Hạnh Phúc Kỳ Diệu – Chương III

Những Khả Năng Kỳ Diệu Của Con Người

Chúng ta hãy quan sát những gì tích cực đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Nhiều người Mỹ trong phong trào khám phá khả năng kỳ diệu của con người cho rằng sự sợ hãi chỉ là hậu quả của cái nhìn sai lầm về thực tại. Do đó, họ nhấn mạnh sự sợ hãi FEAR là những chứng cứ, những hiện tượng được nhận biết một cách sai lầm (False Evidence Appears Real.) Như trước đây chúng ta sợ phỏng tay khi chạm vào lửa cho nên hễ thấy lửa là sợ, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể bước qua lửa được. Đến khi đọc kinh Pháp Hoa nơi phẩm Phổ Môn nói rõ nếu chúng ta nhất tâm niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát thì rớt xuống lửa không phỏng chúng ta không dám tin là có thật.

Thân thể chúng ta có sự thông minh cùng nhiều khả năng kỳ diệu mà chúng ta chưa biết. Bác sĩ Herbert Benson thuộc viện đại học Harvard đã cử phái đoàn đến vùng Hy Mã Lạp Sơn để nghiên cứu khả năng kỳ diệu của các tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng thực hành pháp môn Tam Muội Hỏa. Những vị thầy này ngồi nơi vùng băng tuyết cả ngày mà không bị lạnh. Họ đã sử dụng những năng lực mà người thường không biết đến.

Một phương pháp để vượt qua những chướng ngại trong đời sống được nói đến trong kinh Phổ Môn: Niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát để được ngài ban cho mọi điều an lành. Nếu kẻ nào bị rớt xuống hầm lửa mà niệm danh hiệu ngài thì không bị phỏng.

Các vị thiền sư thường nhấn mạnh đến tính cách vô ngã nên giải thích là khi niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát đến mức độ tâm ở trong trạng thái đại định thì không còn cái ngã, cái tôi nữa. Lúc đó tuy thân có bị phỏng nhưng không có cái “tôi bị phỏng.” Hoặc các ngài nhấn mạnh đến lửa ở trong phẩm Phổ Môn là lửa tham. Khi hoàn toàn chú tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm đến thì lửa tham thôi đốt tâm ta.

Có những vị khác lại nhấn mạnh đến tính cách tròn đầy, viên dung, giữa lý và sự. Các hiện tượng tương đối và tuyệt đối cùng biểu lộ một lúc. Khi tâm ở trong trạng thái an định thì thân sẽ không bị phỏng khi bước đi trên than hồng.

Nhiều vị tăng sĩ Tây Tạng và Tích Lan thực hành bước qua than lửa mà không bị phỏng. Chúng ta biết trong phẩm Phổ Môn, thuộc kinh Pháp Hoa, đức Quán Thế Âm dạy tình thương yêu, lòng từ bi, có sức mạnh kỳ diệu và hãy luôn luôn sống trong năng lực của lòng thương yêu rộng lớn đó:

“Chân quán, thanh tịnh quán
Trí tuệ quán rộng lớn
Bi quán và từ quán
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng…

Ánh hào quang thanh tịnh
Chiếu xuyên màn u tối
Tiêu diệt lửa tai ương
Chẳng nơi nào không hiện.”

Về phương diện khoa học, nhiều bác sĩ hiện nay xác nhận tình thương yêu là một năng lực bảo vệ cơ thể và chữa trị bệnh tật. Niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm để khai mở lòng từ bi, tình thương yêu rộng lớn. Nhất tâm niệm danh hiệu Ngài tức là chúng ta ở trong trạng thái tâm an định. Khi có sự định tâm và sự khai mở lòng thương yêu trong sáng đó thì cơ thể chúng ta phát ra một năng lực kỳ diệu nên chúng ta sẽ không bị phỏng khi bước qua lửa.

Nếu chúng ta một lần bước qua lửa mà không bị phỏng thì chúng ta hiểu rõ một cách cụ thể cùng tin chắc về khả năng kỳ diệu của con người trong nhiều lãnh vực khác, nhất là khả năng sống đời an vui, giác ngộ và hạnh phúc bao la trong cuộc sống này. Đức Phật dạy chúng ta về tính cách vô thường, vô ngã, bất tịnh và khổ đau của những ai thích bám víu vào những sự hiểu biết sai lầm, cho những ý tưởng thoạt đến thoạt đi, cho những vui, buồn, thương, ghét, giận hờn, sợ hãi là cái tôi (ngã) của mình, là con người thật sự của mình mà không biết các hiện tượng ấy chuyển biến không ngừng (vô thường) do những yếu tố bên ngoài và bên trong kết hợp (duyên khởi) mà xuất hiện nên nó không phải có cá tính riêng biệt, không thay đổi như vậy (vô ngã).

Những khổ đau của thân và tâm do những sự xáo trộn làm vẩn đục trạng thái trong lành (bất tịnh) cho thân và tâm tạo ra khổ đau cho chúng ta. Nhưng vô thường, vô ngã, bất tịnh và khổ đau ấy là đặc tánh của những ý tưởng sai lầm, những tâm tư xao động và khổ đau trong tâm mê mờ. Do đó, trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy hãy thấy rõ những hiện tượng sinh diệt và vô thường ấy là những thứ thoáng hiện, thoáng mất, thực chất không có thật, chẳng khác gì cơn mộng hay ảo ảnh, bọt nước, như sương, như điện chớp.

Các sự lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, khổ đau tuy không phải là sự chân thật nhưng chúng tạo nên một áp lực nặng nề nơi chúng ta. Khi chúng ta thực hành đạo Phật trong đời sống hàng ngày và khai mở được tình thương yêu rộng lớn của đại từ, thấy được tánh cách trong sáng rỗng lặng, tỏa chiếu và tràn đầy của mọi hiện tượng thì lòng chúng ta tràn đầy một niềm an vui kỳ diệu. Vì sao? Vì tánh tự nhiên sẵn có nơi chúng ta hay chân tâm, Phật tánh vốn rộng lớn, an vui, trong lành và tinh sạch như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rõ:

“Chúng sanh vốn có sẵn Phật tánh chứ chẳng phải từ nơi khác đem đến. Ví như có người trong chiếc áo có sẵn viên ngọc như ý mà chẳng hay biết. Chẳng khác nào mình có bảo vật trong kho tàng mà chẳng tự biết để đến nỗi phải chạy để tìm miếng ăn nuôi sống hàng ngày.”

Sống với tâm trong sáng, rộng lớn, an vui, là sống với cái chân thường, chân ngã, chân lạc và chân tịnh của chân tâm, tâm chân thật, của Phật tánh, tánh trong sáng, rộng lớn bao la, tràn đầy an vui kỳ diệu, tràn đầy niềm hạnh phúc sâu thẳm nơi chúng ta. Điều ấy đức Phật nhấn mạnh trong kinh Đại Niết Bàn và khuyến khích chúng ta hãy tiến lên trên con đường thực hành hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Nói khác đi là thực hành Bồ Tát Đạo trong đời sống hàng ngày.

Thích Phụng Sơn

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.