Từ khi nghe pháp thoại với sự chú tâm, tôi thường ghi nhớ trong đầu và đã ghi lại vào tất cả cẩm nang với đầu trang lời dạy của Đức Phật rằng: “ Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm gì, hai là người có lỗi nhưng biết sai và sửa chữa”.
Và một câu trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phổ Hiền Bồ Tát đã nói: “Nếu tội của chúng sanh có hình tướng, thì tất cả hư không cũng không thể chứa hết”. Bởi tội từ tâm mà sanh ra, không hình tướng nên chúng ta phải diệt tội từ trong tâm có nghĩa là dùng tâm thành kính để hối lỗi.
Riêng Sư Phụ tôi thường dạy: “Sám Hối là một việc tất yếu của người con Phật để điều chỉnh lại tất cả hành vi và nhận thức sai lầm của mình, để ăn năn hối cải những gì mình đã làm khổ đau cho người vì một khi ai đó làm mình khổ đau thì mình mới giác ngộ ra rằng ngày trước mình đã từng hại người một cách sai quấy như thế ….Lẽ dĩ nhiên sống trong đời, hẳn ít nhiều chúng ta thường mắc phải những lỗi lầm trong cuộc sống. Nhưng nhận ra lỗi sai và sửa lỗi sẽ khiến chúng ta nhận được sự kính trọng của người khác”.
HT Thích Thanh Từ cũng dạy: “Sám hối đúng nghĩa là phải có đủ tâm hổ thẹn và cầu tiến. ….Nhờ HỔ THẸN, chúng ta không thể chứa chấp tội lỗi mãi, cần thành tâm sám hối rồi mới an ổn. Với tinh thần CẦU TIẾN, chúng ta phải dứt khoát những lỗi lầm đã qua bằng cách sám hối, để vui vẻ tiến lên con đường đạo đức. Có vậy, việc tu hành mới tinh tấn, không bị chướng ngại. Bởi nhờ hổ thẹn và mong mỏi vươn lên, nên sau khi sám hối, chúng ta tuyệt đối không để tái phạm những lỗi cũ. Chính khi sám hối không phải bị ai bắt buộc, chỉ do tâm hổ thẹn thúc đẩy, chí thành tha thiết sám hối, nhờ đó sẽ giúp chúng ta sạch hết tội lỗi”.
Và trong kinh Pháp Bảo Đàn chúng ta cũng học được:
“Sám giả Sám kỳ tiền khiên,
Hối giả hối Kỳ hậu quá”,
nghĩa là: Ăn năn lỗi trước, chừa bỏ lỗi sau.
Vậy Sám hối đúng nghĩa theo Chánh Pháp là nhận biết được lỗi đã gây tạo, ăn năn sửa lỗi và hứa không làm những điều này về sau.
Kính đa tạ, tri ân bậc hiền trí!
Truyền tải lời Phật dạy qua pháp thoại… ai lắng nghe
Sẽ thấm nhuần, minh mẫn có trí tuệ… vén màn che
Đâu biết rằng:
“Lắng Nghe là nguyên nhân sanh trí tuệ”.
Sẽ không tạo tác hành vi sai lầm trong quan hệ
Không còn e dè khi hối lỗi ăn năn
Bởi chấp thủ, chấp ngã …cứ nghĩ rằng:
“Người khác coi thường, mất bản thân giá trị” (thơ Huệ Hương)
Nhân đọc kinh Lời Vàng (tác giả Dương Tú Hạc, Dịch giả HT Thích Trí Nghiêm) trong phần 1 về Tín Ngưỡng và chương 3 nói về Sám Hối, người viết kính ghi lại những điều tham khảo cùng những sưu tầm trên các trang mạng Phật Giáo hầu chia sẻ đến các bạn cùng một căn cơ để dìu dắt nhau trên đường học Phật.
Kính trân trọng và kính xin được thứ lỗi cho những sơ xuất không thể hoàn chỉnh hoàn toàn vì kiến thức còn hạn hẹp trong biển Pháp mênh mông.
Nào… chúng ta cùng tham khảo nhé…
Trong kinh Trường A Hàm, Đức Phật có dạy rằng “Ai biết sửa đổi lỗi lầm thì người đó có tiến bộ trong giáo pháp của Như Lai”.
Trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật cũng khẳng định rằng ” Người có lỗi không biết sửa đổi, diệt trừ nơi tự tâm, thì lỗi ấy sẽ đến thân, như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng “.
Như vậy: Điều này không chỉ đúng với đạo mà cả với đời. Người biết sửa đổi những lỗi lầm sẽ ngày càng tiến bộ, còn người ngập sâu trong vũng bùn tội lỗi sẽ u mê không lối thoát, dần dần mất đi bản tính thiện của chính mình.
Do đó sám hối có ý nghĩa to lớn trong việc sửa mình, nâng cao phẩm giá, các hạnh lành để bản thân ngày càng hướng đến chân thiện mỹ. Khi trong hiện tại không tạo các nhân xấu mà nuôi nhiều nhân tốt thì sẽ nhận được những quả tốt đẹp.
Theo nghĩa thông thường Sám hối cũng là nhận lời và xin lỗi.
Xét về mặt xã hội, xin lỗi là một hành vi đạo đức của con người, khi họ đã gây ra những lỗi lầm và muốn được người bị tổn thương tha thứ. Nhưng thực tế thời nay vẫn có người xem từ “xin lỗi” đối với họ quá nặng nề và không được sử dụng đến. Họ đâu biết rằng: Lợi ích của sám hối là ….Chuyển hóa nghiệp lực, tiêu trừ tội lỗi trong quá khứ/ hiện tại mang đến cho cuộc sống ngày càng thăng hoa, tiến bộ hơn và cũng đem lại những lợi ích không thể nghĩ bàn.
—— Kinh Tứ Thập Nhị Chương
“Người có nhiều lỗi, mà chẳng tự hối, mau dứt lòng ác, tội dồn đến thân, như nước về biển, lần thành sâu rộng. Nếu người có lỗi, tự biết tội lỗi, cải ác tu thiện, tội tự tiêu dứt, như bịnh xuất hạng, lần bớt mạnh vậy”.
——— kinh Pháp Cú
“Trước kia phóng túng mê mờ,
Ngày sau tỉnh niệm hướng bờ giác xa;
Đưa tay vén đám mây qua,
Vầng trăng ló dạng nguy nga hạ huyền”.
(Pháp cú 172)
Hồi đầu làm các hạnh lành,
Xóa mờ ác nghiệp đã sanh thuở nào;
Trí nhân chiếu sáng trần lao,
Trời quang, mây tạnh, trăng sao đời này”. (Pháp cú 173)
Phạm lỗi mà chẳng phải ác, hay ăn năn làm lành, là sáng soi thế gian như mặt trời không mây.
—— Kinh Đại Tập
“Như áo bẩn trăm năm, đem ngâm một ngày, giặt là sạch sẽ. Cũng như thế đã nhóm chứa các nghiệp bất thiện lâu trăm ngàn kiếp, vì nhờ sức Phật pháp khéo thuận suy nghĩ một ngày một thời đều tiêu diệt hết”.
—— Kinh Tăng Nhất A Hàm
“Gây điều ác rất nặng, hối lỗi lần mòn mỏng, thường hối chẳng trễ nãi, nhổ hẳn được gốc tội”
Ghi chú nhận xét của Người viết (phải chăng qua hình ảnh của vua A Xà Thế vốn mang tội ngũ nghịch vì giết cha. Nhưng nhờ Đức Phật giáo hóa, vua đã biết ăn năn hối cải, sám hối trước Đức Phật và hóa giải được những sân hận trong lòng mình. Vì thế, vua A Xà Thế sau đó đã quy y Tam Bảo, trở thành Phật tử tại gia, phụng hành Chánh Pháp, làm nhiều phước thiện để chuyển hóa nghiệp xấu) .
—— kinh Vị Tằng Hữu
Tiền tâm làm ác như mây che trời, hậu tâm làm lành như đuốc tiêu tối.
—— kinh Tâm địa Quán
Nếu ai sám hối đúng như pháp, bao nhiêu phiền não đều tiêu trừ, in như kiếp hỏa phá thế gian, cháy hết tu di và đại hải, sám hối hay đốt cháy củi phiền não, sám hối được vãng sanh đường trời; sám hối hay được vui Tứ thiền, sám hối mưa ngập ma ni bảo, sám hối được sống lâu Kim cang, sám hối được vào cung thường vui, sám hối được ra ngục tam giới, sám hối được nở hoa Bồ đề, sám hối được Phật kiến đại viên, sám hối khiến người đến chỗ báu.
—— kinh Niết Bàn
Ví như có hoa vàng ngàn cân, chẳng bằng một lượng vàng thật, gây tội tuy nhiều chẳng bằng chút đức. Đối với Phật làm điều giả dối, đồng như người mù vì mình chẳng thấy, tưởng người ta cũng chẳng thấy mình làm việc ác. Cho nên đối trước Phật và đại chúng mà sám hối, vì tội vốn không có tự tánh, được gặp duyên lành quyết tiêu diệt vậy.
—— Kinh Di Giáo
Này các Tỳ Kheo! Nên siêng tu tinh tấn thì việc gì cũng dễ. Vậy nên các ngươi phải siêng tinh tấn; ví như chút nước thường chảy thời có thể xoi mòn đá. Nếu tâm kẻ tu hành thường khi biếng trễ, ví như dùi cây lấy lửa chưa nóng mà nghỉ, dầu muốn được lửa, lửa vẫn khó được.
—— Kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn
Tâm ý vốn sạch, bị lỗi làm dơ, lấy nước trí huệ rửa trừ tâm dơ.
—— Kinh Hoa Nghiêm
Nhờ bốn pháp hoằng thệ, gây dựng đạo bồ đề. Ta xưa đã gây các ác nghiệp, đều do vô thỉ tham, sân, si, từ thân, miệng, ý phát sanh ra, tất cả ta nay đều sám hối.
Lời kết:
Kính xin mượn lời giảng của HT Giới Đức trong một bài giảng về Sám Hối trong Facebook như sau:
“Tất cả chúng sanh còn trôi lăn luân hồi, còn xuống lên, chìm nổi giữa dòng sinh tử ái hà; còn bập bềnh lặn hụp giữa đại dương sinh tử khổ đau; còn lang thang phiêu bồng và vô định trên mọi nẻo vinh quang hư ảo lẫn tối tăm mịt mùng nơi ba cõi, sáu đường thì không một ai có nội tâm được trắng bạch như vỏ ốc. Không một ai được hoàn toàn vô tội, trong sạch. Ai cũng có nhiều nhiễm ô, bụi bặm, dơ dáy, đen đúa, phiền não. Bụi trần và tội lỗi lâu đời, nhiều kiếp phủ dày trong tâm trí chúng ta như tro xỉ, như bụi than…!
Ngoại trừ những tội lỗi tiền khiên, ngủ ngầm, ẩn kín trong khu rừng già hoang nguyên, âm u, bí mật nhiều đời của tự ngã; chúng ta không thấy, không biết nên không thể sám hối được. Nhưng những tội lỗi chúng ta đã làm trong kiếp hiện tại, nếu không phải là ngũ nghịch đại tội, mà chỉ do thân, khẩu, ý bất tịnh đều có thể sám hối được.”
HT còn dạy thêm rằng như vậy thì ý nghĩa, giá trị của sám hối là phải tu tập Tứ chánh cần ở trong 37 trợ đạo phẩm:
– Tinh tấn làm cho những ác niệm đã sanh phải tuyệt dứt (Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn).
– Tinh tấn ngăn giữ những ác niệm chưa sanh, đừng cho sanh khởi (Ác vị sanh, sử bất sanh ).
-Tinh tấn làm cho niệm lành chưa sanh, được sanh (Thiện vị sanh, sử phát sanh).
-Tinh tấn làm cho những niệm lành đã sanh, được tăng trưởng (Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng).
Nói tóm lại, nhờ sám hối, con người có thể cải hóa được những cái xấu ác trong lòng mình, có thể được an vui, thanh thản hơn do đã nhận ra được vì đâu si mê mà tạo tác ác nghiệp, phạm giới trong quá khứ. Ngoài ra, ta còn có cơ hội phát triển những đức tính tốt đem lại hạnh phúc cho mình và người.
Những tội lỗi chúng ta làm trong hiện tại, sau khi sám hối, nguyện ăn năn chừa bỏ, chúng ta sẽ thấy thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, sẽ không còn bị ám ảnh về tội lỗi nữa. Thoát khỏi ám ảnh tội lỗi là ý nghĩa rất quan trọng, rất có lợi ích do nhờ sám hối đúng đắn mang lại.
Trộm nghĩ một khi biết nương theo những lời chỉ dạy của bậc hiền trí, bậc thiện hữu tri thức thì mọi người sẽ không còn chấp thủ vào cái sai của mình, tự mình cởi trói cho bản thân khỏi cái kiến giải, tưởng giải được truyền thừa từ bao đời nay.
Nguyện buông bỏ mọi hận thù trong quá khứ
Sám hối ăn năn những vướng mắc… làm nhân
Tiết chế tham dục, tập khí còn sai lầm
Biết tất cả pháp đến với mình… giúp giác ngộ !
Những điều gì mình làm cho người khác đau khổ!
Cần điều chỉnh ngay nhận thức và hành vi
“Mọi người đều bình đẳng, chớ so bì”
Nên trau dồi phạm hạnh… thật đầy đủ.
Sẽ ung dung tự tại…một khi làm chủ
Thân, khẩu, ý kiểm soát… chớ buông lung
Còn tranh đấu hơn thua… đến cuối cùng
Biển nghiệp chướng… nhân luân hồi sanh tử.
Mời… sám hối theo Kinh Quán Phổ Hiền, bạn lữ (1)
Huệ Hương
__________________
(1) Tất cả biển nghiệp chướng, đều bởi vọng tưởng sanh, nếu người muốn sám hối, vững ngồi niệm thiệt tướng, các tội như sương mù, huệ nhật năng tiêu tan.
Kinh Quán Phổ Hiền