- Cha mẹ ở trong đám cỏ dậm.
Có ông tăng hỏi Thạch Thất:
– Thầy có qua Ngũ Đài Sơn không?
– Có qua.
– Vậy thầy có gặp Văn Thù không?
– Có gặp.
– Bồ tát Văn Thù có nói với thầy Phật pháp cao diệu gì không?
– Văn Thù nói “cha mẹ ngươi đều nằm trong mộ, dưới đám cỏ dậm.”
(Bồ Đề linh quang)
Thiền không tìm thâm ảo, huyền bí, bình thường là đại đạo.
- Một phiến đá trước am.
Tuyết Phong Nghĩa Tồn đến tham học Đầu Tử Đại Đồng. Đầu Tử chỉ phiến đá trước am:
– Quá khứ, hiện tại, vị lai, tam thế chư Phật đều giảng pháp ở phiến đá này.
– Có nhiều vị Phật không giảng pháp ở phiến đá này mà giảng ở chỗ khác.
(Bồ đề linh quang)
Phật ở khắp mọi nơi, mọi thời, mọi sự vật đều ẩn tàng Đạo, nếu nói tại chỗ này thì chỉ là ngộ ở một tầng cảnh giới. - Mang trà lại.
Một ông tăng hỏi Linh Tham:
– Một hạt hoàn đơn có thể điểm sắt thành vàng; một câu chí lý có thể chuyển phàm thành thánh. Đệ tử đến đây xin thầy điểm.
– Không điểm
– Sao không điểm?
– Sợ ngươi rơi vào tâm phân biệt phàm thánh.
– Xin thầy chỉ thị.
– Thị giả! Mang trà ra.
(Bồ đề linh quang)
Đắc đạo thành Phật là do minh tâm kiến tánh, toàn là nhờ mình tự ngộ. Đối với người chưa ngộ, không có cách nào điểm, chỉ có thể mang trà ra tống khách, đợi lần khác đến sẽ chỉ thị thiền cơ. - Đánh thành một phiến.
Hương Lâm trụ trì Hương Lâm viện 40 năm, đến năm 80 tuổi thì viên tịch. Ông từng nói:
– Ta 40 năm qua đã đánh thành một phiến.
(Bồ đề linh quang)
Đánh thành một phiến là chỉ đã chân chính trở về khuôn mặt xưa nay; từ đầu đến cuối trung thành ‘thủ nhất’. Các vị cao tăng thường thận trọng giữ gìn chánh niệm, chuyên nhất hộ đạo; thường sống ẩn cư; đoạn tuyệt mọi trần duyên. ‘Chỉ tại trong núi này, mây dầy không biết ở đâu’. Người từ tự nhiên tới, lại trở về tự nhiên. Quá trình tham thiền là quá trình trở về. - Một, Hai, Ba, Bốn, Năm, đủ số.
Có ông tăng hỏi Bản Tịch:
– Cổ nhân nói người người đều có; đệ tử sống trong thế tục có không?
– Đưa tay ta coi.
Ông tăng duỗi tay ra, thiền sư chỉ ngón tay đếm:
– 1, 2, 3, 4, 5, đủ số!
(Bồ đề linh quang)
Điều kiện để thành Phật cũng như ngón tay ai ai cũng đều có đủ. - Ăn cơm đi.
Một hôm trong giờ ăn, Đạo U vào nhà ăn bạch chúng cáo thị:
– Có lời với đại chúng.
Chư tăng ngẩng đầu lên nghe.
– Ăn cơm đi!
(Bồ đề linh quang)
Ăn cơm cũng đang ở trong thiền đạo, người thường không để ý nên Đạo U bạch chúng chỉ cơ. - Phòng ngủ không người.
Có ông tăng hỏi Giáp Sơn:
– Làm sao đạt được cảnh giới Niết Bàn tịch tĩnh?
– Như trong phòng ngủ rộng lớn không người.
(Bồ đề linh quang)
Niết Bàn là cảnh giới vô nhân, vô ngã; nếu suy nghĩ làm sao để vào thì không bao giờ vào được. - Khách chưa về, nhớ cố hương.
Nhân Dõng thượng đường nói:
– Từng trận gió thu thổi qua rặng thông, khách chưa về, nhớ cố hương. Ai là khách chưa về? Chỗ nào là cố hương?
(Bồ đề linh quang)
Bản tâm là cố hương là chỗ thiền khách trở về. - Văn Thù và Phổ Hiền.
Động Sơn Thủ Sơ là cao đồ của Vân Môn. Một lần có một ông tăng hỏi:
– Lão thiền sư đã tu hành tới trình độ cao thâm; giả như các bồ tát.
Văn Thù và Phổ hiền đến thỉnh giáo thì thầy làm sao?
– Ta coi họ như trâu, lùa vào chuồng!
(Bồ đề linh quang)
Cầu Phật, bồ tát là vọng niệm, vọng tưởng, phải đối trị như chăn trâu; coi sóc kỹ lưỡng. - Ngoảnh mặt về Nam nhìn Bắc Đẩu.
Có ông tăng hỏi Huệ Thanh:
– Thế nào là tự thân, tự tâm?
– Ngoảnh mặt về Nam nhìn Bắc Đẩu.
(Bồ đề linh quang)
Tự thân, tự tâm chỉ có tự nghiệm, tự giác mới triệt ngộ. Huệ Thanh bảo ông tăng hướng về Nam quay đầu nhìn về Bắc thể ngộ tự thân, tự tâm.
“Hồi đầu tức thị: là phản quán tự tánh.
Tải Xuống Những Đóa Hoa Thiền – Quyển Hạ DOCX File hay PDF File
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ – Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003