Đức Phật với người nghèo khổ – Cò và cua

Một hôm Phật ứng thỉnh ông Cấp Cô Độc, đến Tịnh xá ông lập an cư 3 tháng. Phật thuyết pháp giáo hóa nhân dân thành Xá Vệ vô số, ai cũng cảm mến Ngài và được ánh đạo soi sáng đời sống. Nên sau 3 tháng an cư, khi Ngài ra đi, từ quan quân cho đến dân chúng ai cũng khóc thỉnh Đức Phật ở lại ít nhất là một tuần nữa. Nhưng Ngài không hứa nhận, bấy giờ trong nhà ông Cấp cô Độc có người tớ gái tên là Phước Lê, nàng rất nghèo khổ nhưng giàu lòng hướng thượng: Nghe Phật ra đi, nàng cũng như mọi người, lòng buồn tủi vô hạn, nhưng nàng nghĩ Đức Phật không phân biệt nghèo khổ như ai, nên đánh bạo đến trước Phật đảnh lễ và thỉnh Phật ở lại. Phật liền nhận lời và ôn tồn bảo mọi người:

– Lòng ta không phân biệt, song chỉ muốn làm cho mọi người nghèo khổ mà nàng Phước Lê là một người được tắm gội ánh đạo từ bi. Ta nhận lời để mọi người thấy rằng người nghèo khổ không phải đáng khinh. Trí giác chỉ có ở nơi họ cũng như lửa chỉ có ở nơi cây khô.

Được Phật nhận lời và nghe Ngài dạy như vậy, mọi người đổi cái nhìn khinh thị ra cái nhìn biết ơn, nhìn nàng Phước Lê và nói với nhau:

– Người nghèo khổ nhất lại có thể gần đấng Trí Giác nhất.

MINH CHÂU

Không nên căn cứ vào địa vị xã hội hay là gốc tích cha mẹ bà con mà phán đoán một con người nào. Con người sinh ra là tuân theo cái nghiệp của mình. Nó khiến mình vào lòng người đàn bà sau mà đáp sự thừa thiếu ở đời trước vậy.

Cò và cua

Một ngày kia, ở vườn Trúc Lâm, trước một số đông đệ tử, trong đó có vua (Vimbasana) Bình Sa Vương và Hoàng tử A Xà Thế (Ajâtacatrou) Đức Phật bố thí Pháp, Ngài nói:

– Hỡi các đệ tử, nghe và suy ngẫm ta nói: “Dùng mưu mô xảo trá để mưu đồ một việc gì, không bao giờ thành công. Ác nghiệt, bạo tàn, chỉ đem lại kết quả thảm khốc”.

Để chứng minh câu hỏi đó, ta kể cho các đệ tử nghe một câu chuyện sau nầy ta đã chứng kiến.

Trong một tiền thân ta xưa kia, ta là một vị thần ở một cổ đại thụ. Cổ đại thụ mọc trên một khoảng đất, hai bên có 2 cái đầm: một cái nhỏ xấu, một cái lớn nom rất ngoạn mục. Trong cái đầm nhỏ có rất nhiều cá, cái lớn sen mọc che kín mặt nước.

Gặp một năm, trời làm tiêu khô, hạn hán, cái đầm nhỏ nước cạn gần hết, trái lại cái đầm lớn có sen phủ, không bị cạn, nước lúc nào cũng mát rượi.

Tình cờ một con cò đi ngang qua đó, nom thấy trong đầm nhỏ nhiều cá vô kể. Nó đứng lại, co một chân lên suy nghĩ: “Cá nhiều thế này, tuyệt quá, nhưng giống này lanh lắm, đụng vào, chúng sẽ lủi bằng hết, vị tất đã bắt được con nào. Ta không nên kinh động, phải lập mưu mà tỉa dần”.

Nhưng nghĩ cũng ái ngại cho chúng, chen chúc nhau trong bùn nóng, nếu chúng được sang bên đầm bên kia, chúng được vẫy vùng, sung sướng lắm.

Trong đàn cá, có một con thấy Cò có một dáng điệu kỳ khôi, co một giò, đứng hàng giờ không nhúc nhích, như một tu sĩ quán thiền nhập định bèn hỏi:

– Tôn ông chắc có điều gì thắc mắc mà trầm tư mặc tưởng lâu thế?

– Đúng thế em ạ, nom thấy các em, anh không khỏi mủi lòng, nghĩ thân phận của các em anh rất lo và ái ngại.

– Tại sao Tôn ông nói lo và ái ngại cho chúng em?

Cò nói:

– Các em không thấy ư? Nước cạn gần hết, nếu trời cứ nắng như thế này, chẳng mấy lúc nước cạn hết, lúc đó các em sẽ ra sao, các em không nghĩ đến điều đó à? Các em sẽ chết khô hết. Nghĩ thế nên ta không cầm nổi nước mắt.

Đàn cá nghe cò nói, hoảng cả lên, đứng khấu đầu trước vị cứu tinh, năn nỉ:

– Tôn ông ơi, Tôn ông có mưu chước gì tế độ, giúp chúng em thoát khỏi cảnh hiểm nghèo này không?

Cò làm bộ nét mặt rầu rầu, vờ đứng suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi nói:

– Anh suy nghĩ đã nhiều, chỉ có một kế nầy có thể cứu các em trong tình trạng nguy ngập này.

Đàn cá chen lấn nhau, lắng tai, cố nghe cho rõ, Cò nói:

– Ở gần đây có một cái đầm tuyệt đẹp, rộng lớn hơn cái nầy nhiều, sen mọc phủ đầy đầm, nước vì thế không cạn. Các em di cư sang ở bên đó, anh lấy mỏ cắp từng em một chuyển sang, chỉ có cách đó mới có thể thoát được cảnh hiểm nghèo thập phần nguy ngập nầy.

Đàn cá nhiệt liệt hoan hô tán thưởng. Bỗng có một con Cua la lớn:

– Thật từ thuở lọt lòng mẹ tôi ra đến bây giờ, chưa bao giờ thấy có chuyện kỳ khôi như thế này!

Đàn cá nhao nhao lên chất vấn con Cua:

– Chú mầy lạ cái gì? Lạ làm sao?

Cua trả lời:

– Từ khai thiên lập địa đến giờ, có thuở nào Cò thương hại bọn Cá, Cua chúng mình. Chỉ khi nào nó đói, nó mới mò mẫm hỏi thăm anh em mình.

Cò làm ra bộ nhân đức, nghĩa hiệp xen vào:

– Chú Cua ơi! Lời nói của chú thất đức, tội quá, chú gieo rắc sự nghi kỵ, để cả bọn này chết thảm, chết nhục hay sao?  Anh chỉ tâm tâm niệm, cố làm sao cứu được các em trong lúc này là anh sung sướng, anh không có tà tâm, ác ý nào.

Quay về đàn cá, Cò nói:

– Lòng anh trong trắng, các em không nên nghi kỵ, phụ lòng. Muốn rõ hư thực, hãy cứ chỉ định một em, anh quắp sang bên kia đi chơi ít lâu rồi anh lại quắp về. Em đó sẽ tường thuật lại, các em sẽ rõ, lời anh nói, việc anh làm có đúng không.

Đàn cá tán thưởng ý kiến đó, đề cử một chú cá già mắt kèm nhèm, cho là chú này khôn ngoan, cho đi công cán để thăm dò đường đất.

Cò lấy mỏ quắp chú cá già sang đầm bên kia, thả xuống. Chú cá già tha hồ tung tăng, vùng vẫy thỏa thuê.

Khi ủy viên công cán trở về với đồng bọn ca ngợi cò hết lời, nó tường thuật đầm bên kia thật là bồng lai tiên cảnh.

Tất cả đàn cá nghe nói thích quá, suy tôn Cò là vị cứu tinh, nhao nhao xin Cò hoan hỷ chuyển vận di cư sang ngay bên đó, Cò nói:

– Anh xin hết lòng phục vụ các em, anh sẽ chuyển các em sang dần. Chú cá già được Cò quắp mỏ đi tiên phong. Lần này Cò có đem chú cá già sang đầm sen đâu, Cò quăng chú xuống đất, rỉa hết thịt, còn xương vứt ở dưới gốc cây cổ thụ.  Ăn thịt cá già. Cò quay về đầm bảo đàn cá:

– Nào em nào muốn đi với anh bây giờ?

Tất cả đàn cá nóng lòng muốn biết cảnh non bồng tranh nhau đi, Cò tha hồ lựa chọn, con nào vừa mắt đem đi ăn thỏa thích.

Dần dần cả đàn cá, con lớn, con nhỏ, con già, con trẻ được định cư vào bụng Cò.

Tất cả đầm chỉ còn sót lại một con Cua. Cua vẫn thắc mắc nghi sự man trá, thủ đoạn của Cò. Nó nghĩ:

– Ta nghi quá, đàn cá được sang bên đầm sen thật là vô lý, không khéo cả đàn, cả lũ chui hết vào bụng Cò gian hùng.

Ở đây đất hẹp nước cạn, ta cũng cần phải di chuyển đi nơi khác, nhưng có đi ta cũng phải tính toán kỹ càng, phòng Cò có manh tâm phản phúc, ta phải có cách đối phó kịp thời. Mình mà có chết nó cũng khó bảo toàn được tính mạng nó.

Cò lại gần Cua, vồn vã, mơn trớn:

– Bây giờ đến lượt chú mầy, anh đưa chú mầy sang bên đó?

Cua hỏi:

– Thế anh đưa em sang bằng cách nào?

Cò nói:

– Ô hay! Thì cũng như các em cá, anh quắp vào mỏ, chứ còn bằng cách nào?

Cua nói:

– Em nghĩ như thế không được anh ạ.  Cái áo (vỏ) của em nó cứng ngắc mà trơn lắm, anh quắp em sẽ bị tuột mất. Nếu anh cho em bám vào cổ anh em cố lựa không để anh đau đâu, như thế có lẽ bảo đảm hơn, chắc chắn hơn.

Cò nghe gật đầu ưng thuận.

Cò đem Cua đi, đến gần gốc cây nó đứng lại. Cua hỏi:

– Sao anh lại đứng lại chỗ này, anh Cò? Anh mỏi chân rồi à? Hai cái đầm cũng chẳng cách xa nhau mấy.

Cò lặng thinh không biết đằng nào trả lời.

Thấy khác ý Cua bèn bắt đầu dùng hai cái càng siết chặt cổ Cò:

– À nầy! Cái đống xương cá ở dưới gốc cây đã tỏ lòng thâm độc, xảo quyệt của mầy. Cò ơi! Mầy không lừa nổi tao đâu như mầy đã bịp tụi cá.

Cò bị đau quá, nước mắt dàn dụa thổn thức:

– Em Cua ơi! Anh đau quá! Anh không hại em đâu, anh sẽ đưa em sang đầm sen.

Cua nói như truyền lệnh:

– Đi, mau!

Cò lủi thủi sang bên đầm sen, vươn cổ đặt ngang mặt nước, để Cua xuống.  Nhưng Cua dùng hết sức hai càng siết chặt cứa cổ Cò đứt làm đôi.

Vị thần ở cổ đại thụ, được mục kích nói:

– Cua làm thế phải lắm. Ác giả, ác báo!  Đừng mưu mô xảo trá để mưu đồ vị kỷ không bao giờ thành công.

Ác nghiệt bạo tàn chỉ đem lại kết quả thảm khốc.

Con cò gian manh lại gặp phải con Cua mưu trí.

Đức Phật kết thúc thời pháp, Ngài nói:

– Hỡi các đệ tử, nhất là Hoàng tử A Xà Thế có mặt ở đây, chớ có quên chuyện ta vừa kể.

Vua Bình Sa Vương khấu đầu trước Phật, cám ơn Ngài đã bố thí cho một thời Pháp rất hữu ích, những ai có tánh mang tâm, sâu độc lấy đó làm gương mà sửa mình.

NGUYỄN THẾ VINH

Hại người sẽ bị người hại,

Oán người sẽ bị người oán,

Mắng người sẽ bị người mắng,

Đánh người sẽ bị người đánh.

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập
http://4phuong.net/ebook/32252207/120350552/tap-ii-13.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.