An vui
Sống và tìm cầu hạnh phúc là khát vọng chính đáng của con người. Được sống an vui hay an lạc, là một trải nghiệm của hoa trái hạnh phúc. Hạnh phúc có nhiều cấp độ và tầng bậc khác nhau. Với người cư sĩ tại gia, theo kinh Tăng Chi, có bốn thứ hạnh phúc căn bản(22), đó là: hạnh phúc do có được một chút ít của cải vật chất; hạnh phúc khi đúng pháp thọ dụng những tài sản mà mình đang sở hữu; hạnh phúc vì không mắc nợ bất kỳ ai; và hạnh phúc vì không có lỗi lầm, phạm tội. Có thể thấy, nỗ lực tạo ra tài sản, tiền bạc và sử dụng chúng thông minh, đúng pháp là điều được Phật cho phép, khuyến khích. Hơn đâu hết, Đức Phật thấy rất rõ rằng, một đời sống quá chật vật, bức bối về điều kiện vật chất là cội nguồn dẫn đến nhiều cấp độ bất an, khổ đau.
Ở đây, trong bốn thứ hạnh phúc vừa nêu, thì có ba thứ hạnh phúc liên quan đến những điều kiện vật chất và một hạnh phúc liên quan đến những giá trị tinh thần. Một đời sống hạnh phúc, an lành đúng nghĩa là sự hội tụ của những điều kiện vật chất tối ưu cùng những thụ cảm tinh tế về tinh thần. Vì lẽ, dù có một bữa ăn ngon, nhưng mang một tâm lý bực bội khi thọ dụng, thì bữa ăn ấy cũng trở thành vô nghĩa. Cùng soi sáng nội dung này là câu chuyện về sự an lạc giữa Đức Thế Tôn và Hoàng tử Hatthaka, người Alavì(23). An lạc là an lạc với những gì hiện có và phát xuất từ tâm. Dù sống trong cung điện, điều kiện vật dục đủ đầy, nhưng trong tâm đầy nhiệt não thì không thể nào chạm vào được an lạc, hạnh phúc. Đó là sự khẳng định được rút ra từ đoạn hội thoại này. Ở đây, Đức Phật cũng thường lặp lại, sự an lạc về những điều kiện sở hữu vật chất chỉ bằng một phần mười sáu(24) những an lạc, hạnh phúc về tinh thần. Đó là sự khẳng định riêng có của Phật giáo, khi đề cập đến sự an lạc, an vui của người cư sĩ nói chung.
Từ cơ sở cho rằng, hạnh phúc trên phương diện tinh thần luôn cao hơn những giá trị hạnh phúc do vật chất đem lại, Đức Phật đã mở ra một con đường dẫn đến hạnh phúc an vui, không lệ thuộc quá nhiều vào điều kiện vật chất. Đó chính là niềm hạnh phúc, an vui do biết sống trong hiện tại. Có thể, điều kiện vật chất của mỗi người có khác biệt nhau, nhưng một khi biết sống với những gì hiện có, nói cách khác là biết an trú trong hiện tại, thì cảm thụ hạnh phúc của mỗi người hoàn toàn khác biệt nhau. Theo Kinh Nhất Dạ Hiền Giả, một khi biết sống quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng(25) thì hạnh phúc, an vui sẽ tìm về ngay bây giờ và tại đây. Kinh Tương Ưng cũng đồng thời xác tín: Không than việc đã qua/Không mong việc sắp tới/Sống ngay với hiện tại/Do vậy, sắc thù diệu/Do mong việc sắp tới/Do than việc đã qua/Nên kẻ ngu héo mòn/Như lau xanh rời cành.(26)
Cũng đề cập đến vai trò của hạnh phúc tinh thần, theo khảo sát của Tổ chức News Economics Foundation (NEF), thì chỉ số hành tinh hạnh phúc, viết tắt là HPI(27), căn cứ một phần vào cảm thụ về đời sống tinh thần, sự thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống hiện tại… để thiết lập chỉ số hạnh phúc của một quốc gia. Tương tự như vậy, tuy khác biệt về lãnh vực đề cập, nhưng khái niệm tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) mà quốc gia Bhutan khởi xướng, cũng đặt nặng mối liên hệ liên quan đến thụ cảm, hạnh phúc tinh thần.
Có thể thấy, tiến trình xây dựng một đời sống an vui được đề cập rõ ràng trong nhiều kinh điển. Trong một liên hệ gần gũi với thực tiễn, làm sao để có được an vui ngay bây giờ và tại đây, thì sự chia sẻ thực tập của Yvonne Rand, một thiền giả, bạn của Thiền sư Tenzin Palmo(28) là một trải nghiệm mang tính tham khảo. Đó chính là việc duy trì một nụ cười hàm tiếu trên môi. Pháp hành này tuy rất mực giản đơn nhưng có khả năng đem lại hiệu quả lớn. Vì chỉ cần duy trì nụ cười hàm tiếu trong ba hơi thở và thực tập nhiều lần trong ngày, có thể thực hành bất cứ ở đâu, bất cứ hoàn cảnh nào… thì sẽ tạo nên một nguồn năng lượng an vui cho mình và cho người.
Sức mạnh
Mọi sự vật hiện tượng, kể cả tiến trình tu tập đều cần năng lượng để chuyển biến, vận hành. Sức mạnh được hiểu ở đây chính là cơ sở nền tảng, là năng lượng chi phối mọi lãnh vực của đời sống. Kinh Tăng Chi liệt kê tám sức mạnh, trong đó có ba sức mạnh mang tích tích cực, đó là sức mạnh của bậc Hiền trí là cảm hóa; sức mạnh của vị nghe nhiều là thẩm sát; sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nhục(29).
Cuộc sống thì đa dạng, phức tạp và luôn luôn chuyển biến, vận hành. Ở mỗi hoàn cảnh sống, con người thường vận dụng những sức mạnh khác nhau. Có thể đó là sức mạnh quyền lực, có thể đó là sức mạnh đồng tiền, có thể đó là sức mạnh sắc đẹp… Tuy nhiên, những sức mạnh vừa nêu đều có những bất cập của chúng. Vì với tuệ giác của Đức Phật, những sức mạnh mà thế gian tôn sùng, thực chất là biểu hiện của tham dục. Và đã là tham dục, thì luôn gắn kết với bất hạnh, khổ đau. Ở đây, ba sức mạnh được nêu trong kinh Tăng Chi như cảm hóa, thẩm sát và nhẫn nhục thực sự là những nguồn năng lượng bất tận, có thể hướng đời sống con người vươn lên những phẩm vị tối thắng.
Trước hết, cảm hóa ở nghĩa giản đơn, tức chuyển hóa tha nhân bằng phương thức tình cảm. Ở nghĩa rộng nhất, đó là sự chuyển hóa người bằng những phương cách tích cực và không gây tổn thương. Trong liên hệ đa dạng của đời sống, đôi khi con người phải chấp nhận sống chung với những đối tượng phức tạp, phải đối diện với nhiều vấn đề nan giải, dễ dàng nảy sinh những bất đồng, những bạo động mất kiểm soát. Ở đây, dù trong bối cảnh nào, phương thức chuyển hóa người bằng liệu pháp tích cực luôn được đánh giá cao. Xu thế chuyển đối đầu sang đối thoại mà nhân loại ngày nay đang nỗ lực hướng về, là một minh chứng nhỏ cho cho tinh thần đó. Muốn có được sức mạnh cảm hóa, cần nhất là phải có tâm, có tầm và luôn hiện hữu Bồ đề tâm.
Sức mạnh kế tiếp là sự thẩm sát. Thẩm sát là suy xét thấu đáo mọi vấn đề, là sự định tĩnh trong nhận thức để hiểu rõ đối tượng. Năng lượng thẩm sát trang bị cho mỗi cá nhân một khả năng hiểu rõ đối tượng với tất cả mọi giác độ. Từ sự hiểu rõ, hiểu đúng, ta sẽ hành xử phù hợp trước mọi vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Sức mạnh thứ ba là sự nhẫn nhục. Nhẫn nhục là một quán hạnh đặc thù trên lộ trình tu tập theo quan điểm Phật giáo. Dù bị hủy nhục, bức hại hoặc gặp những khổ đau do hoàn cảnh bên ngoài đưa đến, nhưng tâm vẫn an tịnh, không khởi lên tức giận, bất mãn, gọi là nhẫn nhục. Khi thực hành hạnh nhẫn nhục đến độ thuần thục, hành giả không những vững chãi trước tám ngọn gió đời như được, mất, khen, chê, dèm pha, tâng bốc… mà còn giữ tâm bình thản trước những bức bách não hại của tha nhân. Trong thực tiễn đời thường, hạnh nhẫn nhục tạo nên nguồn năng lượng vượt thoát khỏi mọi vướng vấp, hệ lụy vốn là thuộc tính cố hữu của đời sống nhân gian.
Như vậy, sự kham nhẫn, khả năng suy xét thấu đáo và sự chuyển hóa tha nhân bằng tình thương là ba sức mạnh mà con người có thể tự trang bị cho mình trong đời sống này. Hiệu quả của ba sức mạnh này sẽ được kiểm chứng ngay từ trải nghiệm đầu tiên của quá trình thực hiện. Có sức mạnh thì sẽ thực hiện được nhiều việc trong đời. Một khi sở hữu những sức mạnh tích cực và hữu ích thì hành trình tìm kiếm hạnh phúc sẽ được rút ngắn lại, và con người sẽ từng bước nhận ra ý nghĩa sống đích thực của chính mình.
Cùng đề cập đến sức mạnh, kinh Tăng Chi còn liệt kê thêm năm sức mạnh của bậc Hữu học, đó là tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực(30). Trên một phương diện khác, kinh điển còn ghi lại năm sức mạnh như: 1. Niềm tin; 2. Sự siêng năng; 3. Nhớ nghĩ chân chánh; 4. Sự chú ý, tập trung; 5. Tuệ giác. Năm sức mạnh này là quyền lực tâm linh đích thực(31), nếu được kiện toàn và vận dụng trong thực tiễn đời thường thì sẽ kiến lập một Tịnh độ nhân gian; trên phương diện thâm sâu, sự thể hiện thuần thục năm sức mạnh này còn có khả năng khai mở kho tàng tuệ giác vô tận của mọi người.
Kết luận
Chúc phúc là ứng xử văn hóa nhằm sẻ chia và gửi gắm những ước mơ hay khát vọng sống thanh cao, thánh thiện. Từ ước mơ trở về hiện thực là cả một cung đường dài, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể và hoàn cảnh sống của từng người. Lựa chọn những khát vọng vừa tầm với cũng là tâm thế khích lệ để mọi người có thể hướng về. Trong nghĩa hiện thực như đã được trình bày, lời chúc phúc sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh không chỉ được chư Tăng vận dụng sau khi thọ nhận phẩm vật cúng dường của thí chủ, mà bất kỳ ai cũng có thể dùng để chúc nhau trong những dịp Tết đến, Xuân về. Hơn nữa, từ những dẫn giải trong kinh tạng đã nêu, lời chúc trên cũng đã thể hiện rõ đường hướng tu tập dành cho người Phật tử mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày để lời chúc – ước mong trở thành hiện thực. n
Chúc Phú
http://www.thuvienhoasen.org
____________________________
(1) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống; xem thêm, Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, Kinh Suppavàsà.
(2) Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Brahmayu.
(3) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Thập Thượng.
(4) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Đại Thiện Kiến Vương.
(5) Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Pháp Trang Nghiêm.
(6) Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, Kinh Tuổi Thọ.
(7) Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Brahmayu.
(8) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt.
(9) Kinh Tương Ưng, tập 1, phẩm thứ hai, Kinh Không Phóng Dật.
(10) Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt.
(11) Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, bản dịch của Tỷ kheo Trí Quang, NXB. TP, HCM, 2011, tr.78.
(12) Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Sumanà, Kinh Sumanà, Con Gái Vua.
(13) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Tệ Túc.
(14) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Tướng.
(15) Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Brahmayu.
(16) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Đại Thiện Kiến Vương.
(17) Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Tiều Nghiệp Phân Biệt.
(18) Kinh đã dẫn.
(19) Kinh Tăng Chi, chương 11 pháp, phẩm Tùy niệm, Kinh Từ.
(20) Kinh Tiểu Bộ, tập 1, kinh Tập, chương Một, phẩm Rắn, Kinh Từ Bi.
(21) Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Tướng.
(22) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, Kinh Không Nợ.
(23) Kinh Tăng Chi, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của nhà trời, Kinh Về Alavi.
(24) Kinh đã dẫn
(25) Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.
(26) Kinh Tương Ưng, tập 1, Tương ưng chư thiên, chương một, phẩm Cây Lau.
(27) Theo Wikipedia, Chỉ số hành tinh hạnh phúc.
(28) Theo Vicky Mackenzie, Ẩn Tu Nơi Núi Tuyết, Pháp Minh Trịnh Đức Vinh dịch, NXB. Phương Đông, 2010, tr.390.
(29) Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, Kinh Sức Mạnh.
(30) Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Sức mạnh hữu học, Kinh Rộng Rãi.
(31) Xem thêm, Thích Nhất Hạnh, Quyền Lực Đích Thực, Chân Đạt dịch, NXB. Tri Thức, Hà Nội, 2008.