Tản Mạn Về Thiện Tri Thức

( Sưu tầm và tham khảo Kinh Lời Vàng do HT Thích Trí Nghiêm Việt dịch từ nguyên bản Hán Văn của nữ cư sĩ Phật Tử Dương Tú Hạc )

Theo lời HT Thích Trí Nghiêm thì nguyên danh bằng Hán Văn có nghĩa là PHẬT GIÁO THÁNH KINH do nữ Phật Tử cư sĩ Dương Tú Hạc dầy công nghiên cứu và biên soạn từ năm 1957 và đã trích yếu từ ba tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận gồm 177 câu hơn 10 vạn lời ….mà phần lớn từ những bộ kinh vĩ đại nhất của Phật Giáo. Đó là:

—- Bộ Đại Bát Nhã gồm 600 quyển
—- Bộ Tạo Thí Dụ gồm 80 quyển
—- Kinh Hoa Nghiêm gồm 80 quyển

Nhân gặp phẩm Thầy và đệ tử trong mục lục CHƯƠNG III của Kinh Lời Vàng có nói đến Thiện Tri Thức, người viết trong suốt cuộc đời đã được gần gũi nhiều thiện tri thức dưới hình ảnh của một người bạn đồng hạnh và những bậc Thầy đáng kính thường giúp giải rõ nhiều mối nghi nan.
Kính dâng bài viết này với tất cả lòng tri ân đến quý thiện tri thức mà người viết được gần gũi trong Đạo và ngoài đời.

Kính trân trọng,

Thiện tri thức cũng gọi là Thiện hữu, Đạo hữu, là danh từ chỉ một người bạn đạo. Trong thời Phật Giáo Nguyên thuỷ, danh từ này được dùng để chỉ một vị tăng đầy đủ những đạo hạnh như nắm vững lý thuyết Phật pháp và tinh thông thiền định, có thể giúp đỡ những vị khác trên con đường tu học.

Hoà Thượng Tuyên Hoá thì cho rằng “ Nói một cách đơn giản, Thiện-tri-thức tức là người có trí huệ, ác tri thức tức là người ngu si. Thiện-tri-thức thì có chính tri chính kiến, ác tri thức thì có tà tri tà kiến, hiểu biết sai lầm, tà vạy. Nếu điều gì hợp với Phật Pháp thì đó là chính tri chính kiến, hiểu biết chân chính. Nếu điều gì không hợp với Phật Pháp thì là tà tri tà kiến ”.

Theo Wikipedia :Thiện tri thức được phân loại thành ba hạng:

1. Giáo thụ thiện tri thức, là những người có khả năng hướng dẫn, dạy dỗ trên con đường tu hành, là bậc thầy;
2. Đồng hành thiện tri thức, là những người đồng chí, đồng hạnh, tức là người bạn tốt, trung thành;
3. Ngoại hộ thiện tri thức, là những người giúp cho những tiện nghi, tạo điều kiện tốt cho người tu hành.

Đức Phật thường dạy rằng “ Nên quý trọng tình bạn trên con đường giải thoát ”. Ngài thường thuyết giảng: “ Cả một cuộc đời tầm đạo đều lấy tình bạn làm căn bản… Một Tỳ Kheo, một Thiện tri thức, một người bạn đồng hành – từ một vị này người ta có thể mong đợi rằng, ông ta sẽ tinh cần tu học Bát Chánh Đạo để đạt giải thoát cho chính mình và những người bạn đồng hành “.

Dần dần, danh từ này cũng thường được sử dụng để chỉ những người tìm đạo, trong giới Cư Sĩ và cả trong tăng già những bài thuyết pháp, các vị Thiền sư thường dùng các biểu thị Thiện tri thức, Đạo lưu… để chỉ những người hâm mộ Phật pháp đang chú tâm lắng nghe.

Trong kinh Tương ưng bộ, chương “Với người Thiện” Phật giảng cho Chư Tiên

Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Giải thoát mọi khổ đau.

Riêng trong kinh Lời Vàng ta tìm thấy những câu sau:

—- Kẻ Thiện tri thức nói lời đúng pháp, đúng như lời nói mà làm. Thế nào gọi là nói đúng pháp, và đúng như lời nói mà làm? Nghĩa là tự mình chẳng sát sanh, chẳng dạy người khác sát, cho đến tự mình tu chánh kiến và dạy người cũng tu chánh kiến; nếu ai được như vậy, mới được gọi là chơn chánh Thiện tri thức. Lại nữa tự tu đạo Bồ Đề và dạy người cũng tu Bồ Đề, vì nghĩa ấy nên gọi là Thiện tri thức. Hoặc là tự có thể tu hạnh tín, giới, bố thí, đa văn, trí huệ và cũng có thể dạy người tu hành tín, giới, bố thí, đa văn, trí huệ, vì những lẽ đó mà gọi là Thiện tri thức. Kẻ thiện tri thức cần phải có pháp lành. Pháp lành gì? Là việc mình tự chẳng cầu vui cho mình mà thường vì cầu vui cho chúng sanh. Khi thấy người có lỗi mình chẳng nên nói điều dở mà thường nói điều trọn lành. Bởi những nghĩa đó mà gọi là Thiện tri thức.

Kinh Niết Bàn

** Cần cầu kẻ Thiện tri thức, thân tâm đừng sanh mệt mỏi,
thấy Thiện tri thức đừng sanh lòng nhàm chán;
học hỏi với Thiện tri thức, đừng sợ khó nhọc;
gần gủi Thiện tri thức đừng thối lui,
cúng dường Thiện tri thức đừng cho gián đoạn;
tùy thuận theo lời dạy dỗ của Thiện tri thức mà đừng chống trái;
những công đức của Thiện tri thức, đừng sanh lòng nghi;
khi Thiện tri thức diễn nói, phải quyết định mở cửa lòng xuất ly mà nghe;
nhân thấy Thiện tri thức tùy thuận theo hạnh phiền não, đừng sanh lòng hiềm quái.
Đối với Thiện tri thức phải lòng tin vững chắc đừng biến đổi.

Tại sao? Vì Bồ tát nhờ Thiện tri thức mà được học hỏi các hạnh Bồ Tát. Do đó mới được thành tựu tất cả công đức của Bồ tát và được xuất sanh đại nguyện cùng là trí huệ quang minh rực rỡ.

Và cũng nhờ đó mới được dẫn phát thiện căn Bồ tát và chứng được Đạo quả Như Lai bồ đề, để nhiếp lấy hạnh mầu nhiệm và sức tự tại cùng là xuất sanh sức đại từ đại bi của Bồ tát vậy.

Nầy Thiện nam tử!

Bồ tát nhờ sự giúp đỡ của Thiện tri thức mà chẳng sa đọa ác thú;
nương nhờ sự thành tựu của Thiện tri thức mà được tự tại thọ sanh;
nương nhờ sức mạnh của Thiện tri thức mà phá tan nghiệp báo;
nhờ mặc áo giáp nhẫn nhục của Thiện tri thức mà chẳng bị một lời nói xấu ác; v
à nương nhờ sự sanh trưởng của Thiện tri thức mà tiêu diệt được các tội lỗi kiêu mạn vậy.

Kinh Hoa Nghiêm

** Đừng làm việc chung với kẻ ác tri thức và đứa ngu, mà phải giao kết với kẻ thiện tri thức và người trí. Con người vốn không phải ác nếu gần gui?kẻ ác về sau thành người ác, thời tiếng xấu đồn khắp thiên hạ. Mà thiện tri thức thì trái lại. Cho nên cần phải gần gũi.
Kinh Tăng Nhất A Hàm

** Phật dạy về Thiện Tri Thức như sau:

Thiện tri thức có 4 thứ:
1. Bề ngoài hình như không tốt, mà bên trong có ý tốt
2. Thẳng thắn can gián ngay trước mặt mà sau lưng thì vẫn nói điều tốt của bạn
3. Những khi đau ốm, hoặc bị huyện quan đòi hỏi, hay phải đi chinh chiến thời lo lắng tìm hết cách che chở giải cứu.
4. Thấy kẻ nghèo cùng không nỡ bỏ qua, thường nghĩ tìm phương tiện khiến cho được giàu có

Thiện tri thức cũng có 4 thứ:
1. Thấy kẻ nghèo cùng quẫn bách, khiến cho họ có phương sanh kế
2. Không khi nào tranh cãi cùng nhau
3. Thường hỏi thăm tin tức với nhau
4. Thường nghĩ nhớ nhau những lúc gặp gỡ

Thiện tri thức cũng có 4 thứ nữa:
1. Bị quan nã bắt đem giấu kín thì tìm cách giải cứu
2. Khi bị đau ốm thì đến thăm viếng giúp đỡ
3. Khi bạn chết chóc đến xem sóc tẩm liệm
4. Bạn đã qua đời, về sau cứ nghĩ nhớ mãi!

Thiện tri thức lại có 4 điều:
1. Muốn đấu tranh là ngăn cản ngay
2. Muốn làm bạn với ác tri thức là can gián liền
3. Chẳng muốn làm việc để sanh sống thì khuyên nhủ nên làm việc để sanh sống
4. Chẳng biết kinh giáo đạo lý thì dạy cho hiểu biết, và sanh lòng tin vui mừng

Theo kinh Lục Phương Lễ

Hơn thế nữa, Bạn lành là đồng hạnh Thiện tri thức cho nên :
—- Nếu ai gần gũi với bạn trí huệ và hiền lành thời có thể khiến cho nội tâm và ngoại thân đều được trong sạch. Thế mới gọi là bậc trượng phu chơn thiện.
Kinh Đại Trang Nghiêm
—— Bạn hiền là nền tảng của muôn phước; đời hiện tại này khỏi nạn lao ngục quan vua; sau khi chết đóng bít được cửa tam đồ ác đạo vậy. Có thể lên trời đắc Đạo, ấy là đều nhờ sức giúp đỡ của Hiền hữu vậy.
Kinh Hoan Dự

Mừng cho bạn … đại phước duyên,
…. được gần gũi Thiện Tri Thức!
Quý nhất khi kề cận bậc Thầy
…. giúp giải rõ mọi nghi nan.
Sẽ hấp thu nhiều đạo nghĩa từ bạn đồng trang
Và từ đó …
Thường tự tuỳ thuận thấm nhuần Đạo Đức!

Bạn có biết chăng ….
Học được điều gì hay, nhớ gìn giữ…tự lục
Chẳng vì lời nói ai khác … mà lánh xa
Việc khó nhẫn mà nhẫn được …do tâm ta
Luôn trân quý nhau, tình thâm như núi, đất (1)

Rừng Y Lan …chỉ một cây Chiên Đàn hương phủ khắp (2)
Bạn có biết …
Từ Thiện tri thức … xuất sanh trí huệ quang minh
Khi lắng nghe nhau, học hỏi hiểu biết ..tận tình
Đối đãi một lòng …
Thành tín, thành giới, thành văn, thành khí
Kính mừng bạn hai đại nhân duyên toại ý (3)

Huệ Hương

_________________

(1) Quý tựa như núi? Ví như loại chim thú tập trung đậu trên quả núi vàng thời lông vảy của chúng nó đều sáng vàng rực rỡ; nghĩa là mình được sang trọng cũng khiến cho bạn được vinh hiển, giàu sang chung cùng vui vẻ; ấy là bạn như núi.
Quý tựa như đất? Là trăm giống và của báu tất cả đều bao cấp cho bạn, thí cấp dưỡng hộ ân hậu rất đậm đà, ấy là bạn như đất vậy.

(2) YLan có mùi hôi nhưng hương Ngưu Đầu Chiên thơm ngào ngạt

(3) Nhân duyên được nghe Chánh Pháp là gần gũi được bạn lành
Nhân duyên có được Đức tin là SUY NGHĨ NGHĨA LÝ CỦA PHÁP.”

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.