Cô Phật Tử Nhỏ

Đi học về bé Mai vội chạy tìm mẹ. Chưa gặp mẹ, Mai đã gọi to:

– Mẹ ơi!

– Mai về rồi à? –Tiếng mẹ Mai từ trong nhà bếp đáp vọng ra.

Mai chạy vào ôm gối mẹ nũng nịu:

– Hôm nay con được cô giáo khen.

– Thế à, cô giáo khen con như thế nào?

– Cô giáo khen con ngoan.

Nghe con nói, mẹ Mai vui lắm, xoa đầu con bảo:

– Vậy thì Mai cố gắng ngoan hơn để được cô giáo khen. Nhưng hôm nay Mai làm gì mà được cô giáo khen thế? – Mẹ Mai lại hỏi.

– Con chép bài cũ giúp bạn Loan. Bạn ấy bệnh phải nghỉ học mấy ngày. Hôm nay bạn ấy mới đến lớp.

– Ra là thế. Giúp đỡ bạn bè là việc làm rất tốt –Mẹ Mai bảo với Mai.

Mai phụ giúp mẹ dọn bữa ăn, hai mẹ con vừa làm vừa nói chuyện về lớp học của Mai. Vừa lúc đó ba Mai về, trông thấy ba Mai chạy đến sà vào lòng ba nhõng nhẽo. Ba Mai vội dụi điếu thuốc đang cầm trong tay rồi bế Mai lên ôm vào lòng. Đứa trẻ lên bảy trong vòng tay ba vẫn không khác thuở còn bồng ẵm. Thấy ba hút thuốc, như chợt nhớ ra điều gì, Mai nói với ba:

– Cô giáo dạy chúng con không được hút thuốc, vì hút thuốc có hại cho sức khỏe.

Ba Mai mỉm cười nói:

– À, cô giáo dạy đúng đó con. Trẻ con không nên hút thuốc.

Mai thắc mắc:

– Trả con không hút thuốc được, còn người lớn hút được hở ba? Người lớn hút thuốc không có hại sao ba?

Câu hỏi vô tư của Mai làm cho ba Mai lúng túng:

– À…, thì…, người lớn hút quen rồi con à.

Câu trả lời dường như gượng gạo. Trả lời như thế có vẻ không ổn lắm, nhưng ba Mai không biết phải trả lời làm sao, đành phải tạm nói thế để giải tỏa thắc mắc cho con trẻ. Câu hỏi của Mai cũng làm cho ba suy nghĩ nhiều. Hình như có những việc người lớn làm mà chưa từng suy nghĩ hay đắn đo. Nhưng trẻ thơ, với tâm tư hồn nhiên thì suy nghĩ vô cùng chân thật không tự dối lòng như người lớn. Có những thắc mắc của trẻ thơ xuất phát từ sự hồn nhiên trong sáng mà người lớn đôi khi cố tình né tránh không dám tự vấn lòng mình.

Tiếng mẹ Mai từ trong nhà bếp gọi vọng ra:

– Xong cả rồi. Hai cha con vào ăn cơm đi.

Ánh trăng mười bốn lung linh trên từng bụi tre khóm chuối, soi rõ mồn một con đường đất sét khô trắng trước ngõ nhà Mai. Tiếng chuông đại hồng chung từ chùa lan xa trong xóm vắng, trầm bổng du dương. Bà Tư chậm rãi xếp chiếc áo tràng lam thật ngay ngắn rồi bỏ vào chiếc giỏ len kèm theo quyển kinh Nhật Tụng. Bà gọi đứa cháu gái nhỏ:

– Hôm nay bé Mai đi chùa với nội không?

Mai đang chơi đùa với mẹ, nhanh nhẩu đáp lời bà:

– Nội cho con đi với. Con sẽ xách giỏ cho nội.

Đêm nào bà Tư cũng lên chùa tụng kinh. Chùa cách nhà khoảng một cây số nhưng bà siêng đi lắm. Hôm nào trời mưa gió, không đi chùa được bà cảm thấy buồn buồn. Bé Mai cũng thích đi chùa với nội, mỗi lần bà Tư đi chùa là bé Mai lẽo đẽo theo sau xách giỏ cho bà. Nghĩ cũng lạ, trẻ con như bé Mai thường chỉ thích những nơi ồn náo, thích những trò vui trẻ con, còn bé Mai lại thích đến chùa nghe tụng kinh, bái sám, trò chuyện với mấy điệu. Có lẽ Mai chịu ảnh hưởng từ bà nội và mẹ. Trẻ thơ thường chịu ảnh hưởng những người xung quanh, tiếp thu sự giáo dục của ông bà, cha mẹ hơn là sách vở ở nhà trường bởi nó cụ thể và sống động. Nếu môi trường gia đình và xã hội không tốt thì sự giáo dục của nhà trường không đủ để xây dựng nhân cách trẻ thơ, vì thời gian giáo dục ở nhà trường quá ít ỏi và nhà trường giáo dục chủ yếu là kiến thức. Trẻ con trong xóm của Mai tối đến đều kéo nhau đi hội chợ, xem phim; mỗi ngày tan học về thì ghé vào đâu đó để chơi game… Độ tuổi nào cũng có những trò chơi hấp dẫn quên cả học hành. Cha mẹ chúng suốt ngày quần quật tìm miếng cơm, manh áo, không có thời gian quan tâm đến sinh hoạt của con cái. Cũng chẳng phải tất cả các bậc cha mẹ đều vì bận kế sinh nhai mà bỏ bê con cái. Có người thường xuyên thất nghiệp chẳng có công ăn việc làm gì, nhưng có bao giờ quan tâm đến con cái, suốt ngày mải mê cờ bạc, rượu chè vô tư, vô lự. Rồi những đứa con của họ dần dần lớn lên cũng đi theo con đường của họ. Cha mẹ Mai ý thức được điều đó nên sớm tách con mình ra khỏi dòng sống bấp bênh không về đâu ấy. Họ cố gắng xây dựng tương lai cho con mình bằng bằng sự tận tụy hy sinh đời sống bản thân để chăm lo cho con cái ăn, cái học, quan tâm dạy dỗ cho con nên người bằng chính tấm gương nhân cách của bậc làm cha mẹ.

– Hôm nay là mười bốn, chùa sám hối. – Bà Tư nói với mẹ Mai.

– Chắc là đông lắm hở má?

– Ừ, mọi khi đông lắm. Hôm nay chắc cũng thế.

– Sám hối là gì vậy nội? –Bất chợt Mai hỏi chen vào.

Bà Tư miệng bỏm bẻm nhai trầu, chậm rãi trả lời cháu:

– Sám hối là tự mình kiểm điểm hành vi của mình, xét xem mình đã làm những việc gì không tốt thì ăn năn, nguyện xin chừa bỏ.

– Sám hối giúp mình tiến bộ phải không nội?

– Ừ, phải đó con. –Bà Tư mỉm cười hài lòng về con bé.

Chuẩn bị xong xuôi, Mai chào ba mẹ rồi lẽo đẽo theo nội lên chùa. Hai bà cháu một già, một trẻ dắt tay nhau bước thấp, bước cao trên con đường làng hướng về tiếng chuông chùa mà đi tới. Tiếng chuông vẫn trầm ấm du dương trong lòng thôn xóm và lan tỏa trong lòng bà cháu Mai.

Phạm Minh Quyên

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.