Sự Căng Thẳng Và Bệnh Tật
Số người bị bệnh trong cộng đồng tỵ nạn thường rất nhiều. Họ đã phải bỏ lại nhiều người thân ở quê nhà, phải thích nghi với lối sống mới cùng hoàn cảnh họ chưa quen thuộc. Những điều ấy tạo ra sự căng thẳng nơi họ.
Các nhà tâm lý học đã khảo sát sự căng thẳng này thấy rằng sự căng thẳng nơi con người không phải là một loại cảm xúc như vui hay buồn mà là một phản ứng của thân thể khi ta bó buộc phải làm một điều gì đó. Một em bé dự kỳ thi cuối năm, một người thương gia điền thuế lợi tức để gởi đi trước ngày 15 tháng tư, một binh sĩ chuẩn bị cho một cuộc tấn công, v.v…
Theo bác sĩ Hans Selve cơ thể phản ứng theo một nguyên tắc gọi là Hội Chứng Thích Nghi Tổng Quát (General Adaptation Syndrom) gồm ba giai đoạn như sau:
1. Phản ứng báo động (Alarm reaction): Cơ thể tạo ra sự báo động khi chúng ta phải đối phó với một vấn đề gì quan trọng. Các chất kích thích tố gia tăng trong máu (như chất adrenal cortial hormone) kèm theo với phản ứng nhức đầu, ăn mất ngon và mệt mỏi. Cha mẹ thường thấy trạng thái này nơi con cái khi các em sắp sửa có kỳ thi quan trọng.
2. Giai đoạn đối kháng (stage of resistance): Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài thì cơ thể sẽ phản ứng chống lại, chấm dứt các triệu chứng gây ra bởi giai đoạn một nói trên. Cơ thể trở lại trạng thái bình thường và sức khoẻ có thể gia tăng. Nếu nguyên nhân làm căng thẳng không còn nữa như kỳ thi qua đi, địch quân bao vây căn cứ rút lui hay những sự đe dọa khác chấm dứt. Nếu những nguyên nhân có tính cách đe dọa vẫn kéo dài thì phản ứng đối kháng nơi chúng ta yếu dần và cơ thể chúng ta bị kiệt sức.
3. Giai đoạn kiệt sức (stage of exhaustion): Đây là lúc mà cơ thể bị mòn mỏi, nhiều triệu chứng của giai đoạn một, giai đoạn báo động, lại xuất hiện. Nếu tình trạng này kéo dài thì chúng ta sẽ bị bệnh tật và có thể đưa đến cái chết.
Nguyên Nhân Và Mức Độ Căng Thẳng
Các nhà tâm lý học đã tìm thấy nguyên nhân sự căng thẳng đó phát xuất từ sự thay đổi, sự không tiên liệu, không kiểm soát được các biến cố xảy ra trong đời sống cùng những sự xung đột nội tâm của chúng ta. Điều ấy đạo Phật gọi là tính cách vô thường, sự chuyển biến hay đổi thay của vạn pháp, của mọi hiện tượng từ thể chất đến tinh thần. Những biến cố bất ngờ như có thân nhân qua đời, mất việc làm, thay đổi chỗ ở hay mượn tiền đều tạo ra sự căng thẳng. Sự căng thẳng ấy có thể quan sát và đo lường được theo những biến cố khác nhau.
Hai chuyên gia về tâm thần Holmes và Rahe đã thiết lập một bảng kê khai mức độ các loại căng thẳng nơi con người khi có những biến cố xảy ra như sau:
Các Biến Cố Xảy Ra và Trị Số Mức Độ Căng Thẳng Trong Đời Sống (với điểm cao nhất là 100 điểm)
Vợ hay chồng qua đời 100
Ly dị 73
Ly thân 65
Bị tù 63
Có thân nhân qua đời 53
Bị thương hay bệnh 50
Bị mất việc làm 47
Vợ chồng tái hòa hợp 45
Về hưu 45
Sự sa sút sức khỏe của người thân trong nhà 44
Có sự khó khăn về sinh lý 39
Có thêm người trong gia đình 39
Điều chỉnh lại cơ sở thương mại 39
Có sự thay đổi về tình trạng tài chánh 38
Một người bạn thân qua đời 37
Đổi ngành làm việc (trong cùng một sở) 36
Thay đổi số lượng tranh luận giữa vợ chồng 35
Tiền nợ nhà trên 10,000 một năm 31
Ký giấy vay nợ 30
Thay đổi trách nhiệm ở sở làm 29
Con cái rời gia đình 29
Đạt được sự thành công ưu hạng 28
Vợ bắt đầu đi làm hay nghỉ việc 26
Học sinh bắt đầu đi học hay đến kỳ hè 26
Thay đổi cách sống 25
Duyệt xét lại những thói quen 24
Khó khăn với người chủ 23
Thay đổi giờ hay điều kiện làm việc 20
Thay đổi chỗ ở 20
Thay đổi sinh hoạt ở trường học 20
Thay đổi cách giải trí 19
Thay đổi sinh hoạt tôn giáo 19
Thay đổi sinh hoạt xã hội 18
Vay nợ dưới 10,000 17
Thay đổi thói quen ngủ nghỉ 16
Thay đổi số lượng gặp gỡ trong gia đình 15
Thay đổi cách ăn uống 15
Nghỉ hè 13
Nghỉ giáng sinh 12
Bị phạt vi phạm luật vi cảnh (như lái xe vượt đèn đỏ) 11
Tóm lại, bất cứ một biến cố gì, một sự thay đổi nào buồn hay vui đều tạo ra một sự căng thẳng nhiều hay ít. Hai chuyên viên tâm lý Holmes và Rahe nhận thấy nếu tổng số điểm căng thẳng nơi một người cao hơn 300 điểm trong một năm thì người đó sẽ bị bệnh vì cơ thể không chịu nổi áp lực quá nhiều đó.
Nếu nhìn vào bảng kê khai nói trên, chúng ta thấy phản ứng của người tị nạn ở Hoa Kỳ có thể khác biệt như thân nhân qua đời, bị mất sở làm, ly dị, người thân bị ốm thì mức độ căng thẳng có thể cao hơn người Hoa Kỳ. Trái lại các vấn đề như có thêm người trong gia đình, có thai, v.v… mức độ căng thẳng có thể ít hơn. Đạo Phật đề cao trí tuệ, sự hiểu biết chân thật, do đó chúng ta tìm hiểu thêm về những lời Phật dạy cùng những gì đang xảy ra quanh ta để thấy rõ sự mầu nhiệm của đạo Phật trong việc chỉ dẫn cho chúng ta thực hành đời sống an vui và hạnh phúc thật sự.
Thích Phụng Sơn
http://thuvienhoasen.org
Pages: 1 2