Thiền Sư Viên Học

Công năng Tiếng Chuông Chùa trong hai thời Khuya và Tối

(qua bài thi kệ Văn Chung của Thiền Sư Viên Học)

Thiền Sư Viên Học (1073 – 1136), đời 17 Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Thời Vua Lý Thần Tông)

Những ai nhà cách xa chùa và lại ở đô thị, ( trường hợp người viết ) nên mỗi sáng sớm trong thời công phu khuya ít khi dám thỉnh chuông sau khi lạy ân đức Tam Bảo tuy biết rằng tiếng chuông chính là sứ giả của Phật, cùng một lúc gửi đến muôn người … và nếu có phương tiện thường phải đợi đến công phu chiều mới thỉnh chuông và khấn nguyện :

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,
Thiết vi u ám tất giai văn,
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác (0).
Nguyện tiếng chuông nầy ngân khắp cõi,
Thiết-vi ngục tối thảy xa nghe,
Cõi trần trong sạch đều thông suốt
Giác ngộ sanh linh cả mọi loài. (0)

Phải nói rằng Chùa không chuông như xác không hồn, như thơ thiếu nhạc, như đàn thiếu giây, như người câm tiếng. Ở đô thị tiếng chuông có thể bị lấn át bởi bao tiếng động cơ của nhà máy, xe cộ; còn ở một xóm nhỏ vùng quê, sẽ được lắng nghe, đón nhận trọn vẹn hơn… Và dường như mỗi khi ta nghe được thì âm vang ấy đã len quyện vỗ về bao thân phận khốn cùng, khổ nhọc; đánh thức chúng ta hãy tinh giác đừng chìm đắm trong cuộc mộng nhân sinh nữa.

Tiếng chuông ngân buổi sớm từ 5:30 am – 6:30 am từ thưa đến nhặt, thúc giục hành giả tinh cần tu học, đánh thức mọi hành giả chỗi dậy đón chào một ngày mới tinh khôi, như thức tỉnh mọi người hãy tinh tấn tu hành để chóng vượt ra ngoài vòng tối tăm trong sinh tử luân hồi.

Tiếng chuông ngân buổi chiều buổi tối thường là từ 17:30đến 18:30, từ nhặt đến thưa, nhắc nhở một ngày qua đi, cuộc đời khép dần theo bóng hoàng hôn tàn úa , nhắc nhở cơn vô thường nhanh chóng cho mọi người.

Tại một số chùa Bắc Tông thường được khởi đầu bằng :
Hồng chung sơ khấu, bảo kệ cao âm,
Thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ. (0)
Hồng chung khởi thỉnh tiếng ban đầu,
Bảo kệ ngâm cao thoát nhiệm mầu,
Trên thấu Thiên Đường vui an lạc,
Dưới thông Địa ngục diệt khổ đau (0)

*Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (0)

… Mỗi khi nghe chuông giúp ta quay trở về để tiếp xúc với cuộc sống trong giây phút hiện tại và có thể ví ” Nghe tiếng chuông đã trở thành phương tiện tỉnh thức”.

[ Listening to the bell I feel the afflictions in me begin to dissolve. My mind calm, my body relaxed. A smile is born on my lips. Following the sound of the bell. My breath brings me back to the safe island of mindfulness. In the garden of my heart, the flowers of peace bloom beautifully. (0)

We sit upright with dignity and return to our breathing. We bring our full attention to what is within and around us. We let our mind become spacious and our heart soft and kind (0) ]

HT Thích Nhất Hạnh với lời thơ tuyệt vời đã giúp đại chúng trở về chánh niệm, buông xả mọi chấp trước , trở về thực tại không còn đánh mất chính mình như sau :

Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở theo chuông nương chánh niệm
Thân tâm hoa Tuệ mới xanh tươi

Trước đây vào giữa thế kỷ 12 bài kệ Văn Chung của thiền sư Viên Học đã được đưa vào Thi đàn thời Lý như sau

(Lục thức thường hôn chung dạ khổ,
Vô minh bị phú cửu mê dung.
Trú dạ văn chung khai giác ngộ,
Lãn thần tịnh sát đắc thần thông.)
HT Thích Thanh Từ dịch

Sáu thức tối tăm khổ đêm dài,
Vô minh che đậy mải mê say.
Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giác,
Thần lười dứt sạch, được thần thông.
Ngô tất Tố dịch

Sáu căn ám ảnh, khổ đêm dài,
Tăm tối sinh ra biếng nhác hoài.
Hôm sớm nghe chuông hồn tỉnh thức,
Thần thông được gặp, hết thần lười.

Phạm đình Nhân dịch
Sáu thức tối tăm khổ đêm trường
Vô minh che lấp mịt mờ sương
Ngày đêm chuông thỉnh tâm khai ngộ
Thần lười chết sạch, được thần thông

Nguyễn văn Dũng dịch
Sáu thức tối mờ khổ sắc không
Vô minh sinh biếng nhác mê lầm
Đêm ngày nghe chuông chùa bừng tỉnh
Thần lười rũ sạch được thần thông

Trương Việt Linh dịch
Sáu thức mịt mờ khổ suốt đêm
Vô minh che lấp mãi mê lầm
Tiếng chuông sớm tối bừng khai ngộ
Dứt được thần lười đạo pháp thông

Với bài kệ này … Thiền Sư Viên Học đã dạy đúng như lời Đức Phật trong kinh Pháp Cú Phẩm Song Yếu:

Dẫn đầu các pháp là Tâm
Tâm kia là chủ là nguồn tạo sinh
Nói năng, hành-động, thường tình
Với Tâm ô nhiễm khổ nghiệp sinh khổ sầu
Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.

(Kệ số 001)
Dẫn đầu các pháp là Tâm
Tâm kia là chủ là nguồn tạo sinh
Nói năng, hành-động, thường tình
Với Tâm thanh tịnh an vui khéo gìn
Khác nào bóng chẳng lià hình.
(Kệ số 002)

và Sư Phụ Ngài ..Thiền Sư Chân Không đã khai thị “Khai minh chiếu khắp cõi Ta bà“.

Nghĩa là tu đến lúc giác ngộ thì tâm thanh tịnh sáng suốt chiếu khắp Tabà,.. để thấy thần thông diệu dụng chính là làm chủ Thân Tâm mình tỉnh thức và chánh niệm tại đây và bây giờ ngay trong thực tại… Đó cũng chính là thu thúc lục căn và đừng lười biếng , giải đãi như kệ Pháp cú:

Ai chạy theo thú-vui vật-chất,
Chẳng giữ-gìn, kiểm-soát giác-quan,
Chẳng điều-độ việc uống ăn,
Lại thêm lười-biếng, chẳng năng-lực gì,
Bị Ma-quân tức thì quật ngã,
Như gió to nhổ cả cây mềm.
(Pháp Cú Kệ số 007)

Ai khéo quán tấm thân bất-tịnh,
Khéo giữ-gìn, chấn-chỉnh các căn,
Biết điều-độ việc uống ăn,
Vững tin Tam-Bảo, siêng-năng tinh-cần,
Ma nào khuấy, nếm phần thất-bại,
Như núi đá sao ngại gió to?
( Pháp Cú Kệ số 008)

Kính trân trọng

Kính ngưỡng Thiền Sư Viên Học
Tuy 20 tuổi mới bắt đầu nghiên cứu nội điển (1)
Nhưng luật nghi hoàn bị, thiền học rất cao thâm
Hạnh đầu đà … .Áo nạp quanh năm,
… bình bát , tích trượng chẳng rời thân (2-3 )
Hạnh sửa cầu, đắp đường luôn thực hiện trước (4)

Kính được trình bày hai pháp khí lần lượt
Trong “Góp Nhặt Cát Đá ” có câu chuyện ZENKAI (5)
Xây cầu , sửa đường … công đức thật rõ bày
Và giáo lý Phật Pháp ẩn chứa trong bài thi kệ (6)

Sáu Căn tiếp xúc cảnh tạo Sáu thức tương hệ (7)
Nhờ tiếng chuông tỉnh thức … mọi giải đãi phục hồi (8)
Tứ chánh cần trong 37 phẩm trợ đạo sẽ tinh chuyên thôi (9)
Làm chủ thân tâm, thần thông diệu dụng sẽ đến

Phải chăng công năng âm thanh Chuông vô bờ bến !
Nam Mô Thiền Sư Viên Học tác đại chứng minh.

Huệ HươngMelbourne 30/9/2021

 

_____________

Chú thích :

(1) Sư họ Hoàng, quê làng Như Nguyệt, tu ở chùa Đại An Quốc, huyện Tế Giang.
Thuở nhỏ, Sư đọc hết các loại sách ngoài đời, đến năm 20 tuổi mới nghiên tầm nội điển.
Nhơn nghe một câu nói của Thiền sư Chân Không mà tâm Sư được mở sáng.
Từ đó, thiền học càng cao, luật nghi cũng hoàn bị.

(2) Suốt năm, Sư chỉ khoác một áo nạp, hai mùa lạnh nóng cũng thế thôi. Bình bát, tích trượng chẳng rời thân, Sư tùy phương giáo hóa.

** Bình bát Tiếng Phạn là Bát Đa La (Sanskrit patra – Haùn 鉢 盂, dịch là Ba Đa La, Bá Đát La, Bát Hòa La…) lại gọi là Bát vu, ứng pháp khí, ứng lượng khí. Bát vu là một trong những pháp khí mà Tỳ kheo phải mang theo bên mình dùng để khất thực cho nên bình bát là Pháp khí thường thấy trong nhà Phật.

Trong Phật giáo, nguyên do Phật chế định cho hàng Tỳ kheo trì bát có rất nhiều câu chuyện.như Kinh Luật chép rằng: Đức Phật sau khi thành đạo bảy ngày không có thức ăn để dùng, bấy giờ hai vị thương buôn là Đề Vị và Ba Lợi được thổ thần mách bảo, nên hai người đem dâng lên Phật mật ong. Phật bèn nghĩ, chư Phật đời quá khứ đều dùng bình bát để nhận thức ăn, nhưng hiện tại Ta không có bình bát thì phải làm sao? Bốn vị Thiên Vương biết được tâm niệm của Phật, bèn đem bình bát đến dâng Phật. Phật nghĩ bốn cái bát nầy làm sao sử dụng cho hết. Thế là Ngài đem bốn cái xếp chồng lên, rồi để trong lòng bàn tay trái, tay phải đè lên trên dùng thần lực biến thành một cái bát. Bình bát bằng đá xanh nầy của Phật có thể đựng ba đấu, trọng lượng của nó rất nặng.

(3) Tích trượng tiếng Phạn là Khakhara (Khiết khí la), Khích Khí La, cũng dịch là “Thanh trượng”, “Minh trượng”. “Trí trượng”, “Đức trượng”, “Kim tích trượng” là một trong những pháp khí của Phật giáo.

Khi còn tại thế, Đức Phật giải thích Tích trượng: “Tích có nghĩa là Khinh, có nghĩa là nhờ chiếc gậy đức hạnh và trí tuệ nầy mà phiền não được nhẹ đi và sớm ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi. Tích cũng có nghĩa là Minh, nghĩa là được trí huệ sáng suốt, là hết khổ não”.

Trên đầu tích trượng sở dĩ có 12 vòng khoan là biểu trưng cho Thập nhị nhân duyên mà Đức Phật giác ngộ được để chứng thành đạo quả. Từ đó, Ngài đem Thập nhị nhân duyên để giáo hóa chúng sinh vì muốn mọi người đều được giác ngộ đạo lý nhằm chỉ rõ mục đích của người tu là phải có chánh pháp, hiểu tận tường thấu đáo Giới, Định Tuệ, thực hành đúng theo lời Phật dạy để vượt thoát tứ sanh ( noãn, thai ,thấp , hoá sanh ) và tam đồ ác đạo ( địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ).

Tích trượng trong Phật giáo là một trong những món đồ mà một tu sĩ phải mang theo bên mình khi đi đường. Công dụng chính của nó bao gồm để tự vệ, xua đuổi côn trùng thú dữ, và để tạo âm thanh hỗ trợ cho việc khất thực. Tuy nhiên, ngày nay trong Phật giáo Tích trượng dường như không còn có công dụng như thời kỳ đầu, ở các nước theo Phật giáo nguyên thủy hầu như không còn thấy xuất hiện trong đời sống tu sĩ, còn ở nhánh Phật giáo Bắc truyền, Tích trượng đã được chuyển đổi công năng khá rõ rệt. Tích trượng không còn tính thực dụng của nó, thay vào đó Tích trượng chỉ xuất hiện nhiều trong các lễ nghi của Phật giáo Bắc truyền.

(4) Cho đến việc sửa cầu, đắp đường… chẳng việc nào Sư không đứng ra làm trước, rồi mới khuyến bảo người. Về sau, Sư trùng tu ngôi chùa Quốc Thanh ở làng Phù Cầm và đúc một quả chuông.

(5) tích truyện trích từ tác phẩm Góp nhặt cát đá do Đổ Đình Đồng phiên dịch. Zenkai, con trai một Samurai, du hành đến Edo và trở thành người hầu cận của môt viên chức cao cấp ở đó. Zenkai yêu người vợ của viên chức này và việc đó bị phát giác. Để tự vệ, Zenkai giết người chồng và dẫn người vợ tẩu thoát.

Sau đó cả hai trở thành những tên ăn cắp, nhưng người đàn bà quá tham lam khiến Zenkai trở nên khinh bỉ. Cuối cùng Zenkai bỏ người đàn bà và đến một tỉnh xa tên là Buzen. Ở Buzen để chuộc lại dĩ vãng Zenkai quyết định làm một vài việc tốt trong đời. Biết trên sườn núi đá có một con đường nguy hiểm đã làm nhiều người bị thương và thiệt mạng, Zenkai quyết định đào một con đường hầm xuyên qua núi đá. Ban ngày xin ăn, ban đêm đào núi. Khi Zenkai hơn 30 tuổi thì đường hầm đã đào được dài 695 thước, cao 6 thước, rộng 9 thước.

Hai năm trước khi công việc hoàn thành, một người con trai của viên chức bị Zenkai giết, đã học kiếm và trở nên một người giỏi kiếm thuật, tìm được Zenkai và muốn giết Zenkai để báo thù cho cha.
Zenkai nói: “Tôi sẽ dâng mạng cho anh, nhưng hãy cho tôi làm xong công việc này. Khi công việc hoàn thành anh có thể giết tôi cũng được”.

Người con trai đồng ý đợi đến ngày xong việc. Nhiều tháng trôi qua và Zenkai vẫn tiếp tục đào đường. Người con trai trở nên chán nản vì không có việc gì làm nên anh bắt đầu giúp Zenkai đào đường. Sau khi giúp Zenkai hơn một năm, anh ta trở nên kính phục dũng chí và tư cách của Zenkai.
Cuối cùng con đường hầm đã hoàn thành và người ta có thể qua lại an toàn.
Zenkai bảo:
“Bây giờ việc đã xong rồi, hãy chém đầu tôi đi!”
“Làm sao con có thể cắt đầu thầy được?” Người thanh niên hỏi qua làn nước mắt.
Ở câu chuyện này công hạnh khổ nhọc đào đường hầm của Zenkai đã cảm hóa được mối thù sâu đậm của người con trai. Ngoài việc này Zenkai còn hưởng vô lượng phước ở vị lai. Tuy nhiên, dù sao ông cũng phải trả quả báo giết người và đoạt vợ ở một kiếp khác.

(6) bài kệ Văn Chung được ghi lại trong thi đàn Lý Trần
(Lục thức thường hôn chung dạ khổ,
Vô minh bị phú cửu mê dung.
Trú dạ văn chung khai giác ngộ,
Lãn thần tịnh sát đắc thần thông.)

HT Thích Thanh Từ dịch
Sáu thức tối tăm khổ đêm dài,
Vô minh che đậy mải mê say.
Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giác,
Thần lười dứt sạch, được thần thông.

(7) Chúng ta phải nhận thức rằng lục căn, lục thức và lục trần đều là những pháp giả dối, không thật. Thế nhưng lục căn (nội thân) vì có thói quen tiếp xúcvới lục trần (ngoại cảnh) bởi vì lục trần luôn luôn có sức hấp dẫn làm lục căn bị mê hoặc. Do đó khi lục thức (ý niệm và tư tưởng) được phát sinh thì trong tâm của chúng ta chất chứa toàn là vọng tưởng, thay đổi không ngừng. Muốn cho lục căn không bị ngoại cảnh (lục trần) cám dỗ thì chúng ta phải giữ cho tâm được hoàn toàn thanh tịnh và loại bỏ mọi chấp trước thì vô minh và vọng tưởng sẽ bị tiêu diệt. Nhớ lại ngày xưa trước khi Đức Phật chứng quả Niết Bàn thì chính Ngài cũng phải chiến đấu ngày đêm với bọn Ma vương. Trong thì có ngũ uẩn ma, pháp hành ma, tứ diệt ma, còn ngoài thì có chư thiên ma, hợp vô cùng phức tạp đó là trùng trùng duyên khởi. Tại sao có thể cấu trúc được những vật vô cùng phức tạp và tinh tế như vậy ? Vì cái nền hay cơ bản của nó là Phật tánh, tánh giác ngộ, tánh biết, thuật ngữ Phật giáo gọi là Chánh biến tri, tức cái biết bất nhị (không có năng tri và sở tri) cùng khắp không gian và thời gian, không có hạn lượng. Cái biết đó tạo ra vũ trụ, thiên hà, mặt trời, hành tinh, vạn vật, con người. Đúng ra vạn vật ban đầu chỉ có Sắc (vật chất) mà chưa có Danh (tên gọi) chỉ khi có con người xuất hiện, có ý niệm mới có tên gọi.

Tánh thấy tạo ra nhãn căn (mắt). Tánh nghe tạo ra nhĩ căn (tai). Tánh ngửi tạo ra tị căn (mũi). Tánh nếm tạo ra vị căn (lưỡi). Tánh sờ mó tiếp xúc tạo ra thân thể (thân căn), thân thể có nhiều cơ quan nội tạng giúp cơ thể hoạt động và tăng trưởng theo một chương trình thông tin di truyền chứa trong nhân tếbào gọi là nhiễm sắc thể (DNA DeoxyriboNucleic Acid). Tánh biết tạo ra ý căn (não bộ) là trung tâm tổng hợp và điều khiển mọi hoạt động của cơ thể và từ đó có khả năng suy nghĩ trừu tượng nhờ vào khả năng ghi nhớ của các tế bào thần kinh.

Các pháp (dharma, pháp là thuật ngữ Phật giáo có nghĩa rất rộng, chỉ chung tất cả mọi sự vật là vật chất, kể cả những vật không hiện hữu như lông rùa, sừng thỏ, và mọi khái niệm của tinh thần, lý trí, tình cảm…đều được gọi là pháp) trở thành đối tượng của ý căn.

Như vậy đối tượng của ý căn rất rộng lớn, bao gồm mọi lĩnh vực, từ vật chất tới tinh thần. Mọi hoạt động của xã hội loài người từ sản xuất vật chấtđến văn hóa, nghệ thuật, triết học, văn học, khoa học, lịch sử, luật pháp đều thuộc về ý thức.

Sự giao tiếp giữa lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phát sinh lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức). Phật giáo gọi chung lục căn, lục trần và lục thức là 18 giới hay nói rõ hơn là 18 cảnh giới. Tất cả 18 cảnh giới đều là tâm cảnh chứ không phải vật cảnh, vì vật xét cho cùng là không có thật, mặc dù lục căn và lục trần phần lớn là vật chất, chỉ có pháp trần có thể một phần là tinh thần, bởi vì não phải nhận thông tin từ các giác quan, so sánh với dữ liệu lưu trữ trong ký ức mới có được nhận thức. Nếu ký ức không có dữ liệu, ví dụ đứa trẻ sơ sinh, không có gì để so sánh, thì nó không hiểu không biết gì cả. Có những đứa trẻ chưa học mà biết, đó là do ký ức của nó còn lưu lại những dữ liệu của kiếp trước. Đối với người giác ngộ, đã mở được a-lại-da thứcthì biết cả quá khứ vị lai, vì bản chất đích thực của pháp giới là vô thủy vô chung, không có không gian, không có thời gian, không có số lượng.

Lục thức là cái biết của nhất niệm vô minh, khi bộ máy hoạt động, từng ý niệm được phát sinh liên tụckhông ngừng nghỉ, tạo thành một dòng ý thức. Dòng ý thức này được mạt-na thức nhận là của nó, hình thành bản ngã, thông tin của ý thức được tích lũy trong a-lại-da thức. Khi một người chết đi, xác thân tan rã, lục căn không còn, nhưng thông tin vẫn còn nguyên trong a-lại-da thức. Như vậy khi một người chết, vong linh vẫn còn, một số nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng có thể tiếp xúc với vong linh, thấy được hình tướng của họ. Họ không còn ở trong Dục giới mà đã qua Sắc giới. Phật giáo không gọi đó là vong linh hay linh hồn mà gọi là thần thức là năng lực chuyển tiếp trước khi đầu thai vào một kiếp sống mới, tùy theo nghiệp chướng mà sẽ đi vào một trong lục đạo (sáu đường) từ cao xuống thấp như sau, 3 đường trên là thiện đạo có phước báo, 3 đường dưới là ác đạo

(8) Giải đãi nằm trong Đại Tuỳ của 20 tuỳ phiền não.

Hai mươi món phiền não này, là tuỳ thuộc 6 món Căn bản phiền não trên mà sanh khởi. Vì phạm vi tương ưng của nó có rộng và hẹp không đồng, nên chia làm ba loại:

I. TIỂU TUỲ, có 10 món, mỗi món tự lực sanh khởi, phạm vitương ưng nhỏ hẹp, nên
1. Phẫn: Giận.
2. Hận: Hờn.
3. Phú: Che giấu.
4. Não: Buồn buồn.
5. Tật: tật đố, ganh ghét.
6. Xan: Bỏn xẻn.
7. Cuống: Dối.
8. Siểm: Bợ đở, nịnh hót.
9. Hại: Tổn hại
10. Kiêu: Kiêu căng.

II. TRUNG TUỲ, có hai món là Vô tàm và Vô quý;
11. Vô tàm: Tự mình không biết, xấu hổ. 12. Vô quý: Không biết thẹn với người

III. ĐẠI TÙY, có 8 món sau đây. .
13. Trao cử: Lao chao.
14. Hôn trầm Mờ tối trầm trọng
15. Bất tín: Không tin. tịnh.
16. Giãi đãi: Biếng nhác trễ nãi, Tánh của Tâm sở này là biếng nhác, không lo đoạn ác và tu thiện. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tinh tấn và tăng trưởng tánh nhiễm ô.
17. Phóng dật: Buông lung.
18. Thất niệm: Mất chánh niệm.
19. Tán loạn: Rối loạn.
20. Bất chánh tri: Biết không chơn .

(9) Tứ Chánh Cần là bốn pháp siêng năng tinh tấn hợp với chánh đạo.

Bốn phép tinh tấn ấy là: Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh.Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh.Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh.Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.