Thiền Sư Mãn Giác

Thiền sư Mãn Giác ( 1052 – 1096 ) – Đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông.

Trong suốt cuộc đời tu hành của mình, Thiền Sư Mãn Giác chỉ để lại một tác phẩm duy nhất, nhưng cũng là một tác phẩm độc đáo của nền văn học thời Lý còn lại đến nay.

Đây là một tác phẩm văn học mà nét lung linh Triết học ẩn ngữ của Phật giáo đã đến mức độ thượng thừa khi mượn ngoại cảnh để chỉ ra Chân Tâm, Phật tánh, Trí Vô Sư

(Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.)

HT Thích Đức Nhuận dịch Việt

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến nở trăm hoa
Trước mắt đời chuyển biến
Đầu xanh tuyết điểm hoa
Đừng nghĩ Xuân tàn … hoa rụng hết
Bên thềm mai nở trắng đêm qua

Ngài không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể nào Ngài đang nói về cành mai BẤT DIỆT, cành mai bản thể ( bản chất, nền tảng ). Đây có thể gọi là phần THỊ của KHAI. THỊ NGỘ NHẬP, PHẬT TRI KIẾN với người đã giác ngộ ở đỉnh cao của trí tuệ đúng như Vua Lý Nhân Tông đã ban đạo hiệu là ( Mãn Giác ) cho Ngài.

Vì Ngài đã KHAI cho chúng ta thấy trong 4 câu đầu với tư cách là một Trưởng Lão, Ngài khuyên giải đồ đệ hãy chấp nhận lẽ tuần hoàn. Cái sinh cái tử là thông thường, đời người có sinh ra, có già đi, và có chết, cũng là chuyện thông thường.

Hơn thế nữa bài thơ đã có tác dụng đầu tiên trong việc cảnh tỉnh về Giáo lý nhà Phật. (Vô Thường, Khổ, Vô Ngã , Niết Bàn ) để nhận thấy rằng: Vũ trụ này là tuần hoàn, là vĩnh viễn sinh hóa theo luật nhân quả, và người đời – sắc thân mà mỗi con người mang lấy, do nghiệp của kiếp trước chuyển hóa mà có, và một trong những hình thức biểu hiện lẽ tuần hoàn của vũ trụ, đó là sự biến diệt không tránh khỏi và không trừ một vật gì ở trên đời này; theo một chu kỳ Thành, Trụ, Hoại Diệt.

Chấp nhận lẽ tuần hoàn, để đừng có những cuồng vọng về sự trường sinh bất tử của cá nhân, đừng bị lục tặc ( sáu tính xấu trong con người) hành hạ, làm cho tâm trở nên rối loạn – âu đó cũng là một biện pháp khai phóng tâm lý rất hay của người theo đạo.

Thiền, nó giúp người ta dẹp bớt đi bao nhiêu tham, sân, si, ái, ố dục vô ích, không những làm khổ mình còn làm khổ lây rất nhiều đồng loại khác nữa.

Kính thương tiếc cùng ngưỡng mộ… Ngài Mãn Giác !
Trưởng Lão Thiền Sư tài hoa… trụ thế chẳng lâu (1)
Có phải mọi việc viên thông… còn gì để lo âu ?
Khi thực tại mầu nhiệm tròn đầy, thể tánh đã triệt ngộ !

Nhìn lại tích sử… tuy dòng dõi danh gia quan lộ (2)
Tam Giáo tinh thông… dù thế sự có thăng trầm
Dâng biểu xuất gia, minh sư Quảng Trí ấn tâm
Tu tập Thiền Na, Tam tạng kinh đã kích hoạt (3)

Trí Vô Sư uyên nguyên sẵn có… liền tự phát ! (4)
Trong nhà Thiền còn ghi lại
… Ngài Hoàng Bá Hy Vận …bài kệ tương đồng (5)
Mai biểu trưng người quân tử… gặp nghịch cảnh vẫn thông!
Hiểu ” Chuyện tử sinh vô thường mãi mãi là định luật !” (6)

Tuy Vũ trụ thay đổi, biến diệt…
… sáng sao mai …Chân lý nhận ra từ Đức Phật (7)
Chân Tâm, bản thể hằng hữu sẽ hiển bày
Không còn Tham ái vô minh… sẽ thanh tịnh ngay
Nên ” ĐẠO VÔ SANH SẼ CHỨNG, ĐẠO VÔ SANH NGUYỆN CHỨNG ” ( 8)

Nam Mô Mãn Giác Thiền Sư tác đại chứng minh

Huệ Hương – Melbourne 24/8/2021

______________________________________________

(1) Niên hiệu Hội Phong thứ năm (1096), cuối tháng 11, Sư cáo bệnh để kệ dạy chúng:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
(Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.)
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết-già thị tịch, thọ bốn mươi lăm tuổi, được mười chín tuổi hạ.
Vua kính lễ rất hậu, các công khanh đi đưa đều có đốt tín hương, làm lễ hỏa táng thu xá-lợi xây tháp thờ tại chùa Sùng Nghiêm làng An Cách. Vua ban thụy là Mãn Giác.

(2) Sư họ Nguyễn tên Trường, quê ở Lũng Chiền làng An Cách.
Thân phụ Mãn giác là Lý Hoài Tố, từng làm đến chức Trung thư ngoại lang dưới hai triều Lý Thánh Tông (1051-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1128), và chắc là rất thông hiểu chữ nghĩa, vì đã được Triều đình cử làm Chánh sứ trong đoàn sứ bộ Việt Nam đi sang Trung Quốc vào năm 1073 để báo tin Lý Thánh Tông mất.
Lúc vua Lý Nhân Tông còn làm Thái tử, triều đình có chọn con em của các danh gia vào hầu. Sư là người học rộng hiểu nhiều lại thông cả Nho, Lão, Phật nên được dự tuyển. Những lúc rảnh, Sư thường chú tâm vào Thiền-na.
Đến khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi, vì lòng mến Sư nên ban hiệu Hoài Tín.

(3)Khoảng niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắnng (1076-1084), Sư dâng biểu xin xuất gia, theo học với Thiền sư Quảng Trí.
Sau khi được tâm ấn, Sư thường chống gậy mang bát vân du khắp nơi, để tìm thiện tri thức. Sư đến nơi nào thường có học giả vân tập đông đảo.
Sau, Sư xem Đại tạng kinh được Trí vô sư, là bậc lãnh tụ pháp môn trong một thời vậy.
Vua và bà Hoàng thái hậu Cảm Linh Nhân (Ỷ Lan) đang để tâm học Thiền, bèn dựng ngôi chùa bên cạnh cung Cảnh Hưng hiệu là Giáo Nguyên, thỉnh Sư trụ trì để tiện việc tới lui học hỏi. Đối với Sư chẳng dám gọi danh thường, chỉ xưng là Trưởng lão.
Một hôm, nhà vua bảo Sư:
– Bậc chí nhân thị hiện, cốt cứu vớt chúng sanh, không hạnh nào chẳng đủ, không việc nào chẳng tu, chẳng phải chỉ sức định tuệ, mà cũng có công giúp ích, nên phải kính nhận đó.
Bèn phong hiệu Giáo Nguyên Thiền Viện, Hoài Tín đại sư truyền Tổ Vô Tu Vô Chứng Tâm Ấn.
Sư phụng chiếu nhận chức Nhập nội Đạo tràng, Tứ tử Đại Sa-môn, Đồng tam ty Công sự, được quyên năm mươi hộ.

(4)Giải thích Trí Vô Sư , HT Thanh Từ đã thuyết giảng như sau:
Nhưng trí tuệ trong nhà Phật không phải là trí tuệ thường, mà bao gồm hai phần, trí tuệ hữu sư và trí tuệ vô sư.
Chúng ta đi học, nhờ thầy bạn mà mình hiểu được nhiều điều trong cuộc đời gọi là trí tuệ hữu sư. Còn trí tuệ vô sư là trí tuệ do mình tự phát ra từ tâm thanh tịnh như Đức Phật nhờ thiền định mà được giác ngộ vậy. Ngài bảo “Ta học đạo không thầy”, không thầy mà sáng, đó là trí tuệ vô sư.
Làm sao đạt được trí tuệ vô sư? Khi tâm lặng lẽ sáng suốt thì chúng ta thấy được những điều trước kia mình chưa thấy, biết được những điều trước kia mình chưa biết. Cái thấy biết đó là thấy biết của trí vô sư. Tất cả chúng ta điều có trí vô sư. Vì trí vô sư chính là Phật tánh của tất cả chúng sanh. Mình có Phật tánh sẵn nhưng vì quên nên không thấy. Đức Phật biết quay trở lại mình bằng cách thiền định để lóng lặng thân tâm. Từ tâm lóng lặng trong sáng đó phát ra trí vô sư.
Nếu chúng ta để ý một chút sẽ mừng rằng mình có trí vô sư.

(5) Ai cũng biết tháng 11 (năm 1096), khí trời cũng chỉ vừa mới lập đông, chưa phải là mùa xuân, vậy mà Mãn Giác Thiền Sư lại lấy mùa xuân – hoa mai để nói, thậm chí ngay trong lúc bệnh duyên sắp đến hồi thị tịch.
Như vậy há chẳng phải trong nghịch cảnh mà nói chuyện thuận duyên, mượn mùa xuân trần thế để hóa dụ chúng đệ tử và cho cả muôn đời sau phải thấy mùa xuân, hoa mai ngay trong lúc giá rét lạnh đông!
Tương đồng tinh thần ấy, Thiền sư Hoàng Bá Hy Vân (? – 850) cũng từng nói “
Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bã thằng đầu tổ nhất trường
Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương.
Bài dịch:(2)
Vượt cõi trần lao việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.

(6) Một học giả đã bình giải như sau Cái sinh cái tử là thông thường, đời người có sinh ra, có già đi, và có chết, cũng là chuyện thông thường Và vũ trụ này chỉ là tuần hoàn, mọi hiện tượng, sự vật đều phải qua quá trình vận động luẩn quẩn, lặp đi lặp lại, thì liệu kiếp người có trở nên vô nghĩa, và không còn chỗ nào để ta bám lấy mà tin vào sự trường tồn và phát triển của sự sống nhân loại nữa chăng? Đó chính là một điều băn khoăn thường có của thế nhân, không thể phút chốc dùng lý trí mà dẹp đi được.
Dĩ nhiên điều Mãn Giác nói với ta không có gì vượt khỏi nguyên lý của cái Đạo mà ông đeo đuổi. Bởi vì theo Phật giáo thì vũ trụ này dù hiển hiện ra dưới những sắc tướng mong manh đến thế nào, bản thể của nó vẫn là như như, là cái tâm thường trụ. Sắc tướng thì vô thường, biến diệt trong chớp mắt, nhưng bản thể vĩnh hằng của vũ trụ không bao giờ thay đổi. Vậy, nếu như người tu hành ngộ được điều đó, biết đồng nhất tâm thức của mình với cái Tâm bản thể, cái chân như bất sinh bất diệt của vũ trụ, thì có cái gì nằm trong thế giới lục trần – những thanh, sắc, hương, vị, xúc, pháp – lại có thể làm xao xuyến được tâm thức anh ta, làm cho anh ta rơi vào vòng luẩn quẩn của chúng sinh, mê muội trong mọi nỗi khổ trần thế và bị sự tuần hoàn câu thúc? Anh ta sẽ đạt đến trạng thái tĩnh lặng của cái Tâm, sẽ hồn nhiên như cây cỏ, sẽ tự mình hòa làm một với cái Tâm của vũ trụ, và sẽ cùng với vũ trụ trường tồn…
Đối với Thiền, giác ngộ ra được chân lý về sự trường sinh bất tử đó không bắt buộc phải trải qua một quá trình dài tu hành, trì giới, mà chỉ cần có một bước nhảy vọt trong chiều sâu của tri giác, nhờ vào một hiện tượng bên ngoài (một động tác giơ tay, một tiếng quát v.v…) mà lý trí thông thường không sao hiểu nổi. Có thể nói đó là một cuộc đảo lộn về trực giác, ở đó yếu tố cảm hứng, trạng thái xuất thần, đóng vai trò quan trọng. Cho nên, con người thấm nhuần Thiền đến độ như Mãn Giác đã không dài dòng lý giải mà chỉ dùng hình ảnh một nhành mai đột ngột nở bung

(7) “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Đó là Ngài xác nhận rằng tất cả chúng ta đều có sẵn trí vô sư. Đã sẵn có trí vô sư thì chúng ta có thể giác ngộ được. Đức Phật giác ngộ trước, chúng ta khéo tu sẽ giác ngộ sau, nên Như Lai nói Ngài là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật sẽ thành.
Như vậy trí hữu sư là do học mà được, còn trí vô sư do tu mà được. Đức Phật nhập định được giác ngộ, ngày nay chúng ta tu tâm được an định cũng sẽ giác ngộ.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.