Một năm qua, cả thế giới đã phải oằn mình đối phó đại dịch Covid-19 hoành hành. Với sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần đồng lòng, đoàn kết, ý thức cao độ trong tinh thần “thương người như thể thương thân”, Việt Nam đã trở thành điểm sáng thành công đẩy lùi nạn dịch và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh toàn cầu căng mình chống dịch bệnh. Cả đất nước hân hoan đón chào năm mới 2021, đón chào mùa xuân mới Tân Sửu với tâm nguyện và tâm thế thắng lợi mới.
Trong truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam, chúng ta đón chào năm mới khởi đầu bằng mùa xuân mới, với niềm tin và hy vọng của truyền thông tâm linh từ nụ cười Đức Phật Di Lặc. Nụ cười ấy, cứ thế mà lan tỏa vào tận con tim và khối óc người dân, xua tan bao nỗi tan thương, bao ngậm ngùi tiếc nuối của một đời sống vô thường đầy biến động đã diễn ra suốt năm qua. Vì vậy, những người con Phật mừng xuân mới bằng tên gọi đón chào Xuân Di Lặc, chứ không phải là đón chào Xuân Tân Sửu (theo Âm lịch) hay đón chào Xuân 2021 (theo Dương lịch).
Thật ra từ lâu lắm rồi, trong văn hoá phương Đông, hầu hết các nước có người dân theo Phật giáo cũng đã có hình ảnh Bồ tát Bố Đại (tiền thân của Bồ tát Di Lặc), hằng ngày thường dùng gậy để gánh một túi vải, chứa đựng các phần quà đi phân phát cho mọi người, nhất là trẻ em. Ngài đi đến đâu trẻ em quây quần đến đó, người lớn thì hân hoan chào mừng vui vẻ, bởi bao ước nguyện cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an trong tâm linh con người được Ngài khai mở để hoá thành hiện thực. Do đó, mỗi lần Ngài xuất hiện, người ta thấy Ngài chỉ đem đến chuyện phúc lộc dồi dào, sự an lành, hoan hỷ trước những biến động vô thường của cuộc sống thường nhật. Bao nhiêu khổ đau của chúng sinh lầm than, Ngài dung chứa hết. Hơn thế, Ngài còn nở nụ cười bao dung, chuyển hóa bao nỗi “ngậm ngùi” thành khúc “hoan ca” khởi đầu cho những thành tựu mới của một năm mới:
“Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự
Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân”.
(Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được.
Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được).
Chính lẽ đó, hằng năm cứ dịp Tết đến xuân về, những người dù có theo Đạo Phật hay không, ai cũng nô nức lên chùa, nhất là ở thời khắc giao thừa, mồng một Tết cho đến những ngày sau đó chiêm bái hình tượng Ngài cười hoan hỷ, hái lộc đầu năm, mở đầu cho sự an khang thịnh vượng quanh năm suốt tháng. Ngài trở thành biểu tượng cho sự hoan hỷ, phúc lộc tràn trề, lòng thương yêu vô hạn trong tín ngưỡng tâm linh của người dân theo Đạo Phật ở các nước phương Đông.
Đáng kể nhất là các nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam, chùa nào cũng tạc tượng Ngài thật lớn với dáng người tự tại, nụ cười hoan hỷ, vai mang túi vải đựng quà, có khi còn có sáu trẻ thơ (lục tặc) đeo quanh bụng Ngài và tôn trí ngay tại tiền sảnh Chánh điện. Để những ai khi bước chân vào chùa đều đón nhận được cội nguồn phước thiện, vốn sẵn có trong tâm linh con người mà thực thi hành trì nhằm chia bùi sẻ ngọt, đem lại sự bình an nội tại. Đó là sự kết tinh của một nội tâm thanh tịnh, được thể hiện bằng nụ cười trầm lắng, nhưng lại hiển lộ cả sự hoan ca, rạng rỡ. Bụng dạ bao dung rộng lớn của Ngài dung chứa hết thảy phiền não thế gian để chuyển hóa thành sự sung túc thịnh vượng, giàu có của khát vọng muôn người. Còn sáu trẻ thơ hồn nhiên, ngộ nghĩnh vây quanh Ngài như niềm vui có con cháu hiếu thảo quây quần, minh chứng cho phúc lộc đầy nhà trong suối nguồn hạnh phúc của hạnh nguyện từ bi hỷ xả lan tỏa muôn nơi.
Chính vì lý tưởng phụng sự chúng sinh như vậy, trong kinh điển Phật giáo ghi nhận Ngài với danh hiệu Maitreya (tức Từ Thị, hay Di Lặc), biểu trưng cho lòng từ không giới hạn. Lòng từ này chưa bao giờ làm tổn thương bất cứ chúng sinh nào, trong một không gian, thời gian, hoàn cảnh, tình huống nào. Và như thế, bất cứ ai cũng có thể gần gũi với Ngài và Ngài tiếp nhận, chuyển hóa họ một cách tự nhiên, không có bất cứ điều kiện gì.
Theo Cảnh Đức truyền đăng lục, quyển 27, kể từ khi Ngài thị hiện ở đời trong vai trò vị tăng họ Thị, tự xưng là Khế Thử, hiệu Trương Đình Tứ, sống ở Phụng Hoá, thuộc Minh Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) vào đời Lương, thời Ngũ Đại thì Ngài đã được người gọi là Bố Đại hoà thượng. Cũng dễ hiểu, vì hành trang của Ngài, quanh năm suốt tháng chỉ đi khắp nơi, khắp mọi nẻo đường thuyết pháp bằng thân giáo, với thân người mày rậm bụng to, lời nói từ tốn và ngủ nghỉ ở bất cứ nơi nào. Ai cúng gì Ngài đều cho vào túi vải rồi đi phân phát ban lộc cho mọi người. Điều đáng nói, ngoài đem lại nguồn vui cho trẻ em, an bình cho người, Ngài thường “dự báo chính xác thời tiết và chỉ dạy thiết thực cho người việc tốt nên làm, việc xấu tránh xa để khỏi bị hậu hoạ”.
Cũng theo tài liệu này, tháng 3/917, đời nhà Hậu Lương, khi sắp viên tịch, Ngài ngồi ngay thẳng trên bàn thạch dưới Đông Lang ở chùa Nhạc Lâm mà nói bài kệ:
“Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức”
(Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân nghìn trăm ức
Luôn luôn chỉ dạy người
Người đời không tự biết)
(Đại 51, 434 trung)
Nói xong, Ngài an nhiên thị tịch. Về sau, có người ở châu khác gặp Ngài mang túi vải đi lại đó đây. Người đời cho là ứng thân của Bồ tát Di Lặc. Điểm đáng nói nhất là từ khi Ngài viên tịch, hình ảnh của Ngài Bồ tát Bố Đại không chỉ trở thành biểu tượng cho sự hoan hỷ, phúc lộc, yêu thương trong sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng của người phương Đông, mà còn được nâng lên trở thành “Tín ngưỡng Di Lặc” đối với những nước theo tín ngưỡng Phật giáo. Tín ngưỡng này phát triển nhanh chóng, lan toả khi người ta căn cứ vào xuất xứ từ kinh điển và lòng tin bất động của người dân theo Đạo Phật để thiết lập.
Theo truyện Pháp Thạnh trong Danh tăng truyện sao, sau khi Phật diệt độ 480 năm, có A la hán A-lợi-nan-đà bay lên cõi trời Đâu Suất vẽ tượng Di Lặc, rồi Ngài đến phía Đông Bắc nước Ưu Trương (nước Đa Lịch trong Phật Quốc ký) tạo một tượng Di Lặc lớn bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn. Truyện Linh Vân trong Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện (quyển hạ), chùa Na Lan Đà và nơi cây Bồ đề Phật Thành đạo, về phía Đông có tinh xá thờ tượng Bồ tát Di Lặc bằng bạc cao hơn 10m.
Ở Trung Quốc, những kinh điển liên quan đến tín ngưỡng Di Lặc đã được các cao tăng phiên dịch bắt đầu từ thời Tây Tấn, trước sau hơn 10 loại, có thể quy vào ba hệ thống: Thượng sinh, hạ sinh, bản nguyện. Chẳng hạn, ngay từ năm 303 đời Tây Tấn, Ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Di Lặc Bồ tát sở vấn bản nguyện. Đời Diêu Tần năm 402, Ngài Cưu Ma La thập dịch kinh Di Lặc hạ sinh thành Phật. Đến đời Lưu Tống Nam triều, Thư Cừ Kinh Thanh dịch kinh Di Lặc Thượng sinh. Đời Đông Tấn, dịch kinh Di Lặc lai thời. Vào năm 508 – 535, đời Bắc Nguỵ, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch kinh Di Lặc Bồ tát sở vấn. Đời Đường, năm 701, Ngài Nghĩa Tịnh dịch kinh Di Lặc Hạ sinh thành Phật…. Việc chư Tăng giáo hội tăng già chú trọng phiên dịch các tài liệu kinh điển nói trên, chứng tỏ tín ngưỡng Di Lặc hình thành và phát triển rất phổ biến và y cứ vào cơ sở chính thống.
Cũng từ việc phiên dịch và phổ biến khai thác các tài liệu kinh điển này mà tự thân nó đã định hình hai trường phái tín ngưỡng. Phái Tín ngưỡng Thượng sinh cho rằng hiện nay Bồ tát Di Lặc đang thuyết pháp độ sinh tại cõi trời Đâu Suất. Phái này chỉ ảnh hưởng trong giới trí thức, nghiên cứu dịch thuật, căn trí cao. Người đề xướng và có công lớn hoằng dương truyền bá đầu tiên phải kể đến ngài Đạo An (315-385), sau đó là Đạo Kiểu, Tăng Nghiệp, Huệ Nghiêm, Đạo Uông, Đạo Pháp, Pháp Thịnh, Đàm Phó, Đàm Võ… Đến đời Đường, các Ngài Huyền Trang, Khuy Cơ cũng hoằng dương tín ngưỡng Thượng sinh Đâu Suất và tín ngưỡng này trở thành truyền thống của tông Pháp Tướng. Còn phái Tín ngưỡng Hạ sinh thì chủ trương trong tương lai Bồ tát Di Lặc sẽ xuống cõi đời, thành Phật dưới cội Long Hoa và thuyết pháp ba hội để cứu độ chúng sinh. Thuyết này đã tạo ra đức tin lớn và sự kỳ vọng mạnh mẽ trong tâm thức quần chúng. Vì vậy, nó ảnh hưởng rất mạnh mẽ các tầng lớp từ vua quan cho đến nhân dân lao động trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo bấy giờ.
Theo Xuất Tam tạng ký, tập 12, Pháp Uyển tạp duyên nguyên thuỷ tập mục lục tự, đời Lưu Tống, ngay cả vua Minh Đế (tại vị 465-471) đích thân soạn Long Hoa thệ nguyện văn, Châu Ngung soạn Kinh sư Chư ấp tạo Di Lặc tam hội ký, Cánh Lăng Văn Tuyên đời Tiêu Tể soạn Long Hoa hội ký, Ngài Nam Nhạc Huệ Tư soạn Lập thệ nguyện văn. Tất cả đều tuyên dương thuyết Di Lặc hạ sinh. Đến đời Ngũ Đại có Bồ tát Bố Đại hoá thân Di Lặc thị hiện thì tín ngưỡng phái càng có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng tâm linh quần chúng và lan toả rộng.
Sự thể nhập tín ngưỡng hạ sinh Di Lặc vào trong đời sống văn hoá cộng đồng sinh hoạt Phật giáo Trung Hoa là việc xây dựng mô hình văn hoá vật thể (thế gian trú trì Tam bảo) bằng cách kiến tạo chùa chiền, dựng tượng Di Lặc thờ tự ở khắp nơi, để lại dấu ấn tâm linh lớn trong lòng dân chúng. Đời Nam Tề, khoảng năm 979-982, Ngài Tăng Hộ có phát nguyện khắc tạo tượng Di Lặc cao 307 mét ở núi Thạch Thành, huyện Diệm, nhưng tâm nguyện chưa thành thì qua đời. Ngài Tăng Hựu tiếp tục hoàn thành và được người đời gọi là Tam thế thạch Phật, Đại Phật huyện Diệm. Đời Bắc Nguỵ, vua Hiến Văn Đế tạo động Di Lặc ở hang thứ 13 Vân Cương Đại Đồng và an trí pho tượng ngồi cao 16 mét. Sau khi dời đô về Lạc Dương, Hiến Văn Đế còn tạo hang động Long Môn, trong đó có hơn 100 pho tượng Phật Di Lặc lớn nhỏ. Ngoài ra, trên các sườn núi Hoàng Thạch ở Lịch Thành, Sơn Đông và tượng ở núi Thiên Phật cũng có nhiều Di Lặc lớn được tạo dựng vào đời Bắc Triều. Đến đời Đường, dưới sự trị vì của Võ Tắc Thiên, văn hoá tín ngưỡng Di Lặc lên cao trào, phổ cập quần chúng.
Việc khánh thành chùa, tự viện, tôn trí đại tượng Di Lặc trở thành những lễ hội văn hoá Phật giáo dưới sự bảo trợ của triều đình để cầu quốc thái dân an, sự thịnh vượng của triều đình, dân chúng được phúc lạc vô biên trong ý nghĩa mỗi người là một vị Phật sẽ thành. Vào những ngày này, các nghi lễ Phật giáo được diễn ra dưới sự chủ trì của các cao tăng đại Đường, chư tăng toàn quốc về dự lễ trai tăng cầu phước được tổ chức trang nghiêm hoành tráng, dưới sự kết hợp của Bộ Lễ và chư tăng trong ban Trú trì, Giám viện. Sau đó là lễ chẩn tế âm linh cô hồn, người sống và người khuất đều ân triêm lợi lạc. Hình ảnh chư tăng phát quà sau khi cúng, thực chất là hình ảnh Bố Đại mang túi đãi ban phước lộc thọ đến mọi người. Cao cả hơn trong ý nghĩa chẩn tế là sự cứu giúp người nghèo khổ. Nhân dịp này, dưới sự bảo trợ của triều đình và khuyến giáo của chư tăng, từ vua quan, công hầu bá tước đã phát tâm cúng dường với ngân khoản lớn để bố thí cho đồng bào nghèo khó. Đây cũng là dịp dân chúng hát ca, hoan hỷ thoả lòng, trên hết là tạo ra sự gắn kết giữa giáo hội, triều đình và dân chúng.
Sau đời Đường, tín ngưỡng này không còn thịnh hành như trước nữa. Dưới sự bảo hộ của triều đình, hình ảnh biểu tượng ngài Di Lặc ban phúc lộc như vắng đi, nhưng lại thâm nhập vào lòng quần chúng qua tín ngưỡng dân gian truyền thống một cách sâu đậm. Nó không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà bắt đầu lan toả và thịnh hành sang Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam cho đến ngày nay.
Ở Việt Nam, từ lâu, Phật Di Lặc đã được tôn thờ và thể nhập vào đời sống tín ngưỡng tâm linh người Việt. Để rồi đến thời Lý – Trần là thời đại được mệnh danh là “khoan giản, an lạc, nhân thứ, rộng mở và dân chủ” của nước Đại Việt, lấy Phật giáo làm quốc giáo. Biết bao nhiêu công trình của Quốc gia đã tôn trí Phật Di Lặc làm biểu tượng cho tinh thần Đại Việt được Đại Việt sử ký toàn thư ghi và ca tụng. Từ đó về sau, hình tượng Phật Di Lặc không chỉ tôn thờ trong Chánh điện, trước sân chùa mà còn trở thành Phật đài trên đỉnh non cao, trong không gian sinh hoạt đời thường của cộng đồng người Việt. Tất cả chỉ minh chứng cho lòng khát ngưỡng mong cầu có một sự bình an nội tâm, sự sung mãn đầy đủ được hóa hiện từ nụ cười trầm lặng và tươi sáng của Phật Di Lặc, sự bao dung từ cái bụng lớn của Ngài chuyển hóa cho mọi người sau bao năm tháng phải lao tâm khổ tứ, đối diện biết bao sóng gió cuộc đời cần phải vượt thoát.
Thế nên, trong giờ khắc giao thừa cũng là ngày lễ vía của Ngài đầu năm, chư Tăng và Phật tử làm lễ xướng danh hiệu Ngài và đảnh lễ cầu phúc. Sau đó là lễ hái lộc diễn ra rất trang nghiêm. Chư Tăng kết “cây lộc” để sau lưng Ngài với những phong bì đỏ chứa các câu kinh Pháp cú, Thập thiện, hay những lời Phật dạy ngắn gọn, những tờ giấy bạc (đơn vị tiền tệ có giá trị biểu trưng tài lộc) để Phật tử hái như khích lệ sự tu hành và khuyến giáo làm công đức để cả năm an khang thịnh vượng. “Hái lộc” đầu năm trở thành “hái phước”, thực thi hành lành kể từ giờ phút thiêng liêng này. Vì niềm tin lớn với Ngài mà người đi lễ chùa đã tự mình xoa tay lên tượng Ngài, rồi xoa vào đầu mình như cầu mong Ngài ấn chứng và ban phúc lành. Tập tục lên chùa “hái lộc đầu năm” trở thành nét đẹp văn hoá đầu năm không thể thiếu với người dân các nước phương Đông.
Ở Nhật Bản, dân chúng xem hình ảnh ngài Di Lặc hay Bố Đại là một trong bảy vị thần phúc thần của dân tộc Nhật. Ở Việt Nam, có khi người dân còn xem Ngài là thần tài, thờ phụng hoặc tôn trí nơi phòng khách để chiêm ngưỡng, cầu mong phúc lộc, bình an cho gia đình. Trên hết, hình ảnh ngài Di Lặc hay Bố Đại luôn hiện diện trong nếp sống thường nhật của người dân. Tuy không có sự hoá trang thành Ngài Bố Đại hay Di Lặc đi trên đường phố để ban phúc lành, khuyến giáo làm thiện, nhưng hình ảnh Ngài được thể nhập và hoá hiện bằng việc Phật tử động viên nhau làm việc phước thiện và sống hoan hỷ, tuỳ thuận, tuỳ tâm, mãn nguyện theo tinh thần mà hạnh nguyện ngài Bố Đại (tiền thân của ngài Di Lặc) đã từng sống, từng làm.
Với ý niệm đó, cuộc sống thật nhiệm mầu, con người luôn có những khả năng vô hạn để làm hoá hiện những ước nguyện tốt lành cho mình, cho tha nhân. Thực ra, trong nội tâm của mỗi người, ai cũng có hình ảnh Ngài Bố Đại hay Di Lặc phân thân nghìn ức thị hiện khắp mọi phố phường để phân phát quà lộc, biểu trưng cho niềm tin và lẽ sống, được góp sức làm việc công đức khi con người đang còn phải đối diện những khó khăn, khổ đau từ nạn dịch Covid-19 gây ra. Có như vậy, xuân về Tết đến mới được hạnh phúc an lạc trong chánh pháp của cuộc sống thường tình này.
Thượng tọa Thích Phước Đạt – Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo
* TT.TS Thích Phước Đạt – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.
1. Theo P.D Mehta, “Early Indian Religious Thought”, Nxb. Lusac và Company Limited, 1956, tr.186-187.