Tôi đọc hoài 41 câu kệ của bài kinh Tê Giác ( trong Đại Tập ) do Trưởng Lão Pháp Minh đã dịchmà trong đó… Đức Phật ca ngợi loài Tê Giác như là một biểu tượng cho những người tu hành kiên trì, nếu không có bạn đồng hành cùng tu tập, thì thà một mình tu tập tâm ý cho đến ngày giải thoát.
“Nếu không có bạn đồng hành
Thà như Tê Giác một mình ra đi”.
Với hai kệ cuối của bài kinh dù còn đang tu tập chưa đến đâu… nhưng không hiểu sao tôi muốn đọc hoài….
40-. Tham với Sân và Si dứt tuyệt
Kiết sử tan vĩnh biệt Vô minh
Ðiềm nhiên chẳng sợ Tử sinh
Thà như tê giác một mình ra đi…
41. Sum họp khó quyết nghi Chơn giả
Lìa bạn bè, lợi ngã phân minh
Xả ly thế tục, phàm tình…
” Thà như Tê giác, ra đi một mình “
Rồi chiêm nghệ… rồi phân tích nhiều sự cố trong đời mình gặp để rồi ôn lại tất cả những bài học đã ghi chép nhiều lần về một cái Ta ảo tưởng… thế mà cho đến nay vẫn chưa thọ nhận một cách đầy đủ khi thực hành.
Còn nhớ khi mới bước vào ngưỡng của đại học, Giáo Sư Tiến Sĩ Dược Khoa Trần Ngọc Tiếng đã cảnh báo tôi nhiều lần trong năm đầu tiên khi tôi vừa chập chững tập sự với Ngài mà cho đến bây giờ khi nhớ lại tôi vẫn khâm phục và tự hỏi không biết lúc đó Ngài có biết gì về Phật Pháp chăng …nhưng có lẽ Ngài đã là một nhà hiền triết.
” Thầy biết con luôn muốn được an toàn và khẳng định vị trí tốt nhất của mình nên luôn luôn tìm cách thiết lập mối quan hệ với mọi người chung quanh, nhưng con có một bản ngã cao lắm… khi gặp một đối nghịch hoặc hụt hẵng vì một bất cứ thứ gì làm đau lòng con… con sẽ dễ dàng rơi vào cô lập trong tuyệt vọng rồi cứ lo âu để rồi buông tay không tiếp tục công việc nữa. Đừng sống trong ảo tưởng con nhé. Hãy nhận ra sự Sống của vạn vật và sự Hiểu Biết của con… hãy trở về hiện trạng thực tế con nhé… Đôi khi Thầy sẽ kiểm duyệt con thật kỹ để ngăn chận sự bành trướng cái Ta của con đó… đừng muốn nhiều người lưu ý đến con… hãy trở về chính mình… đừng cần sự quan tâm của Thầy nhiều quá “.
Thời gian cứ trôi qua gần 50 năm… thế mà hôm nay tôi vẫn còn vấp ngã… chưa trưởng thành mỗi khi phải đầu hàng con tim của mình để rồi lo âu, sợ hãi buồn chán mỗi khi gặp lời chỉ trích, lời phê bình và muốn buông…
Từ khi học lại 10 Ba La Mật của Phật Giáo Nguyên Thủy và hiểu rõ hơn về chữ Buông tôi mới nhớ lại lời dạy của Sư Phụ Viên Minh trong một câu hỏi từ năm 2016 của một Phật Tử hỏi đạo, Sư Phụ đã dạy rằng ” Sự Sống trong Ta và xung quanh Ta đang vận hành một cách kỳ diệu mà qua đó CHỈ CẦN MỞ RỘNG TÂM HỒN thì sẽ học được biết bao nhiêu bài học quý báu trong vẻ đẹp muôn màu của nó . Đừng đắm chìm khi không được như ý mình . Khi con trở về với hiện trạng thực tế trong sinh hoạt hàng ngày cùng với sự tương giao mọi người, mọi vật và mọi mặt của cuộc sống mà con không lập trình theo tư dục của mình thì mọi ảo giác sẽ chấm dứt ngay “.
Lời kết
Kính mời các bạn cùng nhìn lại 10 Ba La Mật và cùng quán chiếu về chữ Buông theo 10 Ba La Mật đó và cùng nhau thử… buông một thứ thôi cũng đủ cho tâm mình an ổn lắm rồi bạn nhỉ hay chỉ cần thệ nguyện cho đời mình, một điều thật bé nhỏ như… có thể chỉ là sự cầu nguyện: “ Cả đời này của tôi chỉ muốn làm người tốt” cầu nguyện trong cuộc đời này, mình không làm điều xấu, không lười biếng, không đầu cơ mưu lợi, tận tâm tận lực với trách nhiệm của mình. Cho dù cả đời này làm không tốt cũng không sao, bởi vẫn còn cuộc sống mới để nỗ lực “.
Phải chăng… Cuộc đời như vậy, mới có giá trị, có ý nghĩa và tràn đầy hi vọng…
Sau đây là ” Mười hạnh Ba La Mật “
1- Bố thí Ba La Mật Nguyện cho tôi có lòng rộng lượng và từ tâm .
2- Trì giới Ba La Mật : Nguyện cho tôi trong sạch, có Đức hạnh và giữ giới luật .
3- Xuất gia Ba La Mật: Nguyện cho tôi không ích kỷ, vị kỷ, mà vị tha, biết hy sinh.
4- Trí Tuệ Ba La Mật : Nguyện cho tôi có trí tuệ, biết chia sẻ hiểu biết mình với kẻ khác.
5- Tinh tấn Ba La Mật: Nguyện cho tội tích cực, cố gắng, có nghị lực và kiên trì .
6- Nhẫn Nại Ba La Mật: Nguyện cho tôi nhẫn nại, chịu dựng và tha thứ những sai trái của người khác.
7- Chân Thật Ba La Mật: Nguyện cho tôi chân thật và lương thiện .
8–Quyết tâm Ba La Mật: Nguyện cho tôi cương quyết và vững chắc .
9- Tâm Từ Ba La Mật: Nguyện cho tôi tử tế, biết thương người và thân ái với mọi người.
10- Tâm Xả Ba La Mật : Nguyện cho tôi khiêm tốn, yên lặng, điềm tĩnh và thanh thản.
NGUYỆN CHO TÔI PHỤC VỤ ĐỂ HOÀN HẢO
NGUYỆN CHO TÔI HOÀN HẢO ĐỂ PHỤC VỤ
Và… Buông chính là 10 hạnh Ba La Mật
Bố thí để buông cái ta ích kỷ
Trì giới để buông cái ta luôn có thân, lời, ý ác ( dù chưa thực hiện )
Ly dục để buông cái ta ham muốn trần cảnh
Trí Tuệ để buông cái Ta tà kiến
Tinh tấn để buông cái Ta phóng dật
Nhẫn nại để buông cát Ta đối kháng
Chân thật để buông cái Ta ảo tưởng
Quyết định để buông cái Ta thụ động
Tâm Từ để buông cái Ta bất mãn
Tâm Xả để buông cái Ta chấp thủ
Chợt nhớ lại cổ nhân đã dạy ” Gặp được hiền triết một đêm tri âm tri kỷ còn hơn 10 năm đọc sách “… trộm nghĩ nếu không đọc sách để có những kinh nghiệm của cổ nhân để lại, biết cái nào phải chấp nhận, cái nào để bác bỏ thì làm sao mà đàm đạo được… làm sao có thể trình bày những gì qua nhịp đập của con tim và trong sự quán chiếu bình đẳng và tự do của một thực tại hiện hữu…
Và Tuệ tức là hoa trái mà mình đã gặt hái khi tu tập, đó là những hạt giống Chánh kiến có sẵn trong mình nếu được tưới tẩm nâng niu từng ngày thì nó sẽ nẩy mầm. Từ đấy dù không có bạn đồng hành nhưng ta sẽ thông minh hơn, sáng suốt hơn và sẽ giải quyết được dễ dàng những vấn đề trong đời sống hằng ngày …nhất là trong thời đại công nghệ này …
Một khi có trí tuệ mới có thể đoạn tận mọi tham ái và khi đó tê giác này sau khi tự mình tôi luyện để trở thành một chiếc thuyền bát nhã vượt qua biển Sinh Lão Bịnh Tử,
một ngọn đèn sáng hất đối với hắc ám vô minh, một thần dược cho mọi kẻ bịnh tật và là một búa sắt chặt hết gốc rễ cho tới ngọn ngành cành lá của cây phiền não đúng như…
Tham với Sân và Si dứt tuyệt
Kiết sử tan vĩnh biệt Vô minh
Ðiềm nhiên chẳng sợ Tử sinh
Thà như tê giác một mình ra đi…
Kính trân trọng
Huệ Hương