Chữ “Phật” Nghĩa Là Gì?

Vào những năm cuối trước khi nhập cõi niết bàn, Phật Pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền bá đã làm rung động cả Ấn Độ, ngay cả các bậc đế vương cũng rất tôn sùng và kính trọng Ngài.

Rất nhiều người đã từng tới hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Ngài rốt cuộc là ai?” hay “Ngài có phải là một vị Thần hay không?”

Nhưng Phật Thích Ca Mâu Ni đều đáp rằng: “Không phải!”

Lại có người hỏi: “Ngài là một vị sứ giả của trời sao?”

Phật Thích Ca Mâu Ni lại đáp: “Không phải!”

Người khác lại hỏi: “Vậy Ngài là một vị thánh nhân?”

Phật Thích Ca Mâu Ni đáp: “Không phải!”

Có người hỏi: “Vậy rốt cuộc Ngài là ai?”

Phật Thích Ca Mâu Ni trả lời rằng: “Ta là Giác Giả.”

Vậy, từ “Giác Giả” mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói đến là gì? Trong tiếng Phạn, đấng Giác Giả được gọi là “Buddha”, là do hai từ gốc “budh” và “ta” ghép thành. Chữ “dh” khi gặp chữ “t” đứng sau thì liền được chuyển thành chữ “ddh” và bỏ “t” (Buddha = Budh + ta).

Chữ gốc “budh” có nghĩa là “tỉnh” (tỉnh ngộ, giác ngộ, thoát khỏi mê) và “biết” (hiểu biết, tri thức). Bởi vậy chữ “Buddha” có nghĩa là người đã giác ngộ, người đã thức tỉnh. Chỉ có những bậc chân tu trong chính Pháp, qua quá trình tu luyện gian khổ mới có thể thoát khỏi bể trầm luân, bước ra khỏi vòng sinh tử và trở thành đấng giác ngộ.

Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, chữ “Buddha” được phiên âm thành “Phù Đồ” (浮屠) hay “Phật Đà” (佛陀). Trong quá trình Phật giáo lưu truyền về sau, người ta đã lược bớt đi chữ “Đà” và gọi Đức Thích Ca Mâu Ni là “Phật”. Do đó, ý nghĩa chân chính của chữ “Phật” chính là Giác Giả, là người đã giác ngộ, người đã thông qua tu hành mà giác ngộ.

Sưu Tầm Internet

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.