Lời Đầu Tập
Từ xưa, thi ca là nguồn cảm hứng của bao văn nhân thi sĩ. Xúc cảnh sanh thơ, phơi bày những tâm sự, gởi gắm tất cả những tâm tình rạt rào chứa đựng những bi thiết, những hoạt cảnh của những xã hội đương thời mà tác giả hiện sống.
Những cảm tác ấy, dệt thành đủ màu sắc hương vị. Nó xuất phát từ những tâm hồn cao thượng tự chứng, hay những tâm hồn bình thường mang nặng mặc cảm tự tôn, tự ty, hoặc bất mãn theo từng nếp nghĩ. Tất cả, đều tùy theo quan điểm của mỗi thi nhân. Song cho dù diễn tả dưới bất cứ dạng thức nào chăng nữa, tựu trung, cũng nhằm nói lên chiều hướng xây dựng xã hội, làm đẹp con người và cuộc đời. Mọi sắc thái hiện tượng của vũ trụ như: mây, nước, trăng, sao, núi non, chim kêu, suối chảy v.v…đều là những gợi cảnh nồng nàn mà thi nhân đã gởi lòng hòa điệu.
Cảnh và tâm, tâm và cảnh từ xưa đã là một sự liên quan mật thiết bất khả phân ly. Sự sống là một đúc kết bởi hai hiện trạng thiết yếu: vật chất và tinh thần. Sự kết hợp ấy, có từ khi con người xuất hiện trên quả địa cầu này. Chính vì sự liên hệ chằng chịt ấy, mà con người không thể tự thoát mình ra được theo lý duyên khởi hình thành. Nói lên hiện trạng của chính mình, tức nói lên hiện trạng của mọi người. Có khác chăng, chỉ là theo từng hoàn cảnh và sự sinh hoạt của mỗi thời đại mà thôi.
Nguồn cảm hứng đối cảnh sanh lời ấy, được tác thành bằng những nhạc điệu mỹ cảm rung động của những con tim lành mạnh và được nhịp nhàng bởi một thứ trí tuệ kiểm chứng. Những vần thơ siêu thoát chỉ có, khi nào con người đã trải nghiệm một thời gian rèn tâm nội chứng. Những vần thơ ấy, ta thấy rất rõ trong những tác phẩm thi ca thiền học chẳng hạn.
Ngoài ra, còn biết bao văn thơ mà có thể thi nhân không phải là người xuất thân từ một lãnh vực của một tôn giáo nào cả. Những nguồn thơ ấy, đã hài hòa với vũ trụ mà ở đó cũng chính là con người. Thơ đã nhịp nhàng điệu sống, tự nó đã có một tác dụng sâu kín truyền thông thẳng mạnh vào con người. Một sự tác động mãnh liệt nhằm đánh thức con người sống dậy vươn lên trong tỉnh táo và rồi để hòa nhập vào đại thể. Ở đó, không còn là gì cả và lời thơ cũng tự biến mất. Đối tượng diễn tả và chủ thể diễn tả sẽ không còn phân chia tách biệt. Đến đó, là nguồn thơ đã lột hết mọi võ chấp cứng của con người. Chính đó mới quả thật là một nền văn hóa siêu đẳng mà bao thi nhân nhằm thực hiện và cung ứng hoán cải.
Đó là một công trình đóng góp rất lớn lao cho nền văn hóa nhơn loại; một kỳ công kiệt tác mà tất cả những tác phẩm mang đủ các loại màu sắc bằng những lối hình thức diễn tả đều nhằm mục đích đại đồng ấy.
Cũng chính vì điều đó, mà ta thấy các nhà đại thi hào trên thế giới đã gặp nhau – Sự hội ngộ không cần phải có sự hứa hẹn nào trước – mà mỗi người chỉ cần xoay lại chính mình để tự triển khai và sống thực với mình thì tất cả sẽ gặp nhau.
Riêng ở nước Việt Nam ta, từ thời xa xưa cũng đã có biết bao thi nhân cả đời lẫn đạo đều dệt nên bao tác phẩm sống động linh cảm thiết thật đã được truyền thông qua muôn ngàn thế hệ. Đó là một sự góp mặt phục vụ cho nền văn hóa nước ta nói riêng và cho nhơn loại nói chung rất là phong phú, đa dạng, thực tiễn trong chiều hướng xây dựng xã hội và con người.
Thưởng thức một câu thơ hay một bài thơ, bài văn, mà tâm hồn ta bất chợt rung động theo nhịp điệu mỹ cảm của thơ, chính lúc ấy là ta đã gặp lại tác giả và niềm cảm thông giữa ta và tác giả đã có một quan điểm; một tâm trạng thấu triệt rõ rệt.
Có đôi khi đọc một vần thơ siêu thoát, tâm hồn ta bỗng bừng sáng tỉnh táo hơn lên, thì chính lúc ấy là tâm ta đã chín đến mức độ của tác giả – vì tác giả đã giúp cho ta một nguồn khai sáng nội tại – mà trước tiên tác giả đã tự khai sáng đến độ sống thực của nó.
Đọc thơ, thưởng thức hương vị ngọt ngào hoặc cay đắng của thơ, từ nội dung đến hình thức mà tác giả đã diễn tả – chỉ khi nào nhịp điệu của tâm hồn ta có đồng một cung bậc, đồng với tâm trạng hoàn cảnh của tác giả. Bấy giờ sự thưởng thức ấy, ta mới thật cảm thấy thú vị và có đôi khi ta xúc động đến rơi lệ hoặc giả là tràn đầy vui sướng. Tất cả đều tùy theo nội dung của câu thơ hoặc bài thơ ấy.
Theo chiều hướng đó, mặc dù tôi chưa phải là một nhà thơ, nhưng đứng trước mọi cảnh vật thiên nhiên, hoặc chứng kiến, tiếp cận hay thậm chí hòa mình trong sự sống, tôi cũng có một vài nỗi niềm xúc tác cảm hứng. Do sự cảm hứng đó, nên tôi cố gắng khiêm dệt một vài nét thơ để bày tỏ mua vui giải sầu xuyên qua những hoạt cảnh, những tâm trạng u ẩn, những xúc động tự nhiên, những cảm nghĩ vụng về, những tâm tình bi thiết. Tất cả đều được dệt thành bằng những vần thơ non nớt, chưa có được một kích thước đáng bậc là một thi nhân đúng nghĩa.
Về phần đóng góp tịnh tài hùng ấn tống tập 3 nầy, phần lớn là do quý liên hữu Phật tử trong hai đạo tràng: Phước Huệ và Quang Minh phát tâm hỷ cúng. Ngoài ra, cũng có một số quý Phật tử ở các nơi khác phát tâm cúng dường. Xin tất cả nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa của chúng tôi. Và chúng tôi cũng không quên thành kính tri ân nhị vị Đại Đức: Thích Phước Viên và Thích Phước Quảng đã tận tình giúp cho phần trình bày và in ấn. Chúng tôi chân thành nguyện cầu Phật lực gia hộ cho toàn thể quý ân nhân vạn sự an lành, sở cầu như ý.
Trong tập thơ nầy dĩ nhiên, nó còn nhiều khuyết điểm từ hình thức đến nội dung. Kính mong quý độc giả, các bậc thi nhân, quý vị thức giả có dịp ghé mắt xem qua, nếu thấy có điểm nào thiếu sót chưa được trang nhã lắm, thì xin quý vị cũng rộng tình thông cảm và chỉ giáo cho, tác giả xin hết lòng quý kính thâm ân và xin cảm niệm chân thành đa tạ.
Trân kính
Thích Phước Thái