Tổ Bồ Đề Đạt Ma Và Giá Trị Siêu Việt Của Nền Thiền Học Việt Nam

IV. NHỮNG THIỀN SƯ DẤN THÂN ĐI VÀO CUỘC ĐỜI

Thiền lưu truyền và cất giữ trong nhân gian một cách lâu đời và bền bỉ nhất khi thiền đã tách rời khỏi những hình thức khuynh hướng quyền thế. Thiền phải là một sự phổ cập đa dạng trong mọi lãnh vực và là nguyên tố cơ bản trong mọi tầng lớp. Thiền Việt Nam dung hòa và tìm thấy sự giác ngộ ngay trong cuộc đời. Ngoài cuộc đời này ra sẽ không có giác ngộ, quên mình để phụng sự cho kẻ khác đó là lý tưởng dấn thân của Phật Giáo. Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã lưu lại những vị Thiền Sư đi vào cuộc đời như Thiền Sư Định Không (729-808) La Quý An (851-936) Khuông Việt (931-1011) Pháp Thuận (915-991) và Vạn Hạnh (mất 1025) nổi bật Thiền Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (dòng Vô Ngôn Thông) được vua Đinh Tiên Hoàng phong làm vị Tăng Thống đầu tiên của Việt Nam. Và điểm nổi bật nhất là Thiền Sư Vạn Hạnh với sự nghiệp xây dựng nhà Lý mà cho đến bây giờ công nghiệp ấy hãy còn bàng bạc trong nhân gian.

Một hành động dấn thân khác nữa đó là Thiền Sư Trần Nhân Tông dòng Vô Ngôn Thông ngài đổi thành danh hiệu khác đó là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Là một vị thượng hoàng nhưng ông từ bỏ tất cả để làm một sơn tăng tu theo hạnh đầu đà. Ông đã chuẩn bị đi tu bằng cách tập sự xuất gia nhiều năm khi còn là một ông vua. Ngài một mình chống tích trượng đi du hóa khắp nơi khuyên dân chúng bỏ ác làm lành, tạo tình liên bang với Chiêm Thành ông đã gả con gái Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân để duy trì nền hòa bình giữa hai dân tộc.

Hình ảnh của một Thiền Sư khác là “Chí Thành Thiền Sư, con của Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành sinh năm 1861 tại Quảng Nam”. Ông tham gia phong trào văn thân khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông vào tu ở chùa Giác Viên Chợ Lớn, ba năm tròn lo việc công quả: gánh nước, bửa củi, giã gạo. Sau đó ông nhập thất và tịnh khẩu trong ba năm. Năm 1892, ông đi cứu trợ bão lụt tại Gò Công và năm 1895 ông lại đi cứu trợ bão lụt ở Châu Đốc. Một mình ông độc suất cứu vớt được hơn 500 người đem về chùa nuôi cho đến khi nước rút. Ông thu thập tẫm liệm, mai táng không biết bao nhiêu là thi hài không thừa nhận. Ông lại còn bị mật thám Pháp bắt giam gần một năm trời vì những hoạt động xã hội trong “Tương Lai Thiền Học” của Nhất Hạnh trang 31.

Chính những hạnh nguyện dấn thân nầy mà thiền len lõi trong quần chúng, có những lúc không nhất thiết vị Thiền Sư phải đăng đàn thuyết pháp mà ngay hành động của quý Ngài trở thành bài pháp không lời và chỉ có những bài pháp sống động này mới tồn tại lâu bền và hiệu quả thâm sâu nhất. Đi vào cuộc đời để rồi xoa dịu và chuyển hóa những thống khổ đang bao phủ con người, Đạo Phật vốn đã không tách rời ra khỏi những đau khổ mà hình thành và càng không có nghĩa đạt được giải thoát ra ngoài cuộc đời nầy ra. Dấn thân nhưng không bị cuộc đời vùi lấp hay làm hoen ố được. Phải duy trì liên tục lý tưởng phụng sự kẻ khác trong cương vị xuất thế của mình. Các Thiền Sư đã trở về ung dung thanh thoát sau khi đã hoàn thành đại nguyện độ sanh.

V. CHẤN CHỈNH LẠI NỀN THIỀN HỌC VIỆT NAM

Từ thế kỷ thứ 14 trở đi nền Thiền Học Việt Nam bị Mật Tông và Tịnh Độ lấn áp. Hai buổi công phu ở chùa đều ảnh hưởng Mật và Tịnh. Dù rằng Thiền được bao phủ và tác động lên trên tất cả Mật và Tịnh bởi lẽ hành giả phải ngưng tất cả những vọng động để tìm sự thanh thoát nơi tâm hồn, không để tâm tư dong ruổi theo trần thế, kiểm soát nội tâm bằng ánh sáng giác ngộ. Chiếu soi liên tục trong mọi tình huống. Nếu niệm Phật trăm ngàn câu mà tâm không niệm có ích gì đâu trên lối về giác ngộ, chỉ đạt được chút phước báo ở tiểu quả nhơn thiên. Vẫn còn phải dụng công trên đường tìm về giải thoát.

Thiền chỉ còn trong sự bàng bạc bao phủ không còn là then chốt trong hai thời công phu ở chùa nữa. Hầu hết các tự viện và chúng ta đều xuất phát từ Thiền “Lâm Tế” nhưng điều này đã không được phát huy đúng mức, nên có sự pha trộn giữa Tịnh hoặc Mật. Tịnh độ tông chỉ là sự biến dạng của Thiền nên sự dung hòa khó mà tìm thấy. Với đa số quần chúng hẳn nhiên không như vậy Tịnh và Thiền là hai chứ không phải là một.

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam phần lớn là Thiền Tông, nó đã bám rễ và ảnh hưởng sâu đậm trong quần chúng bằng sự tỉnh thức, kiên nhẫn và hy vọng. Nếu tất cả những hành động đều được ngự trị bởi thức tỉnh, sáng suốt hẳn nhiên chúng ta đã không gây khổ đau cho mình và kẻ khác. Con người không có được sự tỉnh thức con người đó trở thành một nguy cơ cho chính họ và cả loài người. Họ có thể xử dụng quyền thế, ưu điểm để lừa dối, và đưa con người đi vào cõi chết không một chút tiếc thương.

Trong sự khổ đau cùng cực nhất của Dân Tộc hiện tại phải chăng đều xuất phát từ những kẻ không có được một phút giây tỉnh thức nào? Và đã không có được một ý nghĩ về kết quả mà chính họ đang tạo nên. Chỉ khi nào ý thức về con người đang chơi vơi trên hố thẳm may ra họ mới tìm thấy được giá trị của sự tỉnh thức.

Cần phải phát huy duy trì nền Thiền Học Việt Nam trong mọi chiều hướng mới có thể vơi đi những phiền trược cho con người. Thiền là yếu tố cơ bản nhất trong việc đi thẳng đến giải thoát. Sự giải thoát không nằm trong tương lai mà nó có ngay trong hiện tại nầy. Một khi con người thực sự tĩnh lặng bình an, và kết quả này luôn ngự trị tác động liên tục thì may ra con đường đi đến giải thoát mới hiển lộ. Còn nếu sóng sau dồn sóng trước thì uổng phí cả một đời, sự giải thoát được quyết định ngay trong hiện tại và đó là nền móng xây dựng sự an lành, và một nụ cười bất diệt. Ngoài lãnh vực nầy ra, thiền còn là yếu tố cơ bản trong tất cả những lãnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị, dấn thân v.v…

Những hành hoạt thường dụng nếu có sự tỉnh thức, quán chiếu thì không việc gì mà chẳng thành, không gì làm hoen ố được. Lập chí như núi cao, nguyện lực thâm hậu, dụng công trong vi tế thì sá gì những trì trệ ứ đọng. Tâm tư trùm kín cả vũ trụ không một mảy may nào động tới được, vứt bỏ tất cả những gì đối đãi, tham trước. Chỉ còn lại một hạnh nguyện cao cả đi vào cuộc đời để chuyển hóa mọi thống khổ của con người vơi đi, để linh động mang dòng nước thanh lương tưới mát lửa phiền của chúng sanh, để hát những khúc ca chứng đạo truyền giảng cho hữu tình, và để vươn lên chọc thủng màn đen bao phủ cuộc đời.

Một khi hạnh nguyện hoàn xong phải buông xả tất cả, thong dong tự tại trở về từ nơi khởi điểm. Để không còn thấy điểm xuất phát và nơi đến, thì cuộc đời vẫn là cuộc đời, khổ đau cũng chỉ là khổ đau, hạnh phúc Niết Bàn như cơn lốc, như gió thoảng mây bay. Tất cả chỉ còn lại lối về trước mặt không còn mờ mờ hoang lộ và đàng sau không còn gò núi chập chùng muôn lối.

Thênh thang trên đoạn đường không dài cũng không ngắn từng bước đi là cả một cung đàn tuyệt diệu, hoa vẫn nở trên đường, lối đi chuyển về đâu !

Như Hùng (Trích dẫn từ sách Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ)

http://www.hophap.net/

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.