Lạc Bang Văn Loại – QUYỂN 01

SỐ 1969a – QUYỂN 01 – Sa-môn Thạch Chi Tông Hiểu, ở đất Tứ minh biên soạn.

LỜI TỰA 1

Thuở xưa, Đấng Thiện Thệ thương xót chúng sinh phải ở trong các cõi khổ, nên chỉ bày Lạc bang để trở về. Các bậc Thánh ngầm khen, các bậc kỳ túc được vãng sinh nhiều không phải một, đều chép trong các sách vở, sáng rỡ như sao. Về sau càng xa tông, dần dần bèn tìm ở thanh sắc, chẳng biết tìm ở tâm. Cho nên ngài Đại Giám chỉ bày Duy tâm, khiến cho biết rằng muốn được cõi Tịnh thì phải tịnh tâm mình. Cho nên đấng Thiện Thệ, nói quán Phật để chỉ ra ý chỉ tâm ấy là Phật. Ấy là có đủ ba tâm, mười tâm để làm pháp vãng sinh.

Ấy là nhân hạnh, ngài Pháp Tạng phát nguyện cao siêu tâm ngài vắng lặng, chí không đắm trước. Về sau càng xa Tông bèn coi thường chín phẩm nên phàm phu bị trói buộc thì vẫn là trói buộc, cho nên các Đức Phật đâu cần phải ra đời độ sinh, chúng sinh phải bị trôi giạt không ngừng, chẳng cầu ở nơi tâm thì càng cầu càng xa. Quán ba vị Thánh đều là theo đuổi tướng bên ngoài. Bậc Thánh tùy bệnh cho thuốc, còn chúng sinh do thuốc mà bị bệnh, đáng thương thay! Thế nên Lạc bang do đó mà làm cho lý rõ ràng, nếu tu chứng thì cứu giúp kẻ trôi giạt biển khổ. Nói duy tâm do đó làm cho quán hạnh là vốn là Pháp thân mà được giải thoát, thấy ba Thánh là chân thường. Đấng Thiện Thệ chỉ cho người kho báu, còn ngài Đại Giám chỉ cho người khóa vàng. Ngài Đại Giám chỉ người bằng nhân hoa, Đấng Thiện Thệ tiếp người bằng quả địa. Vạch hoa mà sót quả thì giống như không có hoa, có kho mà không mở cũng như không kho. Lạc bang ở ngoài duy tâm chăng? Xưa nay tâm ra vẫn thế, suốt đến ba đời không có bờ mé, cõi trong tâm ta là vô biên không cùng. Tịnh thì thành bốn Thánh, nhiễm thì hóa sáu phàm. bốn Thánh sáu phàm chỉ là tâm ta. Nên không nói đem tâm ta mà cầu Lạc bang. Thật biết duy tâm chẳng thể không thờ Lạc bang. Các loài chúng sinh từ vô thỉ đối với vô sinh mà vọng sinh, đối với vô ngã mà chấp ngã, ba phược mười sử tập nhiễm đã lâu. Nếu không nhờ thuyền nguyện cứu độ lên ở cõi Linh Thánh thì Bồ-tát vẫn còn mê cách ấm, Thanh văn còn muội khi ra thai, còn những kẻ thấp kém chúng ta sao tránh khỏi không lui sụt? Ngài Văn-thù là thầy dẫn đường của bảy Đức Phật, Vô sinh nhẫn không phải không chứng mà thọ ký vãng sinh, ngài Thiện Tài một đời được quả của nhiều kiếp. Nghĩa bậc nhất đều nghe mà phát nguyện trở về, không theo Lạc bang thì lấy gì mà tu để biết hết cái diệu của duy tâm. Trong tâm ta là nhân địa trang nghiêm của Phật A-di-đà, trong tâm ta có cõi cao quý Lạc bang mà vốn xưa mình cùng Di-đà không hai không khác. Vì ta mê nên phải trôi giạt, làm chúng sinh ở trong tâm Phật. Còn Phật nhờ giác nên tu chứng mà làm Phật ở trong tâm chúng sinh. Tâm ta tức tâm Phật, ta chẳng thật có, tâm Phật tức là tâm ta, Phật cũng không thật có. Vì không thật có nên Phật niệm niệm độ sinh không đứt quãng đối với ta, còn chúng sinh chấp cái ngã huyễn không thật có. Ta thì bỏ giác hợp trần, nên luôn điên đảo trong ba cõi, thật đáng thương. Cho nên phải gắng tu Lạc bang, do đó mà gắng tu tâm ta. Tu tâm ta nên lìa được các điên đảo và chứng, ta đồng với Phật A-di-đà. Các Đức Phật không có chỗ chứng nào khác là Bản Tánh của chúng sinh. Hễ những gì Phật A-di-đà có đủ thì ta cũng có đủ, không lìa tâm ta, cho nên Lạc bang phi tướng, tức là tâm ta cho nên chẳng phải không. Vô tướng tức Tướng mà chẳng phải tướng cho nên tức tướng chẳng phải tướng, thì y chánh đều chân, chúng sinh và Phật đồng thể. Y chánh đều chân chúng sinh và Phật đồng thể thì Tôn Âm Vương Như Lai lạc bang ở quá khứ chưa từng nhập diệt, Công Đức Sơn Vương Như Lai ở vị lai thành Phật đã lâu, A-di-đà Như Lai hiện tại ở ngoài mười muôn ức cõi Phật mà chẳng cách xa. Tám mươi bốn ngàn tướng đẹp hễ niệm liền thấy. Tâm ta không cần đến đó, Phật ấy không cần lại đây, như đèn trong gương, như trăng trong nước. Gương không nắm đèn mà đèn tự hiện, trăng không vào nước mà nước chứa trăng. Nơi nơi là vậy, pháp pháp là vậy nên sợi lông trắng thường quán mà chẳng phải quán. Đài báu không sinh mà vãng sinh. Nếu như thế thì gọi là Duy tâm hay gọi là Lạc bang, ta cũng không biết được. Lộc Đình Thượng nhân và Tử Tống Hiểu Sư tập họp các văn viết về Lạc bang xin tôi vài lời nói về quyển ấy. Tôi bèn cúi đầu lễ Phật lễ Tổ, mà nêu sự thấy biết nhỏ hẹp của mình ra.

Tứ Tiến Sĩ, xuất thân là Lại bộ Thượng thơ, Võ Anh điện Đại Học Sĩ Hải Ngu Nghiêm kính soạn.

LỜI TỰA 2

Từ nhà Chu xưa có cả trăm nhà đều dùng thuyết mình tranh nhau với đời. Lâu ngày dần dần mất hết chỉ còn ba giáo Nho, Thích, Lão cùng truyền bá. Đại để ba giáo đều chủ trương việc khuyến Thiện, cấm Ác, dù lời chẳng đồng mà cùng về một chỗ. Song, đạo Phật so với đạo Lão thì thạnh hơn nhiều. Tôi không hề đọc sách Phật. Lúc đầu tôi không biết gì về Phật giáo nhưng vẫn dứt các điều ác không làm, các điều lành đều làm, luôn giữ trong lòng phút giây không bỏ. Bổn ý tôi chưa biết có Phật ra đời. Có người tu tập các giáo Tây phương Tịnh độ bảo rằng: Chúng sinh ở trong cõi đời có năm thứ vẫn đục lưới nghiệp giăng đầy, sinh tử không thể ra khỏi, biển khổ không dừng. Đấng Đại Hùng bất đắc dĩ chỉ riêng một phương cách khiến người buộc tâm chuyên chú, nhờ đó mà được chỗ không bờ bến. Tuy nhiên nếu không được cửa ấy mà vào thì rất uổng phí. Từng không biết pháp này là Nhất tâm. Nhất tâm chú ý vào sẽ thấy điều tốt. Phật dạy tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Biến chánh biến tri của các Đức Phật từ tâm tưởng sinh ra. Thế nên phải nhất tâm giữ niệm. Nhân đó mà luận thì quả giác Di-đà tức là tánh ta, Cực lạc phương xa tức là tâm ta. Một niệm đến nơi, dụng công không thiếu sót thì đâu có cao thấp xa gần. Tỳ-kheo Tông Hiểu lưu tâm góp nhặt các giáo điển làm thành sách này gồm cả Đại tạng kinh luận, các sách của Nho, Thích xưa nay đều nói về giáo môn Tịnh độ, hoặc giảng rộng nghĩa sâu để nhắc nhở người chưa hiểu, hoặc làm sáng tỏ để dạy người mới đến. Toàn văn xuôi kệ ngắn, một chữ một câu đều giúp ích thân tâm đầy đủ. Một hôm, ngài mang sách đến tôi bảo rằng: “Tôi lưu tâm sách này, vài năm nữa sẽ khắc in, hóa một thành nhiều, rộng chỉ bày cho người mới học hiểu được một lời trong sách này mà khỏi lòng tin tưởng và tu hành thì công khổ nhọc biên soạn của tôi không uổng phí.” Tôi đọc qua sách này thấy các bài của nhiều vị rất sâu sắc chỉ rõ ý lớn vãng sinh, mở rộng tâm lành cho mọi người, từ từ lại nghiên cứu lý ấy, bởi bản tánh của mỗi người vốn tự sáng suốt từ vô thỉ do bệnh mê vọng tham dục mà sinh ra các khổ. Vì khiến lìa khổ não được an ổn nên do đó mà phải đối trị. Ví như Thần y dùng thuốc thì gốc bệnh liền hết, bổn thể như xưa. Lại như gương sáng bị đóng bụi, nếu cố gắng chùi sạch thì gương sáng như cũ. Như thế thì sách này thật là phục tánh hoàn nguyên (khiến tánh trở về nguồn xưa) há bỏ đi ư? Than ôi, đạo ở rất gần đây chẳng cần tìm kiếm ở đâu cho xa xôi, rất dễ dàng không cần tìm cầu khó khăn. Xưa, ngài Vô Trước lễ núi Ngũ đài thấy ngài Văn-thù nói kệ 52 có câu rằng: Tháp báu rốt ráo hóa thành bụi, một niệm tịnh tâm thành Chánh giác. Phật Pháp vô lượng, lời này bao trùm các cõi Phật. Đã lấy tâm làm gốc để cốt về Tây phương thì cần phải khéo tịnh tâm mình mà thôi, không còn cách nào khác.

Ngày rằm tháng 7, năm Canh Thân, niên hiệu Khánh Nguyên, phu văn các học sĩ, Tuyên Phụng đại phu trí sĩ Uông Đại Du kính lời tựa.

Download Lạc Bang Văn Loại Q1 pdf file

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.