Hạnh Phúc Kỳ Diệu – Chương V

Chương 5 – THỰC HÀNH ĐỜI SỐNG LÀNH MẠNH VÀ HẠNH PHÚC

Các lời đức Phật dạy trong kinh điển thường nhắm vào những vị xuất gia, những người từ bỏ cuộc sống gia đình, sống đời tu hành trong các tu viện hay chùa chiền. Một số lời dạy của đức Phật dành cho người cư sĩ tại gia cũng quý báu cho đời sống hàng ngày của họ mà chúng ta cần ôn lại theo hệ thống.

Trong kinh Kiên Chính, Kinh Lục Phương, kinh Phước Đức, đức Phật dạy người tại gia phải học hành, phải phát triển nghề nghiệp, phải lập gia đình theo phương thức tốt đẹp nhất để sống đời hạnh phúc, phải giáo dục con cái nên người và phải thương yêu, hiếu kính đối với ông bà cha mẹ, kính trọng và gần gũi các tăng ni dạy đạo, có tình nghĩa với anh em, bạn bè, biết thương mến và giúp đỡ thân bằng quyến thuộc, người nghèo khó, đóng góp vào trong việc lợi ích cộng đồng và tìm đến các tăng ni để học đạo. Đó chính là những điều mong muốn căn bản của một người bình thường tại gia.

Những người Phật tử chúng ta cần nhớ và biết rõ mục đích của mình và nhất là đừng lẫn lộn với những lời đức Phật dạy dỗ cho các vị xuất gia phải thực hành ở chùa chiền hay tu viện. Sự lầm lẫn sẽ rất tai hại vì người tại gia không có thì giờ, phương tiện và khả năng để thực hành trong đời sống hàng ngày của mình, và do đó sẽ cho rằng đạo Phật không thích hợp với họ rồi có mặc cảm mình yếu kém. Hoặc tệ hơn nữa họ sẽ bỏ đạo để tìm một đạo khác “dễ dàng” hơn khi nghe những người truyền giáo ngoại quốc đến thuyết phục: “Chúng tôi rất kính trọng đức Phật. Ngài là bậc siêu nhân. Tuy nhiên, những điều ngài làm được thì con người chúng ta không ai làm được. Vậy xin quý vị theo đạo chúng tôi để được…” Có những người Phật tử, vì chính mình cũng không hiểu rõ lời của đức Phật dạy (không khác gì những người truyền giáo kia) nên khi nghe những lời mê hoặc đó họ xuôi lòng. Sự vội vàng thay đổi đó làm cho họ mất đi một cơ hội tiến xa hơn trên con đường hạnh phúc chân thật của đời sống tâm linh kỳ diệu.

Đạo Phật vốn rất chân thật, giản dị, hợp lý, hợp với khoa học, rất dễ thực hành và mang lại kết quả tốt đẹp trong đời sống hàng ngày. Chúng ta có thể tóm lược lại lời dạy của đức Phật đối với người tại gia theo ngôn ngữ thời đại này như sau: Đời sống ổn định, tỉnh thức, có tình thương yêu và lòng muốn đem lại an vui cho những người khác, có sự hiểu biết chân thật và sống đời hạnh phúc cao vút nhất mà mỗi người có thể đạt được. Và điều này chúng ta có thể thực hành rất thoải mái trong đời sống hàng ngày:

Đời sống ổn định: Đối với người Phật tử không xuất gia, họ cần có nhà cửa, cơm áo đầy đủ, tiền bạc đủ để chi dùng và công việc làm ổn định cùng phát triển nghề nghiệp cũng như tài sản. Đó chính là sống đời ổn định. Nếu họ có gia đình thì vợ chồng thuận hòa, con cái hiếu hạnh và học hành tử tế để sau này các em có nghề nghiệp vững chãi hay công việc thương mại tốt đẹp. Người Phật tử tại gia đừng bao giờ lẫn lộn vai trò của mình với người xuất gia, những thầy hay cô tu tại chùa, mà đặt nhẹ sự ổn định của đời sống gia đình. Đừng bào chữa cho sự thất bại đời sống hạnh phúc gia đình bằng câu biện bạch sai lầm: Con là nợ vợ là oan gia.

Tỉnh thức: Muốn có được đời sống ổn định về việc làm, tiền bạc và hạnh phúc gia đình, người Phật tử tại gia phải sống đời tỉnh thức. Tỉnh thức là để tâm mình trong sáng, thoải mái, bén nhạy nhận biết những gì xảy ra bên trong thân và tâm cùng những gì ở bên ngoài. Thấy biết một cách trực tiếp, rõ ràng nhưng không bị những lo lắng, sợ hãi, ham muốn, thương ghét, khổ đau lôi kéo mình ra khỏi sự trong sáng của tâm chân thật. Từ đó sự thông minh xuất hiện.

Có tình thương yêu: Khi tâm trong sáng, thông minh, bén nhạy, rộng lớn thì tình thương yêu tỏa chiếu. Tình thương yêu chân thật, rộng lớn, trong lành, ấm áp này tràn đầy nơi ta. Đó là một nguồn năng lực kỳ diệu làm cho ta hưởng được, cảm nhận được niềm an vui sâu thẳm và bình dị luôn luôn có mặt trong ta. Tình thương yêu đó vừa là một cảm xúc và vừa là một động lực thúc đẩy ta thực hành những hành vi tốt đẹp trong đời sống hàng ngày. Thực hành từ bi tức là sống đời hạnh phúc cao vút nhất mà ta có thể hưởng được.

Có sự hiểu biết chân thật: Khi tình thương yêu trong sáng tràn đầy thân và tâm mình thì bao nhiêu sự lo lắng, giận hờn, giận ghét, phiền não, khổ đau đều tan biến như làn sương mong manh dưới ánh sáng rực rỡ của mặt trời ban mai. Tâm ta lúc đó nhận biết mọi thứ trong trạng thái tinh sạch, trong sáng, và mầu nhiệm của chúng. Chúng ta thật sự sống trong trạng thái tự do chân thật. Lúc đó sự thông minh có mặt. Chúng ta học hành, nghiên cứu, làm việc, giao tiếp với cuộc đời hay phát triển nghề nghiệp, điều gì cũng được thực hành tốt đẹp.

Sống đời hạnh phúc: Hạnh phúc là mục đích cao quý nhất của đời sống con người. Mỗi người chúng ta đều có khả năng sống vui tươi, lành mạnh, thoải mái, chấp nhận và quý trọng con người của mình, cảm nhận được niềm an vui, ấm áp tỏa chiếu nơi mình. Người có hạnh phúc mới đem lại hạnh phúc cho kẻ khác. Thực hành đạo Phật trong đời sống hàng ngày là thực hành sống đời an vui hạnh phúc.

Tập Thở

Thở tức là sống. Chúng ta nhớ đến hơi thở, chúng ta biết mình đang thở là chúng ta biết rõ mình đang sống. Nếu chúng ta tập thở cho đúng thì thân thể được khỏe mạnh, tinh thần an vui hơn nhiều. Ở các thiền viện, thiền sinh được khuyến khích thở bằng bụng. Thở vào bụng phình ra, thở ra bụng xẹp xuống. Khi thở bằng bụng, không khí sẽ vào sâu hơn phía dưới phổi và khi thở ra khí độc sẽ bị tống ra ngoài nhiều hơn. Khi chúng ta biết về hơi thở thì trí óc trở nên trong sáng, chúng ta thấy biết rõ ràng những ý tưởng, những vui, buồn, thương ghét đến hoặc đi mà không bị chúng lôi kéo để cứ triền miên thăng trầm theo chúng. Nói khác đi, khi biết về hơi thở thì tâm tự nhiên trong sáng. Đó tức là thiền vậy.

Thiền là sống với tâm trong sáng, bén nhạy, an vui, thoải mái, tích cực trong đời sống hàng ngày hay là sống với chân tâm, Phật tánh. Vì chúng ta lâu nay quên đi điều ấy nên cần một phương pháp để giúp mình sống với tâm chân thật hay chân tâm của mình. Phương pháp đó là thiền tĩnh lặng và thiền hoạt động. Thiền tĩnh lặng là ngồi yên lặng trên gối hay trên ghế, để tâm vào hơi thở vào-ra cùng nhận biết mọi thứ bên trong tâm và bên ngoài. Thiền hoạt động là sống với tâm trong sáng như khi ngồi thiền bằng cách để ý một tí (1/10) vào hơi thở và 9/10 còn lại thấy biết rõ ràng mọi hoạt động của mình cũng như những sự việc chung quanh.

Như thế, dù thiền tĩnh lặng hay thiền hoạt động, điều quan trọng vẫn là biết về hơi thở. Bác sĩ Herbert Benson của trưởng đại học Y Khoa Harvard đã thực hiện các chương trình nghiên cứu và nhận thiền đem lại nhiều lợi ích thiết thực: Làm giảm huyết áp, gia tăng hiệu năng làm việc, làm cho nhiều bệnh tật tiêu trừ nên giảm đi số phí tổn y tế. Những điều trên tuy vậy chưa quan trọng bằng niềm an vui kỳ diệu và sự bình an tâm hồn mà thiền đem lại cho chúng ta trong đời sống hoạt động hàng ngày.

Đức Phật dạy tất cả mọi thứ đều từ tâm mình sinh ra vui cũng như buồn, sướng cũng như khổ. Dĩ nhiên chúng ta muốn loại trừ cái buồn khổ và sống vui sướng. Thực hành thiền qua sự biết về hơi thở nhẹ nhàng, thoải mái, tự nhiên và liên tục thì trí óc ta tự nhiên trong sáng, tâm ta tự nó mở rộng đến vô biên trong cái thấy biết rõ ràng mọi thứ bên trong cũng như bên ngoài mà không dính mắc vào điều gì cả. Tâm lúc đó rộng lớn, tinh sạch, thoải mái, bén nhạy, thông minh và đầy một niềm an vui sâu thẳm.

Ở Hoa Kỳ nhiều thương gia tập thiền, bác sĩ tập thiền, các nhà giáo dục tập thiền, các chuyên viên tâm lý tập thiền, và mới nhất, các lực sĩ tập thiền. Nhiều huấn luyện viên đã hướng dẫn các lực sĩ tập thiền để gia tăng thành công trong khi tập luyện và lúc tranh tài. Tiến sĩ Kabat Zinn nói rõ về sự để ý của các lực sĩ khi họ thực hành sự để ý vào hơi thở và cử động chân tay – hay nói khác đi là họ thực hành thiền hoạt động – khi tập dượt thì một trạng thái yên ổn, thoải mái và nhất tâm xuất hiện như sau:

“Tâm của người lực sĩ lúc đó ở trong trạng thái chuyên chú vào một điểm. Người chạy bộ hoặc người bơi lội khi đạt được trạng thái ấy thì có cảm tưởng mình có thể chạy mãi hoặc bơi mãi không ngừng. Tâm họ yên ổn, tỉnh táo trong sự tĩnh lặng và hoàn toàn trở thành một với thân thể.”

Tiến sĩ Kabat Zinn nói rõ hơn trong quyển Nhũung Yếu Tố Thực Hành Thể Thao (The Sport Performance Factors) về trạng thái của tâm tỉnh thức đó của người lực sĩ như sau:

“Ví như thể tâm của bạn đã vượt ra khỏi giới hạn của sự suy tư đến một vùng mà bạn thấy biết từ giây phút này qua giây phút khác. Nơi đó cái tôi (ngã) tan biến đi. Cái tôi ấy cũng chỉ xuất hiện như một ý tưởng chứ không còn là chủ thể của các quyết định và hành động.”

Nói cách khác, khi tâm chúng ta ở trong trạng thái tỉnh thức thì tâm chỉ là một cái trong sáng, rộng lớn, tĩnh lặng, bén nhạy và tràn đầy như ngài Huệ Năng đã nói rõ trong Pháp Bảo Đàn Kinh như sau:

“Thiền (hay chân tâm) vốn im lặng mà huyền diệu, vắng lặng mà tràn đầy. Thể và dụng đều như như, chẳng xuất, chẳng nhập, chẳng định, chẳng loạn. Thiền (chân tâm) không chỗ dính mắc, đừng dính mắc vào chỗ vắng lặng của thiền. Tâm như hư không nhưng đừng có suy tưởng về hư không.”

Như thế, khi sống tỉnh thức hay sống thiền hay thực hành thiền trong đời sống hàng ngày thì tâm chúng ta quay về với tánh rộng lớn, vắng lặng, trong sáng, bén nhạy cùng tĩnh lặng của tâm. Dù ngồi yên hay dù đi đứng, chạy nhảy, ăn uống, làm việc thì tâm vẫn tỏa chiếu sự bình lặng nhưng đồng thời rất trong sáng bén nhạy, thông minh hiểu biết.

Nhiều người rất thích thực hành thiền nhưng e ngại không biết mình có tu tập chánh thiền không vì họ nghe nói nhiều đến tà thiền. Căn cứ vào những điều chân thật nói trên mà chúng ta hiểu rõ thiền tà đạo và thiền chánh đạo: Người thực hành thiền chánh đạo thì càng lúc lòng càng an vui, tích cực, thành công trong các hoạt động hàng ngày của họ như buôn bán, học hành, tranh tài thể thao, giao tiếp bạn bè, nuôi nấng con cái, sống đời hạnh phúc gia đình, v.v… Còn người thực hành hành thiền tà đạo thì lập tức các hiện tượng chướng ngại, khó khăn, và khổ đau gia tăng: vợ chồng gây gỗ, cha con bất hòa, làm ăn thua lỗ, hiệu năng công việc sút kém dần và mất việc làm, không còn sáng suốt biết rõ những gì đang xảy ra, lấy những ảo tưởng cho là sự thật, bạn bè xa lánh vì tâm tánh bất thường, v.v…

Sống Tỉnh Thức Để Luôn Luôn An Lạc

Như thế, thực hành thiền là sống tỉnh thức. Tỉnh thức là chú tâm, là biết những gì đang xảy ra một cách thoải mái và rõ ràng. Do đó, khi chúng ta biết về hơi thở là chúng ta đã quay về với sự tỉnh thức, là sống trong hiện tại. Đức Phật dạy về sự thấy biết trong sáng, thoải mái và bén nhạy về hơi thở, về những cảm giác sướng khổ xuất hiện, về những tâm tư vui-buồn-thương-ghét, về những cái thấy, nghe, biết những thứ chung quanh một cách rõ ràng như thấy những đám mây bay qua trong bầu trời xanh thẳm bao la. Mây bay đến rồi chúng lại bay đi, mọi thứ xuất hiện trong tâm rồi chúng tan biến, tâm bao giờ cũng trong sáng, rộng lớn, tinh sạch và bén nhạy trong niềm an vui sâu thẳm của nó.

Sống tỉnh thức là sống trong hiện tại, là sống với sự thông minh và an vui kỳ diệu, là sống với nguồn năng lực mạnh mẽ đưa đến sự thành công, là sống trọn vẹn với những cảm giác an vui xuất hiện. Sống tỉnh thức là sống trong hiện tại: Thông thường chúng ta hay suy nghĩ về các chuyện quá khứ hoặc mơ màng về những gì chưa xảy ra mà quên đi đời sống đang diễn ra trong hiện tại. Chúng ta lái xe mà đầu óc thì mơ mộng ở đâu hay đang học hành, làm việc, tập thể thao, nấu ăn, ăn uống mà lòng luôn luôn nghĩ đến chuyện khác. Khi chúng ta để ý vào hơi thở, để ý vào việc đang làm thì chúng ta có sự thấy biết những gì đang xảy ra. Lúc đó chúng ta đang sống chứ không phải chạy trốn đời sống.

Sống trong hiện tại là sống với giây phút tuyệt vời: Khi chúng ta quay về với hiện tại thì tâm chúng ta trở nên trong sáng, rộng lớn, an vui, thoải mái và thông minh. Những lo lắng, giận hờn, phiền muộn, khổ đau không còn chỗ để bám víu. Chúng từ từ tan biến đi. Nguồn năng lực tiêu dùng vào trong sự khổ đau được giải phóng và quay về với trạng thái tự nhiên của chúng. Trạng thái tự nhiên của nguồn năng lực nơi mỗi chúng ta là niềm an vui, thoải mái, vui sướng kỳ diệu.

Sống tỉnh thức là sống thành công: Khi nguồn năng lực ấy tràn đầy thì chúng ta làm việc, học hành, tập thể thao, tham gia các sinh hoạt, giao tiếp bạn bè hay sống với người thân trong gia đình, chúng ta đều mang lại những kết quả tốt đẹp, lợi ích cho mình và cho người. Làm việc, giao tiếp, học hành, giải trí, tất cả đều là những biểu lộ của chân tâm, Phật tánh của mình.

Sống tỉnh thức là sống trọn vẹn với những cảm giác vui sướng: Duy Thức Học của Phật giáo giải thích rất rõ: Khi một người giác ngộ hay sống với sự hiểu biết chân thật (trí tuệ) thì năm giác quan gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tự chúng thực hành những điều tốt đẹp. Trí óc của họ trở nên trong sáng, bén nhạy, linh động nên họ thấy biết mọi điều một cách rõ ràng, chân thật. Họ biết rất rõ mọi điều một cách đúng, sai, hay, dở, tốt hoặc xấu nhưng không vì các sự thấy biết đó mà khơi dậy những buồn rầu, giận hờn, ham muốn xấu xa hoặc đau khổ. Đó là Diệu Quan Sát Trí: Một trong các đặc tính của khả năng tốt đẹp này là chúng ta thấy biết rất tường tận và chân thật mọi thứ đồng thời chúng ta an nhiên tự tại trong cái thấy biết đó.

Cuối cùng, sống tỉnh thức là sống với niềm tự do bao la và tuyệt vời nhất mà con người có thể sống đưọc từ giây phút này qua giây phút khác. Chúng ta tháo tung xiềng xích của quá khứ, của sợ hãi, của khổ đau hay nói chung của thói quen lâu đời của sự quên lãng sống với hiện tại.

Khi chúng ta chú tâm một cách thoải mái, tự nhiên hay sống có tỉnh thức, thấy biết rõ ràng những gì đang xảy ra, là chúng ta sống trong hiện tại, là chúng ta thực hành thiền một cách đúng đắn trong đời sống hàng ngày. Sau đó chúng ta còn có thể tiến xa hơn bằng cách thực hành một phương pháp đặc biệt trong sự tu tập, đó là phương pháp quán tưởng để đem lại nhiều lợi ích trong đời sống hàng ngày.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.