Có Tình Thương Yêu Trong Sáng Là Có Sự Hiểu Biết Chân Thật
Đức Phật dạy chúng ta từ bi tức là trí tuệ. Khi nào tình thương yêu trong sáng bừng dậy thì sự hiểu biết chân thật lập tức xuất hiện. Hay ngược lại khi có sự hiểu biết chân thật thì tình thương yêu trong lành lập tức có mặt. Trí tuệ, sự thấy biết chân thật là một sự thông minh tinh túy, bén nhạy, thâm nhập vào mọi thứ tinh thần hay thể chất làm ta biết rõ ngay tánh cách trong sáng của mỗi thứ trong một cái toàn thể bao la. Cái thấy biết kỳ diệu ấy biểu lộ qua cái thấy, nghe, nếm, ngửi, cảm xúc, qua sự thấy biết rõ ràng mọi hiện tượng, qua sự biết rõ chân thật tính cách trong sáng, tinh sạch, rỗng lặng đồng thời có mặt rực rỡ tràn đầy của mỗi sự vật và qua cái thấy biết vũ trụ rộng lớn tràn đầy, tỏa chiếu, đẹp đẽ quanh chúng ta. Nói khác đi, tâm ta như thế nào thì thế giới biểu lộ như thế ấy.
Điều nói trên được nhà tâm lý học thời đại Abraham Maslow gọi là kinh nghiệm cực đỉnh (peak experience) như sau:
“Có một thứ thấy, nghe hay cảm xúc chân thật nhất… Đặc tính của kinh nghiệm cực đỉnh là sự cảm nhận toàn thể thế giới là một sự hợp nhất, là một cái toàn thể… Kinh nghiệm của riêng tôi, tôi có hai bệnh nhân nhờ kinh nghiệm cực đỉnh đó mà tức khắc, hoàn toàn và vĩnh viễn chữa lành chứng bệnh tâm loạn lo lắng kinh niên của một người và người kia sự ám ảnh mãnh liệt về ý tưởng tụu vận.”
Nhà tâm lý học thời danh trên nói nhiều về các trạng thái an vui kỳ diệu của tâm giác ngộ nhưng ông không hướng dẫn phương pháp làm cách nào để sống với tâm kỳ diệu ấy mà đạo Phật gọi là tâm chân thật, chân tâm, Phật tánh vốn có sẵn nơi mỗi chúng ta. Phương pháp sống với chân tâm, Phật tánh được các tông phái Phật giáo như Thiền Tông, Tịnh Độ Tông hay Mật Tông chỉ cách thực hành rất rõ ràng. Ngoài ra, Diệu Pháp Phổ Môn, một phương pháp tu tập kết hợp tinh hoa hàng ngày để đem lại cho chúng ta sự thoải mái, an vui, hạnh phúc về tinh thần, sự lành mạnh về thể chất và sự thành công trong cuộc sống tích cực trong các sinh hoạt xã hội hàng ngày mà chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở phần sau.
Dù cho chúng ta chưa đạt tới trạng thái giác ngộ để cảm nhận niềm an vui tuyệt vời của Phật tánh thì sự thực hành tu tập làm cho thân và tâm thoải mái, an vui cùng giúp chúng ta gia tăng sự thông minh, sự hiểu biết làm cho chúng ta thành công tốt đẹp trong cuộc sống vì tất cả các phương pháp tu tập của Phật giáo đều giúp chúng ta gia tăng sự tỉnh thức, thấy rõ những gì đang xảy ra, gia tăng sự tập trung tư tưởng, gia tăng nguồn năng lực thể chất và tinh thần. Như khi niệm Phật, tụng kinh, trì chú, quán tưởng hay ngồi thiền chúng ta hoàn toàn chú ý vào hiện tại cùng thực hành thật đúng và rõ ràng.
Sống An Vui, Lành Mạnh Và Thành Công
Nhiều người tuy rất thích đạt được niềm an vui trong cuộc sống nhưng họ lại cho rằng sự thực hành tu tập đòi hỏi nhiều công phu quá và sự tu tập nhiều lúc bó buộc chúng ta xa lánh những sinh hoạt cần thiết. Nghĩ như thế thật sai lầm vì tùy theo mỗi người mà chúng ta sắp xếp thời gian tu tập cho thích hợp. Mỗi ngày chúng ta chỉ cần bỏ ra độ hai mươi phút là có thể làm cho thân thể thoải mái, tinh thần an vui và sau đó áp dụng vào việc gia tăng khả năng chuyên môn của mình. Điều trên được các nhà tâm lý học gọi là thiền hoạt động.
Vào năm 1981 hai nhà tâm lý Fiebert và Mead thực hiện một cuộc nghiên cứu về thiền hoạt động. Họ đã dùng phương pháp thiền biến chế theo phương thức tâm lý học làm cho các sinh viên gia tăng khả năng học hỏi của họ theo một phương pháp rất giản dị là theo dõi hơi thở để cho thân tâm thoải mái sau đó họ học bài. Kết quả là các em học sinh này gia tăng điểm trong kỳ thi. Một nhóm học sinh khác cũng được tiến sĩ Abram ghi lại kết quả học hành tốt đẹp sau khi các em này thực hành thiền và gia tăng sự chú tâm.
Bác sĩ Herbert Benson đề nghị một phương pháp rất giản dị là chọn một chữ hay một câu thích họp, ngồi yên ổn và thoải mái, nhắm mắt và buông xả các bắp thịt, thở rất tự nhiên và lập lại chữ hay câu lựa chọn ở hơi thở ra, khi quên thì nhớ quay về sự thực hành nhưng với thái độ tích cực, đừng trách móc gì mình cả. Thực hành như thế từ mười đến hai mươi phút rồi bắt đầu chương trình học hành, nghiên cứu hay làm việc thì kết quả gia tăng rất nhiều. Điều này thật phù hợp với phương pháp thực hành tu tập của Phật giáo nhất là Diệu Pháp Thiền Tịnh để tăng gia các khả năng cần thiết trong đời sống hàng ngày của mình đồng thời sống lành mạnh, an vui và hạnh phúc.
Diệu pháp là phương pháp linh diệu đem đến cho chúng ta những kết quả tốt đẹp, Thiền Tịnh là phương pháp phối hợp Tịnh Độ Tông và Thiền Tông mà các vị tổ thường cho là phương pháp tu tập mạnh mẽ và tốt đẹp như cọp thêm cánh. Ngoài ra, người thực hành phương pháp này còn quán tưởng hình đức Quán Thế Âm như đã được đức Phật Thích Ca chỉ dạy trong phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về thân tướng đẹp đẽ kỳ diệu và lòng thương yêu bao la của đức Quán Thế Âm. Ngài xuất hiện trong cuộc đời để ban cho chúng ta an vui, lành mạnh, sức khỏe cùng giúp cho chúng ta thực hành đạo Phật để đạt được niềm hạnh phúc bao la trong đời sống. Tóm lại, Diệu Pháp Thiền Tịnh là một phương pháp linh diệu khai mở cánh cửa rộng lớn của chân tâm, Phật tánh để chúng ta tiếp xúc được, sử dụng được những khả năng kỳ diệu có sẵn nơi mỗi chúng ta để sống cuộc đời lành mạnh, an vui, thành công và hạnh phúc. Ngoài ra, nhờ sự bảo hộ của đức Quán Thế Âm, chúng ta có thể thực hành nhiều sự nhiệm mầu.
Diệu Pháp Thiền Tịnh là một phưong pháp linh diệu dành cho người tại gia thực hành. Những người sống cuộc đời bình thường cần có một phương pháp thực hành giản dị, cụ thể, ngắn gọn và có kết quả chắc chắn để áp dụng hàng ngày ở nhà cũng như ở sở làm hầu gia tăng sức khỏe, hiệu năng làm việc và niềm an vui. Tùy theo mục đích chúng ta muốn đạt được trong sự tu tập cũng như những thành quả trong các chương trình sinh hoạt hàng ngày mà chúng ta áp dụng phương pháp thực hành.
Để thực hành phương pháp phù hợp với sự mong muốn của mình, trước hết chúng ta tự hỏi và trả lời một cách thành thật: mình muốn gì? Chúng ta muốn có đời sống an vui, lành mạnh, thoải mái và hạnh phúc. Chúng ta muốn học thêm kiến thức chuyên môn trong ngành, chúng ta muốn làm các bài tập ở trường, chúng ta muốn gia tăng khả năng tinh thần như sự sáng tạo, sự bén nhạy của tâm thức, thành công hơn trong công việc làm, trong sự giao thiệp với người thân, bạn bè, chúng ta muốn phát triển các môn thể thao hay trong các chương trình tập thể dục, làm cho thân thể khỏe mạnh. Chúng ta cũng có thể tiến xa hơn trong việc phát triển khả năng cầu nguyện và quán tưởng để chữa trị bệnh tật cho mình và cho người khác theo một phương thức tu tập đặc biệt. Dĩ nhiên, điều này cần một nỗ lực tu tập có nền tảng và bền vững hàng ngày.
Sau khi chúng ta biết rõ mình muốn gì thì chúng ta phải vạch một chương trình để thực hiện điều ấy. Nếu chỉ muốn không thôi mà không thực hiện thì đó chỉ là những mơ ước viễn vông. Và trước khi thực hành chúng ta phải có chương trình rõ rệt để có thể hoàn thành điều mình mong muốn. Và cuối cùng, chúng ta bắt tay thực hành cho có kết quả tốt đẹp.
Thích Phụng Sơn
http://thuvienhoasen.org