Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải Vô Thượng Niết Bàn Ch.3 – Ch.11

Trong Kinh A Hàm có kể một câu chuyện như sau:

Một hôm có vị Tỳ kheo đi khất thực về, sau khi thọ thực xong thì Ngài vào rừng ngồi nhập định. Khi ấy có mấy người tiều phu đi ngang qua, thấy Ngài ngồi bất động đến rờ lỗ mũi thì biết Ngài không còn thở nữa. Họ cho là Ngài đã chết nên động lòng thương bèn đi kiếm củi dồn lại và đốt lửa lên thiêu. Hôm sau, họ gặp lại vị Tỳ kheo ấy đi khất thực khi nhận ra Y của Ngài bị cháy khá nhiều chỉ còn cái viền là không cháy. Lấy làm lạ, họ hỏi ra mới biết lúc đó Ngài đang nhập Diệt tận định. Như vậy khi nhập Diệt tận định thì không còn hơi thở và thân thể chỉ còn hơi ấm mà thôi. Lúc đó thân như đá, như cây, ai làm gì cũng không hay biết. Lúc thiền giả muốn xả ra thì xả. Thời gian nhập Diệt tận định có khi cả mấy chục năm hoặc mấy trăm năm. Đây là định của Tiểu thừa tức là khi nhập định thì con người quên hết mọi chuyện bên ngoài. Còn Đại thừa thì chủ trương khi đi, đứng, nằm, ngồi mà lúc nào cũng an nhiện tự tại tức là đừng để tâm chạy theo vọng tưởng. Khi vọng tưởng dấy lên thì “biết” và khi vọng tưởng lắng xuống thì cũng “biết”. Hết vọng tưởng thì tâm định bất luận chúng ta làm gì và ở đâu. Chính Lục Tổ Huệ Năng ngày xưa nếu thấy vị Tăng nào ngồi thiền là Ngài quở. Ngài bảo phải Thiền trong mọi sinh hoạt hằng ngày mới thật sự mang lại thanh tịnh thường trụ trong tâm. Đây là sự khác biệt giữa định Tiểu thừa và định Đại thừa.

Xét về phương diện phẩm chất thì vũ trụ chia làm ba từng bậc cao thấp khác nhau mà chúng ta gọi là tam giới. Đó là Dục giới, Sắc giới  và Vô sắc giới.

1)   Dục giới là cõi của loài hữu tình chưa xa lìa được dâm dục và thực dục. Trong dục giới có tất cả sáu loại chúng sinh là thiên (cõi trời), nhơn (cõi người), A-tu-la (cõi thần), súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

2)                     Sắc giới là cõi của loài hữu tình có hình sắc tốt đẹp và đã rời bỏ được dâm dục và thực dục. Trong cõi nầy có bốn từng tùy theo khả năng đi sâu vào thiền định mà chứng được.

Ø Sơ thiền tức là Ly sanh hỷ lạc có nghĩa là khi thiền giả phá được tất cả Tham-Sân-Si, dập tắt lửa ái dục thì vào được cõi nầy.

Ø Nhị thiền là Định sinh hỷ lạc tức là sau khi diệt được dục thì tâm được vui nhưng phải vào sâu trong thiền định để phá cái vui nầy để chỉ còn cái vui vi tế mà thôi.

Ø Tam thiền là Ly hỷ diệu lạc tức là cố gắng vào sâu trong thiền định để loại luôn cái vui vi tế để tâm hoàn toàn an tịnh.

Ø Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh tức là niệm vừa dấy lên tức thì dùng thiền quán mà xả bỏ luôn. Đây là cõi cao nhất trong Sắc giới và cũng là cõi hoàn toàn thanh tịnh.

3)               Vô sắc giới là cõi không có hình sắc. Các loài hữu tình sinh trong cõi nầy chỉ có tâm thức mà thôi chớ không có hình sắc. Cõi nầy cũng chia làm bốn bậc cao thấp của Tứ không định. Đó là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Vô sắc giới là cõi của hư vô mà Tứ không định là đi theo thiền của ngoại đạo. Vì thế trong Phật giáo chính Đức Phật đã khuyên đệ tử của Ngài không đi hướng nầy mà sau khi đạt đến Tứ thiền thì đi thẳng vào Diệt Thọ Định hay Diệt Thọ Tưởng Định mà chứng quả A La Hán. Nếu thiền giả ham mê mà vào sâu trong Tứ không định thì sẽ dễ dàng lạc vào ma cảnh và trở thành khùng điên, mất trí.

Chính bát chánh đạo là con đường giải thoát duy nhất ra khỏi vòng sinh tử cho nên Đức Phật lại dạy rằng:

“Con đường cao thượng nhất là Bát chánh đạo. Chân lý cao thượng nhất là Tứ Diệu Đế…Đó là con đường duy nhất, không còn con đường nào khác dẫn đến kiến tịnh. Hãy đi theo con đường ấy để sớm thoát khỏi mọi điên đảo của phiền não khổ đau”.

Sống trong điên đảo và phiền não khổ đau là vòng trầm luân khổ hãi mà chỉ có Bát chánh đạo mới trừ diệt được. Con đường trung đạo nầy không thể nào tìm thấy trong bất cứ giáo lý nào ngoài đạo Phật. Chính Đức Phật đã dạy Đại Đức Tu Bạt Đà La (Subhadda) trước khi Ngài nhập diệt:

“Không thể có được bậc Thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán trong bất cứ một tôn giáo nào nếu không có Bát chánh đạo. Nầy Tu Bạt Đà La, trong giáo lý nào có Bát chánh đạo thì tất có hàng Thánh nhân. Ở đây, trong giáo lý của Như Lai lại có con đường Bát chánh, tất nhiên phải có các bậc Thánh mà trong giáo lý khác không thể có được. Nếu chư đệ tử sống chân chánh thì thế gian không thiếu Thánh nhân”.

Tóm lại Bát chánh đạo là con đường chân chính có công năng chuyển hóa con người từ Tà sang Chánh và cũng là phương thức thực tiển để cải cách con người từ thân tới tâm và dẫn đến trí tuệ giải thoát. Thêm nữa, Bát chánh đạo được xem như một sợi dây thừng lớn được kết bởi tám sợi dây nhỏ. Nếu đem phân tách ra thì tuy thấy có tám nhưng thật sự chỉ có một vì tám sợi dây nhỏ ấy liên quan mật thiết với nhau. Thiếu một thì không thành sợi dây được. Trong Bát chánh đạo thì Chánh Kiến là quan trọng nhất vì sự thấy biết đúng dẫn đến suy tư và hành động đúng về sau. Chẳng hạn như thấy sợi dây nằm cong queo dưới đất mà cho là con rắn thì chúng ta đã thấy sai. Khi đã thấy sai thì dĩ nhiên bản chất tự nhiên sẽ khiến chúng ta nghĩ sai, nói sai và làm sai. Đức Phật sở dĩ thành Phật là vì Ngài thấy đúng. Còn chư Bồ tát sắp đạt đến quả vị Phật là vì các Ngài tập thấy đúng và dần dần thấy đúng cho tới mức triệt để.

Vì vậy:

Tu hành cần phải tự tại. Đừng để tâm vào lời dư luận phê bình: Họ nói bạn tốt hay phê bình bạn xấu. Đây chẳng phải là người ta sai, mà thật ra là tâm bạn không an định”.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.