Hỏi: Thưa Thầy, ai sống trên đời rồi cũng phải chết, và sợ chết luôn là nỗi sợ tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta. Xin Thầy chia sẻ làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng nỗi sợ hãi này, và có được sự chuẩn bị thích đáng cho cái chết của mình được thanh thản, không lo lắng sợ hãi ạ?
Trả lời: Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu tại sao chúng ta sợ chết. Thường chúng ta sợ hãi những gì chưa biết, những gì chúng ta không nắm chắc. Nỗi sợ chết cũng có khởi điểm như vậy. Cho dù đã đọc rất nhiều những tài liệu nói về cái chết, và ngay cả ở bên cạnh những người thân đang hấp hối, thì chúng ta vẫn không thực sự biết rõ cái chết xảy ra như thế nào, và nhất là sau khi chết chúng ta sẽ không còn tồn tại hay vẫn tiếp tục sống? Và nếu còn tiếp tục tái sinh thì sẽ đi về đâu? Ai cũng biết rồi mình cũng sẽ phải chết đi, nhưng những gì xảy ra khi chết và sau khi chết luôn là một dấu hỏi rất lớn. Hầu hết chúng ta đều chẳng biết gì về cái chết, nên chúng ta tưởng tượng mông lung mà sinh ra sợ hãi.
Dù có tích luỹ thêm nhiều kiến thức về cái chết, dù có dùng ý thức mà suy luận thì những gì xảy ra khi chết vẫn không rõ ràng minh bạch, không được soi sáng và vì thế mỗi người chúng ta chỉ còn cách chôn dấu nỗi sợ hãi này xuống tận đáy lòng, hoặc cố gắng biện luận để che giấu sự thật, hoặc tìm chỗ dựa siêu nhiên nào đó để tự trấn an. Có thể đó là đức tin của các Kito hữu tin rằng sau khi chết linh hồn của những con chiên lương thiện sẽ được lên Thiên Đường với Chúa, hoặc sau khi chết các Phật tử chân chính sẽ được tiếp dẫn lên cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A-Di-Đà, hoặc tín đồ Bà La Môn giáo có niềm tin sau khi chết tiểu ngã sẽ trở về với Đại Ngã trong ánh sáng của đấng Sáng Tạo.
Chúng ta cho cái chết là đau khổ, xấu xí nên cần những hình ảnh siêu huyền như Thiên Đường, Cực Lạc để mong cái chết trở nên cao đẹp hơn. Chúng ta cho cái chết là màn đêm tối tăm nên cần ánh sáng của Thượng Đế để cứu rỗi, hoặc Phật A-di-đà tiếp dẫn. Tóm lại đức tin mạnh mẽ là một trong những vũ khí mà các tôn giáo dùng để đối phó với nỗi sợ chết và các lo lắng, bất an khác.
Ngoài ra, con người cũng thường sợ hãi những điều họ cho là xấu, chứ không sợ những gì được cho là tốt đẹp. Ai cũng cho cái chết là điều xấu nên mới sợ hãi. Thường những người mong mình được chết trong tốt đẹp, an lành lại sợ chết nhiều hơn những người có thể chấp nhận chết cách nào cũng được. Một sự thật có vẻ nghịch lý nữa là những người chết sau một thời gian dài bệnh hoạn, đau đớn thường rất dễ siêu thoát hơn người chết khi đang mạnh khoẻ. Vì người trải qua thời gian đau đớn không ham sống sợ chết, trong khi người mạnh khoẻ còn quá yêu đời nên chết chẳng cam lòng.
Nỗi sợ chết cũng có liên quan đến nỗi sợ hãi tội lỗi của mình khi đã làm điều bất thiện. Vì vậy, để chấm dứt nỗi sợ hãi trước cái chết không phải đơn giản, mà người ấy cần phải thông suốt nguyên lý của đời sống và phải biết rõ về cái chết mới được.
Tóm lại đa số chúng ta đều cho cái chết là sự kiện tiêu cực, và thế là chúng ta tìm mọi cách để đối phó với nó, giống như chúng ta vẫn đang đối phó hàng ngày với những gì không theo ý muốn của mình. Nhưng nếu thực sự xem kỹ lại, thì tất cả những phương tiện đối trị vẫn chỉ là che lấp nỗi sợ ấy, để không chú ý tới nó nữa, để chôn nó đi càng sâu càng tốt. Những phương tiện ấy không chấm dứt hoàn toàn được nỗi sợ hãi đối với cái chết. Ai ai cũng đều biết rất rõ nỗi sợ chết vẫn luôn còn đó, luôn tiềm ẩn sâu bên trong mỗi người chúng ta.
Hỏi: Thưa Thầy, con thấy nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta sợ chết là do chúng ta cho rằng chết tức là hết, Ta không còn tồn tại nữa. Những người thân, bạn bè chúng ta cũng chỉ nhớ về Ta trong một thời gian ngắn. Sau ba hay năm năm họ cũng sẽ hoàn toàn quên mất…
Trả lời: Đúng, sợ chết là sợ “Ta” không còn tồn tại nữa cho nên nếu thực sự có kiếp sau thì sẽ tốt hơn, phải không? Hiện nay các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến những hiện tượng mang tính tâm linh, nhất là giả thuyết về sự tái sinh trong các kiếp sống khác nhau. Sự xuất hiện những người có khả năng nhớ lại kiếp sống trước của mình đang được xã hội cũng như giới khoa học tìm hiểu và nghiên cứu. Tuy các nhà khoa học chưa có kết luận rõ ràng nhưng giả thuyết chết không phải là hết mà chỉ là chuyển sang một kiếp sống khác ngày càng được nhiều người trên thế giới tin tưởng. Niềm tin ta vẫn sẽ tồn tại sau khi chết, dù không biết sẽ tồn tại ở đâu, dưới hình thức nào, nhưng cũng là một trong những chỗ dựa giúp ta đối diện với nỗi sợ chết.
Theo Đạo Phật, con người trải qua một kiếp sống tùy theo duyên nghiệp của mình. Khái niệm nghiệp của Đạo Phật ở đây cần hiểu cho đúng. Nghiệp của mỗi người chính là nhận thức và hành vi của người ấy. Mỗi người mỗi khác vì nhận thức và hành vi của họ khác nhau. Nhận thức đúng và hành vi tốt gọi là nghiệp thiện, nhận thức sai, hành vi xấu gọi là nghiệp bất thiện.
Trải qua một đời sống chính là quá trình giúp con người điều chỉnh nhận thức và hành vi, những gì xảy ra với họ trong cuộc sống đều là những bài học quý giá để giúp họ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình từ sai-xấu chuyển thành đúng-tốt. Như vậy đời sống chính là một trường học vĩ đại, với các kiếp sống khác nhau giống như các lớp học khác nhau. Kiếp này học xong lớp một thì kiếp sau sẽ được học lớp hai. Học không xong lớp một trong kiếp này thì phải học lại trong kiếp sau. Vì vậy đối với Đạo Phật, việc chết đi rồi tái sinh là cần thiết để cho mỗi người có thể học hết những bài học mà mình còn học chưa xong. Trường học cuộc sống khác với trường học trong học đường, ở đây mỗi người được tự do chọn lựa bài học của mình, nhưng chọn lựa cách gì thì cũng phải học cho xong bài học mình chọn. Nếu chấp nhận sống là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi thì chắc chắn phải có chết đi và tái sinh lại vì cần phải học tiếp những gì học chưa xong, đúng không?
Hỏi: Thưa Thầy, điều gì giúp mình điều chỉnh nhận thức và hành vi trong cuộc sống?
Trả lời: Những trải nghiệm trong cuộc sống sẽ giúp mỗi người điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Trải nghiệm có hai mặt: Một là trải nghiệm hậu quả do mình gây ra. Hai là trải nghiệm thái độ mà mình đối diện với những hậu quả ấy. Trong Đạo Phật gọi là Nhân và Quả. Mỗi người trong cuộc sống cần làm 2 điều, một mặt chấp nhận hậu quả gây ra do nhận thức và hành vi của mình trong quá khứ, một mặt điều chỉnh nhận thức và hành vi sao cho đúng tốt để không còn lặp lại những hành động sai xấu như trước nữa.
Như khi một học sinh đang học lớp 2, em ấy học khó khăn, hay dễ dàng là do kết quả quá trình học tập của em từ lớp 1. Thí dụ em học Toán lớp 1 rất dở thì lên lớp 2 em học Toán càng thêm khó khăn. Nếu em ấy chấp nhận sự thật này mà điều chỉnh lại thái độ học tập của mình thì sẽ có cơ hội cải thiện kết quả học tập môn Toán của mình. Nếu không chấp nhận sự thật do mình yếu môn Toán, mà tìm cách đổ lỗi cho những yếu tố khác bên ngoài, như do Thầy, do lớp, do cha mẹ, vv…thì bài học yếu kém về Toán sẽ tiếp tục đi theo học sinh này cho đến khi em ấy nhận ra sự thật.
Cái Nhân chính là thái độ để điều chỉnh nhận thức và hành vi, còn Quả giúp chúng ta thấy ra được nhận thức và hành vi của mình như thế nào mới là đúng-tốt, như thế nào là sai-xấu.
Hỏi: Thưa Thầy, nhiều khi không có gì giúp mình nhận ra cái sai được nên mình cứ bị chìm trong sai lầm mãi phải không Thầy?
Trả lời: Thật ra cái sai hay đúng, thiện hay bất thiện đều rất dễ thấy, chỉ vì con người thường dựa vào những phân biệt đúng-sai qua quan niệm chung của xã hội, nên không thấy ra thực chất của sự đúng sai. Qua trải nghiệm hậu quả những hành động của mình liền có thể dễ dàng thấy ra sự thật, thí dụ mình thấy ngọn lửa sáng và đẹp quá nên lấy tay chạm vào mà bị phỏng tay, trải nghiệm bỏng nơi tay liền giúp mình điều chỉnh nhận thức biết lửa là rất nóng và tự nhiên sau này mình sẽ cẩn thận không đùa với lửa nữa. Đó là tiến trình học hỏi mà Pháp Tự Nhiên trang bị sẵn cho mỗi chúng sinh.
Hỏi : Như vậy mục đích của cuộc sống chính là điều chỉnh nhận thức và hành vi của mỗi người đúng không Thầy?
Trả lời: Đúng, mỗi người trải qua cuộc đời tùy theo khả năng của mình, và mục đích của cuộc đời chính là để điều chỉnh nhận thức và hành vi của người đó cho ngày càng đúng tốt hơn. Qua tự mình chiêm nghiệm, có thể thấy ra rằng nếu người đó không bị ảnh hưởng bởi những quan niệm của xã hội, quan niệm của riêng mình, mà sống dựa trên những trải nghiệm thực thì có thể điều chỉnh nhận thức và hành vi dễ dàng hơn. Còn những người quen sống theo quan niệm chung, theo tư kiến riêng của mình, thì liền bị chính những quan niệm ấy, tư kiến ấy che lấp sự thật, cuộc sống sẽ ngày càng đau khổ hơn.
Thí dụ quan niệm chung ăn ngon là tốt, nếu cứ kiếm đồ ngon mà ăn thì sẽ nhanh chóng bị bệnh. Người biết dựa trên trải nghiệm thực sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình theo hướng chọn đồ ăn một cách lành mạnh, phù hợp với cơ địa của mình mà tránh được bệnh tật. Ngược lại như mấy người thích đi nhậu vì họ cho đó là hạnh phúc, cho đến khi bị xơ gan cổ trướng rồi thì khó mà vãn hồi lại được.
Như đã nói trên, hậu quả từ những hành vi của mình rất dễ nhận thấy, như uống rượu nhiều quá mức thì cơ thể có phản ứng ngay. Chỉ vì mải mê chạy theo cảm xúc, cảm giác khi uống nên dù cơ thể báo động nhiều lần vẫn cho qua, đến khi bệnh tật đến rồi, có hối hận cũng đã muộn, đành phải chờ kiếp sau học lại bài học này. Đó chính là trường hợp những người “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” mà xã hội vẫn nói.
Tuy nhiên, ngoài đa số những người cố chấp, thì vẫn có những người học ra bài học nhân quả liền. “Gieo nhân nào gặt quả ấy” là một cách vận hành hoàn hảo, là một hiện thực chung mà khoa học và các tôn giáo cùng chấp nhận. Nguyên lý vận hành theo nhân-quả không chỉ tác động lên đời sống vật lý mà cả tâm lý và sinh lý của mỗi người. Ai lo sợ nhiều hại thận, hay nóng giận nhiều hại gan, suy nghĩ nhiều hại tỳ, quá hưng phấn, vui mừng hại tim, hay âu sầu hại phế (phổi), vv… Sự vận hành theo nhân quả của cuộc sống chính là bài học giúp mỗi người điều chỉnh nhận thức và hành vi một cách tốt nhất.
Hỏi: Thưa Thầy, con thấy một số người sợ chết cũng vì nuối tiếc, tiếc không được ăn một bữa ăn ngon, được nhìn ánh nắng mặt trời, được nhìn thấy con cái, người thân, vv…
Trả lời: Những người khi sống mà thiếu tâm xả ly, tức là hay nắm bắt cái này, cái kia và dính mắc vào đó thì theo Đạo Phật, khi chết họ sẽ sinh vào cõi âm, bao gồm cõi Peta hoặc Asura tùy theo nghiệp của họ. Đó là khi chết rồi nhưng họ vẫn tưởng là mình còn sống. Họ vẫn có thân thể do chính ảo tưởng của họ tạo ra. Giống như khi nằm mơ, chúng ta vẫn thấy có thân để hoạt động và làm mọi việc. Có những người ở trong các cõi âm có năng lực có thể ảnh hưởng xấu đến năng lượng của những người đang sống.
Hỏi: Nghe nói những người bị chết bất ngờ hay gọi là bất đắc kỳ tử rất dễ rơi vào trường hợp này, tức là chết rồi mà vẫn tưởng mình đang còn sống. Như vậy Đạo Phật có cách chuẩn bị làm sao để khi bị chết bất ngờ cũng không bị sinh vào cõi âm? Hay tóm lại là có phương pháp nào để có thể hoàn toàn chấm dứt nỗi sợ chết không? Để khi chết tâm mình được thanh thản, không còn sợ hãi mà ra đi không ạ?
Trả lời: Đạo Phật đúng là có cách chấm dứt nỗi sợ hãi này, cũng như chấm dứt tất cả các nỗi sợ hãi tồn tại trong mỗi người chúng ta. Quay lại điểm khởi đầu, khi không biết gì về cái chết chúng ta thường vẽ vời, tưởng tượng thế này, thế kia… như người nhiều dính mắc thì cho rằng chết là xa lìa, là chấm dứt tất cả những gì mình thương yêu hay sở hữu nên sợ chết, người nhiều tội lỗi thì nghĩ rằng sau khi chết sẽ bị quả báo trong địa ngục hay cõi xấu nên sợ chết v.v… Muốn thực sự chấm dứt nỗi sợ hãi này thì cần phải thấu hiểu ý nghĩa đích thực của sự chết.
Hỏi: Nhưng thưa Thầy làm sao có thể có trải nghiệm thực về cái chết trước khi thực sự chết đi?
Trả lời: Tuy chúng ta chưa thực sự trải nghiệm cái chết lâm sàng, nhưng lại dễ dàng có trải nghiệm thực về sự sống, chúng ta có thể hiểu về cái chết khi hiểu được sự sống. Bản chất của sự sống là những tiến trình tâm-sinh-vật lý đang tiếp nối nhau diễn ra nơi mỗi người. Nếu chúng ta lắng nghe, quan sát, cảm nhận được sự diễn biến này thì sẽ khám phá ra rằng đó là một chuỗi sinh và diệt liên tục. Nghĩa là trong sự sống đã sẵn có cái chết từng mỗi sát-na sinh diệt. Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu được sự sinh diệt này trong cả thân lẫn tâm thì chúng ta thấy được ý nghĩa của sự sống và chết như một sự tương tác vận hành tất yếu của sự sinh tồn. Nếu không có cái chết đi từng giây phút thì cũng không bao giờ có sự sống diễn ra. Khi sự thật này được soi sáng thì cái chết không còn là nỗi sợ hãi đầy ám ảnh nữa, như Đức Phật đã dạy.
Khi đã thấu hiểu được sự chết trong từng sát-na ngay khi đang sống, thì cái chết cuối cùng của một kiếp người cũng diễn ra hoàn toàn tương tự. Cái chết này chỉ là tiến trình diệt-sinh sinh-diệt để đổi mới qua mỗi kiếp sống mà thôi. Nhưng vì chúng ta chẳng biết gì về sự sống đang xảy ra trong từng giây phút nơi thân tâm mình nên mới đeo mang trong lòng nỗi sợ chết triền miên. Những nỗi sợ hãi này sẽ không thể chấm dứt nếu chúng ta còn cho rằng chết là xấu, là tiêu cực để rồi loay hoay tìm kiếm bên ngoài những biện pháp trấn an hoặc những chỗ bám víu để khoả lấp bằng những hứa hẹn siêu hình.
Thật ra không cần chuẩn bị cho cái chết, mà nên chuẩn bị tâm lý khi đối diện với cái chết. Cách chuẩn bị hiệu quả nhất chính là ngay bây giờ mình có sống trọn vẹn với hiện tại được không? Khi uống nước mình có trọn vẹn uống nước được không, khi bom nổ mình có bình tĩnh sang suốt được không? Khi bất kỳ điều gì xảy ra mà tâm vẫn bình thản và trong sáng thì dù cái chết có xảy ra mình vẫn không sợ hãi, vì những gì xảy ra với mình khi chết cũng giống như những gì xảy ra với mình khi đang còn sống mà thôi.
Theo kinh điển Phật Giáo Nguyên Thuỷ, được kiểm chứng qua ký ức của những người đã từng chết đi sống lại thì khi hấp hối có 1 trong 3 hiện tượng xảy ra gọi là cận tử nghiệp, có liên quan đến những gì mình đã từng tạo tác trong đời sống.
Hiện tượng thứ nhất: Ngay trong khoảng khắc trước khi chết thì nguyên cuốn phim cuộc đời của mình sẽ được quay lại. Qua đây có thể thấy những gì xảy ra với thời gian đều là tương đối. Vì cả cuộc đời kéo dài năm bảy chục năm có thể được chiếu lại chỉ trong khoảng khắc. Đôi khi chỉ những nghiệp thiện hoặc bất thiện mạnh nhất trong đời đã ăn sâu vào ký ức sẽ quay lại khiến tâm hoan hỷ hoặc lo sợ. Hiện tượng này gọi là nghiệp tái hiện.
Hiện tượng thứ hai: Một số hình ảnh, âm thanh, cảm giác… ấn tượng hoặc quen thuộc nhất sẽ xuất hiện trong giờ phút đang hấp hối. Kẻ giết người thấy máu me, hung khí…, người đức tin thấy hình ảnh Phật, Chúa hoặc Bồ tát, Thần linh… Thí dụ quê thầy có ông thợ săn, suốt ngày lo cầm súng, dắt chó đi quanh làng bẫy chim, săn chồn, bắt thỏ hoang về ăn nhậu. Lúc hấp hối có lẽ ông ta thấy lại những cảnh giết chóc nên rên la, hoảng hốt, run sợ… rồi hộc máu mà chết. Dân làng ai cũng tin đó là nhân quả báo ứng. Hiện tượng này gọi là nghiệp biểu tượng.
Hiện tượng thứ ba: Một số cảnh tượng tương ứng với nghiệp duyên của mỗi người xuất hiện khi người ấy lâm chung. Đó chính là cõi giới tương lai mà người ấy sẽ tái sinh. Thí dụ người hấp hối thấy một bầy thú và khởi tâm ưa thích, thì sẽ tái sinh vào cõi súc sinh. Thấy cảnh giết chóc tàn bạo thì người ác lại thích thú nên sinh vào cõi khổ. Thấy cảnh hiền hoà an lạc người lương thiện hoan hỷ nên tái sinh vào cõi nhàn thiện v.v… Khi những hình cảnh giới này xuất hiện người đang hấp hối ưa thích cảnh tượng nào thì tâm tục sinh (paṭisandhi viññāṇa) sẽ bắt cảnh của cận tử nghiệp cuối cùng này mà tái sinh vào cõi giới đó luôn. Hiện tượng này gọi là cảnh giới ứng trước.
Ngay cả khi chết bất ngờ thì một trong 3 hiện tượng nói trên cũng vẫn xuất hiện. Như vậy những gì sẽ xảy ra trong khi chết cũng giống những gì đang diễn ra ngay bây giờ khi chúng ta đang sống thôi.
Hỏi: Trong cuộc sống ai ai cũng hướng tới một mục tiêu nào đó, và thường quá mải mê theo đuổi nó mà quên mất mình, để rồi dần dần bị cuốn theo những quan điểm, những thói quen cố hữu, lặp đi lặp lại. Đến khi tỉnh ra thì thường đã muộn. Có cách nào để giúp họ luôn tỉnh táo, sáng suốt được không thưa Thầy?
Trả lời: Cách tốt nhất là tập đối diện với tất cả các tình huống xảy ra trong cuộc sống với tâm thái trầm tĩnh và sáng suốt ngay từ bây giờ. Khi tâm đã vững vàng trước những biến động của đời sống thì khi chết cũng sẽ vững vàng như vậy, kể cả khi cái chết đến bất ngờ.
Thí dụ vì bận tâm theo đuổi, lo lắng điều gì bên ngoài nên quên mất chính mình, bất ngờ có người vỗ vai một cái là giật mình liền. Hay vì mải chạy theo những kiến thức, giá trị của xã hội mà không chịu lắng nghe những gì đang thực sự xảy ra nơi thân-tâm mình nên chỉ cần có những biến cố bất ngờ xảy ra làm đau đớn, ngã bệnh thì liền sợ hãi, chứ chưa cần nói đến những thứ nghiêm trọng như cái chết.
Theo nguyên lý, nỗi sợ hãi cần được chấm dứt chứ không cần được chiến thắng, giống như cần chấm dứt chiến tranh hơn là trở thành người chiến thắng, nhất là khi cuộc chiến này đang xảy ra trong nội tâm chúng ta. Để chấm dứt sợ hãi, cần luôn tự biết mình, đó là nguyên lý mà Đức Phật dạy. Tự biết mình tức là ngay đây và bây giờ không nên vội vã đưa ra những đánh giá và kết luận về những gì đang xảy ra để rồi hướng ngoại kiếm tìm giải pháp xử lý, đối kháng, mà là buông mọi ý đồ đánh giá và đối trị để tâm có thể trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại. Khi thái độ tâm không còn tưởng là, cho là, phải là, sẽ là, không còn ảo tưởng, không còn đối kháng nữa… thì mới có thể thấy rõ sự sống đang là. Mỗi khi tiến trình tâm-sinh-vật lý đang xảy ra nơi chính mình được soi sáng thì tâm sẽ không còn băn khoăn, sợ hãi gì nữa.
Nỗi sợ hãi bản thân nó cũng không phải là xấu, mà chỉ là dấu hiệu báo động rằng tâm đang rơi vào ảo tưởng và không biết rõ thực tại. Không thấy rõ thực tại sự sống —> rơi vào ảo tưởng —> bất an và sợ hãi, đó là một chu trình khép kín và đó chính là luân hồi sinh tử. Để chấm dứt chu trình này, tâm chỉ cần buông ra mọi ảo tưởng để trở về trọn vẹn trong sáng với những gì đang xảy ra. Đó chính là tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác mà Đức Phật dạy.
Khi thường tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác, tâm sẽ không còn theo thói quen lăng xăng phản ứng khi tiếp xúc với những biến động trong đời sống. Và đến một lúc tâm sẽ không còn dao động bất an, rất ít bị ảnh hưởng khi đối diện với bất cứ điều gì trên đời. Mọi nỗi sợ hãi sẽ hoàn toàn chấm dứt.
Sống thanh thoát thì chết cũng sẽ được thanh thoát, tức là khi bất kỳ điều gì xảy ra, ngay cả đó là cái chết thì tâm vẫn thanh thản, không lo lắng sợ hãi, không phiền muộn ưu sầu.
Hỏi: Trong y học hiện nay đang tranh cãi về thời điểm lúc nào nên dừng lại sự sống của những bệnh nhân đang thở ôxy và sống thực vật. Xin Thầy cho biết quan điểm riêng của mình về vấn đề này ạ?
Trả lời: Đối với những bệnh nhân còn có thể cứu chữa được, thì cho thở ôxy để cấp cứu, kéo dài thời gian chữa trị là cần thiết. Nhưng đối với những bệnh nhân biết chắc chắn là không thể cứu chữa được nữa, thậm giám định y khoa đã xác nhận cho thở oxy chỉ để duy trì đời sống thực vật giúp người nhà có thời gian lo hậu sự thì có thể rút bình oxy khi thích ứng. Trong trường hợp người bệnh vô phương cứu chữa không chịu được sự đau đớn vật vã yêu cầu được trợ giúp tiêm thuốc cho họ được ra đi thanh thản thì bác sỹ có thể giúp họ mà không có tội gì cả. Vì làm như vậy vừa giúp người bệnh mà còn giúp thân nhân người bệnh bớt lo âu căng thẳng.
Hỏi: Như vậy nếu sống chỉ là để điều chỉnh nhận thức và hành vi thì không nhất thiết phải có cuộc sống vật lý càng dài càng tốt mà quan trọng mỗi người có học ra bài học cuộc sống của mình để mà lên lớp hay không thưa Thầy?
Trả lời: Đúng, nói theo đạo lý thì nếu bài học của một người chỉ cần 3 tháng là xong thì cần gì người ấy phải học trong 6 tháng hay 1 năm. Sinh ra trên đời này để học một bài học nào đó trong mười mấy năm, sau đó chết để tái sinh mà học tiếp bài học mới trong kiếp sống khác là tốt, có sao đâu. Vì vậy chết không có nghĩa là việc xấu, là tiêu cực mà là một sự đổi mới, sự trẻ hoá để tiếp tục hành trình khám phá sự thật. Dân gian có quan niệm mê tín là khi ông bà cha mẹ đã chết, cầu họ ở lại cõi âm để hộ trì cho con cháu, không muốn để họ được đi tái sinh!
Thầy đã từng hỏi một số người phương Tây rằng họ có tin kiếp sau không? Đa phần họ trả lời dù theo đạo Thiên Chúa họ vẫn tin là có kiếp sau, vì theo họ như vậy sẽ tốt hơn cho đời sống hiện tại. Thực ra đạo Thiên Chúa trước kia vẫn tin vào sự tái sinh, nhưng về sau các nhà thần học Thiên chúa giáo mới bác bỏ niềm tin này. Chẳng lẽ mục đích Chúa sinh ra loài người chỉ để ai tin Chúa thì cho lên Thiên Đường mãi mãi, còn ai không tin Chúa thì phải giáng xuống Hoả Ngục đời đời?
Nếu Chúa sinh ra loài người thì chắc hẳn Ngài muốn tạo điều kiện cho họ trải nghiệm cuộc sống để thấy ra mọi vẻ đẹp Chân-Thiện-Mỹ trong thế giới mà Chúa đã dày công tạo dựng. Như vậy nếu họ chưa nhận ra sự hoàn hảo của Chúa thì sao lại cho họ về với Chúa sớm quá, hoặc bắt họ phải đoạ vào hoả ngục đời đời. Họ cần tái sinh nhiều kiếp mới học hết những bài học mà Chúa muốn trao truyền chứ. Giống như em học sinh chưa hoàn thành cấp 1 mẹ đã cho thôi học để về nhà với mình, hoặc thấy em học dở quá rồi đuổi học luôn thì làm sao em học hết chương trình giáo dục?
Mỗi người đều trải qua biết bao nhiêu kiếp sống, và điều quan trọng cuối cùng vẫn là tâm có đủ bình tĩnh sáng suốt trước mọi tình huống xảy ra hay không? Nếu sống luôn luôn đủ bình tĩnh sáng suốt thì khi chết cũng không sợ nữa. Làm sao biết được mình sẽ chết như thế nào? Có thể mình sẽ chết bất đắc kỳ tử, có thể chết vì bệnh tật v.v… Nhưng nếu tâm đã có thể trầm tĩnh sáng suốt trước mọi hoàn cảnh thì dù chết như thế nào tâm vẫn vững vàng đối diện.
VIÊN MINH (Pháp Thuận ghi)