Cách Quán Tưởng Ðể Chữa Trị Các Bệnh Tâm Thần
Ðạo Phật khuyến khích chúng ta duy trì một tinh thần an vui, lành mạnh, tích cực, thông minh và thoải mái trong đời sống hành ngày. Thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh hằng ngày giúp cho chúng ta đạt được niềm an vui rộng lớn, sự tỉnh thức trong sáng, sự thấy biết chân thật và sức mạnh tích cực trong đời sống. Khi lòng chúng ta an vui, thân chúng ta khỏe mạnh, tâm chúng ta rộng lớn, trí óc chúng ta bén nhạy thông minh thì người chúng ta tràn đầy năng lượng và có thể thực hiện mọi điều cần thiết để phát triển đời sống tốt đep.
Thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh để chữa trị các chứng bệnh tâm thần. Khoảng một phần ba dân số Hoa Kỳ được xem là có bệnh tâm thần tự nhẹ đến nặng. Sau đây là một số các loại bệnh tâm thần và cách làm cho chúng bớt đi:
1. Bệnh lo âu:
Lo lắng là một điều bình thường như chúng ta lo lắng trước khi một kỳ thi đến, trước khi lên sân khấu, trước khi phải trình bày một chương trình trong một buổn họp. Nhưng nếu chúng ta biến sự lo lắng ấy thành một sự sợ hãi, một mối ám ảnh và tưởng tượng sự thất bại trước khi chúng ta thực hành thì chúng ta sẽ tự làm cho mình thất bại như sự sợ hãi.
Như thế, lo lắng là một điều bình thường khi chúng ta sắp làm một công việc quan trọng, nhưng trong khi lo lắng chúng ta lại tưởng tượng, lại suy nghĩ về những vấp váp có thể xảy ra rồi điều ấy gây cho mình một mối khiếp hãi thì chúng ta cần phải chữa trị. Chúng ta thực hành Diệu Pháp Phổ Môn sau đó đến phần quán tưởng chúng ta quán thấy mình đang ở trong phiên họp hay trong phòng thi, diễn tả hay viết một cách lưu loát đề tài thuyết trình hay làm bài thi. Nếu là lo âu về một cuộc tranh giải thể thao thì chúng ta quán thấy mình đang đánh banh, hoặc chạy, nhảy, bơi lội, v.v… một cách khéo léo, thoải mái nhưng linh động và chính xác theo cách thức tốt đẹp nhất mà mình vẫn thực hành từ trước đến nay.
2. Bệnh sợ hãi hay khiếp hãi (phobia):
Có nhiều chứng sợ hãi như sợ đi cầu thang máy, sợ mèo, sợ ở trong phòng, sợ ở nơi rộng lớn, sợ đi máy bay, sợ đi xe hơi, v.v… Các nỗi sợ hãi ấy có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cơ thể chữa trị như sau:
Sau khi tu tập Diệu Pháp Thiền Tịnh, quán tưởng lòng từ bi của mình chiếu sáng mọi nơi. Khi lòng từ bi tràn dâng, lòng mình an ổn, thoải mái, lúc đó quán thấy các vật mình sợ hãi và rải lòng từ bi, những luồng ánh sáng trong lành lên vật đó và cầu nguyện đức Quán Thế Âm ban cho vật ấy hay loài vật ấy được mọi điều an lành.
Sau đó quán thấy đức Quán Thế Âm ở trên đỉnh đầu của mình tỏa chiếu hào quang tràn ngập thân thể và tâm hồn mình rồi thấy mình đến và bước nhẹ nhàng, thoải mái lên cầu thang máy, lên máy bay, xe hơi, thuyền bè, v.v… và thấy chúng chuyển động nhẹ nhàng, êm ái, đầy vững chãi và tốt đẹp. Nếu là mối sợ hãi liên hệ đến không gian thực hành quán tưởng như trên rồi thấy mình ở trong căn phòng, nơi chỗ cao, ngoài trời với lòng đầy an vui, thoải mái. Nếu đối tượng sự khiếp sợ là các con vật thì thực hành quán tưởng như trên rồi rải tâm từ bi các con vật. Quán thấy các con vật đó tiếp nhận luồng ánh sáng từ bi và trở nên thân thiện, hiền lành, an vui với mình. Thấy lòng mình tràn đầy tình thương yêu trong lành và rộng lớn.
Riêng với những người sợ ma thì thực hành quán đảnh đồng thời niệm thần chú Lục Tự Ðại Minh Chân Ngôn vì thần chú có năng lực nhiệm mầu làm cho mọi loài ma đều trở thành vô hại. Sau đó thực hành Từ Bi Quán, chiếu ánh sáng của tình thương yêu trong lành đến những hình ảnh mình sợ hãi và quán thấy tất cả đều đón nhận ánh sáng mầu nhiệm của tình thương yêu đồng thời nguyện cầu cho họ được siêu sanh Tịnh Ðộ.
3. Bệnh u uất (Depression):
Theo thống kê 1991 của Hiệp Hội Quốc Gia Sức Khỏe Tâm Thần Hoa Kỳ thì một nửa số người lớn ở Mỹ cho rằng họ hay người trong gia đình họ bị bệnh u uất nhưng đa số lại nghĩ rằng đó là dấu hiệu của sự yếu kém tâm lý chứ không phải là bị thiếu sức khỏe. Do đó, họ đã không tìm đến các bác sĩ để điều trị.
Theo cơ quan nói trên, khi những người có triệu chứng như:
– Thấy buồn bã lâu dài,
– Thiếu thích thú trong các hoạt động đem đến sự vui vẻ,
– Giảm năng lực,
– Thay đổi cách ăn và ngủ,
– Khó tập trung tư tưởng và quyết định,
– Có những mặc cảm tội lỗi, không giá trị, và bất lực,
– Nghĩ đến tự vẫn hay chết,
– Khó chịu hay khóc nhiều.
Ðó đúng là những dấu hiệu bày tỏ chứng bệnh u uất. Những người này cần được bác sĩ chữa trị. Ngoài ra, thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh sẽ làm cho sự chữa trị đó càng thêm chóng lành như sau:
Sau phần thực hành tu tập, để dành nhiều thì giờ hơn trong phần quán thân thanh tịnh, an lạc, trong lành và sức khỏe đồng thời hướng lòng từ bi rộng lớn đến mọi người và mọi loài.
4. Các loại kỷ niệm: làm cho ta buồn khổ như có thân nhân qua đời, vợ chồng ly dị, những kỷ niệm về vượt biên, tù đày, thất bại, v.v… Chúng ta thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh, trì tụng thần chú, quán tưởng đức Quán Thế Âm, quán thân tâm thanh tịnh, quán từ bi sẽ làm cho bao nhiêu sự buồn rầu chán nản tan biến đi và nguồn hạnh phúc vô biên sẽ tràn ngập cuộc đời chúng ta.
5. Sự căng thẳng trong đời sống trẻ em:
Con cái đau ốm cũng làm cho cha mẹ bị căng thẳng tinh thần. Do đó, để cho con cái trong gia đình được khỏe mạnh, các vị phụ huynh quan sát để biết rõ tình trạng tinh thần của con em mình. Vì trẻ em ít diễn tả hay không diễn tả được những ý tưởng hay cảm giác bên trong, chúng ta quan sát và có thể thấy các dấu hiệu như lo âu, sợ hãi, u uất. Hiện nay sự căng thẳng trong đời sống các trẻ em gia tăng. Hậu quả là các em bé cũng có thể bị gia tăng mức độ cholesterol, dễ bị nhiễm trùng hay là những bệnh tật khác. Nếu cha mẹ biết con cái gặp khó khăn và giúp các em đương đầu và vượt qua những khó khăn ấy thì sau này các em sẽ lớn lên mạnh khỏe hơn.
Tác giả Barbara Kuczen trong tác phẩm Childhood Stress: How to Raise a Healthier, Happier Child (Các Sự Căng Thẳng Trong Ðời Sống Trẻ Thơ: Làm Sao Nuôi Nấng Các Em Bé Lành Mạnh Và Hạnh Phúc Hơn) nêu các triệu chứng trẻ em bị áp lực trong đời sống:
· Dấu hiệu về thể chất: Khó khăn về tiêu hóa hay hô hấp, dễ bị chứng dị ứng, bị đau đầu, có những “tật” liên hệ đến thần kinh, chóng mặt hay bị mạch đập không đều hay nhiệt độ cơ thể không điều hòa.
· Có thái độ chống báng xã hội như hay đánh lộn, ăn cắp, nói dối, phá phách, hung dữ, làm hại thân thể của mình hay đốt lửa làm cháy nhà.
· Trốn tránh thực tại, đè nén những ưa muốn hay tức giận của mình nên hay có những ác mộng, đái dầm, mất ngủ, nghiến răng, học hành kém.
Trong trường hợp nhẹ, cha mẹ tỏ tình thương yêu và tìm hiểu con cái đang bị những khó khăn gì để giúp các em có đời sống tốt đẹp. Trường hợp nặng, đem các em đến chuyên viên chữa trị.
Dù trong trường hợp nào, cha mẹ giúp con cái thực hành một phần Diệu Pháp Thiền Tịnh thì đời sống của các em sẽ rất tốt đẹp:
· Tỏ sự quan tâm, nói chuyện và tỏ tình thương mến đến các em. Hướng dẫn các em niệm Phật và cầu nguyện cho các em được sức khỏe. Tập cho các em đi thiền hành chậm và nhanh như một trò chơi làm giảm sự căng thẳng.
· Tập cho các em cách thở thoải mái khi ngồi, khi học bài, khi ăn cơm, lúc nói chuyện. Hướng dẫn các em tỏ bày những ý tưởng một cách tự nhiên.
· Hướng dẫn các em thở thoải mái khi ở trên giường ngủ và cầu nguyện đức Phật ban cho các em nhiều an vui, thông minh và sức khỏe.
Tùy theo tâm tính mỗi em mà chọn lựa phương pháp nào các em thích nhất. Ðiều quan trọng cha mẹ dạy con làm gì thì phải tự mình thực hành để các em làm theo. Tránh làm những gì ngược lại với điều mình dạy con cái hay bắt buộc con cái phải làm. Trẻ em cần sự thương mến trong khi được hướng dẫn phát triển trong việc học hành hay trong đời sống hàng ngày.
Như thế, khi chúng ta thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh chúng ta sẽ giải trừ những khó khăn về bệnh tật hay phiền não, thực hành dâng hương, lễ Phật, trì chú, ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, quán tưởng hình ảnh đức Quán Thế Âm Bồ Tát và cầu nguyện thì chúng ta sẽ được rất nhiều điều an vui và lành mạnh.
Thích Phụng Sơn
http://thuvienhoasen.org