Hiện Tượng Tử Sinh – Chương VII

CHƯƠNG 7. HIỆN TƯỢNG CỦA NHỮNG HỒN MA

Đã gọi là hiện tượng thì chẳng có gì thật cả, mà sự thật của hiện tượng; ấy chính là không. Đã là không thì nói làm gì; nhưng cái không ấy vẫn có đối với nhiều người; nên cần phải đề cập đến là vậy. Có người tin có ma và có người không tin rằng ma hiện hữu. Vậy thì, ai tin có, cứ cho rằng có; ai tin không thì cứ gọi là không. Vì lẽ cái thấy, cái nghe, cái nhận biết của mỗi người trong chúng ta, không ai giống ai cả. Khi chúng ta xem, đọc hay nghe một việc gì, cứ bình tỉnh suy tư và sau đó có thể đứng từ điểm 50% của sự việc để nhìn tới hướng 100% nằm ở phía trước để thấy đúng cái gì và sai cái gì, và cũng từ 50% ấy hãy nhìn lui lại thật kỹ ở phía sau để nhận xét và phán đoán. Hãy khoan đi tới kết luận vội. Vì xưa nay trong cái đúng luôn ẩn tàng cái sai và trong cái sai ấy, tận cùng cũng có một ít cái đúng nằm nơi đó. Cho nên bất cứ một vấn đề gì khi đến trước mắt ta, hãy chậm rãi quan sát, chấp nhận hay không, rồi từ đó mới nhận xét và thực hành.

Tôi vẫn thường hay ví dụ về quả sầu riêng cho dễ hiểu. Người thích trái cây loại nầy thì bảo rằng ngon đáo để, ăn vào để ngậm mà nghe; nhưng người không thích sầu riêng, chỉ nghe mùi thôi là đã dội ngược lại rồi; chứ đừng nói gì đến ăn. Cho nên người không thích thì bảo sầu riêng thối, sầu riêng hôi. Nhưng trên thực tế, bản thể của sầu riêng nó là vậy. Nó chẳng hôi, chẳng thối mà cũng chẳng thơm. Nếu có, chỉ vì người đối diện nhận xét, phê bình nó; chứ nguyên thủy, nó vẫn là nó. Khi sinh ra vốn đã có gai, khi già đi thì có người chọc cho rụng xuống đất hoặc tự rụng, rồi tự lột vỏ để người đời thưởng thức những múi sầu riêng nhiều thịt ấy.

Chương nầy tôi sẽ kể lại tất cả những chuyện ma, quỷ và những người bị nhập, kể từ khi tôi biết đến nay. Nó sẽ là những nụ cười hóm hỉnh, khó nói ra được, mà nó cũng có thể là một sự sợ hãi vô cớ; nhưng đây là sự thật đã xảy ra trong đời tôi từ khi tôi xuất gia cho đến nay đã đúng 50 năm rồi. Trong 50 năm ấy đã có không biết bao nhiêu là vật đổi sao dời; nhưng những câu chuyện như thế nầy nó vẫn còn nằm sâu trong tâm khảm của mình. Tôi nhớ là tôi đã kể đâu đó trong những lần thuyết giảng liên quan với đề tài tái sanh, hay gì gì đó; nhưng hôm nay tôi ghi vào sách tử tế để chứng minh cho những gì đã xảy ra trong quá khứ và vẫn cỏn luôn liên hệ đến hiện tại.

Khi tôi vào chùa xuất gia ở Viên Giác và Phước Lâm tại Hội An, Quảng Nam khi tuổi đời mới ở vào độ tuổi 15. Tuổi trăng tròn nầy nếu ở đời chắc có nhiều mộng mơ lắm; nhưng với tôi, với lứa tuổi ấy đã có một định hướng rõ ràng cho tương lai mình, là tôi sẽ đi xuất gia, xa gia đình và xa tất cả. Dĩ nhiên là tôi cũng không biết sẽ được cái gì với một đời sống xuất gia như vậy; nhưng lòng đã quyết; nên từ bỏ tất cả để vào chùa. Khi vào chùa, tôi không ngỡ ngàng bất cứ một điều gì cả. Vì trong tâm tôi luôn sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách gian nan, dầu cho bất cứ là việc gì đi nữa, tôi cũng sẽ sẵn sàng ứng phó. Không chối bỏ, không chạy trốn, không lẫn tránh trách nhiệm. Tất cả đều ở trong thái độ sẵn sàng như thế, thì một hôm Thầy trụ trì Thích Như Vạn kêu bọn Điệu chúng tôi lên dặn.

– Nầy! Các Chú – Ngày mai Thầy đi vắng. Các chú phải nhớ là chiều nào cũng phải cúng cô hồn nha!

– Mô Phật! Bạch Thầy. Chúng tôi chắp tay và cúi đầu.

Thầy có vẻ vừa ý lắm; nhưng trong tâm của chúng Điệu chúng tôi thì rất vui. Vì Thầy đi rồi, mình ở nhà tự biên, tự diễn, những chú lớn khác đã có công việc riêng của Thầy giao rồi; nên chúng tôi ngoéo tay nhau là sau khi Thầy đi rồi, chiều nay và chiều mai sẽ không cúng cô hồn, làm sao Thầy biết được và chú nào thưa lại với Thầy thì sẽ bị loại ra ngoài. Đoạn chúng tôi leo lên cây me, cây bàng chùa Phước Lâm để chơi trò trẻ thơ như cút bắt, nhảy cao v.v… một buổi chiều qua, rồi hai buổi chiều qua cũng cứ như thế; không ai trong chùa biết là chúng tôi không đi cúng cháo cô hồn. Cả đám Điệu 4 hay 5 chú gì đó nhìn nhau tủm tỉm cười. Tối đó Thầy về, chúng tôi vẫn thái độ bình thản, như chẳng có việc gì xảy ra; nhưng sáng hôm sau, sau giờ ăn mới là điều đáng nói.

Thầy bảo: Tại sao các chú ở nhà không cúng cô hồn?

Chú nầy nhìn chú kia nghi ngờ. Tại sao chúng mình đã ngoéo tay với nhau là không nói; nhưng tại sao Thầy lại biết? À, thì ra có lẽ là chú Thị giả tối hôm qua hầu Thầy, bị Thầy gạn hỏi; nên đã trình thưa chăng? Thế là tất cả các chú đều hướng về chú Thị giả. Chú ta tỉnh bơ, giống như là chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì chú tự nghĩ là mình không chủ động việc ấy, thì có gì để mà lo.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi lại nghi ngờ nhau và lớn tiếng đổ lỗi cho Chú nầy và nói xấu qua Chú khác. Khi Thầy nghe lớn tiếng nên mới vọng hỏi từ trong phòng ra là:

– Cái gì mà tụi con lớn tiếng vậy?

– Bạch Thầy! các Chú nầy nghi con thưa với Thầy việc các Chú không đi cúng cô hồn trong 2 ngày qua cho Thầy biết…

Thầy từ tốn nói rằng:

– Không phải vậy đâu! Tối qua khi Thầy vừa chợp mắt thì thấy có không biết bao nhiêu người mặc áo trắng đến báo tin cho Thầy hay là họ đói quá. Thầy mới hỏi tại sao thì những người ấy trả lời rằng: Vì 2 ngày qua các Chú không cúng cháo cho họ ăn.

Chúng tôi sau khi nghe xong câu chuyện nầy đều rởn tóc gáy và xin chí thành sám hối và hứa với Thầy là từ nay về sau sẽ không dám làm những điều như vậy nữa.

Câu chuyện ấy xảy ra từ năm 1964 tại Hội An và nay là 2014; nghĩa là 50 năm, tôi lại có suy nghĩ như thế nầy: Những người chết oan uổng và nhất là những người sau 49 ngày họ không đi đầu thai được. Vì không có thân nhân cúng quảy; nên mới ra nông nổi ấy. Chỉ có chùa mới là nơi giúp họ có thể no đủ; nên họ phải nương vào để đủ no cơm, ấm lòng. Vì họ là những chúng sanh chưa có hình tướng nên cơm cháo phải qua những câu thần chú gia trì, cơm, cháo, bánh, trái kia mới tự hóa nhỏ và loãng ra được. Nhờ đó các loài cô hồn nầy, trong đó có cả ngạ quỷ cũng dự phần. Bài chú ấy như sau:

Biến thực biến thủy chơn ngôn

Nam Mô Tát Phạ Đát Tha, Nga Đa Phạ Lồ Chi Đế. Án Tam Bạt Ra, Tam Bạt Ra hồng. (3 lần)

Nam Mô Tô Rô Bà Da, Đát Tha Nga Đa Da, Đát Điệt Tha. Án Tô Rô Tô Rô, Bát Ra Tô Rô, Bát Ra Tô Rô Ta Bà Ha. (3 lần)

Án Nga Nga Nẳng, Tam Bà Phạ, Phiệt Nhựt Ra Hồng. (3 lần)

Ba câu thần chú nầy nguyên ngữ bằng tiếng Phạn, chỉ được dịch âm ra các câu ngôn ngữ của Phật Giáo Đại Thừa khác như: Trung Hoa, Đại Hàn, Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam… chỉ bằng âm; chứ không có nghĩa. Vì nội dung của 3 câu thần chú nầy là biến các đồ ăn và thức uống ra thật loãng, để cho cô hồn và ngạ quỷ có thể thọ hưởng được.

Câu chuyện tiếp theo cũng tại chùa Phước Lâm ở Hội An vào năm 1966. Nguyên là trong chùa chúng tôi ở toàn là những người xuất gia; chỉ có một người Cư sĩ duy nhất. Đó là Cô Năm làm công quả, chuyên lo nấu nướng, dọn dẹp trong chùa và lo cơm nước cho chúng tăng; nhưng đột nhiên có chuyện không may xảy ra là trong chùa có một chú bị mất cây bút máy. Thuở ấy đa phần viết bằng ngòi viết lá tre và chấm mực bằng phẩm màu xanh. Giấy viết toàn là giấy súc; khi chấm mực xanh viết vào giấy thì chữ nhòe ra. Thế mà chúng tôi đốt đèn cầy vào ban đêm, vẫn có thể soi rọi vào những mặt chữ được, rồi tái hiện vào trong não bộ của con người, cũng quả là điều linh diệu. Do vậy, bút máy là một loại bút cao cấp. Ngòi bút máy rất đẹp và mỗi khi hết mực, chỉ cần bơm mực vào ống là có thể an tâm ngồi viết, mà không sợ mực đổ lên người, hay lên giấy như những người học trò ngồi bên cạnh. Thế nhưng chú Phong đã bị mất một cây bút máy như vậy. Chú Hạnh Thu là một người rất nghiêm khắc; nên đã họp chúng lại và đầu tiên là mỗi chú đều phải tự phê lỗi của mình, sau đó là người khác phê bình lỗi của người đối diện. Ban đầu, mới họp chẳng quen, trông và nghe việc nầy nó ê ẩm lắm. Tuy nhiên, qua những kiểm điểm mỗi tháng 2 lần trong chúng như vậy, ai cũng thấy tự mình có tiến bộ rõ rệt. Đây tôi muốn nói về cái tiến bộ của nội tâm, của những người mới ở ngoài vào chùa. Vì đời sống ở trong chùa đa phần nó khác nhau rất nhiều so với đời sống thế tục; trong các cử chỉ như: đi, đứng, nằm, ngồi v.v… Cho nên oai nghi tế hạnh là những điều căn bản. Thế mà hôm nay đã có người bị mất trộm và dĩ nhiên là phải có người trộm, thì vật kia mới mất chứ? Nhưng ai là người lấy đây?

Quả là một câu hỏi mà ai trong chúng tôi cũng khó có thể trả lời được. Cho nên có chú đề nghị là nên cầu cơ.

– Cầu cơ? Chú Hạnh Thu lớn tiếng hỏi lại như vậy.

– Nhưng cơ gì?

– Thì cơ làm bằng ván hòm hay đế guốc bằng gỗ cũng được. Một chú đề nghị như vậy.

Thế là giữa đêm khuya thanh vắng của một đêm trăng rằm, các chú Điệu chùa Phước Lâm, có chú còn để chỏm, có chú cao lớn, có chú ốm o gầy mòn; nhưng cũng nghịch đáo để… Bên trên bàn cầu cơ tôi thấy có chữ Phật, Thánh, Người, Ma, Quỷ… nghĩa là từ dưới lên cao đều hiện hữu. Một bên có vẽ hình trái tim và người ta để con cơ vào đó. Bên nầy để là “Giáng”, bên kia để chữ “Thăng”. Khoảng chung quanh giống như một cái vòng cung thì viết 24 chữ cái A, B, C… lên đó. Điều quan trọng là tất cả mọi người cần phải thành tâm dưới khói trầm hương và đèn cầy tỏa rạng. Một chú đọc:

“Ba Lăng nhất dạ động đình thu
Nhựt kiến cao phong thủy trọng phù
Văn độ Thần tiên nhất thiết kiếp
Sơn hà phù thủy cộng du du.

Ba Lăng trong suốt một hình
Hồn cao chót vót một mình chơi vơi
Thần tiên cuộc sống tuyệt vời
Non bồng hồ thủy một đời phiêu du”.

Đó là 4 câu chữ Hán và 4 câu tiếng Việt. Tôi không còn nhớ là mình nhớ có đúng không. Vì việc xảy ra đã 50 năm rồi. Chúng tôi đọc mà chẳng biết mình đọc cái gì; nhưng nhiều người đọc thật thành tâm, tự dưng thấy ngón tay trỏ của một chú đặt lên trên miếng cơ rung rinh và miếng cơ tự nhiên di chuyển từ chữ “Thăng” và cuối cùng thì trụ lại ở chỗ chữ “Thánh”. Thánh đây chẳng biết là Thánh nào; nhưng chúng tôi trong lòng ai cũng mong Thánh chỉ cho đúng người lấy cây bút máy qua việc cầu cơ nầy để cho trong chùa được yên.

Một chú lớn hỏi: Ông là Thánh gì?

– Thánh ở cõi Tiên

Vậy xin Thánh ở cõi Tiên ứng vào cơ và chỉ gấp vào những vần chữ cái để cho chúng con ráp nhau lại và sẽ rõ biết được người nào đã lấy cắp cây bút máy.

Thế là Thánh ở cõi Tiên bắt đầu chạy đến vần L rồi qua vần U và những vần kế tiếp v.v… Đoạn cơ ngưng lại một hồi và cơ tự chạy về chỗ chữ “Thăng”. Từ đó người đứng cầu cơ trở lại bình thường, tay không run như khi còn bịt mắt lại nữa.Sau cầu cơ, dĩ nhiên là cơ chỉ không rõ lắm. Cứ lắp chữ và suy luận hoài chẳng biết là ai; nhờ vậy mà có chú ra đầu thú và sám hối tội lỗi của mình. Từ đó cả chúng thở phào nhẹ nhỏm.

Điều tôi muốn nói ở đây không bàn về chánh tín hay mê tín; nhưng tại sao phải dùng đến ván của quan tài và gỗ mục cũ? Có lẽ những lại nầy vẫn còn gián tiếp hấp thụ bởi nhân điện của người mất cũng như người đã xử dụng chiếc guốc lâu năm; nên khi tay người còn sống chạm vào cơ và cơ ấy tiếp xúc với những tia quang phổ của người kia hợp lại, thêm lời cầu nguyện chân thành nữa; nên con cơ kia tự động di chuyển và dĩ nhiên người được ngồi cầu cơ không thể tự mình sắp đặt trước được. Vì mắt bị bịt tối, không thấy gì cả. Ngón tay tiếp xúc với cơ chỉ đi theo mệnh lệnh của con cơ mà thôi.

Tôi nghe nói bên đạo Cao Đài cũng thường hay cầu cơ; nhưng vì chưa tham dự một lễ nào; nên không biết cách cầu cơ của họ ra sao ? Nghe đâu mỗi lần như thế có cả Phật, Bồ Tát, chư Thiên giáng cơ để nói những điều ẩn ẩn hiện hiện và cốt giúp cho con người ăn hiền ở lành, tu tâm dưỡng tánh.

Vậy đây là hình thức gì?

Những gì trong khả năng của con người không làm được, người ta thường hay cầu khẩn đến những bậc Thần Linh, hay Phật, Bồ Tát. Mỗi vị thị hiện ra trong cuộc đời nầy một hình ảnh, một cách thức khác nhau. Cho nên người ta thường nói “hữu cầu tắc ứng” là vậy. Cái nào có chí thành, chí kính, thì cái đó có ý nghĩa của sự việc đó. Còn việc cầu có được hay không, lại do phước đức của mỗi người và dĩ nhiên là có lúc được, lúc không; lúc đúng, lúc sai, chứ không phải lúc nào cũng đều đúng cả.

Một câu chuyện khác xảy ra vào năm 1963 tại quê hương tôi. Lúc ấy tôi đã chuẩn bị đi xuất gia. Năm đó trời miền Trung hạn hán và bệnh tật cũng nhiều. Tự nhiên từ đâu đó loan tin là ở trên Bàu Huyền có Đức Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện. Ai uống được nước ao đó thì bệnh nào cũng có thể chữa hết. Dĩ nhiên là cũng có người tin mà cũng lắm người không. Trong làng tôi ở có một gia đình nọ có bà vợ đau lâu năm; nhưng chẳng lành; uống thuốc gì cũng không khỏi. Gặp ai bảo Thầy giỏi, thuốc hay thì gia đình đều bỏ công và tiền bạc ra để đi tìm cho được Thầy Lang ấy về bắt mạch cho thuốc; nhưng cuối cùng rồi “tiền hết nhưng tật vẫn còn mang” rồi bịnh đâu cũng hoàn lại đó. Nay nghe có Phật Bà Quan Âm hiện ra để cho thuốc; nên bà ta đang bệnh; nhưng mừng lắm và kêu chồng nói:

– Nầy ông! Cha con ông cố gắng làm sao đi xin nước Bàu Huyền về cho tôi uống để xem thử như thế nào ?

– Việc đi thì cũng không khó; nhưng… Ông chồng bỏ lửng câu trả lời; nhưng hai cha con cũng chuẩn bị ngày hôm sau ra đi với mấy chai trống trên tay, cốt xin nước Thánh đem về cho bà.

Thật ra thì hai cha con nhà nọ chẳng đi đến Bàu Huyền, mà suốt ngày lêu lỏng dạo chơi đâu đó, để tối về, vào lu nước của nhà mình múc mấy chai và đậy lại; đoạn khe khẽ mở cửa vào nhà với dáng điệu mỏi mệt. Bà ta hỏi:

– Sao cha con ông đi lâu dữ rứa? Ở nhà tôi chờ phát mệt luôn.

– Ừ! Thì phải cố chen lấn mới múc được mấy chai và cẩn thận mang về lại nhà cho bà đó.

– Ở đâu vậy? Hãy đưa nhanh cho tôi.

Cha con ông từ tốn, tự nhiên, trong khi bà vội vàng uống lấy uống để hơn nửa chai nước lạnh kia và vuốt ngực lia lịa bảo rằng: Mát quá, ngọt quá…

Sau chừng một tiếng đồng hồ, cha con ông trở lại giường bệnh để hỏi bà:

– Sao! Bà thấy thế nào?

– Khỏe quá ông ơi! Đúng là Bồ Tát đã gia hộ.

Cha con ông nhìn nhau vừa vui mừng vừa tự hỏi rằng: Tại sao thuốc uống không hết mà nước lạnh uống lại hết bịnh?

Sau đó bà ta uống thêm 2 chai nữa là hết bịnh vĩnh viễn luôn.

Về sau nầy, khi bà ta hết bịnh vĩnh viễn rồi, mới đem câu chuyện nầy kể lại cho mọi người nghe sự thật về những chai nước ấy và căn bịnh của bà. Bà cười như mếu và bảo rằng:

– Chỉ có Bồ Tát mới cứu tôi được đó. Còn cha con ông thì…

Câu nói không có phần kết; nhưng rõ ràng là một niềm tin mãnh liệt vào Phật và Bồ Tát thì có thể cứu khổ được không biết bao nhiêu là kiếp nhân sinh khốn khổ trong cuộc đời nầy. Bồ Tát đã thị hiện hóa thân trong nhiều hình thức khác nhau và tâm nguyện của Bồ Tát là lúc nào cũng ban vui cứu khổ; nên nếu có chúng sanh nào đó hợp với lời nguyện trên thì những vấn đề tâm linh dễ được tháo bỏ. Từ đó người ta thăng hoa cuộc sống của mình lên một mức cao hơn nữa. Đó lá “Đức tin sẽ sinh ra mọi thứ công đức”.

Trong thời gian mấy mươi năm ở Đức thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một số trường hợp không bình thường của một số người, mà họ gọi là hiện tượng ma nhập. Người thân trong gia đình thường rất khổ sở với những việc như vậy. Nghĩa là cuộc sống bình thường không có gì thay đổi; nhưng khi có ai đó nhập vào thì người kia mạnh lên gấp đôi, gấp ba và đổi giọng đàn bà thành đàn ông, đàn ông thành đàn bà. Có người thì chịu vào chánh điện để lễ Phật, nghe kinh; nhưng cũng có lắm con ma cứng đầu, không chịu quy y Tam Bảo và cũng không chịu gặp quý Thầy. Đa phần những con ma như thế có cặp mắt đỏ chói, rất hung hăng, khác xa với một người bình thường lắm. Lúc thì la to, nói những gì chẳng ai hiểu. Lúc thì nói lí nhí trong miệng suốt ngày.

Tất cả những trường hợp như vậy, tôi đều làm lễ trong mấy chai nước, trì chú Dược Sư vào đó và bảo thân nhân người bịnh kia cho uống mỗi ngày 3 lần đến khi nào hết bịnh thì thôi. Nếu bệnh chưa hết mà nước đã hết thì về chùa lần nữa để lễ Phật và cầu nguyện. Tôi hay để mõ lên trên đầu để tụng Đại Bi Thập Chú hay có khi để mõ trên đầu của người bệnh, gia trì cho đến hết 5 đệ Lăng Nghiêm và Thập Chú mới lấy mõ đi. Sau đó bảo lễ Phật, sám hối. Nhiều người ngoan ngoãn nghe theo.

Cũng có lắm khi tôi cho vào trong Đại Hồng Chung gióng lên nhiều tiếng; khiến cho những tà ma nhập vào người ấy phải chạy ra ngoài để người sống được yên; nhưng cũng có lắm con ma không chịu nghe theo tiếng Đại Hồng Chung; nên đã thối thúc chối từ và sau đây là những câu chuyện có thật xảy ra tại chùa Viên Giác Hannover.

Một hôm Thầy Hạnh Lý có thưa với tôi là: Bạch Sư Phụ! Có một cô gái bị một anh chàng trẻ tuổi chết oan nhập vào và đã đổi giọng nữ thành giọng nam, đang ở trên chánh điện. Nhờ Sư Phụ lên xem dùm.

Tôi mặc áo lễ vào và bước lên chánh điện. Con ma lễ phép “Bạch Sư Ông“ và nói:

“Con khổ quá Sư Ông ơi! Con bị tai nạn xe hơi và chết tại Hà Nội; nhưng không siêu và trong cổ của con vẫn còn găm cái bánh xe nơi đây. Nhờ Sư Ông lấy dùm ra cho con”.

Đó là giọng của đứa con trai nói; nhưng thật ra cô là con gái. Khi bình tĩnh hỏi cô cớ sự tại sao thì cô ta kể lại rằng:

Cô đang sinh sống làm ăn tại Đức, khi nghe tin của cha cô ta qua đời; nên cô đã về quê dự đám tang của Ba cô; sau đó cô qua Đức lại và con ma nầy nó theo con hoài, con chịu không nổi; nên nhờ Sư Ông cứu cho con.

Tiếp đến khi bị nhập thì tôi hỏi rằng: Tại sao lại nhập vào người ta làm gì như vậy? thì con ma nam trả lời rằng: Tại vì con nầy nó yếu lắm, nên con nương vào nó để ăn nhờ.

Ồ! Quả thật con ma nầy cũng khôn đó! tôi thầm nói trong bụng như vậy và con ma nầy nhập cư vào Đức không có Visa. Nó đi theo một cô gái, mà cô nầy chẳng muốn có sự hiện hữu của nó bao giờ ở trong gia đình cả. Vì cô ta còn có chồng và con nhỏ 2 tuổi nữa. Đoạn tôi hỏi:

– Vậy thì bây giờ con muốn gì?

– Con muốn quý Thầy trưa nay cúng dùm cho con hai mâm. Một mâm cho Ba con và một mâm cho người nầy.

Tôi nhìn qua Thầy Hạnh Lý và ngầm bảo Thầy ấy lo việc cúng cơm trưa nay dùm. Thế nhưng khi Thầy Hạnh Lý xuống nhà bếp của chùa nói sao không biết và bảo rằng: Cúng một mâm được rồi. Làm gì cúng tới hai mâm. Thế là con ma hiện thân ra người nam, nổi giận đùng đùng, tạo ra tư thế giận dữ không chấp nhận điều ấy.

Sau khi nghe thuật lại điều nầy, tôi nghĩ rằng: Con ma nầy cũng khôn thật. Yêu sách đòi hai mâm mà không cúng đủ hai mâm, lại tỏ ra giận dữ. Sau đó Thầy Hạnh Lý chịu làm cúng hai mâm và nói với con ma nhập rằng:

– Sau khi cúng 49 ngày thì đi nghe!

Không biết con ma có nghe không hay giả vờ, nó chẳng trả lời gì cả. Sau khi cúng vong hai mâm xong; thấy con ma ấy vẫn hiện nguyên hình là con ma nói tiếng con trai thì Thầy Hạnh Lý hỏi:

– Thế bây giờ còn muốn gì nữa?

– Con muốn quý Thầy cúng cô hồn thật lớn vào chiều nay và sau khi cơm ăn xong thì con đi.

– Nói cho thật nhé!

– Dạ vâng! Con ma trả lời thật nhỏ nhẹ.

Chiều hôm ấy cả Thầy Trụ Trì Hạnh Giới và Thầy Quảng Chúng Hạnh Luận cũng như Thấy Hạnh Lý và có cả tôi nữa cũng lên chánh điện chùa Viên Giác để cúng cô hồn theo lời đề nghị của ma. Tôi nghĩ rằng: những con ma nầy là những con ma chết oan ức , chưa được giải thoát; nên phải giúp cho nó theo Phật để siêu sanh; điều kiện đầu tiên là phải quy y Tam Bảo cho nó. Chứ cho nó ăn hôm nay thì mai nó cũng nhập lại cô nầy và vào chùa đòi ăn theo yêu sách, cách nầy hay cách nọ mà thôi. Đoạn tôi hỏi nó:

– Con có muốn quy y Tam Bảo không?

– Quy y là cái gì vậy?

– Là nương vào lực của Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng để giải thoát; chứ đừng nương vào cô nầy nữa. Vì cô nầy có chồng và có con dại, con phải buông tha cô ta ra.

– Con nghe lời theo Sư Ông.

– Nhưng mà chưa hết, sau khi quy y Tam Bảo còn phải nên thọ trì ngũ giới nữa.

– Nhưng ngũ giới là gì vậy Sư Ông?

– Đó là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.

– Những giới nầy con có thể giữ được cả; nhưng xin Sư Ông lấy tay lấy dùm bánh xe mắc kẹt trong cổ của con ra đi.

– Không có gì khó cả và sau khi quy y, ta sẽ cho con một pháp danh để theo đó mà tu hành.

Một lễ quy y đơn giản cử hành ngay tại bàn ông Tiêu Diện Đại Sĩ và sau đó tôi cho pháp danh cho con ma nầy là Đồng Thoát. Có ý muốn nói đến sự giải thoát sanh tử. Con ma nầy tỏ ý vui mừng và chịu nghe kinh, khi quý Thầy tụng từ “Nhược nhơn dục Liễu tri…”. Đến chỗ “Án, noan, noan, noan, noan, noan. Nam Mô Tam Mãn Đà Mẫu Đà Nẩm Án Noan… tôi bảo con ma là hãy ngồi dậy để thọ nhận những giọt nước cam lồ của Phật thì con ma bây giờ đã hoàn hồn lại một cô gái bình thường, tươi tỉnh và bảo rằng:

– Thưa Sư Ông! Con đã ăn hết 3 bát cháo rồi; nhưng bạn của con, một lũ lâu la theo con lâu nay đang đứng chờ phía trước cửa chùa, vì quý Thầy chưa cho phép vào.

– Hãy cho vào hết đi và Sư Ông sẽ quy y cho cả một tập thể một lần.

Sau khi quy y cho đám lâu la kia xong, con ma đã được quy y trước quay ra chúng bạn của ma mà bảo rằng:

– Nầy nhé! Lâu nay chúng mầy là đồ đảng của ta, là thuộc hạ của ta. Bây giờ tất cả chúng ta đều quy y nơi cửa Phật. Vậy thì chúng ta là bạn với nhau thôi; chứ không còn chủ tớ nữa.

Không biết là lũ ma kia có biết gì không; nhưng sau ngày cúng lễ cô hồn lớn ấy tại chùa Viên Giác Hannover thì cô gái kia không còn trở lại chùa nữa và nghe đâu đời sống của cô ta đã hoàn thiện như cũ.

Đây là câu chuyện có thật 100% xảy ra tại chùa Viên Giác Hannover cách đây hơn một năm về trước. Vậy đây là gì?

Từ câu chuyện trên đây,, chúng ta đều thấy rằng: Việc cúng bái, giỗ chạp, Tết nhất, cầu nguyện, siêu độ, chẩn tế cô hồn, cúng Mông Sơn thí thực v.v… tất cả đều có ảnh hưởng cả 2 chiều, nghĩa là cả người sống lẫn kẻ chết. Người sống có cơ hội thể hiện lòng từ, bố thí cầu nguyện và nhờ lực nầy mà người chết được hưởng lây. Từ đó những linh hồn đi vất va vất vưởng lâu nay có cơ hội được về gần những nơi giải thoát hơn. Nếu không cúng quảy, cầu nguyện thì cũng giống như hiện tượng của Phan Thị Bích Hằng đi tìm mộ liệt sĩ trong thời gian gần đây mà thôi.

Chuyện được kể là có nhiều người lính bị chết trận mấy mươi năm nay, sau chiến tranh năm 1975 mọi người ít còn ai nhắc đến những người đã mất tích nữa. Xem như đó là một việc vô vọng. Thế nhưng có một vị Tiên hay một vị Thánh nào đó có uy lực và có lời nguyện là sẽ dựa vào một người và qua người đó, sẽ mách bảo những hình hài vô chủ đã chết nơi chiến trường lâu nay, bây giờ có thể tìm lại được thân nhân để mang hài cốt về lại quê quán cũ.

Câu chuyện chỉ đơn thuần là vậy; nhưng có người chết trận đã năm sáu chục năm nay mà vẫn không đi đầu thai được. Hồn còn lẩn quẩn nơi xác; chỉ chờ cơ hội có người có khả năng thì tựa vào đó để nói lên nhu cầu đòi hỏi của mình. Thỉnh thoảng vẫn có những thông tin sai, hoặc cũng có những nhà ngoại cảm ăn theo để tìm nguồn tài chánh; nhưng tất cả đều thất bại. Nhà nước thấy vậy, muốn dùng cô Phan Thị Bích Hằng vào việc khác; nhưng những vị Thiên Thần dựa vào cô, họ không thực hiện được. Cho nên khi trao qua lãnh vực khác thì Phan Thị Bích Hằng không thể thành công. Những vị Thiện Thần nầy cũng khôn lắm. Nếu làm sai ý nguyện thì các Ngài sẽ không hiện hữu nữa.

Hiện tượng nầy đã một thời làm náo động tại Việt Nam; đôi khi còn lan đến cả ngoại quốc nữa; nhưng đây chỉ là việc của thế gian. Việc của sự đối đãi, hơn thua; chứ không phải là việc giải thoát luân hồi sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử phải nương vào lực Tam Bảo. Nhờ năng lực nầy mới có thể cứu ta ra khỏi bể khổ sanh tử trầm luân.

Chuyện tiếp theo xảy ra cách đây hai năm tại Niệm Phật Đường Tam Bảo tại Reutlingen; nơi Ni Trưởng Thích Nữ Như Viên trụ trì. Năm đó có Hòa Thượng Tịnh Nhãn từ Việt Nam qua, Thầy Huệ Pháp từ Ấn Độ đến. Ngoài ra còn có cả Thầy Hạnh Thức và Cô Hạnh Trang nữa. Khi đọc sớ xong, tiếp đến là phần hồi hướng cho lễ Vu Lan, tự nhiên tôi nghe tiếng dộng cửa thình thình ở phía sau chánh điện vang lại. Kế tiếp lại nghe tiếng heo tru và tiếng chó sủa. Tiếng tru càng ngày càng lớn và tiếng sủa càng ngày càng to. Tôi chẳng hiểu chuyện gì, vì đang chú tâm phục nguyện và hướng về phía bàn Phật. Tôi khẽ thưa Thầy Tịnh Nhãn là nhờ Hòa Thượng đến xem thử chuyện gì?

Đó là một người đàn bà độ 53 tuổi đang thở hổn hển trước 150 người hiện diện đang dự lễ Vu Lan hôm đó. Mọi người dẫn bà ta qua một cái phòng khác và hỏi cớ sự tại sao, thì bà ta nói rằng:

“Chính bà là mẹ của người nầy, bà chết đã 50 năm rồi, khi người con gái nầy mới có 3 tuổi và bà ta theo suốt một cuộc hành trình dài như vậy để cứu giúp con gái của mình và bây giờ con gái của bà bị nạn; nên bà muốn quý Thầy giúp cho nó; nhung phải là Thầy Phương Trượng kia, chứ không phải ông Hòa Thượng nầy”.

Thế là Hòa Thượng Tịnh Nhãn chờ cho tôi làm lễ xong, kế đó qua phòng bên để hỏi thăm tự sự thì được biết rằng: Bà mẹ muốn giúp con gái mình mà không thể giúp được; chỉ nhờ quý Thầy giúp đỡ mới an toàn. Thế là bà ta kể hết mọi chuyện cho tôi nghe và nhân danh là người mẹ của người con gái 53 tuổi nầy. Sau đó tôi đề nghị là nên quy y Tam Bảo để được theo Phật về Tây và bà ta đã gật đầu; nên tôi đã làm cho bà ta một lễ quy y Tam Bảo đơn giản trước giờ cúng vong.

Ở đây những điều căn bản cần nêu ra là: Tại sao người chết ấy không hiện về ban đêm để nói cho người con gái hay biết, mà lại hiện về lúc cúng lễ Vu Lan?

Vì Vu Lan cũng có nghĩa là lễ cứu cái tội treo ngược. Dầu cho là tội gì đi nữa, thì ngày ấy là ngày xá tội vong nhơn và nhân cơ hội nầy những hồn oan mới được vào chùa để nghe kinh, nghe pháp cũng như dự lễ chẩn thí cô hồn hay cúng vong linh. Chỉ có những cơ hội đó, vong hồn chết oan uổng ấy mới có đủ nghị lực mà tham gia những pháp hội nầy. Vì không bị xua đuổi. Chỉ do chúng ta mời mọc, cho phép họ mới vào. Tuy âm dương hai ngả; nhưng vẫn có một điểm thông thoáng giữa người còn và kẻ mất; nên có thể giao thoa với nhau trong khung cảnh của Thiền Môn có sự chứng kiến của mọi người và sự trợ duyên của chư Tăng Ni. Nếu ai bảo chết là hết, thì điều nầy chưa hẳn đúng. Vì có nhiều người chết, chưa siêu, hồn vẫn còn vất vưởng đó đây. Họ chỉ có thể nương nhờ vào người thân để dự phần cầu nguyện thanh cao nầy, để hồn họ đỡ bơ vơ lạc lõng, khi không có chỗ nương nhờ.

Cũng trong ngày hôm đó trên đường đi dự lễ Vu Lan tại Niệm Phật Đường Tam Bảo về, chúng tôi ghé thăm và làm lễ cho một nhà hàng của người Việt Nam ở vùng gần Frankfurt. Gia chủ đã thỉnh từ lâu; nên tôi đã kết hợp thời gian tiện lợi để đi đến làm lễ nơi nầy. Tự dưng trên đường đi, tôi cảm nhận có điều gì lạ lạ và mọi người chọc Thầy Hạnh Thức đang ngồi chung trong xe hơi là: Biết đâu hôm nay sẽ có người nhập vào Thầy Hạnh Thức? – Thế là mọi người cười xòa và Thầy Hạnh Thức cũng chẳng nói gì thêm.

Khi đến trước cửa tiệm, tôi quan sát thấy khách qua lại quá nhiều, mà chẳng ai vào tiệm nầy; trong khi hai tiệm hai bên lại đầy khách. Khi hỏi cô chủ, mới được biết rằng: Chủ tiệm trước là một người Đức. Không biết ông làm ăn thất bại ra sao đó; nên đã tự tử trên lầu và kể từ đó về sau hồn oan của ông cứ về mãi; khiến cho ai đến làm ăn ở đây cũng đều phải bỏ đi.

Hòa Thượng Tịnh Nhãn nghe vậy cũng lưu tâm và tôi mời Thầy ấy làm chủ lễ. Khi Thầy ấy mới triệu thỉnh đến câu thứ 3 và vừa mới Nam Mô Nhất Tâm Triệu Thỉnh… thì cô chủ tiệm đang quỳ lạy sì sụp đó bỗng dưng khua chân múa tay, mặt mày đỏ au, rồi nằm lăn ra trên mặt đất, trong khi đó miệng cô ta thốt ra tiếng gì chẳng ai nghe rõ. Đoạn Thầy Tịnh Nhãn lấy tràng hạt của mình đang đeo trên cổ xuống và đeo vào trên cổ của cô ta. Thầy ấy lấy tay mình để lên trên đầu của cô ấy và bảo với giọng nhỏ nhẹ rằng: Hãy nhiếp tâm niệm Phật, cầu Phật gia hộ. Tôi không biết là con ma nhập nầy có hiểu tiếng Việt không; nên tôi đã dịch sang tiếng Đức và sau đó cô ta ngồi yên ổn đâu đó rồi, tôi mới nói về Tứ Pháp Ấn bằng tiếng Đức cho con ma Đức nầy nghe. Đó là vô thường, khổ, không và vô ngã. Tôi đã lặp lại lời Phật dạy rằng:

“Phàm tất cả những gì có hình tướng đều phải bị chi phối của vô thường. Ngay cả thân thể nầy của chúng ta cũng vậy. Khi còn trẻ khỏe thì khác, lúc già rồi tóc bạc, da nhăn, trí óc trở nên tàn lụi; không còn lanh lẹ như thuở thanh niên lúc 18 tuổi nữa. Đó chẳng phải vô thường là gì nữa? Bao nhiêu người giàu sang phú quý, bỗng chốc của cải đã tan tành. Ví dụ sự việc xảy ra tại hai tòa nhà thương mại ở New York Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 vừa qua thì trong ta ai cũng rõ. Đâu có ai ngờ chỉ trong tích-tắc, một tòa nhà kiên cố mấy chục tầng đã biến thành tro bụi và hằng ngàn người đã bị chết oan trong thảm họa nầy. Họ hầu như là những người được may mắn hơn những người khác, vì có công ăn việc làm, có xe lơi nhà lầu; không ai chờ đợi việc như thế cả; nhưng việc vẫn xảy đến. Ai có thể ngăn lại được đây. Cho nên căn bản của vô thường ấy là khổ. Sự khổ ấy nó cũng không phân biệt ai cả. Khi nghiệp đến, thì mọi vật đều khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Căn bản của khổ ấy chính là không. Vì mọi vật trên đời nầy đều không có thật tướng. Thật tướng của mọi vật đều không và cái không ấy là kết quả của vô ngã mà ra. Thật ra đâu có cái gì là ngã. Do ta nương vào sự chấp thủ mà cứ nghĩ đó là đúng; nhưng trên thực tế có nhiều điều sai trái, mà mình đâu có nhận chịu. Phải nhìn thẳng vào bộ mặt thật của nó. Hãy đừng để nó đánh lừa mình.

Từ vô minh nên con người mới gây ra nhiều tội lỗi; những hành động không sáng suốt và từ đó tạo nên một chuỗi dài của sanh tử triền miên. Muốn vô minh không còn nữa thì phải tận diệt cái chết trước rồi sau đó mới đến cái già bệnh, cái sanh v.v… cứ như vậy đi ngược lại dòng sanh tử thì mọi sự sẽ vượt qua

Trong khi tôi thao thao bất tuyệt như vậy thì cô chủ tiệm đã trở lại trạng thái bình thường và với thái độ như lúc đầu, cô đảnh lễ Tam Bảo cũng như chư Tăng Ni hiện diện hôm đó. Sau đó có người hỏi cô là: Cô đã biết điều gì xảy ra với cô trong suốt thời gian ấy không? Thì cô ta trả lời là không biết gì hết.

Thầy Huệ Pháp, Thầy Hạnh Thức, Ni Trưởng Như Viên và tôi hôm đó đã chứng kiến việc xảy ra trước mắt 2 lần cùng trong một ngày như vậy. Cho nên nếu ai đó có hỏi rằng: Tôi có tin không? thì tôi trả lời rằng: Dĩ nhiên là tôi tin chứ. Tin có những oan hồn chưa siêu thoát và họ chỉ muốn dựa vào một người nào đó để nói lên tâm nguyện của mình và tôi hy vọng rằng hôm ấy hồn ma chết oan của ông đã được mãn nguyện, vì tôi đã thuyết giảng toàn bằng tiếng Đức cho hồn ông ta hiểu. Từ ấy về sau chẳng thấy cô chủ tiệm nầy liên lạc về chùa nữa. Cũng có thể là buôn bán khá hơn; nên quên đi chuyện cũ, mà cũng có thể là cả gia đình sợ quá nên đã dọn đi nơi khác rồi chăng?

Chuyện kế tiếp là chuyện cách đây mấy mươi năm, khi Đan Mạch chưa có chùa và chưa có Thầy nào đến cư trú tại đó thì Hội Hồng Thập Tự của Đan Mạch hay gọi điện thoại qua chùa Viên Giác tại Hannover để nhờ tôi giúp đỡ. Một hôm nọ có một đám tang của một người tỵ nạn, họ muốn mời tôi đến và Hồng Thập Tự dàn xếp cho tôi ở lại tại một khách sạn tương đối sang. Vì thuở ấy người tỵ nạn mới đến, vẫn còn ở trong các trại tạm cư, chưa có nhà riêng; nên không đón tôi về nhà họ được. Chỉ có cái may mắn là một số quý Phật tử nấu chay tại nhà và mang đến khách sạn cho tôi vào tối hôm ấy để cho tôi dùng. Tôi cảm ơn họ.

Tôi đặt lưng xuống giường để ngủ trong trạng thái bình thường và tự nhiên nửa đêm tôi nghe như có tiếng nói bên tai mình và bảo rằng: ông hãy nằm quay đầu lại. Vì dưới nầy có một cái mộ chôn cất đã lâu năm. Có lẽ lúc đó tôi nghe cũng trong cơn vô thức, mà tôi hành động cũng vô thức nữa; cho nên sáng hôm sau trước khi thức dậy, quan sát thì thấy rõ ràng, tối hôm qua thì cái đầu mình xoay về hướng đó; nhưng sao bây giờ lại ở hướng nầy? Tôi nhớ lại câu chuyện đêm qua và cũng không muốn kể câu chuyện nầy lại cho ai nghe cả. Nhung sau khi làm lễ đám tang xong, tôi đã nói chuyện với quý Phật tử vùng Ejsberg trong cả tiếng đồng hồ, những người trong Hội Hồng Thập Tự thấy có sự gần gũi như vậy; cho nên họ hỏi tôi có muốn ở lại thêm một ngày nữa không? nếu muốn thì họ sẽ tiếp tục thuê phòng số 1 của khách sạn hôm qua để cho tôi ở lại. Tôi trả lời là xin cảm ơn! Hôm nay tôi phải về lại Đức; nhưng họ đâu có biết rằng: tôi ớn cái phòng số 1 của khách sạn kia vào tối hôm qua biết là dường nào.

Tôi tụng chú vãng sanh để cầu cho họ siêu. Có lẽ vì khi chết, bị oan uổng gì đó; nên bây giờ cần phải báo mộng cho người có thể giúp đỡ được cho mình vậy thôi. Nên dầu là người Đức, người Đan Mạch, người Nga, người Mỹ, người Pháp v.v… ai cũng có tình cảm, ai cũng có tâm linh. Họ vẫn biết vui, biết buồn, biết thương, biết ghét, biết lẽ phải và biết việc trái đạo; nên họ đã biểu hiện tấm lòng của mình qua những việc gởi gấm tâm linh như đã thể hiện qua hai câu chuyện tại Đức và tại Đan Mạch như trên. Chúng ta cũng chẳng lấy gì làm lạ. Vì ở đâu cũng có những thiện thần và ác thần. Thiện thần thì luôn gìn giữ, ủng hộ như các Tứ Thiên Vương luôn luôn ủng hộ Đức Bổn Sư của chúng ta trong mọi tình huống mà Đức Phật cần đến; nhưng đồng thời Ma Ba Tuần nó cũng sẵn sàng chờ đợi ở đó khi nào Đức Phật và chúng Tăng sơ hở thì nó sẽ chen vào: nhằm phá hoại gây rối tổ chức, gây rối nội bộ, gây rối con người; cốt làm cho phân ly ra thì chúng mới hả dạ. Vì đó chính là nhiệm vụ của Ma Ba Tuần mà.

Việc gặp ma, mỗi người đều có mỗi cách kể khác nhau, chẳng ai giống ai cả. Vì những loại thiên ma ba tuần, ma trơi, ma đăng già, ma vương, ma quỷ, ma cà rồng v.v… mỗi loại đều có những thủ thuật khác nhau; nhưng chỉ chung có một điều. Đó là ma. Ma được định nghĩa là Mara; có nghĩa là sát giả, đoạt mệnh, năng đoạt mệnh giả, chướng ngại v.v… Ma ở đây dùng để chỉ các loại ác thần chuyên cướp lấy mạng sống con người và làm trở ngại những việc thiện.

“Cứ theo phẩm Hàng Ma trong kinh Phổ Diệu quyển 6 thì khi Đức Phật thành đạo, Ma Vương Ba Tuần sai 4 ma nữ tên là Dục Phi, Duyệt Bỉ, Khoái Quan và Kiến Tòng đến não hại Đức Phật.

Theo phẩm Đao Lợi Thiên trong kinh Trường A Hàm quyển 20 và kinh Quá Khứ Hiện Tại nhân quả quyển 3, thì Ma Vương là Tha Hóa Tự Tại Thiên, trụ ở tầng trời thứ 6 ở cõi Trụ, là vị Thần chuyên phá hoại chánh pháp, được gọi là Thiên Tử Ma, hoặc Thiên Ma Ba Tuần.

Còn theo kinh Tăng Nhất A Hàm quyển thứ 27, thì Ma Vương Ba Tuần có đầy đủ 5 lực là: sắc lực, thanh lực, hương lực, vị lực và tế hoạt lực.

Kinh Phật Bản Hạnh tập quyển thứ 12 thì nêu ra 12 thứ ma quân là: Tham muốn, hay tức giận, đói khát, lạnh nóng, tình ái đắm đuối, ngủ nghỉ, kinh hãi khiếp sợ, ngờ vực, sân hận phẫn nộ, tranh giành danh lợi, ngu si không trí, tự cao khoe khoang và thường hay chê bai người khác.

Nói theo nội quán thì tất cả những gì làm nảo loạn chúng sanh như phiền não, nghi hoặc, mê luyến v.v… đều gọi là ma; chướng ngại do thân tâm của mình sinh ra, gọi là nội ma; chướng ngại từ bên ngoài đến, gọi là ngoại ma; cả 2 gọi chung là Nhị Ma.

Theo luận Đại Trí Độ quyển 5 thì ngoài thực tướng của các pháp, còn tất cả đều là ma.

Luận Du Già Sư Địa quyển 29 nêu ra có 4 loại ma:

1) Ngũ ấm ma, cũng gọi là ngũ uẩn ma, uẩn ma, ngũ chúng ma, ấm giới nhập ma. Năm Uẩn hay sinh ra các thứ khổ não, là nhân duyên cướp mất mệnh sống.

2) Phiền não ma: Phiền não thường mang lại khổ đau từ lúc sinh ra cho tới khi chết.

3) Tử ma: Chính cái chết được gọi là tử ma.

4) Thiên Tử ma: Cũng gọi là Thiên ma; những việc làm chướng ngại sự giải thoát sanh tử.

Tứ ma thêm “Tội ma” thành ra Ngũ Ma; hoặc tứ ma thêm 4 tâm điên đảo như vô thường, vô ngã v.v… thành Bát ma.

Hoa Nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao quyển thứ 29 thì nêu ra 10 loại ma. Đó là: Uẩn, phiền não, nghiệp tâm, tử, thiên, thiện căn, tam muội, thiện tri thức, bồ đề pháp trí.

Đại Thừa Pháp Uyển nghĩa lâm chương quyển 6, phần đầu, thì tổng hợp các loại ma chia thành 2 thứ: Phần Đoạn ma và Biến dịch ma. Phần đoạn ma chính là phiền não chướng, ngăn trở sự chứng đạo của hàng Nhị Thừa. Còn Biến dịch ma tức là Sở tri chứng, ngăn ngại sự chứng đạo của hàng Bồ Tát. Phần Đoạn và Biến Dịch mỗi loại có 4 ma, cộng thành 8 ma.

Ngoài ra Ma Ha Chỉ Quán quyển 8 hạ, có nói rất rõ về các ma chướng sinh khởi trong khi tu thiền.

Về phương pháp đối trị ma thì có thể niệm tam quy, ngủ giới hoặc tụng chú trừ ma, niệm Phật v.v… Trong pháp tu Mật Giáo thường hạn chế một khu vực nhất định có kết giới pháp, để ngăn ngừa sự xâm nhập của ma chướng.

(Xem kinh Tạp A Hàm quyển 33; kinh Hàng Ma trong Trung A Hàm quyển 30; kinh Phật Bản Hạnh tập quyển 22; Phẩm Phá Ma trong Phật sở hành táng quyển 3; Huyền Ứng âm nghĩa quyển 24; Tuệ Uyển âm nghĩa quyển hạ; Tuệ Lâm âm nghĩa quyển 12, 25). (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 2998 và 2999).

Như vậy chính thức có 4 loại ma và từ đó sinh ra 10 loại ma; nhưng ma nào cũng chỉ có 2 loại. Đó là ma từ bên trong ra và hai là ma từ bên ngoài đến. Tâm của ta cũng giống như cái nhà có cửa mở, đóng. Người nào đó cứ mở cửa tâm hoài, không chịu đóng lại, thì gió nghiệp sẽ thổi vào và lúc ấy trong ngoài hợp nhau sẽ tạo thành nhiều loại ma khác nhau. Nhưng ở đây phải hiểu, tất cả đều không thật. Chỉ là sự ảo hóa biến hiện mà thôi

Phiền não chướng và sở tri chướng là những loại ma làm cơ sở sự tu học của các bậc Thanh Văn và các bậc Bồ Tát. Đây là những loại ma căn bản xuất phát từ nội tâm lan ra ngoại cảnh của Nhị Thừa và Đại Thừa. Nếu tu học mà phiền não chưa đoạn diệt, thì tham, sân, si vẫn còn có cơ hội bộc phát chiếm lĩnh lấy tâm từ và tâm bi của chúng ta. Riêng hàng Bồ Tát, đối với Phật, vẫn còn phàm phu như thường. Đó là những Bồ Tát còn đang ở địa vị Sơ Địa cho đến Đệ Bát Địa. Chỉ khi nào đạt được đến Đệ Cửu Địa tức là Càng Huệ Địa và Đệ Thập Địa, tức là Pháp Vân Địa, thì lúc ấy các vị Bồ Tát mới thảnh thơi trong kiếp luân hồi, không còn bị bất cứ một loài ma nào khuấy nhiễu nữa. Bồ Tát sẽ thong dong vào ra trong sanh tử. Thân tuy ở địa ngục như Đề Bà Đạt Đa; nhưng tâm ông không ở nơi ấy; nên gọi là vô chướng ngại.

Phàm là con người, chưa giải thoát sanh tử, ngũ ấm ma vẫn đeo đuổi chúng ta hằng ngày. Đó là những loài ma phát sinh từ sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Tất cả những loại nầy luôn bị biến đổi bởi vô thường, sanh diệt và vòng luân hồi sanh tử là chốn mà họ phải ra vào; nên đủ các loài ma hiện ra nơi cõi đời nầy. Cũng chính ma là những hiện tượng mà những hiện tượng nầy xuất hiện dưới nhãn quan của sự chấp trước cho nên phiền não, khổ đau vốn là căn bản, cội nguồn. Khi chúng ta biết rõ những thứ nầy không là thật có thì chúng ta phải nương vào Tam Bảo; nương vào Pháp Phật để có thể an tâm tu tập và những loại ma chướng ấy không còn có khả năng và sức mạnh để quấy phá chúng ta nữa.

Có nhiều người hỏi rằng: Vậy thì phải làm sao để hàng phục những loại ma nầy ? Và tại sao cái ác bây giờ nó nhiều hơn cái thiện vậy?

Đúng là như thế! Ngày hôm nay con người vì quá ham mê đến vấn đề lợi nhuận; nên đã quên đi tất cả sự tai hại cả mình lẫn người, miễn sao có lợi cho mình là được; ngoài ra chẳng cần để ý đến ai hết. Nhưng chúng ta phải biết chắc một điều là cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác; chứ cái ác không thể thắng cái thiện được. Ví dụ như Ma vương có lý, yêu cầu Đức Phật đừng thành đạo, đừng chuyển pháp luân, để cho vô minh tràn ngập thế gian nầy. Có như vậy chúng mới dễ phân chia thế gian nầy ra để cai trị, mang nhiều tội lỗi ấy; nhưng Đức Phật của chúng ta quyết rằng sẽ không dừng lại ở bóng tối, mà bước lên trên tất cả mọi thử thách gian nguy, đôi khi kể cả tánh mạng của mình, để chiến thắng những dục vọng yếu hèn và làm cho ánh sáng chân lý càng ngày càng tỏa rạng khắp đông tây, thì đó mới là mục đích tối hậu giữa thiện và ác vậy.

Nhiều người chiêm bao thấy ác mộng, thấy phi thân, thấy Phật, Bồ Tát v.v… tất cả những cái thấy nầy không có gì để làm điểm tựa y cứ hết. Nó chính là những hiện tượng của tâm thức biến đổi mà thôi. Đây cũng là những loại ma biến hiện, bởi do sự suy nghĩ quá đáng, tâm không làm chủ được chính mình. Cho nên những lúc như thế, thức thường biến hiện nên những dị tướng. Thức là cảnh biến hiện của tâm. Cho nên khi tâm tán loạn thì thức sẽ thay đổi tùy theo tình huống của trong từng trạng thái một. Đôi khi chúng ta lầm đó là Phật; nhưng ma cũng có thể giả làm Phật, làm Bồ Tát được. Đức Phật dạy Ngài A Nan rằng: Chính Thiên Ma Ba Tuần cũng có ngũ thông, chỉ thiếu một loại thần thông nữa là bằng Phật. Cho nên phải thận trọng trong mọi lãnh vực, khi thấy những hiện tượng như trên.

Hôm nay ngày 5 tháng 4 năm 2014 tại Tu Viện Viên Đức thuộc vùng Ravensburg, miền Nam nước Đức có tổ chức khóa Tu Bát Quan Trai, có 27 giới tử chính thức và 4 người dự thính. Lịch sinh hoạt vẫn bình thường như mọi khi; nhưng tối hôm ấy có một buổi sinh hoạt đặc biệt trao đổi giáo lý và sự hiểu biết giữa Tăng Già Phật Giáo Đức (họ tu học và họp tại đây từ ngày 1 đến ngày 10.4.2014) và các giới tử Thọ Bát Quan Trai người Việt Nam. Không khí thật trang nghiêm; nhưng cũng không kém phần cởi mở và đạo vị. Ví dụ như người Phật Tử Việt Nam thì tha thiết muốn hỏi về những giáo lý căn bản của Đạo Phật, trong khi đó người Đức cũng muốn hiểu về sự tu học của Phật tử tại gia tu hằng ngày ở gia đình như thế nào v.v… Thật là thú vị. Vì xưa nay chưa bao giờ có được buổi giao lưu suốt 2 tiếng đồng hồ như vậy. Đây là kết quả cây trái đầu mùa mà chúng ta đã gặt hái được, sau hơn 30 năm gieo trồng giống sen nơi xứ tuyết nầy.

Có nhiều câu hỏi liên quan đến ma như: Con rất sợ ma, kính xin quý Thầy Cô chỉ cho con cách làm sao đừng sợ?

Ai trong chánh điện cũng cười rộ. Sau đó một Sư Cô người Đức vốn là Bác sĩ; nhưng đã đi xuất gia theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng tại Hamburg và đã thọ Tỳ Kheo Ni 18 năm rồi. Cô ta giải thích về hiện tượng của ma như giải thích về 4 loại ma căn bản như phía trên bằng tiếng Đức. Đó là tử ma, ngũ ấm ma, phiền não ma và Thiên ma. Mỗi loài ma như vậy có cách quyến rũ riêng của nó. Nếu chúng ta không có năng lực tự có thì sẽ dễ bị lầm lẫn. Do vậy cần phải quy y Tam Bảo; nương vào lực của Tam Bảo cũng như siêng năng tụng kinh và lễ bái, sám hối, cầu nguyện v.v… nội từng ấy việc thôi, là ma nó cũng không dám quấy hại mình. Ngược lại, nếu chúng ta chẳng làm gì cả, thì ma nó sẽ quấy hại mình (mọi người đều cười hoan hỷ).

Đến một câu hỏi khác, mà tất cả quý Thầy Cô khác đang hiện diện ở đây đều trả lời hết. Đó là: Quý Thầy Cô có mặc y áo như vậy đi ra ngoài đường không? hay mặc cái gì khác?

Một Thầy trả lời rằng: Trước khi Thầy ấy đến với Phật Giáo và xuất gia để làm một Tăng sĩ thì Thầy đã nghiên cứu qua tất cả các Tôn Giáo khác như: Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Jehova, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo và những giáo phái khác tại Đức; nhưng mà Thầy ấy chưa thấy Tôn Giáo nào bình đẳng và có một trí tuệ cao vời như Phật Giáo; nên Thầy ấy đã bỏ tất cả lại sau lưng để đi tu, thì chiếc áo nầy nó rất quan trọng. Vì nhờ nó mà đã giúp cho Thầy ấy trong những lúc lơ là.

Kế tiếp là một Sư Cô gốc người Thụy Sĩ, vốn là một Giáo sư Đại Học. Cô cũng chỉ mới xuất gia và thọ Sa Di Ni theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng và cô ta kể rằng: Vì đi dạy học tại Đại Học; nên Cô không thể mặc chiếc áo Tu sĩ vào trường. Tuy nhiên bên trong cùng của các lớp áo, Cô vẫn mặc một chiếc áo nhà tu, các Sinh viên mới hỏi và Cô cũng đã nói về lý do bảo vệ cho lý tưởng Tăng sĩ của mình. Đây chỉ là một phương tiện.

Một Sư Cô tu theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông của Miến Điện thì cho biết rằng: Chiếc y ấy là một phép mầu. Sư Cô đi đến đâu cũng vấn y như vậy. Ở vùng của Sư Cô ở (Kempten) nếu Sư Cô mặc đồ đời để đi khất thực thì chẳng ai cho gì cả (mọi người đều cười).

Đến phiên Sư Cô Bác sĩ người Đức trả lời thì ai cũng nở những nụ cười rất hoan hỷ. Sư Cô nói rằng: Tại Hamburg cũng có nhiều Tôn Giáo khác nhau. Họ mặc y phục của Tôn Giáo họ cũng không có ai để ý gì. Đây là một thành phố rất cởi mở; cho nên Sư Cô thấy cũng không có gì trở ngại khi mặc những y áo nầy khi đi ra ngoài đường; nhưng nhiều lúc cũng thấy nhớ những kỷ niệm xưa, nhất là khi Phục Sinh đến hay Giáng Sinh về, Cô lại muốn đi nhà thờ. Lúc ấy Sư Cô lại vận đồ Tây (mọi người cười thoải mái) và chính tôi cũng thêm vào với những tràng cười nầy là: Vậy thì chúng ta nên tổ chức các lễ nầy tại chùa đi (lại thêm những tràng vỗ tay và nhiều nụ cười hơn nữa).

Cuối cùng là Sư Cô Doko, người Đức tu theo Thiền Nhật Bản và có quan hệ nhiều với Phật Giáo Việt Nam; nên khi nào Sư Cô đến chùa Việt Nam thì đắp y theo truyền thống Việt Nam; khi nào dạy Phật Pháp cho những người Đức, thì Sư Cô đắp y theo Nhật Bản và nhiều lúc đi ra đường mặc đồ ngắn kiểu Nhật Bản thì có nhiều người hỏi Sư rằng: Có phải là Thầy dạy Karate không? (lại những tràng cười nghiêng ngửa).

Ngày chủ nhật 6 tháng 4 năm 2014 cũng là ngày đáng nhớ, sau khi làm lễ xả giới Bát Quan Trai nơi chánh điện của Tu Viện Viên Đức, các Phật tử đã tụ tập tại trai đường để chuẩn bị làm lễ cúng dường Trai Tăng. Lời tác bạch hoàn toàn bằng tiếng Đức và chư Tăng Ni Đức tu theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng đã làm lễ thọ nhận lễ cúng dường bằng một bài kinh ngắn. Tiếp đến Phật tử cúng dường tịnh tài lên chư Tăng Ni để làm phương tiện hoằng pháp; nhưng chư Ni theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông Miến Điện thì không trực tiếp nhận tịnh tài, mà chỉ nhận tứ vật dụng và tịnh tài được trao qua cho người bạch y để lo phụng sự ba ngôi Tam Bảo. Những nghi lễ đã chấm dứt; nhưng dư âm vẫn còn đọng lại nơi tâm tư của chư Tăng Ni người Đức cũng như những Phật tử Việt Nam hiện diện tu học hôm đó và tất cả đều cùng nhận xét rằng: “Thật là tuyệt vời” và mong muốn trong tương lai sẽ còn nhiều cơ hội như thế nữa để được học hỏi cũng như trao đổi kinh nghiệm.

Bên Phật tử Việt Nam đều có chung một nhận xét là: Khi người Đức đã chấp nhận theo Đạo Phật; tức là họ đã tìm hiểu giáo lý của Đức Phật chắc chắn là sâu sắc hơn người Việt mình. Vì đa phần họ đều xuất thân từ Thiên Chúa giáo. Còn chúng ta theo Đạo Phật truyền thống; nên nhiều người ít quan tâm về nền Đạo mà mình đang theo. Do vậy đây cũng là cơ hội để thẩm định lại giá trị tu học của Phật tử Việt Nam của chúng ta.

Họ cũng hiểu ma là gì và cũng rất thấu triệt về bốn loại ma đã nêu ra bên trên. Họ cũng rõ biết tại sao sau 49 ngày của thân trung ấm, mà các tâm thức ấy không thể đi đầu thai được và sau đó lại đi về đâu. Họ rõ biết sự khổ nhọc của sự tu hành để chứng quả vị Bồ Tát hay Đạo Quả Niết Bàn. Đây chính là những hoa quả tốt mà ngày nay người Tây Phương đã gặt hái được. Ngày nay Phật Pháp đã vươn xa và vươn cao lắm rồi; nó không còn giới hạn ở các nước Á Châu của chúng ta nữa. Vì những nơi chốn nầy cũng giống như một gốc cây đã cằn cỗi, chỉ có nhiệm vụ nuôi sống thân cây, để cho cành xanh, lá tốt và hoa nở đầy vườn tại chốn trời Tây nầy.

Thích Như Điển – Theo chuabuuchau.com.vn

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.