Trong tiểu sử của Vua Trần Thái Tông chúng ta đã được biết cuộc đời của một vị Vua đau khổ nhất thế gian và ta chỉ biết chuyện thâm cung bí sử đã được Ngài tóm tắt trong tác phẩm Thiền Tông chỉ Nam sau khi đã đạt giác ngộ từ Kinh Kim Cang Bát Nhã cũng như Ngài Lục Tổ Huệ Năng và chính tác phẩm này đã được Quốc Sư Phù Vân ấn chứng, khen ngợi và khuyên nên khắc bản để in … tiếc thay … ngày nay đã thất lạc và chỉ còn lại lời tựa mà trong đó có đoạn như sau :
” Hôm sau, Trần Thủ Độ đem các quan lên núi Yên Tử đón Vua về kinh. Bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Thái Tông viết:
” Thấy Trẫm, Trần Công thống thiết nói:
– Tôi chịu lời ủy thác của Tiên quân, phụng sự nhà vua trong việc làm chủ thần dân. Nhân dân đang mong đợi Bệ hạ như con đỏ trông đợi cha mẹ. Huống chi ngày nay các vị cố lão trong triều đều là họ hàng thân thích, sĩ thứ trong nước ai nấy đều vui vẻ phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết nhà vua là cha mẹ dân. Vả lại Thái Tổ vừa mới bỏ tôi mà đi, hòn đất trên nấm mồ chưa ráo, lời dặn dò bên tai còn văng vẳng, thế mà Bệ hạ đã lánh vào chốn núi rừng ẩn cư để cầu thỏa lấy ý chí riêng của mình.
Tôi dám nói rằng Bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao?
Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Bệ hạ nếu không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng thiên hạ sẽ xin cùng chết cả trong ngày hôm nay, quyết không trở về.
Trẫm nghe Thái sư và các quần thần bô lão đều không chịu bỏ Trẫm, cho nên mới đem lời Thái sư mà bạch lại với Quốc sư, Quốc sư cầm tay Trẫm mà nói:
– Phàm làm đấng nhân quân, thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin Bệ hạ đừng phút nào quên.”
Nay cũng trong lời tựa ấy chúng ta biết được thêm rằng:
Vì thế, Trẫm cùng mọi người trở về kinh, miễn cưỡng lên ngôi. Khoảng hơn mười năm, những khi được rảnh rỗi, Trẫm tập họp các vị kỳ đức để tham cứu thiền, hỏi đạo và các kinh Đại thừa… đều nghiên cứu qua. Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, trong khoảng để quyển kinh xuống ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem sở ngộ này viết thành bài ca, để tên là “Thiền Tông Chỉ Nam”. Năm này, Quốc sư từ núi Yên Tử về kinh, Trẫm mời ở chùa Thắng Nghiêm, trông coi việc ấn bản các kinh. Trẫm đem tập sách này trình Sư, Sư xem qua liền tán thán rằng:
– Tâm chư Phật ở trọn nơi đây, sao không nhân khắc in các kinh, khắc in luôn để dạy kẻ hậu học.
Và với tâm nguyện dùng thời gian còn lại trong đời suốt thời gian từ 20 tuổi đến 31 T Ngài đã thấm nhuần kinh điển Phật từ Lăng Nghiêm, Kim Cang Bát Nhã Cũng như Tứ Diệu Đế và sau đó Ngài đã biên soạn Sáu Thời Sám Hối Khoa Nghi mà lời mở đầu có đọan ” Trẫm nhờ quyến thuộc nhà trời, ở ngôi chí tôn, nên việc dân gian, quốc chánh phiền rộn. Phồn hoa dụ dỗ bên ngoài, thị dục mê hoặc ở trong. Miệng thì chán ngán vị ngon, thân phải đeo mang vàng ngọc. Thấy nghe đuổi theo thanh sắc, ở ăn toàn chốn gác đài. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, học giả mù độn, căn lành kém mỏng. Ngày thì căn trần va chạm, lưới nghiệp kéo lôi; đêm thì mê ngủ che đậy, dây lười trói buộc. Ngày đêm dính mắc, đâu không phải là lỗi chuốc họa gây thù. Trẫm vì lẽ đó, ôm ấp trong lòng, thương cảm xen lẫn, quên ăn mất ngủ. Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh, Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người. Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn. Vì thế đức Phật Thích-ca khi chưa thành đạo, trước vào núi Tuyết sáu năm tu khổ hạnh, là do sáu căn đó vậy. Phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”.
Văn thì rườm rà, nói thì lời xa xôi. Nếu văn rườm rà thì người lười sám hối, lời xa xôi thì dễ sanh nghi. Cho nên không dùng lời phù phiếmdồn cho đầy quyển, cốt khiến người đọc tụng vui vẻ, người nghe thấy dễ ngộ. Mới mong những kẻ có lòng tin, ngày đêm phát tâm chí thành, theo khoa nghi này làm lễ sám hối. Đây là chẳng phụ chí nguyện tự lợi lợi tha của Trẫm.
Trộm nghĩ chúng ta hậu bối ngày nay nên tư duy thế nào khi được nghe những lời vàng chứa đầy trải nghiệm của một người triệt ngộ thấy được Chơn Tâm ….
“Trẫm thầm nghĩ: Phật không có nam bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tánh có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sanh tử, là kinh điển của đức Phật chúng ta. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm người sau, là trọng trách các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: “Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác.” Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay Trẫm đâu thể không lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình.”
Thầy Tổ thường dạy rằng ” Người biết xoay trí tuệ sáng suốt soi chiếu lại bản tánh chân tâm, không để bụi nhơ phủ kín, số người này quá ít. Như vậy mỗi ngày chúng ta chạy theo sắc, thanh, hương, vị… độ bao nhiêu giờ, còn được bao nhiêu phút ngồi để xoay lại tìm cái chân thật nơi mình.”
Có bao giờ chúng ta quyết tâm hạ thủ được công phu được như Ngài chăng ?
Câu trả lời … tự mỗi chúng ta quyết định lấy !!!!!!
Lời kết
Kính xin trình bày 10 phần nghi thức cho một thời để từ đó làm chuẩn cho mọi thời
1- kệ cảnh sách chúng vào mỗi thời
2- kệ dâng hương
3- kệ dâng hoa
4- Phát nguyện và Tấu bạch
5- sám hối tội căn ( mỗi căn theo thứ tự .đúng với mỗi thời .. mắt, tai, mũi , lưỡi, thân, ý. ) và chỉ rõ nghiệp căn ấy .
6- chí tâm khuyến thỉnh
7- chí tâm tuỳ hỷ
8- chí tâm hồi hướng
9- chí tâm phát nguyện
10- Kệ Vô Thường của mỗi thời.
Cũng xin liệt kê sáu thời ấy là:
Thời Thứ Nhất – Giờ Dần (3-5 giờ sáng ) – sám hối nghiệp căn Mắt
Thời Thứ Hai – (từ 7-9 giờ sáng )- sám hối nghiệp căn Tai
Thời Thứ Ba – (từ 11-1 giờ trưa ) sám hối nghiệp căn Mũi
Thời Thứ Tư i – (từ 3-5 giờ chiều mặt trời lặn ) -sám hối nghiệp căn Lưỡi
Thời Thứ Năm – (từ 7-9 giờ tối buổi hoàng hôn )- sám hối nghiệp căn Thân
Thời Thứ Sáu (từ 11-1 giờ đêm cuối đêm )- sám hối nghiệp căn Ý
Và chúng ta sẽ dùng thời khoá thứ nhất này làm chuẩn cho mọi thời khoá sau kế tiếp một ngày gần đây,
Kính trân trọng ,
Kính ngưỡng Đức Thiền Sư, Vua Trần Thái Tông…
…..chỗ nương dựa cho hành giả tu Phật
Chí nguyện tự lợi tự tha soạn chế nghi văn (1)
Sáu thời phát nguyện sám hối tội lỗi sáu căn (2)
Tâm thiện phát sinh …đuốc sáng xua tan bóng tối (3)
Kệ cảnh sách , phát nguyện khi dâng hương, hoa
…. Hậu học quyết tâm chuyển đổi (4)
Vì đạt ngộ nên thâm thuý từng chữ từng lời
Hạnh giải tương ưng, Sự Lý viên dung … tuyệt vời
Nào xác thối, sáu niệm hương cúng dường …. (5-6)
…. đúng theo kinh điển . !
Và lời kính lễ Từ Dung, Đức Hùng Sư …
…. tấu bạch nguyện nguyện (7)
Sớm rời ba đường khổ … sám hối lỗi lầm
Nghiệp căn mắt … một trong nhiều nhân …
…. đánh mất bản tâm (8)
Làm sao tu tập được
” Trong cái thấy sát na đầu chỉ là cái Thấy “
Thỉnh Chư Thiên, Tuỳ hỷ , hồi hướng … và từ đấy
Mười hai nguyện về căn mắt .., nghiệp băng trong (9)
Còn đâu vọng tưởng đảo điên phiền não trong lòng
Khi gió yên sóng lặng … nước liền có trăng hiện . !
Nam Mô cầu sám hối Bồ tát Ma ha tát
Nam Mô Thiền Sư Vua Trần Thái Tông tác đại chứng minh
Huệ Hương – Sydney 25/11/2021
_________________________
Chú thích :
(1) Trẫm vì lẽ đó, ôm ấp trong lòng, thương cảm xen lẫn, quên ăn mất ngủ. Nhân khi việc triều rảnh rỗi, xem khắp Kinh, Luận và các văn nghi lễ, tuyển chọn pháp có được tự lợi lợi tha, dùng để chỉ dạy cho người. Trăn trở suy đi nghĩ lại, xưa tạo nghiệp trọn do sáu căn. Vì thế đức Phật Thích-ca khi chưa thành đạo, trước vào núi Tuyết sáu năm tu khổ hạnh, là do sáu căn đó vậy. Phỏng theo ý ấy, lấy sáu căn phân làm sáu thời, mỗi thời lễ sám một căn. Chính Trẫm chế nghi văn sám hối này, gọi là “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”.
Văn thì rườm rà, nói thì lời xa xôi. Nếu văn rườm rà thì người lười sám hối, lời xa xôi thì dễ sanh nghi. Cho nên không dùng lời phù phiếmdồn cho đầy quyển, cốt khiến người đọc tụng vui vẻ, người nghe thấy dễ ngộ. Mới mong những kẻ có lòng tin, ngày đêm phát tâm chí thành, theo khoa nghi này làm lễ sám hối. Đây là chẳng phụ chí nguyện tự lợi lợi tha của Trẫm.
(2) Bản tánh chân tâm lthanh tịnh tròn sáng, trong trẻo như hư khôngchẳng có mảy bụi. Do bọt vọng chợt dấy, cõi uế hiện thành, năng và sở nương nhau, Phật với chúng sanh thấy hai. Căn tánh sai biệt, ngu trí phân chia, chỉ cho một cửa, khó được ngộ nhập. Vì thế, đức Phật chúng ta trí nguyện rộng lớn, mở cửa phương tiện, tùy lối chỉ đường về, đúng bệnh cho thuốc. Biết huyễn cấu của chúng sanh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối, khiến thân tâm thanh tịnh, trong sạch như xưa.
Ôi! công dụngsám hối lớn lao há chẳng vậy sao?
Trẫm nhờ quyến thuộc nhà trời, ở ngôi chí tôn, nên việc dân gian, quốc chánh phiền rộn. Phồn hoa dụ dỗ bên ngoài, thị dục mê hoặc ở trong. Miệng thì chán ngán vị ngon, thân phải đeo mang vàng ngọc. Thấy nghe đuổi theo thanh sắc, ở ăn toàn chốn gác đài. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, học giả mù độn, căn lành kém mỏng. Ngày thì căn trần va chạm, lưới nghiệp kéo lôi; đêm thì mê ngủ che đậy, dây lười trói buộc. Ngày đêm dính mắc, đâu không phải là lỗi chuốc họa gây thù.
(3) Tiện lợi việc đi lại dưới sông trên bộ, là nhờ xe, thuyền; tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm, là do sám hối. Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối, khác nào muốn tiện lợiqua lại mà chẳng dùng xe, thuyền. Thế mới biết công dụngsám hối rất là to. Cho nên kinh Đại Tập nói: “Như áo nhơ hằng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế, trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt.”
Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối.
(4) CẢNH SÁCH CHÚNG GIỜ DẦN
(3g – 5g) lấy làm khoa lễ buổi sáng
Phương đông tờ mờ sáng,
Mặt đất tối tan dần.
Tâm chạm trần cảnh dấy,
Mắt lòa sắc tưng bừng.
Xác thối đừng ôm mãi,
Đầu vùi, sớm ngưỡng lên.
Ân cần chuyên sáu niệm,
Hầu mong hợp cơ chân.
(Lễ Tam Bảo ba lạy)
Nguyện mây hương hoa này
Khắp cả mười phương cõi
Cúng dường tất cả Phật,
Tôn Pháp, chư Bồ-tát,
Vô lượng chúng Thanh văn
Và tất cả Thánh Hiền.
Vừa rời đài quang minh
Qua cõi nước vô biên
Trong vô biên cõi Phật
Nhận dùng làm Phật sự.
Xông khắp các chúng sanh
Đều phát tâm Bồ-đề.
(5) theo Tịnh độ “
Sáu chữ Di Đà vô biệt niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương.
Phàm niệm Phật là do tâm khởi. Tâm khởi thiện thì niệm thiện, khởi niệm thiện thì nghiệp báo thiện. Tâm khởi ác là niệm ác, sanh nghiệp ác thì ứng nghiệp ác. Như gương hiện ảnh, tợ bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Gia nói: “ai vô niệm, ai vô sanh” là nghĩa này vậy.
Nay học giả muốn khởi chánh niệm để dứt ba nghiệp, cũng nhờ công niệm Phật. Thế nào là niệm Phật được dứt ba nghiệp? Vì khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm hạnh tà là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn, chẳng nói lời tà là dứt khẩu nghiệp. Ý gắng tinh tấn, chẳng khởi niệm tà là dứt ý nghiệp. Song người trí có ba bậc:
Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm. Niệm tức là trần, chẳng cho một điểm. Niệm trần vốn tịnh, nên gọi như như bất động, tức là thân Phật. Thân Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Tướng tướng không hai, lặng lẽthường còn, còn mà chẳng biết, đó là Phật sống.
Bậc trung trí ắt nương niệm Phật. Chú ý chuyên cần, niệm niệm chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Niệm thiện đã hiện, niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu, chỉ còn niệm thiện. Do niệm là ý niệm, nên niệm niệm diệt đó. Khi niệm diệt ắt về chánh đạo. Lúc mạng chung được vui Niết-bàn – thường lạc ngã tịnh – là Phật đạo vậy.
Bậc hạ trí thì miệng siêng niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sanh về nước Phật. Ngày đêm siêng năng tu hành, không có thối chuyển. Sau khi mạng chung, tùy niệm thiện đó được sanh về nước Phật. Sau được chư Phật dạy bảo chánh pháp, chứng được bồ-đề, cũng vào quả Phật.
Ba bậc trên sâu cạn chẳng đồng, chỗ được là một vậy. Song bậc thượng trí nói thì dễ mà hành thì khó. Người thời nay muốn theo gương học, toàn không có chỗ gá nương, trọn trông bờ rồi lui, rất khó đặt chân. Bậc trung trí nếu hay siêng tu như lời nói ở trên thì tức khắc thành Phật. Nếu như lậu chưa hết mà lâm chung, tùy quả báo kia trở lại thọ sanh ở đời, nhận quả báo thiện. Quả báo thiện đã hết, không có người đánh thức, trở lại rơi vào đường ác. Như thế đó cũng là khó vậy. Bậc hạ trí lấy niệm Phật làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, chú ý duyên lành, nguyện sanh về nước Phật. Siêng năng không lười biếng, tâm tánh thuần thục, sau khi mạng chung, tùy theo sở nguyện, được sanh về nước Phật. Đã sanh về nước Phật thân đó không bao giờ mất.
Kinh điển thì: Lục Niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Ba loại đầu là niệm Tam Bảo.
Loại thứ tư là niệm Giới,uốn tu lên cao hơn thì phải tu Định, tu Tứ Vô Lượng Tâm “từ, bi, hỷ, xả”. Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới do đức Phật đã định và những điều răn dạy trong các kinh đều thuộc phạm vi của Giới.
Thứ năm là Niệm Thí. Thí (施) là Bố Thí, Thí có công đức khiến cho chúng ta đoạn phiền não. Vô lượng phiền não được quy nạp thành một trăm lẻ tám loại, rồi lại quy nạp thành hai mươi sáu thứ, bao gồm sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não. Lại quy nạp thành sáu căn bản phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, rồi lại quy nạp thành ba độc tham, sân, si. Ba độc lại quy nạp thành một thứ là Tham. Bố thí chuyên trị keo tham, tham là cội gốc lớn lao của phiền não. Bố thí nhằm tạo thuận tiện cho chính mình, dẹp trừ triệt để căn bản phiền não. Học bố thí thì lúc mới học, thường là chính mình dư dả mới bằng lòng đem cho người khác. C. Trong một đời người, giàu, nghèo, sang, hèn đều có số phận định sẵn. Đời trước đã tài bố thí thì đời này phát tài. Giàu có là quả báo, bố thí là nhân. Thông minh, trí huệ là quả báo, pháp bố thí là nhân. Khỏe mạnh, sống lâu là quả báo, vô úy bố thí là nhân. Dùng tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thanh tịnh tu ba thứ bố thí sẽ tự nhiên được quả báo tốt đẹp.
Niệm Thiên thứ sáu là niệm Thiên, hai loại này có quan hệ mật thiết với nhau. Để sanh lên trời thì phải thỏa điều kiện sanh lên trời. Đức Phật nói đến trạng huống trong cõi trời, so với bất cứ tôn giáo nào cũng đều tường tận hơn. Chẳng phải là tin vào Thượng Đế sẽ sanh lên trời, ngàn vạn phần chớ hiểu lầm. Phật nói Ngũ Giới thanh tịnh, đời sau sẽ được thân người. Thành tựu Thập Thiện nghiệp đạo thì mới được sanh lên trời. Chỉ tu Thập Thiện thì chỉ có thể sanh trong các tầng trời thuộc Dục Giới trở xuống, tức là sanh trong Tứ Vương Thiên và Đao Lợi Thiên.
(6) Hương này, trồng từ rừng giới, tưới bằng nước định, chặt từ vườn tuệ, vót bằng đao giải thoát. Chẳng do sức người, rìu, búa, hình thế xuất tự thiên nhiên. Đốt lên từ lò báu tri kiến, kết đài mây sáng rỡ. Khi bay khắp chốn ngạt ngào, tan ra đầy trời thơm phức. Vừa lúc rạng đông, thắp hương cúng dường.
(7) Kính bạch, mười phương Đại Giác, ba đời Hùng Sư. Soi đuốc tuệ nơi đường tối, thả thuyền từ trong biển khổ.
Các Phật tử! Gốc thân chẳng bền, cành mạng khó yên. Mọi người trên đầu đội trời, khó khỏi mắt sáng rơi đất. Một sớm chợt sẩy tay, muôn kiếp thân khó được. Cần phải mau mau gieo giống lành, chớ có khư khư cầu quả ác. Người người sớm tỉnh, mỗi mỗi siêng tu. Chuyên tâm lễ Vô thượng Từ Dung, chạm mắt thấy Đại quang minh tạng.
(8) Chí tâm sám hối,
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay;
Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo.
Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm.
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.
NGHIỆP CĂN MẮT LÀ:
Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh.
Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.
Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành;
Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.
Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai;
Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.
Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang;
Lòa mắt chưa sanh Bản lai diện mục.
Thấy ai giàu có, giương mắt mải nhìn;
Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.
Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô;
Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.
Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền;
Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.
Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai;
Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.
Không ngại Hộ pháp, chẳng sợ Long thần;
Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.
Những tội như thế, vô lượng vô biên;
Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.
Trải hằng sa kiếp, mới được làm người;
Dù được làm người, lại bị mù chột.
Nếu không sám hối khó được tiêu trừ.
Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.
(9) Một nguyện rộng mở sáng chánh kiến,
Hai nguyện lau sạch bụi trần mù,
Ba nguyện nhìn hình không đắm mến,
Bốn nguyện thấy sắc chẳng bận lòng.
Năm nguyện quên đầu cần kíp nhận,
Sáu nguyện mắt tuệ tự tròn đầy,
Bảy nguyện hiện nay sớm tỉnh mộng,
Tám nguyện hằng được sáng xưa nay.
Chín nguyện khi nhìn trừ mắt bệnh,
Mười nguyện chỗ thấy dứt không hoa,
Mười một nguyện trông xa mây chướng cuốn,
Mười hai nguyện chớp mắt nghiệp băng trong.