Tản mạn về sự triệt ngộ về Diệu Tánh của Thiền Sư Ngộ Ấn ( 1019-1088 ) Đời thứ 8 Thiền phái Vô Ngôn Thông và Tổ Phước Hậu ( 1862-1949 ) về chữ Như .
Chỉ với Đạo hiệu Ngộ Ấn đã minh chứng sự triệt ngộ được Phật Tri Kiến trong Kinh Pháp Hoa qua bài kệ thị tịch vì nghĩa lý đã thông suốt, hơn thế nữa Ngài đã chỉ rõ thế nào là ” Tri Hành hợp nhất ” của Kinh Viên Giác khi thượng đường diễn giảng về yếu nghĩa Phật, Pháp, Thiền “.
Nếu bài kệ kiệt tác thị tịch của Ngài Ngộ Ấn đã được lưu truyền trong thi đàn văn học Phật Giáo VN trong triều đại nhà Lý cho đến nay:
( Diệu tánh hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn ).
….thì vào thế kỷ cận đại của Phật Giáo Việt Nam…. Trong Thiền môn, nhiều người đều biết đến bài kệ nổi tiếng và rất đặc biệt của Tổ Phước Hậu( 1862-1949 ) xứng đáng là một kiệt tác của một bậc chân tu đạt đạo.
“ Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay nghĩ lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ. “
Cả hai đều diễn đạt sự thậm thâm vi diệu của Phật Pháp !
Đại Phước duyên giữa đại dịch còn được học :
Cảo thơm lần giở …
… Hai bài thi kệ kiệt tác đã lưu truyền
Trong văn học Việt Nam và Phật Giáo cửa Thiền (1)
Tuyệt diệu làm sao sự triệt ngộ của Thiền Sư Ngộ Ấn(2)
Ngộ Nhập Tri Kiến Phật do thông suốt nghĩa lý kinh Pháp Hoa
Bài kệ thị tịch chỉ rõ ” Diệu Tánh ” hằng hữu có trong ta (3)
Uyên nguyên Kinh Viên Giác sáng tạo TRI HÀNH HỢP NHẤT
Với Phật, Pháp, Thiền … và Đại Đạo công án chỉ ra sự thật (4-5)
Muốn đạt đạo cần đạt đến chỗ rỗng, không tâm
Thiền là trực cảm tâm linh, muốn đốn ngộ phải tiệm dần
Đập gãy sự phân biệt… thoát ly ngôn từ hiển lộ thực tại
Ngưỡng kính bậc hiền triết có truyền thuyết hoang đường ghi lại (6)
Với bài kệ chữ NHƯ từ Tổ Phước Hậu (7) … bậc đạt đạo vô ngại
Tham cứu ba yếu nghĩa rốt ráo phải minh tường (8)
Tinh thần học Phật cần hư tâm khi tiến bước lên đường
Thấy như nó đang là… ( Yathābhūtā Tathatā )… đơn giản của NHƯ THỊ !
Kính trân giữ… chữ ” Như “bậc Đại sĩ
… Đấng chân tu thượng căn thượng trí !
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát
Huệ Hương – Melbourne 21/8/2021
______________________________
(1) Vào thế kỷ hiện đại thiền môn đã truyền tụng bài kệ về chữ Như của Tổ Phước Hậu và được sánh ngang hafng kiệt tác với những bài kệ thị tịch của các thiền sư thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông và Tỳ Ni Đa Lưu Chi thời nhà Lý.
(2) Năm Sư lên mười, nhà sư Chiêm Thành cho Sư theo học Nho, học vấn càng ngày càng tiến. Sư thông cả hai thứ chữ Hán và Phạn.
Năm mười chín tuổi, Sư xuất gia thọ giới Cụ túc, chuyên học hai bộ kinh Viên Giác và Pháp Hoa, nghĩa lý thông suốt. Sư theo học thiền với Thiền sư Quảng Trí ở chùa Quán Đỉnh và được Quảng Trí truyền tâm ấn.
Sau, Sư đi vào Ninh Sơn phủ Thiên Ứng kết cỏ làm am tranh ở tu (sau thành chùa hiệu là Long Ân), lấy hiệu là Ngộ Ấn.
(1) Niên hiệu Quảng Hựu thứ tư (1088), ngày 14 tháng 6, sắp thị tịch Sư nói bài kệ:
Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin,
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin.
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy,
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
( Diệu tánh hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn ).
Nói kệ xong, Sư vui vẻ thị tịch, thọ sáu mươi chín tuổi, môn nhân để tâm tang ba năm.
Bài kệ Thị tịch được HT Thanh Từ diễn giải như sau :
( Diệu tánh hư vô bất khả phan,
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.
Diệu tánh là tánh nhiệm mầu, là pháp gốc, không có hình tướng
Bất khả phan là không thể vịn vào để nắm bắt
Hư vô là rỗng không
Nếu tâm đã rỗng không thì ngộ được diệu tánh không khó gì ?
Thật ra Diệu tánh là tánh giác hằng sáng suốt nhiệm mầu mà người thế gian ít ai nhận biết Nghĩa hai câu này đồng nghĩa với câu mà Tổ Vô Ngôn Thông đã liễu ngộ khi nghe Ngài Bách Trượng dạy cho một thiền sinh ” Tâm địa nhược không, Huệ nhật tự chiếu “.
Vậy thì nghĩa 2 câu này ” Muốn được giác ngộ như Phật thì tâm phải rỗng không “.
Lại tiếp theo :
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Trên ngọn núi cháy còn có hòn Ngọc quý, dù lử cháy đốt hết cây cỏ trên núi mà nó vẫn tươi nhuần, không hề bị khói bụi, làm cho mờ đục hay bị khô nút vì sức nóng.
Ngọn lửa cháy ví cho thân tứ đại của chúng ta thường bị lửa vô thường thiêu đốt
Hòn Ngọc quý chính là diệu tánh sáng suốt nhiệm mầu hằng hữu của chúng ta
Dù cho thân ta khi bị hoại diệt rồi nhưng diệu tánh ấy vẫn sáng chói như viên Ngọc quý, rất nhiệm mầu.
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Hoa sen cũng được ví như diệu tánh của mỗi người. Thực tế hoa sen không nở được trong lửa, nhưng hoa sen ở đây là tánh giác hằng thanh tịnh sáng suốt dù trong thân vô thường bại hoại mà tánh giác thì bất hoại.
Hai câu cuối của bài thị tịch nhắc nhở ta rằng ” dù thân ngũ uẩn này có bị lửa vô thường thiêu đốt nhưng Tánh Giác vẫn thường hằng thì ta không còn sợ sinh tử nữa “.
(4) Có người đến hỏi:
– Thế nào là Phật, Pháp và Thiền?
Sư đáp:
– Đấng Pháp vương Vô thượng, ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ở tâm là Thiền. Tuy có ba thứ, kỳ thật là một. Ví như nước ba con sông, tùy chỗ đặt tên tuy chẳng đồng, mà tánh nước không khác.
Đã được các học giả cho rằng đay là một chủ trương kiểu “ Tri hành hợp nhất ” Sự quân bình giữa tâm và trí còn đưa đến một kết quả siêu việt hơn đó là sự thống nhất giữa tri thức lý thuyết, hành động thực tế và động cơ tình cảm của thiền sư.
-Ở thân là Phật: Thân Phật là chân lý nhập thể, tức Phật nhập thế gian để hành đạo bằng những hành động hy sinh của chính bản thân mình. Ở “thân là Phật” tương ứng với hành động thực tế, cần phải có ý chí mạnh mẽ, quả cảm đủ để chấp nhận những thiệt thòi về phần mình. Đây là đức Dũng của luân lý Phật giáo.
-Ở miệng là Pháp: Nhưng trước khi làm được những hành động cứu đời, phải có cái biết đầy đủ, trọn vẹn (viên giác) và bậc giác giả lại cứu đời bằng cách giác tha: giảng thuyết cho người đời biết về giả tướng, về thực thể của vạn sự vạn vật (pháp) để họ có thể giác ngộ được chân lý mầu nhiệm. Vậy “ở miệng là pháp” tương ứng với tri thức biện luận, tức dùng đến lý thuyết, ngôn ngữ của thế giới nhị nguyên tương đối. Đây là đức Trí của luân lý Phật giáo.
-Ở tâm là Thiền: Nhưng đặc sắc của triết học Phật giáo là phủ định triệt để, kể cả Niết bàn. Nhất là Thiền tông lại không trọng ngôn ngữ bằng trực giác (tâm), bằng trực cảm tâm linh, vì nó giúp cho người tu tập thấu đạt chân lý một cách trực tiếp qua quá trình chiêm nghiệm (dĩ tâm truyền tâm). Vả lại, tự giác và giác tha là lý tưởng của bậc giác ngộ bao giờ cũng xuất phát từ nơi tâm, thực hiện do động cơ tâm linh thúc đẩy (Phật tại tâm; Nhất niệm khởi thiện ác dĩ phân). Vậy tâm là động cơ tình cảm thúc đẩy bậc giác ngộ ở lại thế gian để cứu vớt con người trong cảnh trầm luân. Cũng như thái tử Tất Đạt Đa xưa kia quyết lìa bỏ ngai vàng, thoát ly gia đình chỉ vì động lực duy nhất muốn tự mình thoát khỏi và muốn cứu vớt nhân loại vượt khỏi cảnh sinh, lão, bệnh, tử. Đây là đức Bi trong luân lý Phật giáo.
Vậy Phật, Pháp, Thiền (Thân, Khẩu, Tâm) chung quy là ba phương diện của cùng một chân lý mầu nhiệm, thực hiện bằng cả con người và cuộc đời của đức Phật hay những ngưới theo Phật, lý trí, tình cảm, hành động bao giờ cũng gồm trong một thân xác.
(5) Có vị Tăng đến hỏi:
– Thế nào là đại đạo?
Sư đáp:
– Là đường cái.
– Con hỏi đại đạo, Hòa thượng đáp đường cái, chưa biết bao giờ đạt được đại đạo?
– Con mèo chưa biết bắt chuột.
– Con mèo có Phật tánh chăng?
– Không.
– Hòa thượng có Phật tánh chăng?
– Không.
– Tất cả chúng hàm linh đều có Phật tánh, vì sao riêng Hòa thượng không có?
– Vì ta chẳng phải hàm linh.
– Đã chẳng phải hàm linh tức là Phật chăng?
– Ta chẳng phải Phật, cũng chẳng phải hàm linh.
Công án chém mèo của Ngài Nam Tuyền cuxng dẫn chứng tinh thần nhị nguyên phân biệt cần phải đập gãy thì HT Thích Nhất Hạnh cũng đã diễn đạt công án này như sau :
Ta thấy ngay sự khác nhau giữa hai đàng: một đàng thì muốn nghe những tư tưởng về đại đạo, một người muốn kéo người đối thoại về thế giới sinh hoạt thực tại.
Một người thì đi tìm định nghĩa căn cứ trên sự phân biệt,
một người thì cố gắng đập gãy lề lối thói phân biệt để hiển lộ thực tại vốn thoát ly danh từ và sự phân biệt.
( Mẫu đối thoại trên đây cho thấy sự cố gắng của cả thiền sư lẫn đệ tử trong việc khai mở trí huệ của người đệ tử.
Bắt đầu ta thấy vị tăng đưa ra câu hỏi về ” đại đạo ” đối tượng của giác ngộ, và muốn nghe lời giải thích của Ngộ Ấn về đối tượng và sự chứng đắc này.
Ngộ Ấn thấy rằng đưa cho vị tăng một mớ ý tượng về đại đạo thì chẳng ích lợi gì cho ông ta cả, nên chi nói đường lớn.
Câu trả lời này làm thất vọng vị tăng, bởi ông này đang chờ đợi những giải thích có tính cách khái niệm và trừu tượng.
Ðường lớn là một hình ảnh cụ thể, là sự sống hiện thực mà không phải là những khái niệm triết học trừu tượng.
Vào trường hợp của một căn cơ bén nhạy hình ảnh này có thể gây xúc chạm để gợi ý chứng ngộ.
Nhưng ở đây, vi tăng chỉ tỏ vẽ thất vọng suông: mũi tên thứ nhất không bắn trúng đích.
Ngộ Ấn liền nói: “mèo con chưa bắt được chuột đâu” mục đích để cho vị tăng chiêm nghiệm thêm về thoại đầu ” con đường lớn “.
Nhưng vị tăng lại nghĩ rằng vị thiền sư chê mình không đủ khả năng để hiểu những lời giải thích về đại đạo nên đã không chịu giải thích.
Ông ta liền đem giáo lý đại thừa ra để chặn thiền sư : ” Mèo con có Phật tính không? ” Ngộ Ấn là người giác ngộ, đâu còn bị ràng buộc bởi kinh điển giáo lý nữa, ông nói ” Không “.
Vị tăng bắt đầu nghĩ rằng Ngộ Ấn đi lệch khỏi giáo lý nhà Phật, bèn gạn hỏi lại, lần này một cách thiếu cung kính: ” Kinh nói tất cả hàm linh đều có Phật tính, tại sao hòa thượng nói hoàn toàn (thay vì con mèo) lại không có Phật tính? ”
Thiền sư Ngộ Ấn vẫn còn kiên nhẫn: ” Ta không phải hàm linh ”
và sau câu hỏi “Thế ngài là Phật chăng”
ông còn cố gắng lần chót: “Ta không phải là Phật cũng không phải là hàm linh” ).
(6) Sư họ Đàm, tên Khí, quê ở Tư Lý làng Kim Bài. Theo truyền thuyết, mẹ Sư họ Cù, khi chưa lấy chồng nhà bà ở gần khu rừng cạnh làng. Một hôm, bà đang dệt vải ở trong nhà, bỗng có một con khỉ lớn vào ôm sau lưng bà trọn cả ngày rồi mới đi. Sau đó, biết có thai. Khi bà sanh được một đứa con trai, bà ghét lắm đem bỏ trong rừng. Trong làng có một nhà sư họ Đàm, người Chiêm Thành, lượm đem về nuôi đặt tên là Khí.
(7) Từ Năm Kỷ Hợi 1899 ( Thành Thái thứ 11 ), khi Hòa thượng Bổn sư được phong Tăng Cang chùa Diệu Đế, Ngài được đề nghị kế thế trụ trì, nhưng Ngài từ chối, chưa dám đảm nhận trách nhiệm bằng danh xưng ấy, muốn được tiếp tục hỗ trợ âm thầm bên cạnh Bổn sư.
Năm Mậu Thân 1908 ( Duy Tân thứ 2 ), Ngài được Hòa thượng Bổn sư phú pháp qua bài kệ dưới đây và ban pháp hiệu Phước Hậu, húy Trường Thịnh, tự Như Trung:
Thuần thành bổn tánh mỹ Như Trung
Tảo tận trần tâm Đạo lý chung
Đức thạnh tự năng mông Phước Hậu
Chơn truyền y bát chấn tôn phong.
Năm Bính Thìn 1916 ( Khải Định thứ 1 ), Ngài được bộ Lễ triều đình sắc ban trụ trì chùa Trường Xuân.
Năm Kỷ Mùi 1919 ( Khải định thứ 4 ) vào tháng 7, Ngài được chư Sơn bảo cử trụ trì chùa Linh Quang.
Năm Mậu Dần, Bảo Đại thứ 13 ( 1938 ), sau khi nghe bộ Lễ trình tấu quá trình xuất gia đến những thành quả tu học của Ngài được tiếng tốt khắp nơi, vua Bảo Đại sắc phong chức Tăng Cang kiêm trụ trì chùa Báo Quốc.
Sự kiện này, dưới triều Bảo Đại là một việc được xếp vào diện “ tế nhị ”. Khi đã biết điều đó, chư Sơn môn tỏ ra thờ ơ và bản thân Ngài cũng chẳng mấy thiết tha, nếu không có tiếng nói của Đoan Huy – Từ Thái Hậu (tức đức Từ Cung, mẹ Bảo Đại) thì cả vua tôi đều lâm vào tình trạng “ không nên có ”.
Có lẽ, đây là lần phong chức Tăng Cang cuối cùng của triều Nguyễn và người đón nhận đó là Ngài, như đại diện nét chấm phá của luật nhân quả qua một hành động tốt đẹp. Nhờ vậy, trong số rất nhiều bài thơ Ngài sáng tác trong thời gian này, có những bài như :
Tâm thanh thiên hữu nguyệt
Tánh tịnh hải vô ba
Viên minh tàng nhất điểm
Phóng xuất mãn sơn hà
Và với chúng Tăng, Ngài để lại bài thơ nổi tiếng:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như
Năm Kỷ Sửu 1949, ngày 30 tháng 2, Ngài an nhiên thị tịch để lại nhiều luyến tiếc của hậu thế, khi nhìn được lăng kính thời cuộc đã lý giải những lời Ngài hằng dạy. Ngài thọ 87 tuổi đời là cũng ngần ấy tuổi đạo trắng trong với 55 Hạ lạp. Nhục thân được các đệ tử lập tháp tôn thờ bên hữu trong khuôn viên chùa Linh Quang.
(8) Tổ dạy rằng Chỉ nhớ một chữ NHƯ, tức chữ NHƯ đã chứa đựng đủ lời Phật dạy
a- nhớ đến Như, tức là nhớ đến chữ NHƯ 如 được chiết tự từ hai chữ NỮ 女 và KHẨU 口. Tổ muốn răn đe các đệ tử hai thứ: Nữ là nữ sắc. Khẩu là cái miệng gồm ăn và nói.
Nữ sắc là thứ dục mạnh nhất mà đức Phật đã từng dạy trong kinh Tứ thập nhị chương: “ Sự thèm muốn không gì hơn sắc đẹp. Sự thèm muốn sắc đẹp, ngoài nó không gì lớn bằng. Cũng may chỉ có một mình nó mà thôi, chứ có cái thứ hai bằng nó thì người khắp trong thiên hạ không ai có thể hành đạo được vậy ”.
Nhớ đến nữ nhân để người tăng sĩ với tâm nguyện xuất gia nối dõi dòng Thánh, độc thân phạm hạnh, cầu giải thoát luôn nhắc nhở cẩn trọng chớ để buông lung. Đối với hàng Phật từ tại gia cũng cẩn trọng trong việc giữ gìn 5 giới mà giới thứ ba là không được tà dâm, để tránh đổ vỡ hạnh phúc thế gian.
Miệng là một trong sáu căn dễ phạm lỗi. Ăn thô nói tục. Ăn bậy nói bạ. Cái gì cũng ăn. Vì ăn mà giết hại sinh linh. Ăn tươi nuốt sống tạo nhiều nghiệp ác. Bạ đâu nói đó. Nói thêu dệt. Nói ly gián. Nói độc ác. Nói dối gian. Trong Luật dạy: “ Trong miệng con người ta có lưỡi búa… ” không những chém người mà còn chém mình.
Trong Bát Chánh đạo Phật dạy Chánh ngữ hàng thứ ba sau Chánh kiến, Chánh tư duy. Trong Tứ Nhiếp pháp của Bồ tát đạo, Ái ngữ đứng thứ hai sau Bố thí. Không những phúc mà họa cũng đều từ cái miệng. “ Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra ”.
Hơn nữa, Tổ cũng muốn dạy thêm, mặc dù đạo Phật chú trọng thực hành “ đến để mà thấy ” nhưng lý thuyết cũng rất nhiều, không đạo nào có kinh điển nhiều hơn Tam tạng.
Đọc không hết, nói vô cùng. Nói có cũng trúng, nói không cũng chẳng sai. “ Lìa tứ cú, tuyệt bách phi ”. “Bất khả thuyết, bất khả tư nghì”. Nói hoài nói mãi cũng chẳng hết. Vì thế, e rằng Tăng sĩ, Cư sĩ sau này học nhiều học cao chỉ để nói hay, viết giỏi mà hành dở, nói nhiều mà hành ít.
Chính vì vậy chữ Khẩu 口 ghép bên chữ Nữ 女 tạo thành chữ Như cũng là cách phương tiện thiện xảo ẩn ý nhắc nhở mọi người phải luôn luôn cảnh giác đề phòng hai món đó.
Xưa kia, đức Phật nói pháp ròng rã suốt bao nhiêu năm, cuối cùng Ngài tuyên bố “ thẳng ” suốt bao nhiêu năm ta chưa từng nói một chữ. Cầm đóa hoa sen chỉ mỉm cười. Còn Tổ là đệ tử Phật, không bằng Phật nên phải học, mà học Phật “không thiếu” tức nhiều lắm, và không học những thứ không cần thiết cho nên “không dư”. Để rồi cuối cùng chỉ còn nhớ vỏn vẹn một chữ NHƯ.
b- Cái thứ hai nhớ Như, là nhớ Như Lai, tức Chân như thực tướng của các pháp, là tính Phật, là Bồ đề tâm. Như Lai ấy không đản sinh ở thành Ca tỳ la vệ, cũng không nhập diệt ở Sa la song thọ. Bất sanh bất diệt. Không phải của riêng ta mà là của tất cả chúng sanh.
Là tri kiến Phật. Mỗi mỗi chúng sanh đều bình đẳng có.
Trong kinh Kim Cang , Như Lai đó là khái niệm được dùng để chỉ một thực tại siêu việt mọi tướng trạng – cái mà bản kinh này gọi là “thực tại phi tướng”. Nguyên ngữ tiếng Phạn của khái niệm này là Tathagata, dịch sang tiếng Trung Hoa là Như Lai. Kinh Kim Cương định nghĩa về khái niệm này như sau: ” Như Lai là một thực tại như thế, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu” (Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai)(1), hoặc “Như Lai là chân như của vạn pháp ” ( Như Lai giả, thị chư pháp như nghĩa )(2). Theo D.T.Suzuki, Như Lai chính là cái Như như của vạn pháp, nó vận hành một cách phổ quát trong các sự vật. Cái Như như này “vốn không được sinh ra và không sinh ra, lúc nào cũng vẫn như thế mà không mất đi cái căn bản tuyệt đối của nó, dù nó hiện diện và hoạt động trong tất cả mọi vật”(3). Với quan niệm này, Như Lai trong kinh Kim Cương mang một sắc thái hoàn toàn mới so với quan niệm Đức Phật quyền năng đã từng tồn tại trong tín ngưỡng dân gian và trong lịch sử Phật giáo Việt Nam từ mấy thế kỷ trước đó.
c- Cái thứ ba nhớ Như, tức là nhớ đến Như thị. Hòa mình trong đời với cái nhìn Như thị. Tức nhìn như vậy. Nhìn như vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mới chính là như vậy. “Nếu thấy các tướng không phải tướng tức thấy Như Lai” (Kinh Kim Cang). Nhìn Chánh kiến. Nhìn đúng như thực tướng của nó, như nó đang là.
Nhìn cuộc đời này là không thường còn, là thay đổi, mà chính sự không thường, còn, thay đổi ấy lại là cái thường, là chân lý. “ Vô thường thị thường”. Nhìn chúng sanh tuy đồng có một Như Lai Phật tánh, nhưng cũng muôn vạn loại sai biệt “từ tâm của chúng sanh tùy theo nghiệp mà phát hiện, khắp cả pháp giới ” ( Kinh Lăng Nghiêm ). Đó là “ Tướng như vậy. Tính như vậy. Thể như vậy. Lực như vậy. Tác như vậy. Nhân như vậy. Duyên như vậy. Quả như vậy. Báo như vậy. Và từ đầu đến cuối thảy đều như vậy ”. ( Kinh Pháp Hoa ).
Có cái “nhìn như vậy” nên có trí Bát nhã, “ quán sát tự tại, không dao động trở ngại trước thuận cảnh, không sợ hãi nghịch cảnh, không mơ mộng viễn vông, không hoang tưởng điên đảo, cho đến đạt được tâm thái an vui Niết bàn giải thoát ”( Bát nhã Tâm Kinh ).