Thiền Sư Khánh Hỷ

Thiền Sư Khánh Hỷ (1066- 1142) và bài kệ VƯỢT CÀN KHÔN thuộc Đời thứ 14 của Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
( Một vị Tăng Thống thời Vua Lý Thần Tông (1116 – 1138) vị hoàng đế thứ năm của triều đại nhà Lý nước Đại Việt. )

Danh tiếng Thiền Sư Khánh Hỷ được vang lừng trong tùng lâm từ khi triệt ngộ về cái Thấy sau ba lần Minh Sư Bổn Tịch ấn chứng lại kể từ ngày được Biện Tài Thiền Sư khai thị… nhưng có thể nói hai câu sau đây trong bài kệ thật tuyệt vời của Thiền Sư Khánh Hỷ nhắn gửi lại cho đệ tử nối pháp Pháp Dung cũng như cho hậu thế và đã được thi đàn cũng như văn học Phật Giáo ca tụng còn lưu truyền mãi đến nay :

“Càn khôn tận thị mao đầu thượng, nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”.

Nghĩa là cả trời đất nằm trên đầu sợi lông, mặt trời mặt trăng nằm trong lòng hạt cải… thì người học Đạo sẽ nhận thầy được toàn bộ giáo lý của Kinh Hoa Nghiêm… vì Ngài đã thầm chỉ rằng khi Biết và Thấy được tự tánh các pháp là không, nên sẽ thấy tất cả sự vật đều dung hội nhau. Trên phương diện tánh không, không có tướng lớn nhỏ do đó người đạt đạo thấu suốt lý tánh không, thấy chẳng có gì ngăn ngại.

Thế nhưng toàn bộ Bài kệ ” VƯỢT CÀN KHÔN “ còn nhắn nhủ thêm rằng : ” người học đạo muốn giác ngộ thì không nên chạy bên ngoài tìm cầu mà phải quay lại nội tâm của mình, khi đã giác ngộ hằng sống với bản thể thanh tịnh sẵn có nơi mình thì diệu dụng hiện tiền không thể lường được “.

Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,
Học đạo vô như phỏng Tổ tông.
Thiên ngoại mích tâm nan định thể,
Nhân gian thực quế khởi thành tùng.
Càn khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,
Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?

HT Thích Thanh Từ dịch

Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,
Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.
Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,
Thế gian trồng quế đâu thành tòng.
Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong.
Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,
Ai phân phàm Thánh với tây đông.

Kính trân trọng, HH

Kính ngưỡng Thiền Sư Khánh Hỷ vị Tăng Thống triều đại Lý (1)
Hạt giống tịnh hạnh túc duyên gặp minh sư (2)
” Câu hỏi vượt thời gian “ chưa thỏa mãn suy tư (3)
Lưới nghi được phá vỡ… Biện Tài thiền sư khai thị (4)

Ngôn ngữ không thể được bày biện để sáng tỏ diệu lý
Kính mời chiêm nghiệm… từng lời cuộc đối thoại triển khai
Làm sao dừng lại… mọi vọng tưởng gạt ra ngoài ?
Trong phút giây ray rức hoang mang…
… căn nguyên để giác ngộ lưu xuất !!! (5)

Điều tuyệt diệu …
Tướng tội, tánh vốn không nhưng nghiệp nào có mất( 6)
Và đoạn đối thoại xác nhận Tánh Thấy của mình (7)
Thêm bài kệ VƯỢT CÀN KHÔN huyền ảo lung linh (8)
Kính ghi lại lời bình giải từ thiện tri thức minh tuệ (9
Chút hy vọng thọ nhận được tinh nhuệ như thế!

Nam Mô Thiền Sư Khánh Hỷ tác đại chứng minh

Huệ Hương – Melbourne 4/9/2021

______________________________________

(1) danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm.
Khoảng niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự (1133-1138), vua Lý Thần Tông mời Sư vào kinh. Sư ứng đối xứng hợp ý chỉ, Vua bái phong chức Tăng lục, lại thăng chức Tăng thống.

(2) Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, Long Biên, vốn hạt giốngtịnh hạnh. Thuở nhỏ, Sư đã không ăn thịt cá. Lớn lên theo thọ học với Thiền sư Bổn Tịch ở chùa Chúc Thánh.

(3) Một hôm, trên đường đến nhà đàn việt thọ trai, Sư hỏi:
– Thế nào là ý chánh của Tổ sư?
Ngay lúc đó nghe tiếng trống lên đồng trong nhà dân, Bổn Tịch nói:
– Lời nói ấy đâu không phải đồng cốt giáng thần?
– Hòa thượng chớ chuyên nói đùa.
– Ta không từng có mảy may nói đùa.
Sư không hội, bèn từ thầy mà đi.
Theo lời bình giải của nhiều thiền sư… Câu hỏi này đã được các thiền sinh xin Thầy mình lời đáp !
Ý chỉ Tổ sư là gì? Điều đó, quan trọng đến mức nào, mà chư thiền sư đem ra hỏi và đều nhận những câu trả lời khác nhau?
Có phải đó, một bản di chúc, kho báu vô tận, bí quyết để đi đến giác ngộ, ta phải ra công tìm kiếm, gõ thật mạnh, thật sâu vào tận cùng tâm ý, phải đánh đổi mạng sống, tâm lực, bằng sự quyết lòng vực dậy?
Ý chỉ đó, không đơn thuần là tôn ý, ý chỉ, mục đích của tổ sư là gì, mà là cốt lõi, trọng tâm, chổ tuyệt cùng, chổ chính yếu, quan yếu, sự quyết định dứt khoát, kết quả tất nhiên, sự tựu nên, vi diệu cao tột của thiền?
Muốn thấy được “Ý chỉ của tổ sư là gì” tức là phải thấy được cái dụng của tâm, bản thể vi diệu của giác ngộ, nằm trong sâu thẳm, tự mình nghiền ngẫm, quán chiếu, vận dụng đến trí tuệ, chứ không thể y cứ vào những biểu hiện, đi lại, mang tính tùy tiện, bày biện của tư tưỏng, bản năng. Bản thể như thật, thường tại của chân tâm, không đến và không có từ kinh viện, giáo điều, những áp đặt, những tôn thờ, những định kiến, lối mòn, những biến đổi khôn lường của tâm thức.
Thật ra đó là ngọn đèn chánh pháp để chúng sinh nương theo đó mà vượt ra ngoài sự đối đãi phân biệt, đừng chạy theo vọng tưởng, đó là chân Tâm, Thể tánh tịnh minh mà chỉ có chính mình tự nhận ra được viên Ngọc Ma Ni Châu mình đang mang trong chéo áo, nó chính là cái niệm đầu tiên trong một sát na khi vừa khởi ra ” Trong cái Thấy chỉ là cái Thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe “.

(4) Đến chùa Vạn Tuế, Sư ra mắt Thiền sư Biện Tài. Biện Tài hỏi :
– Ngươi từ đâu đến?
Sư thưa:
– Con từ Bổn Tịch đến.
– Thầy ấy cũng là thiện tri thức một phương, đã từng nói với ngươi câu gì?
– Con đã thờ thầy nhiều năm, chỉ một câu hỏi mà chẳng khứng cho, nên con bỏ đi.
– Ngươi đã từng hỏi câu gì?
Sư liền thuật lại câu hỏi trước. Biện Tài bảo:
– Ôi! Tịch sư vì ngươi đã nói tột rồi, chớ hủy báng Bổn sư không tốt.
Sư dừng lại suy nghĩ,
Biện Tài bảo:
– Đâu không nghe nói khi đạt khắp cảnh đầy đủ, chẳng ngộ hằng trái xa.
Sư bỗng nhiên đốn ngộ, liền trở về yết kiến Bổn Tịch.
Bình giải
Nhờ Ngài Biện Tài khai thị Thiền Sư Khánh Hỷ đã thấy khi Thiền Sư Bản Tịch chỉ trả lời “ Lời nói ấy đâu phải không do đồng cốt giáng thần ”. Câu trả lời đó muốn chỉ cho đệ tử thấy rằng Đồng cốt ở đây, không phải lên đồng nhập cốt, “ hô thần nhập tượng ” mà là sự quấy rối, đong đưa, mê hoặc, cái tâm thức lăng xăng trôi nổi, do vô minh sai khiến, và được hiểu như “tại tâm nhân giả phân biệt ”. Ở vào thế chênh vênh nào đó của tư tưởng, ngôn ngữ, đôi khi lại là một sự phủ định toàn triệt, quăng bỏ, đẩy bung ra ngoài, chẳng ăn nhập gì cả, không có sự nối kết, khiến cho tâm thức của mình rơi vào cùng đường, bí lối, không phạm trù để nương tựa, không kẻ hở để trụ bám, vì những điều Thiền Sư Khánh Hỷ hỏi những điều đó không góp phần, không tăng trưởng, không giúp ích trong việc trông thấy đâu là bản thể của giác ngộ, muốn đạt được, thấu hiểu rõ ràng, là phải phá bỏ rào cản, sự ngăn ngại, vực dậy chơn tánh đang sẵn có trong mỗi chúng ta, làm cuộc cách mạng toàn triệt trong nội tâm, buông bỏ mọi dính mắc, phủi sạch mọi che mờ, để cho ánh sáng trí tuệ của giác ngộ chiếu vào, tỏ rạng, bằng sự hoán chuyển, đổi thay, đào bới trong tận cùng tâm thức, nối kết sự tỉnh lặng tuyệt vời, thuần nhất.

(5) Việc Sư dừng lại suy nghĩ ( khựng ) để đạt tới sự đốn ngộ tại nơi Thiền Sư Biện Tài qua câu ” khi đạt khắp cảnh đầy đủ , chẳng ngộ hằng trái xa ” chính là giây phút giải đáp được tại sao lời trả lời của minh sư Bản Tịch , điều gì. khiến cho bối rối, kkhiến cho hoài nghi, nhưng không đem lại cho ta câu trả lời đúng nghĩa dù những điều ấy liên quan đến sự tu tập, giải thoát, có những thứ liên quan đến sở học, bùng vỡ của giác ngộ, và cũng có những điều, chỉ nhằm trình bày kiến giải, sở đắc tu tập để nhờ thầy ấn chứng.
Thế mà ông vẫn chưa hiểu được lý do là gì và tại sao, vẫn ngơ ngác đứng bên ngoài cuộc chơi.
Nhờ lời khai thị này khiến Sư bay bổng ra ngoài càn khôn, giật mình tỉnh mộng, bao nhiêu lầm chấp, ngờ vực, chỉ trong sát na tích tắc, bị quét sạch, cuốn trôi, nhận ra được bản thể vi diệu không cùng của giác ngộ, từ đó từng bước đi tới, vươn cao trong ý lực vượt thoát, chọc thủng màn đêm tăm tối.

(6) Bổn Tịch thấy Sư trở về bèn hỏi:
– Ngươi đến đâu mà về mau thế?
Sư sụp xuống lạy thưa:
– Con mang tội hủy báng Hòa thượng nên trở về xin sám hối.
– Tướng tội, tánh nó không, ngươi làm sao sám hối?
– Phải như thế mà sám hối
Bổn Tịch liền thôi.
Qua sự trở về sám hối của Thiền Sư Khánh Hỷ ta học được rằng Tướng tội tánh nó vốn không nhưng chỉ đúng khi chưa có NHÂN được tạo ra . Một khi tội đã thành lập rồi thì nghiệp báu vẫn phải trả chỉ khi nào phiền não đã diệt tận được thì cái tội sẽ đần dần bị tiêu mòn Do đó tội đã thành lập thì quả báo là đáp số , chỉ những ai biết tu tập chuyển hoá và sám hối thì mới từ từ giảm dần đi.

(7) Sư cùng hai Thiền giả Tịnh Nhãn, Tịnh Như đứng hầu thầy.
Bổn Tịch bảo:
– Các nhân giả ở trong tông môn của ta, học hỏi đã lâu. Các ông hãy trình kiến giải của mình, để ta xem xét chỗ tiến đạo của các ông thế nào?
Tịnh Nhãn, Tịnh Như toan mở miệng đáp, Sư bèn nói to:
– Một khi mắt bị bệnh, hoa đốm rơi loạn giữa hư không.
Bổn Tịch khen:
– Xà-lê Khánh Hỷ! Sao dùng thuyền lại đập bể gàu múc nước?
– Dùng thuyền làm gì?
– Kẻ lanh lợi, chớ có mở hoác, ngươi chỉ giỏi nói đến việc bên này, nếu việc bên kia vẫn còn chưa mộng thấy.
– Tuy nhiên chỉ là y.
– Rời khỏi đầu sào trăm trượng buông tay đi, ngươi nói làm sao?
Sư nắm hai tay, thưa
– Chẳng liễm! Chẳng liễm!
– Tha ngươi một gậy.
Do đây, danh tiếng Sư đồn khắp tùng lâm
Điều này giúp học giả thấy được rằng :
Chặng đường đến gặp thiền sư Biện Tài, và khi trở về lại, cũng chỉ là những tín hiệu ban đầu của sự nhận biết, cái thấy đang từ từ hiển lộ, những trăn trở về giác ngộ cũng đang từ từ mở lối.
Những tháng năm kề cận bên thầy, thấm nhuần không khí nơi thiền môn, dòng suối tâm linh vi diệu của thiền, đêm ngày len lõi tác động, liên tục hổ tương, mãi cho đến khi thiền sư Bản Tịch thúc ép để trình chổ ngộ của mình, lúc ấy mới thật sự chín mùi, đúng lúc, đúng dịp, lập tức mở bung ra, thể nhập trọn vẹn vào giác ngộ.
Đây là lúc, bao nhiêu năng lực tu tập, bổng nhiên trào dâng ngập lối, mọi thứ vỡ tung ra, hiển hiện một cách vẹn toàn, giác ngộ đến tức thì, đến một cách toàn triệt, không xuyên qua thứ lớp, đến thật nhanh, đến một cách lạ lùng, sung sướng tột cùng, tinh tường thấu rõ, không còn ngăn ngại, không còn dò dẫm, thênh thang lồng lộng.
Cuộc hội tụ giác ngộ, trình kiến giải, Sư đối đáp trôi chảy, thể hiện trọn vẹn, từ trong bản thể vi diệu của giác ngộ bước ra, một bước nhảy tâm linh cao tột, một bước nhảy mà thời gian lẫn không gian không thể nào đuổi kịp. “
Chống thuyền rời bến một trăm thước, rồi buông sào đi bộ, thì ngươi nói sao?” C ó gì để mà nói năng, trả lời, thưa hỏi: ” Sư đã từ trong giác ngộ, sống với giác ngộ, từ nhà Như Lai, ngồi tòa Như Lai, nên mọi hoạt dụng lưu xuất, cứ thế mà tự tại thong dong. Chẳng liễm ! Chẳng hiểu “.
Có gì để hiểu, còn gì để hiểu, công án, không còn là công án, giác ngộ không còn là giác ngộ, những đặt ra, những tra vấn, những bày biện, một khi bể ra, vỡ ra, là vỡ một cách toàn triệt, bể một cách không còn ranh giới bến bờ, không có gì để vỡ, để thấy nữa, biến mất tự lúc nào, vuột bay tự bao giờ, ở đó và ở đây, bên đó và bên nầy, bổng xóa nhòa, san bằng, đốn ngã, ủi sập tất cả.

(8) Sư có sáng tác “Ngộ Đạo Ca Thi Tập”, được lưu hành thời bấy giờ nhưng tiếc thay tập nay đã mất, chỉ còn truyền một bài kệ đáp trả lời hỏi của Đệ tử nối pháp Pháp Dung.
Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi
– Liễu đạt sắc không, sắc là phàm hay là Thánh?
Sư ứng thinh đáp bài kệ:
Uổng công thôi hỏi sắc cùng không,
Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.
Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy,
Thế gian trồng quế đâu thành tòng.
Đầu lông trùm cả càn khôn thảy,
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong.
Đại dụng hiện tiền tay nắm vững,
Ai phân phàm Thánh với tây đông.
(Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không,
Học đạo vô như phỏng Tổ tông.
Thiên ngoại mích tâm nan định thể,
Nhân gian thực quế khởi thành tùng.
Càn khôn tận thị mao đầu thượng,
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ,
Thùy tri phàm Thánh dữ tây đông?)

(9) Lao sanh hưu vấn sắc kiêm không, học đạo vô như vấn Tổ tông.
Nghĩa là uổng công thôi hỏi sắc cùng không, học đạo gì hơn phỏng Tổ tông.
Ý ngài dạy người học đạo giác ngộ chớ phí công nhọc sức tìm tòi bàn luận về nghĩa sắc không. Tại sao? vì trọng tâm của người học đạo là không gì bằng “phỏng Tổ tông”, tức là thưa hỏi Tổ tông. Ỉ
Tổ tông chỉ cho nguồn cội chân thật của mình. (. Học đạo và hỏi đạo là phải trở về nguồn cội của mình. Đùng mắc kẹt trên hình tướng đối đãi của sắc và không. Vì sắc và không là cái bên ngoài. Tìm kiếm sắc và không là phóng tâm chạy ra ngoài, quên mất bản tâm chân thật của chính mình.
Ý hai câu này ngài khuyên người học đạo không nên nhọc tâm gắng sức tìm hiểu lý sắc không ở ngoài, mà phải quay lại sống với bản tâm thanh tịnh của chính mình. Ngày nay đa số người học đạo đều mắc kẹt bên này hoặc bên kia, mà không quay về nguồn cội, nên ngài dạy như thế.
“ Thiên ngoại mích tâm nan đinh thể, nhân gian thực quế khởi thành tùng ”. Nghĩa là ngoài trời kiếm tâm nào dể thấy, thế gian trồng quế đâu thành tùng.
Thiên ngoại là ngoài trời, chỉ cho sự vật bên ngoài.
Nếu người tu mà cứ hướng ra bên ngoài lý giải đây là sắc kia là không, thì không bao giờ an định nhận ra bản tâm chân thật của mình.
Giống như thế gian trồng quế mà muốn thành tùng là chuyện không bao giờ có.
Với bốn câu trên Ngài dạy người tu đừng phí thời giờ tìm kiếm phân tích lý sắc không, mà phải quay về nội tâm nhận ra và sống với bản tâm chân thật của mình, hướng ra bên ngoài mà tìm tâm thì không bao giờ được.( cái niệm khởi ra đầu tiên là chân tâm. Niệm thứ hai bắt đầu là vọng tâm rồi )
“ Càn khôn tận thị mao đầu thượng, nhật nguyệt bao hàm giới tử trung ”.
Nghĩa là cả trời đất nằm trên đầu smợi lông, mặt trời mặt trăng nằm trong lòng hạt cải. Đầu sợi lông rất nhỏ thế mà cả trời đất nằm gọn trên đó. Việc này dễ tin không? Hạt cải nhỏ xíu mà chứa cả mặt trời mặt trăng thật khó tin.
Hai câu này giải thích hai mặt, mặt sự tướng và mặt lý tánh.
Đứng về sự tướng thì từ thân người cho đến vạn vật đều do đất nước gió lửa hợp thành. Tứ đại là một, mà tất cả thân tất cả vật là nhiều, tất cả cái nhiều ấy không cái nào ngoài đất nước gió lửa mà có.
Do đó nên nói “một là tất cả tất cả là một”, hay nói tất cả cùng chung một thể không khác. Đất nước gió lửa của mình và đất nước gió lửa bên ngoài đâu có khác.
Chúng ta vì còn nhiều tình chấp nên phân biệt mình khác với người, mình khác với cây cỏ, mình khác với thiên nhiên….
Nhưng nếu chúng ta dùng tri để quán sát thì thấy không khác và nơi cái này có đủ yếu tố của những cái kia., thì thấy vạn vật và con người đều do bốn đại hợp không rời Như vậy thì, nhỏ như đầu mảy lông cũng gồm có đất nước gió lửa, lớn như càng khôn đại địa cũng gồm có đất nước gió lửa. Và nhỏ như hạt cải lớn như mặt trời mặt trăng, không vật nào ngoài đất nước gió lửa.
Đó là đứng trên phương diện sự tướng mà giải thích.
Còn đứng về mặt lý tánh thì vạn vật có hình tướng nhỏ như mảy lông hạt cải, lớn như mặt trời mặt trăng quả địa cầu đều do duyên hợp, không có thực thể cố định, gọi là tánh không.
Tánh không của quả đất, của mặt trời, của mặt trăng, của mảy lông, của hạt cải không khác nhau, nên nói đầu sợi lông trùm cả quả đất và mặt trời mặt trăng ở trong hạt cải.
Người đạt đạo thấy tự tánh các pháp là không, nên thấy tất cả sự vật đều dung hội nhau. Trên phương diện tánh không, không có tướng lớn nhỏ do đó người đạt đạo thấu suốt lý tánh không, thấy chẳng có gì ngăn ngại.
“ Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ, thùy tri phàm tánh dữ tây, đông? ”.
Quyền tại thủ” dịch theo vận là tay nắm vững. Dịch sát nghĩa là nắm sẵn trong tay. Nghĩa là đại dụng hiện tiền tay nắm vững, ai phân phàm thánh với tây đông.
Khi người đạt đạo rồi thì diệu dụng không thể nghĩ bàn, không còn bị chướng ngại bởi lớn nhỏ, xa gần, trước sau…. Tức là không còn bị chướng ngại bởi không gian và thời gian. Người được đại dụng hiện tiền thì không còn ý niệm phân chia đây là phàm kia là thánh, không còn thấy đây là đông kia là tây, không còn thấy đối đãi hai bên, mà thấy tất cả sự vật đều dung thông, đều hòa nhập với nhau.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.