1. Đệ tử đến tay không.
Một lần, có một vị khách đến tham phỏng Triệu Châu. Vị khách không mang theo lễ vật, cảm thấy bất an, nên nói:
– Đệ tử đến tay không.
Triệu Châu đáp:
– Bỏ xuống đi!
Vị khách không hiểu hỏi:
– Đệ tử không mang gì đến, làm sao bỏ xuống được?
– Vậy ngươi hãy mang đi!
(Thiền Viên)
Ý của Triệu Châu là: ngươi không mang theo lễ vật có gì là quan trọng đâu! Hãy buông bỏ cái tâm chấp trước của ngươi đi. Bỏ tất cả, vượt lên tất cả chấp trước là có thể thành Phật.2. Lão tăng hiếu sát.
Có ông tăng theo Triệu Châu ra vườn rau, thấy một con thỏ hoảng sợ chạy trốn.
Ông tăng hỏi:
– Thiền sư là người tu, vì sao con thỏ trông thấy lại sợ?
– Vì lão tăng hiếu sát.
(Thiền Cơ)
Ông Tăng thấy thỏ hoảng sợ bỏ chạy là lạc vào hiện tượng giới mà không tự biết. Câu đáp của Triệu Châu có ý bảo ông phải cắt đứt mọi trói buộc.
3. Cây cờ.
Trong thiền viện có một cây cờ bị gió thổi gẫy. Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
– Cây cờ đi về phàm hay đi về thánh?
– Không phàm, không thánh.
– Vậy đi về đâu?
– Rơi xuống đất.
(Thiền Cơ)
Câu hỏi của ông tăng còn phân phàm thánh là còn có sai biệt, vì vậy Triệu Châu bảo không phàm, không thánh.
4. Con lừa kêu.
Duy Chính nhân có việc phải đến kinh thành, trên đường gập một viên quan lại. Ông này mời thiền sư thọ trai. Bỗng nhiên một con lừa hí lên, viên quan lại kêu “Thiền sư.” Duy Chính ngẩng đầu lên, viên quan lại bèn chỉ con lừa. Thiền sư bèn chỉ viên quan lại.
(Thiền Cơ)
Ở hiện tượng giới, con lừa, thiền sư, viên quan lại có sai biệt, nhưng ở bản thể giới thì chỉ là một
5. Chín chín tám mốt.
Một ông tăng hỏi Ba Tiêu:
– Ẩn thân ở Bắc Đẩu là ý gì?
– Chín chín tám mốt.
Ngưng lại một lát, Ba Tiêu lại hỏi:
– Ngươi hiểu không?
– Không hiểu.
– Một, hai, ba, bốn, năm…
(Thiền Cơ)
Ẩn thân ở Bắc Đẩu chỉ trụ ở bản thể giới. 81 là chung điểm của 9×9.
1, 2, 3, 4, 5… sẽ dẫn đến vô cực.
6. Hét, đánh.
Có ông tăng hỏi Thủ Sơn:
– Lâm Tế hét, Đức Sơn đánh, cứu cánh là ý nghĩa gì?
– Ngươi thử làm coi.
Ông tăng bèn hét một tiếng.
– Đồ mù!
Ông tăng lại hét một tiếng nữa.
– Đồ mù hỗn, còn ra thể thống gì?
Ông tăng nghe rồi bèn hướng Thủ Sơn hành lễ. Thủ Sơn đánh ông một gậy.
(Thiền Viên)
Đánh và hét đã làm nhiều thiền sinh khai ngộ là do áp dụng đúng thời cơ; nhưng cái cơ duyên đó nhìn không thấy, cảm không được, nếu ta cứ đánh hét một cách máy móc thì chẳng khác gì nói chuyện với người câm, điếc.
7. Nhất tự quan.
Có ông tăng hỏi Đầu Tử :
– Thế nào là Phật?
– Phật.
– Thế nào là Đạo?
– Đạo.
– Thế nào là Thiền?
– Thiền.
(Thiền Viên)
Nhất Tự Quan là loại công án mà lời đáp chỉ bằng một tiếng. Những câu trả lời của Đầu Tử dường như là không trả lời, nhưng xét kỹ lại thì đó lại là những câu trả lời hoàn toàn nhất.
8. Trăng lặn hướng Tây.
Một ông tăng hỏi Như Mẫn:
– Thiền sư bao nhiêu tuổi rồi?
– Ngày nay sanh, ngày mai mất.
– Vậy sao? Sanh ở đâu vậy?
– Mặt trời mọc phương Đông, mặt trăng lặn phương Tây.
(Thiền Cơ)
Ở hiện tượng giới có sai biệt về thời gian (nay, mai) về không gian (Đông, Tây) nhưng ở bản thể giới chỉ là một.
9. Muốn ngủ thì ngủ.
Một ông tăng hỏi Chiêu Hiền:
– Thế nào là tâm bình thường?
– Muốn ngủ thì ngủ, muốn ngồi thì ngồi.
– Đệ tử không hiểu.
– Nóng thì tìm chỗ mát, lạnh thì lại gần lửa.
(Thiền Cơ)
Tâm bình thường là chỉ cảnh giới an nhiên, tự tại.
10. Làm lừa, làm ngựa.
Một ông tăng hỏi Chiêu Hiền (đệ tử của Nam Tuyền):
– Nam Tuyền mất rồi đi đâu?
– Đến nhà phía Đông làm lừa, hoặc đến nhà phía Tây làm ngựa.
– Nghĩa là sao?
– Muốn cưỡi thì nhẩy lên, không muốn thì nhẩy xuống.
(Thiền Cơ)
Lừa, ngựa chỉ hiện tượng giới; cưỡi hay không cưỡi chỉ phàm, thánh là một.
Tải Xuống Những Đóa Hoa Thiền – Quyển Thượng DOCX File hay PDF File
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ – Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003