Chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp”, tức hành vi của chính nó.
Nói cách khác, thế giới được hình thành tốt hay xấu, thảy đều là sự biến thái của những gì, của tất cả hành vi, được tích lũy bởi tâm, chứa đựng trong tâm.
~ Tuệ Sỹ Văn Tuyển, Tập II, tr. 116-119
Theo @ Fb Thầy Đạo Sinh