Luân hồi chính là sự tái sinh nối tiếp nhau như một vòng tròn lặp lại từ kiếp này qua kiếp khác mà theo đó quy luật về nhân quả và Luân hồi không thể tách rời nhau.
Và chính thập nhị nhân duyên đã theo một vòng tròn khép kín gồm kiếp quá khứ (vô minh, hành), kiếp hiện tại (thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu) và kiếp vị lai (sinh, lão tử) và tạo nên vòng luân hồi tái sanh vô tận.
Nếu đạo hữu nào đã học nhiều kinh điển đều thấy giáo lý mà Đức Phật dạy đều luôn ngầm chỉ rằng: “Sở dĩ tất cả chúng sinh phải chịu sáu nẻo luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác đó là vì tất cả chúng sinh đều chịu sự chi phối của tam độc THAM, SÂN, SI ”.
Thật ra, sáu nẻo luân hồi chỉ là cảnh ở trần gian của chúng ta trên hành tinh này, không có ở nơi nào khác nữa. Tùy theo đặc tính, cách sống, cuộc sống của mọi con người và loài vật trên hành tinh này mà phân chia làm sáu nẻo luân hồi.
Và thật là một đại duyên cho nhân loại suốt gần 26 thế kỷ qua, nhờ sự chứng ngộ với trí tuệ siêu việt, Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác đã chỉ rõ bản chất của vũ trụ này ..Vũ trụ được vận hành theo luật Nhân duyên và Luật Nhân Quả là chìa khoá sẽ giải thích tất cả mọi sự việc xảy ra trong vũ trụ và đây là một quy luật tuyệt đối… không ai có thể điều khiển được và không một ai được ngoại trừ nằm ngoài sự kiểm soát của nó dù đó là Đức Phật.
Nhân dịp ôn học lai kinh Lời Vàng (tác giả Dương Tú Hạc, dịch giả HT Thích Trí Nghiêm) đến phần 3 về chương Luân Hồi có trích đoạn các lời dạy của Đức Phật trong các bộ kinh lớn, kính mạn phép ghi lại để chúng ta cùng tìm hiểu lại cho thêm phần sâu sắc và làm nền tảng cho pháp học để từ đó bước sang lãnh vực pháp hành hoàn mãn hơn vậy.
Kính trân trọng,
—- Một hôm Đức Phật ngự tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, Ngài bảo các Tỳ kheo rằng: Nay Ta sẽ thuyết minh pháp sanh tử nhơn duyên các ngươi hãy khéo nghe nghĩ nhớ mà tu trì.
Các Tỳ kheo thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con xin thọ giáo.
Đức Phật nói: Pháp nhơn duyên là: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão bệnh tử, ưu bi khổ não. Chẳng khá kể xiết.
Từ đó mà thành tựu cái thân năm ấm.
Gọi cái chi là vô minh? Là chẳng biết: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Gọi cái chi là hành? Ba món hành vi của thân miệng và ý.
Gọi cái chi là thức? Là tai mắt mũi lưỡi thân ý sáu món.
Gọi cái chi là danh sắc? Là tư tưởng phân biệt gọi là danh; bốn đại nương nhau gọi là sắc. Danh sắc khác nhau.
Gọi các chi là sáu chỗ? Là mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn.
Gọi cái chi là xúc? Là thức nương căn chạm biết cảnh, ba món này hòa hợp lại gọi là xúc.
Gọi cái chi là thọ? Là đối với cảnh cảm nhận khổ hay vui.
Gọi cái chi là ái? Là khởi dục ái, hữu ái, vô ái mà ưa đắm cái thân.
Gọi cái chi là thủ? Là quá ưa đắm, nắm lấy chặt chẳng buông nới.
Gọi các chi là hữu? Lạ thọ sanh về cõi dục, sắc, vô sắc ba cõi.
Gọi các chi là sanh? Là cảm nghiệp báo, sanh cái thân năm ấm.
Gọi cái chi là lão? Là răng rụng, đầu bạc, sức yếu, mạng giảm suy.
Gọi cái chi là tử? Là biến đổi vô thường, xa kẻ thân, mạng sống đoạn diệt.
Các Tỳ kheo nên biết ấy là pháp sanh tử nhơn duyên.
Kinh Tăng Nhứt A Hàm
— Gọi là 12 nhơn duyên là: phiền não, nghiệp và khổ, ba món này thay đổi mà làm nhơn làm duyên lẫn nhau mãi mãi vậy.
Bắt đầu là vô minh, ái, và thủ là phiền não. Hành, hữu là nghiệp. Còn bảy món kia là thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, sanh, lão tử là khổ. Do phiền não sanh nghiệp, nhơn nghiệp sanh khổ, nhơn khổ sanh phiền não. Ba món phiền não, nghiệp và khổ này thay nhau sanh luôn chẳng dừng như bánh xe chạy tròn.
Luận Thập Nhị Nhơn Duyên
—- Dùng trí huệ quan sát nguyên do của sanh tử: bởi “sanh” có già chết, sanh làm trợ duyên cho “già chết” sanh bởi “hữu” mà khởi, hữu làm trợ duyên cho sanh; hữu bởi “thủ” mà khởi, thủ làm trợ duyên cho hữu; thủ bởi “ái” mà khởi, ái làm trợ duyên cho thủ; ái bởi “thọ” mà khởi, thọ làm trợ duyên cho ái; thọ bởi “xúc” mà khởi, xúc làm trợ duyên cho thọ; xúc bởi “lục xứ” mà khởi, lục xứ làm trợ duyên cho xúc; lục xứ bởi “danh sắc” mà khởi, danh sắc làm trợ duyên cho lục xứ; danh sắc bởi “thức” mà khởi, thức làm trợ duyên cho danh sắc; thức bởi “hành” mà khởi, hành làm trợ duyên cho thức; hành bởi “si” mà khởi, si làm trợ duyên cho hành.
Bởi vì duyên “si” mới có “hành” duyên hành mới có “thức” duyên thức mới có “danh sắc” duyên danh sắc mới có “lục xứ”, duyên lục xứ mới có “xúc” duyên xúc mới có “thọ” duyên thọ mới có “ái” duyên ái mới có “thủ” duyên thủ mới có “hữu” duyên hữu mới có “sanh”, và duyên sanh mới có “lão bệnh tử”, và “ưu bi khổ não” vậy.
Lại cũng dùng trí huệ mà quan sát: không có “sanh” thời không có “lão tử”, không có “hữu” thời không có sanh, không có “thủ” thời không có hữu, không có “ái” thời không có thủ, không có “thọ” thời không có ái, không có “xúc” thời không có thọ, không có “lục xứ” thời không có xúc, không có “danh sắc” thời không có lục xứ, không có “thức” thời không có danh sắc, không có “hành” thời không có thức, và không có “si” thời không có hành.
Vậy nên “si” diệt thời “hành” diệt, hành diệt thời “thức” diệt, thời “danh sắc” diệt, danh sắc diệt thời “lục xứ” diệt, lục xứ diệt thời “xúc” diệt, xúc diệt thời “thọ” diệt, thọ diệt thời “ái” diệt, ái diệt thời “thủ” diệt, thủ diệt thời “hữu” diệt, hữu diệt thời “sanh” diệt, sanh diệt thời lão tử và ưu bi khổ não cũng diệt hết.
Chính lúc Bồ tát suy nghĩ và quan sát như thế, thời phát sanh ra nào là: trí kiến, pháp nhãn, giác ngộ, sáng tỏ, thông suốt, trí huệ và chứng đạo.
Bồ tát dùng trí quan sát 12 nhơn duyên bằng cách: thuận đi và nghịch về, (thuật ngữ lưu chuyển “đi” và hoàn diệt “vê”) đúng như thật mà hiểu biết và đúng như thật mà thấy biết xong, tức thì chứng được quả chánh đẳng chánh giác cao tột.
Kinh Trường A Hàm
Trộm nghĩ :
Trong thập nhị nhân duyên từ vô minh tới lão tử thì thọ, ái là nhận vào và quyến luyến là gốc dẫn tới luân hồi sinh diệt. Sinh diệt từ ý niệm tới hành động hành vi để từ đó nuôi dưỡng cái ta không thật trong vô minh không sáng tỏ che mờ cái tánh sáng suốt rõ biết.
Vậy trong thập nhị nhân duyên để phá cái vô minh thì ái là cái cần phá trong mắc xích đó đầu tiên. Ái là sự yêu mến ưu thích, nhưng làm chủ cái yêu thích là ở thức. Và như ta đã biết có tất cả tám thức, trong đó sự suy nghĩ nhận biết nằm ở ý thức. Nên tu là chuyển ý thức nhận biết nghĩ suy thành ý nghĩ tốt, ý niệm tốt sau đó dần dần thay đổi từ ý tới thân khẩu cho hợp đạo đẻ ngày tái sinh sẽ về được chốn an lành (cần nhất là cõi người tuy còn đam mê và hoài nghi, tham muốn) nhưng vẫn tiềm ẩn một cơ hội để giải thoát vì tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh mà con người hơn mọi loài chúng sinh nhờ có một cái Tâm (Tánh sáng suốt rõ biết)…
—- Vua Lăng Già hỏi Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Chúng sanh chết rồi, trong khi chưa sanh thân sau, thời thần thức ở chỗ nào?
Phật đáp: Đại Vương, như hột giống sanh mộng, hột giống diệt trước, rồi sau sanh mộng, hay là mộng sanh rồi mà sau hột giống mới diệt, hoặc là khi hột giống diệt mà mộng sanh?
Nhà vua đáp: Khi hột giống diệt là mộng mới sanh.
Phật nói: Sanh diệt đồng thời không có cái nào trước sau. Tức là khi thức trước diệt cũng tức là khi thức sau sanh.
Kinh Lăng Già
—- Ngài Kiều Thi Ca thuyết về nhân duyên rằng: Vô minh duyên hành, hành duyên thức cho đến duyên sanh, lão, tử ưu bi khổ não.
Ngược lại: Vô minh diệt thời hành diệt, hành diệt thời thức diệt, cho đến lão tử diệt rồi ưu bi khổ não cũng diệt theo. Bởi vì nó theo các duyên mà có, chớ đâu có chủ tể!
Kinh Đại Trang Nghiêm
—- Vua Di Lan hỏi ngài Na tiên: Thưa Tôn giả! Thân tâm hiện tại với thân tâm vị lai là đồng hay chăng?
Ngài Na Tiên đáp: Chẳng phải vậy, thân tâm hiện tại làm nghiệp lành dữ, vì nghiệp ấy mà sanh ra thân tâm khác.
Nhà vua nói: Vậy thời cái thân tâm mới sanh chẳng cùng với ác nghiệp biệt ly sao?
Ngài đáp: Nếu thân tâm chẳng sanh thời không có. Nhưng thân tâm quyết định có sanh, nên ác nghiệp không thể xa lìa được. Ví như có người cầm đèn lửa trèo lên nóc nhà mình, lợp bằng rơm, đốm lửa rớt, nhà bị cháy, và ngọn lửa dữ lan dần cháy đến cả làng. Bấy giờ người làng mới bắt được kẻ gây hỏa hoạn mà trách rằng: Sao ngươi đốt làng ta, vì cớ chi?
Kẻ ấy đáp: Ta chẳng phải đốt làng ngươi, không may đốm lửa rơi trên nóc nhà ta mà thôi. Cái lửa ở trên cây đèn với lửa cháy nhà khác biệt vậy. Đó là lời đáp có chắc đúng vậy chăng?
Nhà vua đáp: Không phải, lửa cháy làng mà có là bắt đầu từ lửa cây đèn.
Ngài nói: Phải. Thật như vậy.
Sanh thân tâm đời trước cũng với thân tâm sanh sau là hai vật sai khác; nhưng thân tâm sẽ sanh sau đây là cái kết quả của đời hiện tại vậy, cho nên cùng với ác nghiệp chẳng rời nhau được.
Kinh Na Tiên Tỳ Kheo
—- Hết thảy chúng sanh từ hồi nào đến giờ lắm nhiều điên đảo, lầm nhận bốn đại là tướng của tự thân, và sáu món trần duyên ảnh là tướng của tự tâm; in như người bị bệnh mắt lầm thấy hoa đốm giữa không trung, và mặt trăng thứ hai. Mà giữa không đâu có hoa, vì bệnh mà lầm thấy vậy. Cho nên bị sanh tử trôi lăn gọi đó là vô minh.
Kinh Viên Giác
—- Vua nước Ma La Đà hỏi đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn: Tất cả chúng sanh vì sao gây nghiệp?
Đức Phật đáp: Vì nó nương ngã kiến rồi sanh điên đảo phân biệt. Điên đảo phân biệt chính là mê lầm, bởi mê nên gây nghiệp, rồi vì nghiệp mà chẳng được giải thoát.
Vua hỏi: Vậy thời các ngã kiến ấy do đâu mà có?
Đức Phật đáp: Lấy vô minh làm cội gốc mà có.
Vua hỏi: Vô minh lấy cái gì làm cô? gốc?
Đức Phật đáp: Do ý nghĩ trái lý làm gốc.
Vua hỏi: Ý nghĩ trái lý lấy gì làm gốc?
Phật đáp: Do lòng bất bình đẳng làm gốc.
Vua hỏi: Lòng bất bình đẳng là cái chi?
Phật đáp: Từ hồi nào đến giờ, thật chẳng biết đúng nghĩa, gọi là lòng bất bình đẳng.
Nhà vua hỏi thêm: Kính bạch Đức Thế Tôn! Cái nghĩa ấy như thế nào?
Phật đáp: Nghĩa là “Thật bất như tri” là với “không” chấp là “có”. Nếu đối tất cả pháp ly trần ly kiến mà nói đúng như thế, là lời nói chơn thật vậy.
Kinh Pháp Tập
—- Nghĩ nhớ thân ta nên sanh khởi thân nghiệp, nghĩ nhớ lời ta nên khởi khẩu nghiệp; nghĩ nhớ ý ta nên sanh ý nghiệp. Rồi sanh khởi nào là: tham lam, giận dữ, lười biếng, tán loạn, phạm giới và ác tâm, phá hoại sáu món Ba la mật đa. Những người như thế chẳng gọi là Bồ Tát được.
Kinh Bát Nhã
Lại một đại nhân duyên khác, người viết khi học đến “Phật Học tinh yếu” của HT Thích Thiền Tâm có giải thích về Sự và Lý trong thuyết luân hồi, kính đa tạ và tri ân đức Ngài và kính xin được chia sẻ để chúng ta cùng nhau tu tập nhé.
“Các học giả Âu Tây trong khi nghiên cứu về tôn giáo Ðông phương, đều cho rằng vấn đề “Luân hồi nhân quả”, có thể gọi là giáo lý cốt yếu của nhà Phật. Riêng về thuyết luân hồi, nếu nhìn khái quát, có hai phương diện: sự và lý.
Về phần lý, Luân” là bánh xe, “hồi” có nghĩa xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một tượng trưng rất rõ ràng, mà đức Phật đã dùng để ví cho sự lên xuống xoay vần của chúng sanh trong lục đạo. Tất cả loài hữu tình đều theo luật sanh, trụ, dị, diệt, khi ở cõi này, lúc đến nẻo khác, sự sống chết mãi tiếp nối không biết khi nào cùng tận, dường như bánh xe lăn.
Và luân hồi là một thuyết có chứng nghiệm, không phải hoang đường.
Sở dĩ Phật giáo nói ra thuyết luân hồi, là để phá lối chấp đoạn và thường của thế gian cùng ngoại đạo.
— Về lối chấp đoạn, có kẻ cho rằng loài người cũng như loài vật, khi chết rồi thì cả linh hồn và thể xác đều tiêu hoại, không có đời sau. Thuyết này không đúng, vì xưa nay trong thế giới, Ðông cũng như Tây phương, rất nhiều sự thật chứng minh con người có chuyển kiếp ở đời sau. Vả lại, nếu cho rằng không có việc tội phước liên quan đến đời sau, thì xã hội không yên, thế giới này đại loạn, con người tha hồ tạo đủ những việc ác, không ai tu thiện làm gì, bởi chết rồi là mất. Cho nên lối chấp đoạn đã sai lầm, lại còn rất nguy hiểm.
— Đến như lối chấp thường, có nhiều kẻ quan niệm tất cả chúng sanh khi chết rồi, linh hồn vẫn mãi tồn tại, kiếp sau loài người vĩnh viễn làm người, loài vật vĩnh viễn làm vật. Hoặc có kẻ bảo: nếu biết đặt hết lòng tin tưởng, vâng lời một đấng thiêng liêng, thì sẽ được sanh lên cõi thiên đường, vĩnh viễn hưởng mọi sự khoái lạc. Bằng trái lại, tất bị đọa xuống địa ngục, chịu cực hình khổ sở đời đời. Hai lối chấp thường sau này đã không đúng lại nguy hiểm.
Vì nếu con người vẫn mãi được làm người không bị sa đọa, thì không ai cần phải tu thiện, nhơn loại sẽ dùng tất cả thủ đoạn xảo trá, làm đủ các điều ác, để hưởng mọi thú vui. Còn nếu bảo: biết tin tưởng vâng lời đấng thiêng liêng, sẽ được hưởng phước thiên đường mãi mãi, trái lại phải vĩnh viễn bị khổ ở địa ngục, lại cũng sai lầm.
Theo sự nhận xét thông thường, mọi người đều nghiệm thấy trong đời không vật gì có thể vĩnh viễn ở yên một chỗ, mà trái lại luôn luôn biến đổi và xê dịch. Còn gì bất công và vô lý hơn, là chỉ gieo nhân trong một thời gian ngắn ngủi, mà phải chịu kết quả vui khổ vĩnh viễn ở tương lai.
Theo Phật giáo, chúng sanh tùy nơi nghiệp thiện ác mà luân hồi trong sáu nẻo. Loài hữu tình sở dĩ bị sống chết xoay vần, là bởi còn có tâm chấp ngã. Nếu dứt trừ ngã chấp, hành giả sẽ trở về tánh bản chân thanh tịnh, mà thoát khỏi luân hồi.
Vĩnh Gia Huyền Giác đại sư đã bảo:
“Quả báo vui khổ đều do tâm tạo ra.
Tâm nóng giận, tà dâm, độc ác là nghiệp Ðịa ngục.
Tâm tham lam, bỏn sẻn là nghiệp Ngạ quỉ.
Tâm ngu si, hôn ám là nghiệp Bàng sanh.
Tâm ngã mạn, cống cao là nghiệp Tu la.
Giữ tròn năm giới là nghiệp Người.
Tinh tu mười điều lành là nghiệp Trời.
Chứng ngộ nhơn không là nghiệp Thanh Văn.
Rõ pháp nhân duyên là nghiệp Duyên Giác.
Tu hành sáu độ là nghiệp Bồ Tát.
Lòng chân từ bình đẳng là nghiệp Phật.
Nếu tâm trong sạch thì hóa sanh về Tịnh độ, ở nơi bảo cát, hương đài.
Tâm dơ nhiễm thì gởi chất nơi uế bang, ở cõi núi gò hầm hố.
Muôn cảnh đều do tâm tạo, lìa nguồn tâm ra không có hình thể chi.
Vậy muốn hưởng quả lành, phải tu nhân tịnh!”
Những lời của Vĩnh Gia đại sư trên đây, tuy vắn tắt, nhưng đã thuyết minh lý luân hồi trong sáu nẻo, và đề cập rõ ràng nhân quả của mười pháp giới.
Cho nên khi chúng ta đã rõ biết luật nhân quả, thì cũng chẳng thể từ chối không công nhận thuyết luân hồi. Bởi luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục nhưng vì chúng sanh tùy theo nghiệp duyên, khi còn lúc mất, khi biến hiện lên xuống, lúc thay dạng đổi hình, nên nhiều người lầm tưởng cho là gián đoạn. Kỳ thật trong ấy có những ảnh hưởng chi phối lẫn nhau từ kiếp này sang kiếp khác, duy những bậc đã chứng nhơn không mới thoát khỏi vòng chi phối đó mà thôi.
Về phần sự luân hồi, có thể tóm tắt trong lục đại là: đất, nước, gió, lửa, hư không và thức tánh.
Về sự luân hồi của địa đại: như một cái ly trước kia là đất, qua một thời gian nó sẽ bể nát thành ra cát bụi. Cát bụi này làm phân bón để thành thức ăn và sắc chất của cây cỏ. Cây cỏ lại làm thực phẩm và thành máu thịt loài động vật. Thân thể của các động vật khi chết rồi lại trở thành đất bụi.
Về sự luân hồi của thủy đại: như nước về sông biển bị sức nóng của ánh mặt trời bốc lên thành hơi. Hơi bay lên hư không tụ lại thành mây. Mây gặp gió lạnh, kết đọng rơi xuống thành mưa. Nước mưa chảy xuống ao hồ, gặp khí lạnh quá biến thành băng giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan trở lại thành nước.
Về sự luân hồi của phong đại: như gió là sự vận chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng của mặt trời, giản ra bốc lên cao làm thành những khoảng trống. Ðể bù vào những khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì thành gió nhỏ, xê dịch mau thành gió to, xê dịch nhanh nữa lại thành ra bão.
Về sự luân hồi của hỏa đại: như lửa là sức nóng làm cháy được vật, khi đủ nhân duyên nó sẽ phát ra. Chẳng hạn như hai thanh gỗ khô, khi cọ xát nhau một hồi thì phát ra lửa. Lửa này có thể đốt củi, củi bị đốt một phần hóa ra tro than, một phần biến thành thán khí. Các thứ cây khác dùng rễ mình để rút lấy phân tro, dùng lá mình thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để ngày kia gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên.
Về sự luân hồi của không đại: như nơi một khoảng hư không, nếu cất nhà lên thì khoảng trống ấy phải mất; khi nhà đó tiêu hoại lại hoàn phục thành hư không. Lại như giữa một vùng đất đặc chẳng có hư không, nếu đào nơi đó thành những đường hầm rộng, tức thêm một phần hư không, và nếu lấp đường hầm đi thì hư không chỗ ấy phải mất. Và như thế giới này đến kiếp hoại của thủy tai, từ cõi Tam thiền trở xuống đều thành hư không, sang lúc kiếp thành thì khoảng hư không ấy bị lấn mất một phần lớn bởi non sông vạn hữu.
Ðến sự luân hồi của thức đại, thì thức tánh của chúng sanh vẫn không phải cố định. Nếu loài hữu tình gặp nhân duyên tốt, có thể đổi thành tánh hiền lành, gặp nhân duyên xấu có thể trở thành tánh hung dữ. Cho đến người học môn này có cái biết của môn này, học môn khác có cái biết của môn khác.
Ðại khái, trong lục đại, có sự luân hồi của cảnh giới, tức là khí thế gian; và sự luân hồi của chúng sanh, tức là hữu tình thế gian.
Sự luân hồi về khí thế gian duy thuộc năm đại trước, sự luân hồi về hữu tình thế gian gồm cả sáu đại. Sáu đại này lan tràn khắp vũ trụ, nên kinh Lăng Nghiêm nói: “Tánh thủy là chân không, tánh không là chân thủy, đương xứ mà xuất sanh, tùy xứ mà hoại diệt, tánh nó vẫn bản nhiên trong sạch và đầy khắp cả pháp giới”. Thủy đại đã như thế, thì các đại kia cũng vậy. Kinh Phạm Võng cũng bảo: “Tất cả đất, nước, gió, lửa đều là thân trước và cũng là bản thể của ta”. Hai đoạn kinh trên, có thể tiêu biểu cho sự luân hồi của hữu tình và khí thế gian.
Tuy nhiên, bản hoài ra đời của Như Lai, là đưa chúng sanh thoát khỏi nỗi khổ sanh tử, chứng lên cực quả Niết bàn.
Cho nên trọng tâm thuyết luân hồi của Phật giáo, điểm chính là chỉ cho sự sống chết xoay vần của chúng sanh.”
Dựa vào lời kết luận của HT Thích Thiền Tâm “Muốn thoát nỗi khổ luân hồi này, người tu Phật phải đi trên con đường “vô ngã” Còn sự luân hồi của cảnh giới, tức khí thế gian, chẳng qua là một điểm bàn thêm, để chúng ta hiểu rộng về thuyết này đấy thôi.”
Nhân đấy người viết kính xin nhắc lại trong kinh “Đại Trang Nghiêm” có ghi:
—- Có người Bà La môn tên là Thân Giao nghe nói lý vô ngã, nghĩ rằng: “Nếu mà vô ngã, vậy thì cái gì đến đời sau?”.
Ngài Kiều Thi Ca trả lời: Tùy theo các hành nghiệp phiền não đời quá khứ mà được thân hiện tại này; với đời hiện tại này lại gây nên các hành nghiệp nữa, mà được thân đời vị lai.
Ví như hột giống nhờ các trợ duyên hòa hợp mà mộng sanh; hột giống này nó sanh mộng cần các trợ duyên, cái mộng nó thêm lớn hột giống cần phải diệt; vì hột giống diệt nên vô thường, vì mộng sanh nên chẳng đoạn.
Do đó nên Phật nói lãnh thọ thân cũng giống như vậy. Tuy là vô ngã mà nghiệp báo chẳng sai mất.
Bà La Môn lại hỏi: Tôi nghe lý vô ngã được hiểu phần nào nhưng hãy còn chút nghi này nữa. Nếu là vô ngã thời những việc làm đã qua mà sao nghĩ nhớ mà chẳng quên?
Đáp: Vì có niệm giác nó tương ưng với tâm, nhớ nghĩ những việc cả ba đời mà chẳng quên mất.
Lại hỏi nữa: Nếu vô ngã thời quá khứ đã diệt, hiện tại tâm sanh, sanh diệt đã khác; làm sao giữ nhớ chẳng quên?
Đáp: Mọi loài thọ sanh lấy thức làm hột giống, cho nên khi vào trong đám ruộng mẫu thai, nhờ nước ái thủy mà thấm nhuần, thân cây mới được sống; in như hột đào theo loài mà sanh. Thân đời này gây nghiệp; có năng lực cảm thành thân đời sau; nhưng chẳng phải thân đời này mà sanh ra thân đời sau được. Nó chỉ nương nghiệp nhơn duyên mà lãnh chịu thân sau vậy thôi. Sanh diệt tuy khác mà nối nhau chẳng dứt.
Lời kết:
Tu đạo là tu tâm, dưỡng tánh để đưa tâm uyên nguyên không tịch là chơn như Phật tánh về trạng thái thanh tịnh vốn có ban đầu, để từ đó nghiệp giảm hóa, phước đầy đủ, đức tròn sáng ngõ hầu nhập thể kiến tánh giải thoát.
Tu đạo không đâu xa là tu nơi tâm mình, đảnh lễ quy y Phật là quay lại tâm tánh mình mà thủ giữ đạo, là nơi tâm tánh chơn thật mà hành đạo, là nơi tâm mà sống đạo, là nơi tánh mà giải thoát đạo.
Tánh giác ngộ là sự sáng rõ, sự thấu suốt, sự rõ biết các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt. Các pháp đã không thật thì cái ta tổng hợp từ duyên các pháp cũng không chắc thật, cái ta không thật thì cũng không có thọ, ái, thủ hữu dẫn tới lão tử vô thường bởi cái gốc cội vô minh.
Vậy đạo là thân khẩu ý chơn chánh trong cái tâm thanh tịnh, yên bình. Mà gốc đạo là ở nơi tâm tánh.
Học rằng:
“Còn luân hồi tránh sao xoay vần sáu nẻo(1)
Nghĩa là không bao giờ thoát được KHỔ, VUI
Tập khí xấu từ thân, khẩu, ý…từng luyện trui
Sai biệt nhau trong cảnh đời bể dâu diễn biến!
Thao thức …
… Phước tròn, Đức sáng cách nào… phương tiện?
Trở về nguồn chân, cần chặt đứt vô minh
Biết nhân, quả trái… bồi dưỡng tâm linh
Và… giáo pháp Phật cốt tủy “Lý duyên khởi”
Tránh sáu giặc, ra khỏi lậu hoặc… chỉ đi tới
Diệt trừ tham ái, bất tịnh cấu uế của Tâm
12 vòng mắt xích do “ Chấp Ngã ” sai lầm
Kính Pháp Cú “Bụi Ô Nhiễm”… sâu sắc thấm thía.(2)
Hãy tẩy sạch, tinh tấn nương kinh lý nghĩa !!!
Rõ biết vô thường, vô ngã,khổ, Niết Bàn
Muốn đến bờ giải thoát… đừng ly khỏi thế gian
Nơi tâm tánh chân thật… sống Đạo và Hành Đạo!
Huệ Hương
___________________________
(1)
sáu nẻo chính là sáu cảnh giới trời, người, Atula, ngạ quỷ, địa ngục và súc sanh, con người phải tiếp tục trôi lăn mãi mãi ở đó.
(2)
Tham ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ lòng tham.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch tham lam,
Và sống đúng giáo pháp bậc vô nhiễm.
Sân ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính để dùng để chỉ hận sân.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch lòng sân,
Và sống đúng giáo pháp bậc vô hận.
Si ô nhiễm, chẳng phải là bụi bẩn.
Ô nhiễm chính dùng để chỉ ám si.
Các Tỳ-kheo, hãy tẩy sạch si đi,
Giáo pháp bậc không si, nên theo đúng.
(Kệ pháp cú theo tích truyện Phật dạy Ngài Châu Lợi Bàn Đặc)