Tìm gặp kinh Pháp Hoa nơi nhà Thiền… ( với Thiền Sư Chân Không (1046–1100, đời 16, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào đại nội giảng giải kinh Pháp Hoa thời Vua Lý Nhân Tông ).
Khi giở lại tích sử nhà Thiền với trạng quý Thiền Sư trong Tổ Sư Thiền, hẳn chúng ta đã gặp các vị ngộ Pháp Hoa, niệm Pháp Hoa và lấy hoa sen làm minh chứng cho sự triệt ngộ của mình. Trong đó :
. Thiền sư Lương Giới, thủy tổ tông Tào Động, giải thích ngũ vị, đến vị thứ tư Thiên Trung Chí có bài kệ:
Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị
Hảo thủ du như hỏa lí liên
Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí.
Hai kiếm đua nhau cần gì tránh
Tay khéo vẫn như sen lò hồng
Nguyên vẹn nơi mình xung thiên chí
. Thiền sư Ngộ Ấn ở Việt Nam, khi sắp tịch cũng nói kệ:
Diệu tánh hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin
Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin
Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy
Lò lửa hoa sen nở thật xinh.
Hoa sen mọc trong lò lửa vẫn xinh tươi là một hình ảnh bất tư nghì của kinh Pháp Hoa. Ngay nơi thân đang bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt, vẫn có Tri kiến Phật an nhiên tự tại, bất sanh bất diệt, chẳng phải hoa sen tươi thắm trong lò lửa là gì? Trên ngọn núi năm uẩn bị lửa vô thường thiêu đốt, hòn ngọc Tri kiến Phật sắc vẫn óng ánh tươi nhuần. Thiền Sư Thiền Nham đời thứ 13 dòng Tỳ ni Đa Lưu Chi từ thuở nhỏ đã đậu thủ khoa khi triều đình Nhà Lý mở khoá thi về kinh điển Đại Thừa (Pháp Hoa và Bát Nhã ) sau đó mới đến chùa Thành Đạo ( chùa Đậu ) cạo tóc xuất gia
. Thiền sư Tỉnh Niệm thường tụng kinh Pháp Hoa nên thời nhân gọi là Niệm Pháp Hoa.
Và đến hôm nay một lần nữa chúng ta lại gặp Thiền Sư Chân Không đã hoắc nhiên tỏ ngộ sau khi đến dự hội giảng do thiền sư Thảo Nhất chủ trì tại chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu (Bắc Ninh) về kinh Pháp hoa.
Kính mượn lời của HT Thích Thiện Siêu khi nói về Thiền Tông và Kinh Pháp Hoa như sau : ” Đối với tôi, mới tu thì xem giáo lý là khuôn vàng thước ngọc không thể thay đổi. Trên đường tu, với thời gian, tri thức phát triển, nhận ra được pháp Phật và kiến thức loài người từng bước đổi khác theo thời đại. Từ đó, pháp Phật cũng có giá trị tùy người, tùy chỗ, tùy lúc, không bao giờ có tác dụng giống nhau. Nếu rời bỏ pháp Như Lai, chỉ lấy nhận thức của con người, chúng ta đã lạc đường, không còn là đệ tử Phật “. Tuy nhiên, người chấp Phật pháp mà không phù hợp thực tế, cũng rớt vô bệnh giáo điều như Tổ thường quở: ” Y kinh giải nghĩa, Phật oan tam thế ”. Người tu lấy pháp Phật rọi vô nhận thức thế gian, để thấy rõ yêu cầu của chúng sanh, đưa ra giải pháp đúng đắn cho họ. Từng thời kỳ, vào biển khổ, tiếp xúc với chúng sanh, mới thấy được chân lý.
Đối với tôi, kinh Phật nhiều hay ít, khó hay dễ không quan trọng. Vấn đề chính yếu làm thế nào đạt hiệu quả trong công phu tu tập. Giá trị hiệu quả được đặt trên năm tiêu chuẩn để chúng ta tiến tu. Trước tiên, thọ trì bộ kinh nào của Phật, không riêng gì kinh Pháp Hoa, chúng ta phải cảm thấy an vui. Nương tựa vào bộ kinh Pháp Hoa , chúng ta sống bình yên vì tâm can rúng động khi đọcnhững bài tán thán công đức của kinh này để gợi cho chúng ta suy nghĩ về những tinh ba vi diệu của kinh và từ đó phát khởi được niềm tin trong sạch đối với Đức Phật và lời dạy của Ngài,để rồi phát đại nguyệntu tập để ngộ nhập Phật Tri kiến.
Lục vạn dư ngôn thất trục trang.
Vô biên diệu nghĩa quảng hàm tàng.
Hầu trung cam lộquyên quyên nhuận.
Khẩu nội đề hồ trích trích lương.
Bạch ngọc xỉ biên lưu xá lợi
Hồng liên thiệt thượng phóng hào quang
Giả nhiêu tạo tội quá sơn nhạc
Bất tu Diệu Pháp lưỡng tam hàng.
HT. Thích Trí Tịnh dịch là:
Hơn sáu muôn lời thành bảy cuốn
Chứa đựng vô biên nghĩa nhiệm mầu
Trong cổ nước cam lộ rịn nhuần
Trong miệng nước đề hồ nhỏ mát
Bên răng ngọc trắng tuôn xá lợi
Trên lưỡi sen hồng phóng hào quang
Dầu cho tạo tội hơn núi cả
Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng.
Một lần nữa kính đa tạ quý Giảng sư thâm nhập và liễu tri các bộ kinh Đại thừa như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang đã giáo truyền lại cho các học nhân mà những ai có túc duyên một ngày nào đó sẽ hoắc nhiên triệt ngộ như Thiền Sư Chân Không… để lại bài kệ thị tịch quá siêu thoát trong thơ văn Lý Trần như sau :
Diệu bổn hư vô minh tự khoa,
Hoà phong xuy khởi biến Ta bà.
Nhân nhân tận thức vô vi lạc,
Nhược đắc vô vi thuỷ thị gia.
Dịch:
Diệu bổn thênh thang rõ tự bày,
Gió hoà thổi dậy khắp Ta bà.
Người người nhận được vô vi lạc,
Nếu được vô vi mới là nhà.
Kính trân trọng,
Kính ngưỡng Thiền Sư Chân Không,
… đệ tử nối pháp từ minh sư Thảo Nhất ( 1)
Dòng dõi quý tộc, mồ côi sớm , rất thông minh (2)
Tỏ ngộ… lần đầu được nghe giảng Pháp Hoa Kinh (3)
Lãnh thọ Tâm ấn về Chúc Thánh, 20 năm tu trì giới luật (4)
Tiếng vang khắp nơi… bậc chân tu thoát tục
Được mời vào đại nội giảng pháp thời vua Lý Nhân Tông (5)
Bao nhiêu tiền cúng dường ….
… sửa chùa, xây bảo tháp , đúc chuông (6)
Thơ văn Lý Trần …ghi lại đối thoại về DIỆU ĐẠO (7)
Kính mời xem … bình giải ngữ văn tuyệt hảo
Thế nào là hoàn đan, và nhận ra thể tánh tịnh minh ? (8)
Thế nào là núi xanh như cũ, sau cơn hỏa đất bằng (9)
Tất cả chỉ là mật nghĩa như :
… danh hiệu Phật của tôn giả Xá Lợi Phất (10)
Thi văn Lý Trần với bài kệ thị tịch
… được dịch nghĩa tuyệt vời nhất (11)
Diệu bản, hoà phong , tịch lạc vô vi (12)
Kiếp người được học pháp quý nhất… bất tư nghì
Như phẩm kinh Nikya Hiền Ngu
…. con rùa mù tìm bọng cây trên mặt biển (13)
Nam Mô Chân Không Thiền Sư tác đại chứng minh .
Huệ Hương – Melbourne 23/9/2021
________________________________
Chú thích :
(1) 14. THẾ HỆ THỨ XIV : sách TUTANL viết : “4 NGƯỜI, 3 NGƯỜI KHUYẾT LỤC”.
TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ (1067 – 1142)
15. THẾ HỆ THỨ XV: Sách TUTANL viết : “3 NGƯỜI, 1 NGƯỜI KHUYẾT LỤC”.
1. a. THIỀN SƯ GIỚI KHÔNG
2. b. THIỀN SƯ PHÁP DUNG ( ? – 1174)
Một người khuyết lục có lẽ là Thiền sư Thảo Nhất. thầy của Thiền sư Chân Không
16. THẾ HỆ THỨ XVI : Sách TUTANL viết : 3 NGƯỜI.
1. a. THIỀN SƯ TRÍ NHÀN
2. b. THIỀN SƯ CHÂN KHÔNG ( 1046 – 1100)
3. c. THIỀN SƯ ĐẠO LÂM ( ? – 1203)
(2) Sư họ Vương tục danh Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng huyện Tiên Du, con nhà sang trọng. Lúc mẹ mang thai Sư, cha mộng thấy vị Tăng trao cho cây tích trượng. Sau đó, sinh ra Sư. Mồ côi từ thuở nhỏ, Sư thích ở riêng một mình, siêng năng đọc sách, chẳng màng những việc vặt vãnh. Năm 15 tuổi, Sư đã bác thông sách sử.
(3) Đến 20 tuổi, Sư xuất gia, rồi dạo khắp tùng lâm tìm nơi khế hợp. Sư đến pháp hội chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu nghe thiền sư Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa, hoát nhiên tỉnh ngộ. Cơ duyên khế hợp ấy, khác nào con rùa mù gặp bộng cây. Như ta đã học:
Diệu Pháp Liên Hoa là một đại pháp bất khả tư nghì, độ cho chúng sanh ở cõi Ta Bà ác trược được không nhiễm, cũng như tự tánh chìm nơi ác thế đã lâu mà được hiện ra thanh khiết như hoa sen. Vì Diệu Pháp chẳng thể suy lường, người đọc khó hiểu, hiểu mà khó tin, tin mà khó hành, hành mà khó chứng. Cho nên nhiều người y văn giải nghĩa đuổi theo lời nói mà chẳng hiểu ý Phật, lại mê lầm hiểu theo mê tín, nghịch với ý chỉ trong kinh.
Theo căn bản của Phật pháp chỉ có một Phật thừa, nhưng theo phương tiện thì giảng ra vô lượng vô biên để thích ứng với căn cơ và trình độ của mọi chúng sanh.
* Chúng sanh nào nghe được pháp này thì sẽ thành Phật.
* Chúng sanh do nghe pháp (Đọc tụng cũng như nghe pháp) mà tín giải là khai Phật tri kiến.
* Do tín giải mà thọ trì (Y theo chánh pháp thực hành) là thị Phật tri kiến.
* Do thọ trì mà chứng đắc là ngộ Phật tri kiến.
* Do chứng đắc mà thành đạo gọi là nhập Phật tri kiến.
* Chẳng lập tất cả tri kiến gọi là Phật tri kiến.
Vì thế : Do một đại sự nhân duyên này (Nhất-Phật-Thừa) nên Phật thị hiện trên đời.
Thành thử kinh Pháp Hoa có nghĩa ‘ Hội tam quy nhất, thọ ký thành Phật’. Trước kinh Pháp Hoa, Phật dạy nhiều pháp môn, mỗi pháp môn chứng một quả vị khác nhau như tu Tứ đế pháp đắc quả A La Hán, tu 12 nhân duyên đắc Bích Chi, tu Lục độ làm Bồ Tát… đến hội Pháp Hoa, khi sắp nhập Niết Bàn, Phật mới dạy những gì mà trước đó ngài chưa dạy được, đó là ‘ những pháp môn mà ngài dạy bấy lâu chỉ là những phương tiện để bước lên Nhất thừa. Trước kia Thanh Văn đã cho đó là pháp thật, quả thật, nên chăm chỉ tu, chứng và chấp thủ các quả vị đã chứng. Bây giờ Phật mới nói rằng Nhị thừa, Tam thừa đều không thật đều là phương tiện chỉ có Nhất thừa mới là thật, mới là cứu kính.
Ngoài ra người học cần nhớ trong Kinh Pháp Hoa nói có bảy thí dụ chính, đó là:
– Một là dụ nhà lửa (trong phẩm thí dụ).
– Hai là dụ cùng tử, là đứa con bỏ cha đi lang thang nghèo đói (trong phẩm Tín giải).
– Ba là dụ cỏ thuốc (trong phẩm Dược Thảo Dụ).
– Bốn là dụ Hóa Thành, Bảo Sơ.û
– Năm là dụ Hạt châu, hạt châu buộc trong chéo áo.
– Sáu là dụï Kế châu, hạt châu trên núi tóc của vua.
– Bảy là dụ Phu y tử, là thầy thuốc và các người con
(4) Sư ở đây nhập thất sáu năm, sự tham vấn càng ngày càng sâu. Nhân đó, được truyền tâm ấn.Sau, Sư đến núi Từ Sơn dừng trụ. Tự lấy giới luật giữ mình, trên hai mươi năm không hề xuống núi. Danh tiếng vang dậy xa gần.
(5) Danh tiếng vang dậy xa gần. Vua Lý Nhân Tông nghe danh, xuống chiếu mời vào Đại nội giảng kinh Pháp Hoa. Thính giả nghe giảng ai nấy đều kính phục.
Vài dòng về Vua Lý nhân Tông 22 tháng 2 năm 1066 – 15 tháng 1 năm 1128) là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì Đại Việt từ năm 1072 đến năm 1128, tổng cộng 56 năm, cũng là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam
Chuyện về chùa Một Cột và vua Lý Nhân Tông:
Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường (nước ta trong thời gian này bị nhà Đường đô hộ) dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một toà lầu ngọc trong đó đặt tượng Phật Quan âm để thờ cúng. Khí đất chung đúc anh linh, cầu gì được nấy. Đến khi triều Lý xây dựng kinh đô ở đây, cũng noi theo dấu cũ, ngày càng sùng kính linh thiêng. Khi Lý Thái Tông chưa có hoàng tử, thường đến đó cầu nguyện. Một đêm, nằm mộng thấy Phật Quan âm mời lên trên lầu, ôm một đứa bé đặt vào lòng vua. Tháng đó hoàng hậu có mang hoàng tử. Vua bèn sửa thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên phải chùa Một Cột để mở rộng việc thờ cúng…”.
Đến đời vua Lý Nhân Tông, năm Anh Vũ Chiêu Thánh 5 (1080) vua cho đúc quả chuông đồng lớn nặng 1 vạn 2 nghìn cân để treo ở chùa, quả chuông được đặt tên “Giác thế chung” có nghĩa là “Chuông thức tỉnh mọi người”. Dựng phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng để treo quả chuông này, nhưng vì chuông quá nặng không sao treo lên được, phải để dưới đất nên đánh không kêu, phải bỏ ở ruộng rùa của chùa, nên có tên là chuông Quy Điền (ruộng rùa). Chuông này là một trong “tứ đại khí” của nước Nam.
(6) Bấy giờ, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thích sử Lạng Châu, Tướng quốc Thân Công rất kính trọng Sư thường xả tài vật cúng dường. Những phần cúng dường Sư đều dùng vào việc sửa chùa xây tháp, đúc hồng chung để lại đời.
(7) Về sau, Sư trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phả Lại, có vị tăng đến hỏi:
– Thế nào là diệu đạo ?
Sư đáp:
– Sau khi giác rồi mới biết.
– Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được ?
– Nếu đến tiên gia trong động sâu,
Hoàn đan hoán cốt được mang về.
– Thế nào là hoàn đan ?
– Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu,
Hôm nay chợt ngộ được khai minh.
– Thế nào là khai minh ?
– Khai minh chiếu khắp cõi ta-bà,
Tất cả chúng sanh chung một nhà.
Tăng lại thưa:
– Tuy nhiên không biện rõ.
– Chốn chốn đều gặp y.
– Cái gì là y ?
Sư đáp:
– Kiếp hỏa cháy tan mảy may sạch,
Núi xanh như cũ, mây trắng bay.
Tăng hỏi:
– Khi sắc thân bại hoại thì thế nào ?
– Xuân đến, xuân đi ngỡ xuân hết,
Hoa nở, hoa tàn vẫn là xuân.
Tăng suy nghĩ, Sư quát rằng:
– Đất bằng sau binh lửa,
Thực vật đều ngát thơm.
(Bình nguyên kinh hỏa hậu,
Thực vật các thù phương
Tăng lễ bái.
(8) Đây là những gì HT Thích Thanh Từ giảng cho đại chúng tại thiền viện của Ngài: “Khi Sư trụ trì chùa Chúc Thánh trên núi Phổ Lại, vị Tăng hỏi: Thế nào là diệu đạo?
Sư đáp: Sau khi giác rồi mới biết”.
Nếu có người hỏi chúng ta thế nào là diệu đạo thì chúng ta giải nghĩa diệu là mầu nhiệm, diệu đạo là đạo mầu nhiệm, căn cứ trên chữ nghĩa giải thích, người nghe không làm sao nhận ra diệu đạo được.
Ở đây Ngài đáp sau khi giác ngộ rồi thì biết.
Ngài nói ra lẽ thật để cho vị tăng này nhận, nhưng vị tăng ngày không nhận mới thưa tiếp: “Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được?”
Vị tăng này nói từ trước tới giờ thầy chỉ dạy con còn chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao con hội được?
Ngài bảo:”Nếu đến tiên gia trong động sâu, hoàn đan hoán cốt được mang về”.
Hoàn đan là viên thuốc, hoán cốt là đổi xương. Nếu đến động sâu của các ông tiên thì sẽ được thuốc cải lão hoàn đồng, uống vô xương cốt biến già thành trẻ.
Vị tăng này muốn hiểu diệu đạo, Ngài bảo tu giác ngộ rồi sẽ biết. Nhưng ông chưa nhận ra nên thưa “Giáo chỉ từ trước học nhân chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được?” Ngài mới dạy, nếu ông đến các động tiên thì sẽ thấy được hoàn đan.
Câu này lặp lại ý trên là ông muốn biết niệu đạo thì hãy tu cho đến chỗ giác ngộ rồi sẽ biết.
Nhưng vị tăng nghe nói hoàn đan liền hỏi: “Thế nào là hoàn đan?” Tăng không hiểu diệu đạo mới hỏi, Ngài trả lời hoàn đan. Tăng hỏi thế nào là hoàn đan”,
Ngài lại đáp:”Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu, hôm nay chợt ngộ được khai minh”. Nghĩa là nhiều kiếp ông mê muội quá, nếu ngộ rồi thì ông sẽ sáng mắt ra, không cần giải thích.
Vị tăng lại càng lúng túng hỏi thêm:
“Thế nào là khai minh?”
Ngài đáp : “Khai minh chiếu khắp cõi Ta bà, tất cả chúng sanh chung một nhà”.
Nghĩa là tu đến lúc giác ngộ thì tâm thanh tịnh sáng suốt chiếu khắp Tà bà, thấy tất cả chúng sanh đều có tâm thể thanh tịnh như nhau, nên nói chung một nhà.
Đó là lời đáp rất khéo của Ngài.
Tăng lại thưa: “Tuy nhiên không hiện rõ”.
Ngài đáp:”Chốn chốn đều gặp y”.
Vị tăng vẫn còn mù mịt nên nói con vẫn chưa hiện rõ. Ngài khai thị tiếp nên nói nơi nào chốn nào cũng đều có y, y không bao giờ thiếu vắng. …. chính là thể tánh tịnh minh
Vị tăng lại càng mờ mịt, thưa:
“Cái gì là y?” Sư đáp: “ Kiếp hoả cháy tan mây may sạch, núi xanh như cũ mây trắng bay”.
(9) Vị tăng muốn biết cái gì là y, Ngài đáp:”Kiếp hoả cháy tan mảy may sạch, núi xanh như cũ, mây trắng bay”.
Kiếp hoả là chỉ có kiếp hoại. Kinh Phật nói thế giới này trải qua bốn thời ký thánh, trụ hoại, không.
Ngài nói tuy kiếp hoả thiêu rụi thế giới này thành tro bụi không còn gì cả, nhưng còn mây trắng bay qua ngọn núi xanh. “Y” là chỉ cho thể chân thật. Vị tăng muốn biết thể chân thật là gì. Ngài đáp, dù cho thế gian có bị luật vô thường làm cho tan hoại, nhưng thể chân thật vẫn nguyên vẹn không mất.
Thể chân thật biểu trưng qua ngọn núi xanh sừng sững còn mãi với thời gian không gian.
Tăng hỏi: “Khi sắc thân bại hoại thì thế nào?”
Sư đáp: “Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết, hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”.
Với cái nhìn của phàm phu thì thấy thân bại hoại là hết, nhưng với Ngài thì thời gian có đến có đi, trăm hoa có nở có tàn, nhưng thể chân thật lúc nào cũng tươi nhần, nên nói “chỉ là xuân”.
Như vậy nếu chúng ta tu hành đắc lực thì lúc nào cũng có mùa xuân, chẳng phải đợi lúc hoa mai nở mới có xuân, hay hoa tàn là hết xuân, mà lúc nào cũng “chỉ là xuân”. Nếu chúng ta chịu khó tu hành thì hạnh phúc an lạc có sẵn trong tầm tay không tìm kiếm đâu xa cả.
Ở thế gian những gì mà người đời cho là hạnh phúc đó chỉ là tạm bợ mong manh. Như thấy người giàu có của cải có vợ đẹp con xinh, chúng ta cho rằng người đó đầy đủ hạnh phúc. Nhưng của cải tồn tại lâu dài, hay nay ở trong tay người này mai sang tay người khác? Vợ đẹp con xinh có đẹp xinh mãi, hay mai kia cũng ốm đâu bệnh tật nhan sắc tàn phai? Người có địa vị cao sang có được hạnh phúc hoàn toàn không? Chẳng hạn như ông vua uy quyền cao sanh nhất thiên hạ, cũng có khi bị phế làm thường dân, hoặc bị giết hay tù đày khổ sở v.v.. Như vậy hạnh phúc ở thế gian có gì bền chắc? Thế mà người đời cứ mãi đeo đuổi kiếm tìm, không biết mặt trái của hạnh phúc trong cuộc đời có ngầm ngầm đau khổ.
Quá thấu suốt lẽ này nên đức Phật, vua Trần Nhân Tông v.v… từ bỏ hết những danh vọng cao sang để đi tu, tìm hạnh phúc chân thật cho mình và cho tất cả chúng sanh.
Vậy hiện tại chúng ta đi tu bỏ hạnh phúc thế gian để mong cầu những gì?
Chúng ta bỏ hạnh phúc tạm bợ của thế gian thì phải sống được với thể chân thật của chính mình mới đúng nghĩa của người xuất gia. Đi tu không phải từ bỏ cái nhà thế tục, vào đạo lập cái chùa, có một số đệ tử, rồi lo bảo vệ đồ đệ, cứ loanh quanh lẩn quẩn lo giữa cái chùa, giữ đệ tử. Qua một thời gian, chùa sập, đệ tử mỗi người một nơi, rồi cũng phiền não khổ đau như người thế gian.
Tu như vậy hạnh phúc chân thật không có, giống như người thế gian chỉ đua nhau đuổi bắt những cái tạm bợ giả dối bên ngoài. Vậy thì người tu hành muốn hưởng hạnh phúc miên viễn, lúc nào cũng “chỉ là xuân” thì phải giác ngộ nơi mình có thể chân thật, hằng sống với nó để cứu khổ mình và cứu khổ mọi người. Tu như thế mới hưởng được hạnh phúc lâu dài. Đó là giá trị chân thật cao tột của sự tu hành.
Ngài đáp như vậy mà vị tăng không nhận ra.
“Tăng suy nghĩ. Sư quát rằng: “Đất bằng sau nhiều năm, thực vật đều thơm ngát”. Tăng lễ bái”.
Vị tăng nghe Ngài nói “Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết, hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”. Ông không nhận ra lại suy nghĩ. Khi khởi nghĩ suy là tâm đã dậy sóng gió rồi, nên Ngài quở: “Đất bằng sau nhiều năm, thực vật đều thơm ngát”. Câu này Ngài chỉ cho vị tăng cách thức tu hành là phải giữ cho tâm thanh tịnh trong một thời gian dài thì trí tuệ sáng ra, đừng suy nghĩ kiếm tìm khiến cho tâm thêm động loạn.
Những câu đáp của thiền sư Chân Không đã dẫn vị tới chỗ rốt ráo chân thật là bặt hết suy tư. Có lẽ vị tăng này lãnh hội nên lễ bái.
(10) Xá-lợi-phất! Ông đến đời vị lai, quá vô lượng vô biên bất khả tư nghị kiếp, cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp đầy đủ đạo tu hành của Bồ-tát sẽ thành Phật hiệu là Hoa Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Nước tên Ly Cấu, cõi đó bằng thẳng, thanh tịnh đẹp đẽ, an ổn, giàu vui, trời, người đông đảo. Lưu-ly làm đất, có tám đường giao thông, dây bằng vàng ròng để giăng bên đường, mé đường đều có hàng cây bằng bảy báu, thường có bông trái. Đức Hoa Quang Như Lai cũng dùng ba thừa giáo hóa chúng sanh.
Xá-lợi-phất! Lúc đức Phật ra đời dầu không phải đời ác mà bởi bổn nguyện nên nói pháp ba thừa. Kiếp đó tên là Đại Bửu Trang Nghiêm. Vì sao gọi là Đại Bửu Trang Nghiêm? Vì trong cõi đó dùng Bồ-tát làm “Đại Bửu” vậy. Các Bồ-tát đó số đông vô lượng vô biên bất khả tư nghị, tính kể hay thí dụ đều không kịp đến được, chẳng phải sức trí tuệ của Phật không ai có thể biết được. Khi muốn đi thì có bông đỡ chân.
Các vị Bồ-tát đó không phải hàng mới phát tâm, đều đã trồng cội đức từ lâu. Ở nơi vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật, tịnh tu phạm hạnh, hằng được các Phật ngợi khen. Thường tu trí tuệ của Phật, đủ sức thần thông lớn, khéo biết tất cả các pháp môn, ngay thật không dối, chí niệm bền vững, bậc Bồ-tát như thế, khắp đầy nước đó.
Xá-lợi-phất! Đức Phật Hoa Quang thọ mười hai tiểu kiếp, trừ lúc còn làm vương tử chưa thành Phật. Nhân dân nước đó thọ tám tiểu kiếp. Đức Hoa Quang Như Lai quá mười hai tiểu kiếp thọ ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho Kiên Mãn Bồ-tát mà bảo các Tỳ-kheo: Ông Kiên Mãn Bồ-tát này kế đây sẽ thành Phật hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước của đức Phật đó cũng lại như đây.
Xá-lợi-phất! Sau khi Phật Hoa Quang đó diệt độ, chánh pháp trụ lại trong đời ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp trụ trong đời cũng ba mươi hai tiểu kiếp.
Được giảng lại với ẩn nghĩa như sau : Phật thọ ký ngài Xá-lợi-phất thành Phật, hiệu là Hoa Quang ( Hoa là kết quả của sự tu tập – Quang là ánh sáng của Trí Tuệ ) nước tên Ly Cấu, kiếp tên Đại Bửu. Cõi nước Ta-bà ngũ trược của đức Phật Thích-ca, chúng sanh nhiều nghiệp ác nên Phật mới phương tiện dùng Ngũ thừa hoặc Tam thừa để giáo hóa. Tại sao cõi nước Ly Cấu là cõi nước thanh tịnh, Phật cũng dùng ba thừa để giáo hóa? Đây là bản nguyện của tất cả chư Phật mười phương đều dùng phương tiện nói ba thừa. Sở dĩ gọi kiếp tên Đại Bửu Trang Nghiêm là vì kiếp đó có vô số Bồ-tát tu hành thanh tịnh, là những bậc cao minh trang nghiêm cõi Phật, chớ không phải cõi đó trang nghiêm bằng châu báu vàng bạc.
Riêng Bồ tát Kiên Mãn cũng được thọ ký sẽ thành Phật mở ra một kiếp đường thênh thang cho những hành giả kham nhẫn tiệm tu cho đến ngày viên mãn lục độ ba là mật. Cần để ý về kiếp chót của các chư Phật: Kiếp chót của đức Thích-ca thành Phật sanh làm vương tử, ở đây Phật thọ ký cho ngài Xá-lợi-phất kiếp chót thành Phật cũng làm vương tử và các đức Phật cũng đều như vậy. Tại sao đời chót của chư Phật đều sanh làm vương tử mà không sanh trong gia đình bần cùng? Vì khi Bồ-tát tu tới quả vị Nhất sanh bổ xứ thì phước đức vô lượng vô biên, nên sanh làm vương tử mà không sanh vào chỗ xấu ác. Hơn nữa, vương tử bỏ ngôi đi tu, để cho mọi người thấy rằng Ngài đang ở trong ngũ dục lạc sung mãn, mà gan dạ từ bỏ ngũ dục lạc, khiến cho mọi người ngưỡng mộ kính phục để giáo hóa họ. Và một vương tử có đủ quyền thế mà còn từ bỏ, trong khi mọi người là những kẻ không có chút quyền hành, sao không gan dạ xả bỏ để tu?
(11) Chân Không gọi các đệ tử lại rồi nói kệ:
Phiên âm Hán-Việt:
Diệu bản hư vô nhật nhật khoa
Hòa phong xuy khởi biến sa hà
Nhân nhân tận thức vô vi lạc
Nhược đắc vô vĩ thủy thị gia
Nghĩa là:
Hư vô, điệu thể vẫn khoe bày
Khắp cõi sa hà, gió dịu bay
Vui nhất vô vi, ai cũng hiểu
Vô vi, nhà ở chính nơi này.
Cái bản tính vi diệu trông không ngày ngày có mặt
Gây nên cơn gió hoà ở khắp thế gian
Người người ai cũng biết cái hạnh phúc của vô vi
Phải thể hiện được cái vô vi đó trong cuộc sống mới gọi là nhà.
Ngô Bá Chung dịch
Chân không diệu thể quanh ta
Làm nên mây thuận gió hoà nơi nơi
Phúc thiền ai cũng biết rồi
Hoa thiền nở giữa lòng người dễ không ?
Lương trọng Nhàn dịch
Hư không huyền diệu quanh ta,
Gây nên thế giới gió hoà khắp nơi,
Vô vi hạnh phúc của người,
Vô vi thể hiện trong đời nhà đây.
Nguyễn Huệ Chi dịch
Hư vô, diệu thể vẫn khoe bày,
Khắp cõi sa bà, gió dịu bay.
Vui nhất vô vi, ai cũng hiểu,
Vô vi, nhà ở chính nơi này.
(12) Sáu pháp hòa kính đầu tiên được đức Đạo sư nói ra qua tiêu đề là Lục trọng pháp trong kinh Trung A-hàm, 22, được đức Đạo sư đem ra dạy cho Tôn giả A-nan và Sa-di Châu-na , nhân hai người đến để trình lên chỗ thấy nghe của Sa-di Châu-na về trường hợp thầy trò Ni-kiền Thân Tử, sau khi ông ta mất đi và những cảnh tượng đau lòng giữa các đệ tử của ông xảy ra. Sự phân hóa phát xuất từ những bản ngã cá nhân được bùng nổ từ sự ẩn nhẫn dưới sự bao trùm khép kín của sư phụ họ, những bản ngã cá thể được bùng vỡ ra từ những ức chế tâm lý đã từng được họ cưu mang thể hiện qua những hành động chống báng nhau, không ai nghe ai! Ai cũng cho mình là nhất, sự ái kính lẫn nhau không còn nữa.
1. Thân hòa cộng trụ, là trên phương diện sinh hoạt hằng ngày trong một tổ chức, chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, thường nên chiếu cố giúp đỡ lẫn nhau.
2. Khẩu hòa vô tránh, đứng trên phương diện giao tiếp chỉ bảo qua ngôn ngữ lời nói lẫn nhau, luôn luôn thể hiện tinh thần khuyến khích khuyên bảo cùng nhau làm thiện, dứt trừ làm ác.
3. Ý hòa đồng sự, là đứng trên phương diện tư tưởng, lúc nào cũng tôn trọng và ái kính ý kiến người khác, nếu tư tưởng ý kiến đó là đúng, còn nếu không thì hãy cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻchấp nhận.
4. Giới hòa đồng tu, là chúng ta cùng sống chung trong một tập thể, lúc nào chúng ta cũng nên tuân thủ cùng nhau tu tập theo giới luật chung đã được đặt ra.
5. Kiến hòa đồng giải, là kiến giải có được về chân lý, hay lý đạo đã thông xin chia sẻ cùng mọi người, cùng nhau tu tập.
6. Lợi hòa đồng quân, là tất cả mọi thứ của cải vật chất có được từ sự hỷ cúng của các thí chủ được chia đều cùng nhau một cách bình đẳng một cách hợp pháp, có nghĩa là bình đẳng trong đồng đẳng.
Về chung mái Lam Thân Hoà đồng trú
Luôn tinh tấn luôn Giới Hoà đồng tu
Từng câu nói năng Khẩu Hoà vô tranh
Chia xẻ đổi trao Kiến Hoà đồng giải
Mọi điều nên nhớ Ý Hoa, Ý Hoà đồng duyệt
Niềm vui xẻ về cùng xây hạnh phúc trên đời
Lạc an nào lớn hơn biết đem Lợi Hoà đồng quân
Và : Vô vi Theo Lão giáo không có nghĩa không làm gì, nhưng để sự việc phát sinh một cách tự nhiên trong sự hòa hợp với Đạo, và vì vậy cần thực hiện những gì cần thiết, nhưng không vượt quá nhiệt tình và hành động mù quáng, được coi là một trở ngại, mà là dễ dàng, nhẹ nhàng và thoải mái. Nó là một trạng thái của sự im lặng nội tâm, vào đúng thời điểm, hành động đúng có thể xuất hiện mà không cần nỗ lực của ý chí.
Vô vi theo Phật Giáo cũng là Niết-bàn có thể được hiểu là: Tình trạng ngọn lửa tham lam, sân hận, ngu si trong tâm đã bị dập tắt, tâm trở nên trong sáng, mát mẻ, thanh lương, tịch tịnh, tĩnh lặng. Niết bàn là thái độ tâm hết sạch phiền não, rõ biết tất cả pháp là vô ngã, vô thường, và bất toại nguyện.
(13) Tích chuyện “Rùa mù tìm bọng cây nổi trên mặt biển”: trong kinh Trung Bộ tập 3 bài 129 về người ngu và kẻ trí ( Hiền Ngu ).
“Đức Phật bảo các Tỳ kheo rằng: Chốn đại địa này biến thành biển cả; bấy giờ có con rùa mù sống lâu vô lượng qua trăm ngàn năm nó mới ngóc đầu lên một lần. Tại biển cả có một cây nổi lênh đênh, khi đông khi tây, vì bị sóng dập gió dồi liên tiếp; mà trong thân cây chỉ có một cái lỗ. Thế thì khi rùa ngóc đầu tìm cây và chui đầu vào cây, có dễ gặp không?
Ngài A Nan trả lời rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Khó mà gặp được, bởi lẽ rùa thì rùa mù, biển thì mênh mông, cây lại cây nổi, trôi theo chiều sóng gió đẩy đưa; đông tây bốn hướng nào có đậu nơi nào. Cho nên chắc chắn khó mà gặp được.
Phật dạy: Rùa mù, cây trôi tuy khó gặp, nhưng có hy vọng; còn như kẻ phàm phu ngu si trôi nổi trong năm thú mà tái sanh được thân người, mới thật là khó hơn rùa gặp cây bọng gấp mấy. Vậy nên các ngươi ngày nay phải tinh tiến tìm mọi phương tiện phát khởi tâm học đạo mới được”. (Kinh Tạp A Hàm).
Đọc đoạn kinh văn trên, chắc rằng ai trong chúng ta cũng hiểu: khó khăn và hy hữu biết chừng nào để sinh làm kiếp người trong chuỗi dài luân hồi bất tận. Sở dĩ khó khăn là vì “trong cõi súc sanh không có hành vi công đức, không có cử chỉ cung kính, không có điều kiện thù thắng” (Kinh Trung A Hàm); trong khi, con người có nhiều điều kiện sinh lý và tâm lý thuận lợi để thăng hoa. Đức Phật đã từng nói trong kinh Hoa Nghiêm: “Nhân thị tối thắng”.Dị Bộ Tôn Luân Luận cũng có câu: “Tất cả những kết quả tốt đẹp giác ngộ đều thực hiện bởi con người”. Rõ nhất về giá trị kiếp người cho việc tu tập là đoạn kinh Ưu Bà Tắc: “Trong mọi loài, con người có đủ điều kiện hơn, như về trí khôn ngoan chẳng hạn. Hơn nữa, hoàn cảnh con người không quá khổ như địa ngục, không quá vui như thiên đàng, và không ngu si như thú vật”.
Tuy nhiên, nếu con người không biết sử dụng khả năng sẵn có ấy để tiến đến chân-thiện-mỹ, mà cứ chạy theo dục vọng kém hèn làm cho thân thể và tinh thần mình mỗi ngày một tiều tụy, ngu si, phá sản, ấy chính là con người tự kéo mình xuống nganh hàng với loài cầm thú.