661. Lấy Đầu Làm Ghế.
Trong thiền viện do Tiên Nhai trụ trì có một học tăng thường lợi dụng đêm tối leo tường ra ngoài chơi.
Một hôm, Tiên Nhai đi tuần trong chùa, phát hiện có một cái ghế đẩu ở góc tường liền biết ngay có người đã leo tường ra ngoài chơi. Ông không kinh động ai cả, tiện tay dời ghế đẩu đi chỗ khác tự mình đứng ở chỗ ghế đó đợi học tăng trở về. Đêm đã khuya học tăng đi chơi trở về, không biết ghế đẩu đã bị dời chỗ, cứ đạp lên đầu thiền sư mà nhẩy xuống. Xuống tới đất mới biết người mình đạp lên đầu là Tiên Nhai thì kinh sợ, hoang mang không biết làm sao cho phải, nhưng Tiên Nhai không có ý giận lại còn an ủi:
– Trời khuya, sương nhiều ngươi phải cẩn thận kẻo bị lạnh, mau về phòng mặc thêm áo!
Sau đó, tự viện không ai biết chuyện này. Tiên Nhai cũng không đề cập đến, nhưng từ đó ban đêm không còn thấy ghế đẩu đặt ở góc tường nữa.
(Nhất Vị Thiền: Quyển Phong)
Ông tăng đã được thiền sư dùng tâm từ cảm hóa.
662. Hoằng Nhẫn.
Đạo Tín sau khi được Tăng Xán truyền tâm ấn, một hôm trên đường đến Hoàng Mai gập một đứa nhỏ khoảng 7 tuổi nói năng kỳ lạ, bèn hỏi:
– Ngươi tánh gì? (tiếng trung Hoa tánh là Họ)
– Tánh thì có mà chẳng phải tánh thường.
– Là tánh gì?
– Phật tánh.
– Ngươi không có tánh sao?
– Vì tánh vốn không.
Đạo Tín nói với tả, hữu:
– Đứa nhỏ này rất phi phàm, sau khi ta diệt độ hai mươi năm, sẽ đại hưng Phật pháp.
(Tổ Đường Tập)
Công án này nói về Phật tánh, siêu việt thời gian và không gian. Nó có thể biểu thị bằng một vòng tròn Thiền. Vòng tròn này hở vì không có trong, ngoài. Phật tánh có trong tất cả chúng ta: kẻ hành quyết, nạn nhân, anh hùng, thục nữ, kẻ sát nhân…ở tất cả mọi người, không có ngoại lệ.
(Barragato)
663. Gạo Trắng Chưa?
Một hôm, Hoằng Nhẫn đến nhà giã gạo hỏi Huệ Năng:
– Gạo trắng chưa?
– Trắng đã lâu, nhưng còn chưa sàng.
Hoằng Nhẫn lấy gậy gõ vào cối ba cái rồi bỏ đi.
(Pháp Bảo Đàn Kinh)
– Gạo đã trắng chưa: gạo trong câu nói này chỉ tâm Huệ Năng. Đã loại hết trấu và sạn chưa? Tâm ngươi đã thanh tịnh chưa?
– Trắng đã lâu nhưng còn chưa sàng: con đã ngộ rồi, nhưng còn chờ thầy chứng cho thôi.
Hoằng Nhẫn gõ vào cối ba cái là tỏ ý chấp nhận.
(Barragato)
664. Tâm Như Hư Không.
Thiền sư Trí Hoàng, sau khi tham phỏng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn tự xưng đạt được tâm tưởng bặt, duyên lự mất của thiền định tam muội. Do đó ở trong am tập thiền hơn 20 năm. Đệ tử của Huệ Năng là Huyền Sách, vân du đến Hà Bắc nghe danh Trí Hoàng bèn đến thăm, hỏi rằng:
– Ông ở đây làm gì?
– Nhập định.
– Ông nói nhập định là hữu tâm hay vô tâm nhập? Nếu là vô tâm nhập định thì tất cả loài không tình thức như cây cỏ, ngói gạch đều được định. Nếu là hữu tâm nhập định thì tất cả chúng sanh hữu tình, hàm thức đều được định rồi.
– Khi tôi nhập định không thấy có hữu tâm, vô tâm.
– Không thấy hữu tâm, vô tâm thì là thường định làm gì còn có nhập định, xuất định. Nếu có xuất, nhập thì chẳng phải là Đại Định.
Dưới tay tướng giỏi, không có binh hèn. Kiến địa của Huyền Sách làm cho Trí Hoàng không lời nào đối lại. Một lúc sau mới hỏi:
– Ông kế thừa pháp của vị nào?
– Thầy tôi là Tào Khê Lục tổ.
– Lục tổ lấy gì làm thiền định?
– Thầy tôi nói diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm uẩn vốn không, sáu trần chẳng có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, thiền tánh vô trụ lià “trụ thiền tịch.” Thiền tánh vô sanh, lìa “sinh Thiền tưởng.” Tâm như hư không cũng không có số lượng hư không có thể đạt được.
Trí Hoàng nghe lời này rồi liền tự đến bái kiến Lục tổ. Lục tổ hỏi:
– Ngươi từ đâu tới?
Trí Hoàng mang chuyện gập Huyền Sách kể lại. Lục tổ nói:
– Thật đúng như vậy, nếu tâm ngươi như hư không, không chấp không kiến, ứng dụng vô ngại, tâm không động tịnh, phàm thánh đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng là một, chẳng có định và hết định.
Trí Hoàng nghe rồi đại ngộ, cái tâm sở đắc từ 20 năm tiêu diệt không còn dấu vết.
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)
Chấp có pháp để đắc, có ngộ để chứng là chưa thật ngộ. Thiền không rơi vào nhị biên có, không. Cũng không chấp ở giữa. Nhị biên đã không có thì làm gì có trung gian? Không thọ một hạt bụi, cũng không xả một pháp, thâu phóng tự như.
665. Bài Giảng Của Thiền Sư La Sơn.
Mân Vương xây một tự viện cho thiền sư La Sơn và mời ông ban cho một thời pháp vào ngày khánh thành. Ông lên giảng đàn, khoác cà sa vào rồi cởi ra và nói:
– Xin chào!
Nói rồi xuống tòa giảng.
Mân Vương lại gần ông và nói:
– Bài giảng bữa nay của thầy cũng giống như bài giảng của Thế Tôn ở núi Linh Thứu.
– Tôi tưởng ngài không biết gì về giáo lý không ngờ ngài cũng biết chút ít về thiền.
(Zen Koans)
Bài giảng được coi là hay nhất của đức Phật là bài giảng ở núi Linh Thứu (sự tích niêm hoa vi tiếu). Bài giảng yên lặng và sự truyền tâm ấn là sự khởi đầu của Thiền. Mân Vương so sánh bài giảng của La Sơn và của đức Phật. Nhưng thiền sư biết rằng người đi tìm chân lý sốt sắng nhất luôn luôn đến với tâm không. Biết chút ít về Thiền còn tệ hơn là không biết gì cả.
666. Thầy Tôi Không Có Lời Này!
Có người hỏi Triệu Châu:
– Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
– Cây bách trước sân.
Lúc đó vấn đáp này đã trở thành thoại đầu danh tiếng. Về sau, Pháp Nhãn hỏi đệ tử trực truyền của Triệu Châu là Giác Thiết Chủy:
– Nghe nói Triệu Châu có câu “cây bách trước sân” có phải không?
– Thầy tôi không có lời này, xin đừng hủy báng ổng.
– Ngươi thiệt là sư tử con, lời nói y hệt lão sư tử Triệu Châu.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
Cổ nhân tán thưởng Giác Thiết Chủy rằng:”Con tốt không sài tiền cha.” Câu nói “Thầy tôi không có lời này” của Giác Thiết Chủy cũng giống như câu nói của Triệu Châu “Cây bách trước sân” đều rất sinh động.
667. Hoàng Long Tam Quan.
Hoàng Long khi thấy người tới bèn duỗi tay ra hỏi:
– Tay ta sao giống tay Phật?
Nếu trả lời một câu thiền sư liền duỗi chân ra hỏi:
– Chân ta sao giống chân lừa?
Sau đó lại hỏi:
– Cái nào là sinh duyên của thượng tọa?
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Câu thứ nhất là so sánh người với Phật.
Câu thứ hai là so sánh người với súc vật.
Tổng hợp lại là Tâm, Phật, chúng sanh không có sai biệt.
Hai câu đầu đề thị học nhân: chúng sanh đều có Phật tánh, cho nên không thể coi thường mình và chúng sanh. Sau đó tham câu thứ ba, coi khuôn mặt xưa nay của mình là cái gì? Đó là cái trong Đàn Kinh, Lục tổ nói: chẳng nghĩ thiện (Phật), chẳng nghĩ ác (lừa), lúc đó cái gì là khuôn mặt xưa nay (sinh duyên).
668. Vạn Dậm Không Tấc Cỏ.
Động Sơn bảo đại chúng rằng:
– Đầu Thu, cuối Hạ các huynh đệ hoặc đi Đông hoặc đi Tây, nên hướng thẳng vào nơi vạn lý không tấc cỏ mà đi.
Lại nói:
– Nơi vạn lý không tấc cỏ làm sao đi?
Về sau có ông tăng đến Lưu Dương, kể lại cho Thạch Sương nghe. Thạch Sương bảo:
– Ra cửa liền là cỏ.
Ông tăng trở về trình lên Động Sơn. Động Sơn nói:
– Trong nước Đại Đường có được mấy người?
(Bình Thường Tâm Thị Đạo)
Vạn dậm không tấc cỏ mọc là chỉ sa mạc hay sao? Dĩ nhiên không thể căn cứ vào chữ mà giải thích được. Đây là diễn tả cảnh giới không tịch của tự tánh, rộng lớn vô biên, siêu việt hình tượng. Lại sợ đại chúng kẹt vào câu nói nên lại nói “làm sao đi?” là ý ở ngoài lời nói. Câu “Ra cửa liền là cỏ” của Thạch Sương là nói ngoài “không giới” là sắc giới, những người chưa ngộ đạo ra cửa liền gập cỏ.
“Trong nước Đại Đường có được mấy người” là lời Động Sơn khen ngợi Thạch Sương đã hiểu ý mình.
669. Ngàn Mắt, Ngàn Tay.
Nhân một ngày đến Hà Bắc, phủ chủ Vương Thường Thị mời Lâm Tế thượng đường nói pháp. Ma Cốc bước ra hỏi:
– Quán Thế Âm ngàn mắt, ngàn tay, mắt nào là chánh?
Lâm Tế đáp:
– Quán Thế Âm ngàn mắt, ngàn tay, mắt nào là chánh? Nói mau! Nói mau!
Ma Cốc kéo sư xuống ngồi vào chỗ của sư.
Sư lại gần chào:
– Ngươi mạnh chăng?
Ma Cốc định nói , sư kéo Ma Cốc ra, ngồi vào chỗ cũ. Ma Cốc đi ra, sư cũng hạ đường.
(Lâm Tế Lục)
Tượng bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi, có một ngàn tay, một ngàn mắt. Một ngàn mắt để nhìn thấy những người đang cần cứu và một ngàn tay giơ ra để giúp. Một vài tượng có mười một mặt để có thể nhìn khắp mọi nơi. Lâm Tế lập lại câu hỏi của Ma Cốc, chỉ thêm vào mấy chữ :”Nói mau! Nói Mau!”
Lâm Tế lấy câu hỏi của Ma cốc, do đó Ma Cốc lấy chỗ ngồi của Lâm Tế (chủ, khách đảo ngược). Sau đó Lâm Tế chiếm lại chỗ ngồi (chủ khách không khác). Ngàn mắt của Quán Thế Âm mắt nào cũng là chánh. Chúng ta có 2 mắt, mắt nào cũng thật, không ai hỏi mắt nào là giả. Một câu hỏi như vậy thật vô nghĩa.
(Kubose)
670. Lâm Tế Phỏng Vấn Tam Phong.
Lâm Tế tới Tam Phong, Bình hoà thượng hỏi:
– Từ đâu tới?
– Từ Hoàng Bá.
– Hoàng Bá nói gì? (1)
– Hôm qua cho trâu vàng vào lò nấu chẩy không còn dấu vết.
– Gió vàng thổi tiêu ngọc, ai là kẻ tri âm? (2)
– Qua vạn cửa không ngừng ở thanh không.
– Câu đối thoại của ngươi thực cao thâm! (3)
– Rồng sanh phụng hoàng vàng, xung phá sóng nước xanh.
– Mời uống trà!
Bình hòa thượng lại hỏi:
– Gần đây ngươi đi đâu?
– Long Quang.
– Long Quang thế nào rồi?
Lâm Tế không đáp, đi ra.
(Lâm Tế Lục)
Đoạn vấn đáp (1):
Hoàng Bá nói gì?
– Hoàng Bá dạy ta chân lý tột cùng, nhị nguyên đối đãi biến mất không còn dấu vết.
Đoạn vấn đáp (2):
– Dĩ nhiên giáo lý của Hoàng Bá cao siêu, nhưng ngươi có thực sự hiểu không?
– Không những ta hiểu mà còn vượt lên trên nữa kìa!
Đoạn vấn đáp (3):
– Ngươi đã rời khỏi tầm tay!
– Con rồng Hoàng Bá sanh con phượng Lâm Tế, đã đạt tới cảnh giới cao nhất.
Bình hòa thượng ngưng tranh luận.
(Akizuki, dẫn theo Watson)
Tải Xuống Những Đóa Hoa Thiền – Quyển Trung DOCX File hay PDF File
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ – Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003