Bành Tế Thanh thuật – Việt dịch: Định Huệ
Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội thuộc tập X58 (Tục tạng kinh), kinh số 1030, tổng cộng 1 quyển, – Thanh ‧Bành Tế Thanh Thuật, bản Việt dịch của Định Huệ
Tựa
Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: “Tất cả chúng sinh chẳng được gọi là giác, vì từ xưa đến nay, niệm niệm tiếp nối nhau chưa từng lìa niệm”. Niệm là bất giác. Phật là giác. Niệm Phật là dùng giác để thu phục bất giác, vào trong biển Chánh giác.
Hoa Nghiêm đủ tất cả Tam-muội của các đức Phật, nhưng trong đó niệm Phật là vua của tất cả Tam-muội.
“Đại” không có pháp nào hơn pháp này
“Phương” không có pháp nào hơn pháp này.
“Quảng” không có pháp nào hơn pháp này.
Cư sĩ Tri Qui tu niệm Phật mười mấy năm, lại còn đi sâu vào biển nghĩa Hoa Nghiêm. Vừa rồi, ông qua Trấn Giang, có đưa cho tôi xem bộ Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam-muội do ông trứ tác. Số chữ trong các trứ tác của các ngài Thanh Lương, Táo Bá nhiều như số cát sông Hằng, được ông diễn lại trong năm sáu nghìn lời, mới biết Sớ Sao, Hiệp Luận chẳng phải nhiều, luận này chẳng phải ít. Vả lại, lúc ngài Táo Bá tạo luận, toàn phẩm Hạnh Nguyện chưa được truyền đến Trung Quốc, nên đối với vấn đề Tịnh độ ở phương khác, Ngài có ý kiến khác biệt. Khi phẩm ấy đầy đủ, được lưu hành thì phải đợi đến bộ Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam-muội này, mới phát huy được đầy đủ ý nghĩa. Chắc nhờ thần lực của đức Phật A-di-đà gia bị, nên Cư sĩ mới tùy nghi thuyết pháp, hướng dẫn mọi người.
Thiết nghĩ: Người tu Tịnh độ, niệm Phật chuyển hóa máu nhơ phiền não thành sữa pháp trong sạch. Do niệm Phật mà đắc Tam-muội, đó là niệm quy về vô niệm, chuyển hóa sữa sống thành thục lạc. Trụ trong Tam-muội, tinh tấn niệm Phật, đó là vô niệm mà niệm, biến thục lạc thành sinh tô. Do Niệm Phật Tam-muội trải qua khắp tất cả Tam-muội, rồi sau đó đầy đủ Niệm Phật Tam-muội, biến sinh tô thành thục tô. Vì Niệm Phật Tam-muội bao gồm hết vô lượng vô biên bất khả thuyết Tam-muội, vì vô lượng vô biên bất khả thuyết Tam-muội gom vào Niệm Phật Tam-muội, tức Phật tức niệm, phi niệm phi Phật, thần thông vi diệu chẳng thể nghĩ bàn, là chuyển thục tô thành đề hồ.
Nếu chẳng chuyển sữa thành lạc được thì tuy niệm Phật mà chẳng thể đắc môn Tam-muội. Nếu chẳng biến lạc thành tô được thì chẳng thể dùng Niệm Phật Tam-muội thu gom hết tất cả bất khả thuyết môn Tam-muội. Nếu chẳng chuyển tô lạc thành đề hồ được thì chẳng thể dùng một môn niệm Phật vượt thẳng lên hàng Thập địa, Đẳng giác, đắc trí Đại viên cảnh, tọa chứng vô thượng Bồ-đề.
Niệm Phật không có sai biệt, nhưng Tam-muội có cạn có sâu. Sự cạn sâu của Tam-muội là do sự sai biệt của người niệm Phật.
Văn Trị tôi, từ tuổi đôi mươi đã thích tu Thiền, song từ tuổi bốn mươi về sau mới kiêm tu niệm Phật. Những năm gần đây, tôi lấy niệm Phật làm Thiền, Thiền Tịnh song tu cho đến lúc tuổi già. Tôi đâu dám đem sự hiểu biết của mình ra chất vấn Cư sĩ, mà chỉ ước mong được Ngài chỉ giáo.
Tháng 03, mùa Xuân năm Giáp Thìn (1784)
Vô Dư học nhân Vương Văn Trị soạn
Luận Hoa Nghiêm niệm Phật Tam – muội
Đệ tử Bồ-tát giới Bành Tế Thanh thuật
Pháp môn niệm Phật đều được các kinh ngợi khen, nhưng nói chung, đại khái có hai đường lối: Phổ niệm và Chuyên niệm.
Như kinh Quán Phật Tướng Hải, kinh Phật Bất Tư Nghị Cảnh Giới… chỉ nói đến Phổ niệm. Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, kinh A-súc Phật, kinh Vô Lượng Thọ… đặc biệt nói về Chuyên niệm. Nay, kinh Hoa Nghiêm này chủ trương nhất đa tương nhập, chủ bạn giao dung, tức tự tức tha, cũng Chuyên cũng Phổ. Nay xin trình bày sơ lược năm môn xuyên suốt toàn bộ kinh này:
01. Môn niệm pháp thân Phật để chỉ thẳng vào tự tánh của chúng sinh.
02. Môn niệm công đức Phật sinh ra báo thân và hóa thân của các đức Phật.
03. Môn niệm danh tự Phật để thành tựu phương tiện thanh tịnh hay nhất.
04. Môn niệm Phật Tỳ-lô-giá-na để chóng nhập pháp giới Hoa Nghiêm.
05. Môn niệm Phật A-di-đà Phật ở thế giới Cực Lạc để viên mãn đại nguyện Phổ Hiền.
Cuối cùng, dùng cách hỏi đáp để giải quyết các điều nghi, hễ ai được thấy nghe đều quay về đạo Nhất thừa.