Chỉ Chơn Tâm

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh
Chư Tôn Bộ 5 – Quyển 48 – Số 1958
LIÊN TÔNG YẾU ĐIỂN – Tập V – CHỈ CHƠN TÂM
Soạn dịch: Sa môn Thích Hồng Nhơn

Lời đầu sách

Diện mục bản lai xưa nay vốn viên tịch, vốn không có sanh diệt, vì có niệm sanh nên duyên theo đó mà sanh, theo vòng luân chuyển đưa chơn không vào chỗ có, từ niệm chuyển mà có ý thức, ý thức dùng sáu căn làm quyến thuộc để phân biệt, từ phân biệt biến thành chủng tử chuyển vào tâm. Vì thế, tâm bị phủ một số niệm lự bên ngoài như bụi bám ngọc, như mây lờ trăng làm cho tánh sáng muôn đời bị che phủ. Chơn và vọng ở chung, do đó có phân chia hiền thánh. Tất cả chúng sanh, từ vô thỉ đến nay, chưa hề lìa tâm sanh diệt, do đó bị vọng tâm trói buộc. Vì thế chư Phật ra đời đều muốn mở bày chỉ cho tất cả chúng sanh hiểu được chơn tâm. Hiểu được tâm này là thấy được tánh mình vốn vắng lặng trong sáng, hằng sống với nó là bồ đề, vì tánh ấy chính nó đã không tịch, lặng lẽ, không có tướng mạo, sáng suốt, thường biết rõ.

Nhằm mục đích trên, chúng tôi lần dỡ trong Đại Tạng, tìm những tác phẩm chỉ tâm truyền tâm có giá trị, kết hợp và phiên dịch thành một tập lấy tên là “Chỉ Thẳng Chơn Tâm”. Toàn tập gồm có sáu tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên là Chỉ Thẳng Chơn Tâm do Thiền sư Tri Nột, người Triều Tiên, đã được kết tập vào Đại Tạng. Tác phẩm thứ hai do Thiền sư Hy Vận viết ở Hồng Châu, có tên là “Truyền Tâm Pháp Yếu” và tác phẩm kế tiếp có tên là “Uyển Lăng Lục” do Thiền sư Hy Vận giảng và Tướng quốc Bùi Hưu ghi. Hai tác phẩm này chỉ cặn kẻ chơn tâm như mặt nhật giữa trưa, làm mọi người đều được thấy. Đã thấy được chơn tâm rồi, hành giả cần phải tiệm tu. Thiền tông, từ khi ngũ gia tôn phái hình thành, thường dùng công án để khai ngộ. Chúng tôi chọn tác phẩm Vô Môn Quan, vì tác phẩm này giải tường tận 48 công án then chốt, hầu giúp hành giả có thể trực nhập chơn tâm. Nhưng từ thời nhà Tống trở về sau, chư Thiền sư thấy lòng người chẳng bằng người xưa, không thể dùng tử tâm làm cực tắc, phần nhiều dùng lời dối trá không thật, lấy lời dạy của cổ đức để lòe người, cho là mình hay giỏi. Các ngài dạy cho thiền sinh tham thiền khán thoại đầu, mà gần đây có Hư Vân lão Hòa Thượng là người tham thiền đắc đạo, là bậc nanh vuốt trong tông môn, nên chúng tôi chọn tác phẩm thứ năm là Tham Thiền yếu chỉ để hành giả nào muốn tham thiền có tài liệu y cứ. Tác phẩm cuối là Tu Pháp Hoa Tam Muội do Thiên Thai Trí Giả Đại sư biên soạn, sau khi tu chưa quá 21 ngày, ngài đã chứng được Pháp Hoa Tam Muội, vô ngại biện tài. Đây là tác phẩm đã được tu chứng và nhiều hành giả đã nghiệm đúng, chúng tôi cho in vào đây, mục đích giúp cho người đọc có đủ hạnh giải tương ưng, đồng chứng vô sanh, đồng thành Phật đạo.

Hồng Nhơn cẩn bút.

Chỉ Chơn Tâm

Lời tựa

Chỉ thẳng chơn tâm là Phật với Phật trao tay, Tổ với Tổ truyền thọ, thật không có pháp nào khác. Tâm là bản nguyên của tất cả mọi người, là giác tánh của chư Phật. Tất cả muôn pháp đều ở trong nhất tâm, tám muôn bốn ngàn pháp môn cũng từ đó mà lưu xuất. Người ngộ tâm này thì phàm và thánh hợp nhau, người mê tâm này thì sanh tử không có bờ mé. Tâm theo sự mà chuyển, sự theo lý hiển bày, sự và lý dung hòa gọi là chỉ thẳng.

Có người hỏi: Chỗ diệu đạo của Tổ sư có thể biết được chăng? Người xưa nói: Đạo không thuộc biết, không thuộc không biết, biết thuộc vọng tưởng, không biết thuộc vô ký. Nếu người thật đạt đến chỗ không nghi, thì như thái hư rỗng rang, đâu có thể gắng lập phải quấy để làm gì? Lại hỏi: Nói như thế thì chư Tổ ra đời không đem lợi ích gì cho quần sanh ư? Phật và Tổ ra đời không có một pháp cho người, chỉ cần chúng sanh tự mình thấy bản tánh của chính mình. Kinh Hoa Nghiêm nói: Tất cả pháp đều là tự tánh của Tâm, thành tựu huệ thân không phải nhờ người khác mà được ngộ. Vì thế, Phật Tổ không bảo mọi người mê chấp văn tự, chỉ cần thôi dứt để thấy được tâm mình. Sở dĩ, ngài Đức Sơn những người mới nhập môn liền bị đánh, Lâm Tế nhập môn liền bị hét; ngôn ngữ như đầu lại thêm đầu, cần kiến lập làm gì! Lại hỏi: Ngày xưa Tổ Mã Minh tạo Luận Khởi Tín, Lục Tổ diễn Đàn kinh, Huỳnh Mai truyền Bát Nhã, đều là theo thứ lớp vì độ người, đâu phải không dùng phương tiện để độ ư? Trên đỉnh Diệu Cao, không có gì thương lượng, ở gộp thứ hai chư Tổ tạm dùng lời nói. Như vậy, ở gộp thứ hai có bày ra phương tiện phải không? Đúng vậy. Bởi vì đạo cả rộng sâu, chẳng co, chẳng không, chơn tâm nhiệm mầu dứt nghĩ, dứt bàn, nên người khó được vào cửa, dù có đọc năm ngàn Tạng giáo cũng ít có người hiểu rõ chơn tâm. Chỉ cần dùng một lời so sánh khéo léo, cũng giúp người có cơ duyên hiểu được. Chính vì thế, ở đây chúng tôi không tiếc “lòng mài”, cẩn thận chép vài chương, để làm nền tảng tạm cho người nhập đạo, muốn phát minh được chơn tâm.

Tri Nột kỉnh tựa.

Download pdf file Chỉ Chơn Tâm

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.